Lê Phương (Vnexpress) - Vợ sinh bé trai 3,5 kg mới 3 ngày tại Bệnh viện Phụ sản Mêkông, anh Hùng ở quận Phú Nhuận, TP HCM, bức xúc vì bệnh viện yêu cầu phải ký giấy cam kết tiêm phòng văcxin viêm gan B cho con.
Sau khi y tá tư vấn về những lợi ích và tác dụng phụ có thể xảy ra sau tiêm văcxin cho con, anh Hùng được yêu cầu ký "Giấy đăng ký tự nguyện tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh". Giấy này có nội dung "Sau khi nghe nhân viên y tế giải thích về lợi ích và tác dụng phụ có thể có sau chủng ngừa viêm gan siêu vi B, tôi đồng ý chích ngừa... Gia đình chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này".
"Lúc nhà tôi sinh bé gái đầu tiên, bệnh viện không bắt ký giấy tờ gì nhưng vẫn tiêm phòng viêm gan B đầy đủ. Còn nay, sau vụ 3 em bé tử vong sau khi tiêm văcxin B, tôi phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm khi chích ngừa cho con nên thấy lo. Liệu có phải bệnh viện muốn đổ trách nhiệm về phía gia đình nếu có tai biến?", anh Hùng trao đổi với VnExpress.net.
Chung tâm trạng này, chị Hiền Mai ở quận Tân Bình, TP HCM, nói rằng việc phải ký giấy cam kết tiêm văcxin viêm gan B cho con khiến chị vẫn mang ám ảnh cho đến ngày nay. 4 năm trước, chị Mai sinh con đầu lòng đúng vào thời điểm cả nước xảy ra hàng loạt vụ trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm ngừa văcxin viêm gan B. Bất ngờ, chị được bệnh viện yêu cầu ký giấy cam kết trước khi tiêm phòng cho con.
"Vừa trải qua vô vàn nỗi đau đớn của lần vượt cạn đầu tiên, chưa kịp vui mừng khi con chào đời khỏe mạnh thì tôi lại phải đối mặt với một việc giống như buộc phải đặt cược sinh mạng con mình vào một tờ giấy", người mẹ nhớ lại cảm xúc khi ấy. Chị Mai nói rằng chị rất chia sẻ nỗi lo củac anh Hùng khi ký giấy cam kết chích ngừa cho con trong lúc các tai biến chết trẻ sau tiêm văcxin B chưa rõ nguyên nhân.
Trẻ sơ sinh trước khi tiêm phòng phải được người nhà ký vào tờ giấy đồng ý này. Ảnh: Lê Phương.
Trước thắc mắc của nhiều người nhà sản phụ, bác sĩ CK.II Lê Thị Hoàng Yến, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Mê kông TP HCM cho biết, theo quy định của bệnh viện, tất cả trẻ sơ sinh chích ngừa đều phải có sự đồng ý cam kết của người nhà. "Đây là quy trình nhiều năm nay, không phải đến khi có trẻ tử vong sau tiêm văcxin bệnh viện mới bắt người nhà đăng ký cam kết", bác sĩ Yến khẳng định.
Theo bác sĩ Yến, việc bắt buộc ký giấy không phải bệnh viện có ý chạy trách nhiệm hoặc muốn đổ bớt trách nhiệm về phía người bệnh. Bà giải thích: "Có thể nhiều người đã hiểu nhầm về ý nghĩa của tờ giấy đăng ký tự nguyện này. Mục đích là nhằm xác định bệnh viện đã giải thích cho người nhà sự cần thiết của chích ngừa và đã đồng ý chích, nhằm đề phòng trường hợp sau này nếu có chuyện gì xảy ra người nhà lại cho rằng bệnh viện tự ý bắt trẻ đi chích mà không hỏi ý kiến".
Cũng theo bác sĩ Yến, thông thường quy trình tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở bệnh viện được chia làm 2 nhóm đối tượng. Với nhóm sản phụ không mắc viêm gan B thì sau khi sinh con, trẻ được khám sàng lọc. Những bé bình thường sẽ được chích ngừa sớm 24 giờ đầu sau sinh. Nếu trẻ có vấn đề về sức khỏe như không ổn về tiêu hóa, hô hấp, bú chưa tốt, còn ói, ọc, có yếu tố nguy cơ như sinh non tháng, nhẹ cân... thì sẽ hoãn việc tiêm phòng.
Với nhóm sản phụ có kết quả xét nghiệm mắc viêm gan B thì sau khi chào đời, trẻ sẽ được đưa vào khoa sơ sinh. Những trẻ này phải chích một loại kháng thể để bảo vệ ngay rồi mới tiếp tục tiêm văcxin viêm gan B. Vào khoa sơ sinh, trẻ được theo dõi ít nhất là 2 tiếng đồng hồ. Sau khi chích ngừa xong cũng được tiếp tục theo dõi một thời gian, nếu bé hồng hào, bú tốt, ổn định thì mới đưa về với mẹ.
"Trường hợp có tai biến xảy ra sau tiêm hoặc các vấn đề thuộc về chuyên môn thì bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm. Những bé gặp các vấn đề như sưng đau tại chỗ chích, sốt... thì bệnh viện phải lo. Việc ký giấy là nhằm xác định người nhà đã đồng ý cho con chích ngừa chứ không phải bắt chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn nếu có vấn đề xảy ra ", bác sĩ Yến nhấn mạnh.
Tại nhiều bệnh viện, người nhà trẻ sơ sinh không cần phải ký giấy cam đoan mà chỉ nhận được sổ đã xác nhận ngày tiêm phòng. Ảnh: Lê Phương.
Một số bệnh viện phụ sản tại TP HCM như Bệnh viện Từ Dũ, các bệnh viện tuyến quận... đang áp dụng ngược lại Bệnh viện phụ sản Mê Kông.Những nơi này người nhà không cần phải ký giấy cam kết hay đăng ký tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Từ Anh, Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, tại bệnh viện nhân viên y tế sẽ tư vấn cho người nhà, nếu đồng ý tiêm thì không cần ký giấy nào cả vì đây là chương trình chủng ngừa quốc gia.
"Chỉ những trường hợp gia đình từ chối không tiêm chủng cho em bé thì người nhà phải ký tên xác nhận đã được nghe tư vấn của bác sĩ và không đồng ý chủng ngừa", bác sĩ Từ Anh cho biết.
Trong 2 ngày 20-21/7, 4 em bé sơ sinh lần lượt qua đời sau khi tiêm văcxin viêm gan B, trong đó có 3 em bé ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, cùng tử vong sau khi cùng chích ngừa. Các chuyên gia y tế cho rằng tai biến ở Quảng Trị là hiếm thấy và đáng lo. Bộ Y tế không thể tìm được nguyên nhân làm các cháu chết, mà tạm kết luận "do sốc phản vệ không rõ nguyên nhân". Hai lô văcxin liên quan đến tai biến này đã bị tạm dừng tiêm chủng trên cả nước. Một bác sĩ và một hộ sinh cũng bị đình chỉ công tác phục vụ điều tra. Nhiều phụ huynh trở nên hoang mang khi phải chích ngừa viêm gan B cho con trong vòng 24 giờ sau sinh, theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Lê Phương (Vnexpress)
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/song-khoe/nhip-song/buoc-nguoi-nha-ky-cam-ket-truoc-khi-tiem-vacxin-tre-so-sinh-2857510.html
http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/song-khoe/nhip-song/buoc-nguoi-nha-ky-cam-ket-truoc-khi-tiem-vacxin-tre-so-sinh-2857510.html