Chuyện bi hài ở thiên đường xã hội chủ nghĩa: "Tòa bắt dân đục tường để vào nhà" - Dân Làm Báo

Chuyện bi hài ở thiên đường xã hội chủ nghĩa: "Tòa bắt dân đục tường để vào nhà"

Tòa bắt dân đục tường để vào nhà


T.Chí (Dân trí) - Một trường hợp hiếm gặp xảy ra khi sau tuyên bố của Tòa án thì các hộ dân mất lối đi và không biết bằng cách nào để đi vào ngôi nhà của chính mình…

Dẫn vào lối đi duy nhất để lên tầng hai của căn nhà hai tầng từ số nhà 38-44 phố Đào Duy Từ (phường Hàng Buồm, Hà Nội), bà Hoàng Thị Tâm nói cả ba hộ dân trên tầng hai đang tự hỏi nếu bản án của Tòa được thi hành bịt lối đi thì không biết bằng cách nào để các hộ dân đi vào nhà…


Lối đi của duy nhất vào căn hộ của bà Tâm sau phán quyết của Tòa phải trả lại khiến cả ba hộ dân trên tầng hai của tòa nhà không biết vào nhà bằng cách nào

Tòa bịt lối đi


Tòa nhà từ số nhà 38 đến 44 phố Đào Duy Từ có lịch sử hơn 100 năm, được các hộ dân thuê lại từ trước năm 1985. Đến năm 2009, các hộ dân được phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàn Kiếm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân có nhu cầu mua lại. Đến năm1996, cha ông Nguyễn Khắc Trực (đại diện nguyên đơn) được Sở Nhà đất Hà Nội giao lại một gian tầng trệt và một phòng nhỏ trên tầng 2 của ngôi nhà.

Sau khi tiếp nhận căn hộ, ông Trực cho rằng các hộ dân đã lấn chiếm sân thượng của nhà mình để làm lối đi nên kiện ra tòa. Cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều đưa ra phán quyết ông Trực thắng kiện và buộc ba hộ dân trên tầng 2 của ngôi nhà phải trả lại toàn bộ diện tích trên tầng hai theo chiều thằng đứng tầng trệt, trong đó có lối đi duy nhất để vào ba căn hộ trên tầng hai.

Trước phán quyết của Tòa, bà Hoàng Thị Tâm, chủ căn hộ trên tầng hai bị Tòa bịt lối đi nói: “Giấy tờ sở hữu căn hộ của tôi đều có ghi ngoài diện tích sở hữu, còn có diện tịch phụ chung, trong đó có lối đi. Ngôi nhà này từ đời tôi thuê rồi mua lại của nhà nước đã có lối đi này. Tôi thực sự không biết có lối đi nào khác. Tòa ra phán xét vậy thì khác gì bắt người dân thành chim bay vào nhà”.

Đục tường nhà làm lối đi?


Trong phán quyết của Tòa thì bên phải thi hành án có trách nhiệm tự tạo lối đi cho mình. Tuy nhiên, các cơ quan có liên quan cũng khẳng định việc các hộ dân trên tầng hai của tòa nhà chỉ có lối đi duy nhất. Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội, đơn vị bán nhà cho các hộ dân cũng công nhận qua kiểm tra khẳng định: Vì chung một thửa đất nên các hộ dân ở tại tầng 2 số nhà 40 Đào Duy Từ đều đi bằng cầu thang nằm ở vị trí nhà 38 Đào Duy Từ. Ngoài ra, UBND phường Hàng Buồm cũng xác nhận lối đi các hộ dân tầng của tòa nhà chỉ có một lối đi từ phía cầu thang nhà 38.

Nói về tính khả thi việc thi hành án, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Bách Thắng, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm cho hay: “Trong quá trình thi hành thì phải tính tới yếu tố thực tế khách quan. Thứ nhất về tính khả thi, thứ hai là về quyền và lợi ích chính đáng của các bên.Chính vì thế đã hết thời gian tự nguyện thi hành án, điều kiện thi hành án đã có nhưng đến nay chúng tôi chưa tổ chức cưỡng chế được vì có những cái thực tế khách quan”.

Chi cục trưởng Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh: “Khó khăn hiện nay là các hộ quanh khu vực đấy, cũng như ý kiến trong các cơ quan từ phường tới quận hiện nay còn phải bàn tiếp tính khả thi trong quá trình thi hành án”.

Thừa nhận sau phán quyết của Tòa các hộ dân bị mất lối đi, ông Thắng nói người dân có thể đục tường để làm lối đi: “Đi cầu thang lên chiếu nghỉ cái là tường của nhà phải thi hành án, có thể đục, trỗ để tạo hành lang đi bên đấy. Nguyên tắc là như thế, nhưng thực tế làm phải có hội đồng, phải có chính quyền địa phương để bảo đảm tính khách quan”.

“Án chết”?


Điều đáng lưu ý là khi Tòa xử cho ông Trực thắng kiện, buộc các hộ dân phải trả lối đi duy nhất cho ông Trực thì Tòa lại không tuyên hủy quyền sử dụng nhà ở và sử dụng đất ở, trong đó quy định diện tích dùng chung là cầu thang thuộc lối đi duy nhất của các căn hộ.

Dẫn giải về phán quyết của Tòa, luật sư Bùi Quang Hưng Văn phòng BQH và cộng sự cho rằng: “Trong tình huống này nếu tòa tuyên cho ông Trực thắng kiện thì Tòa phải hủy giấy chứng nhận sử dụng nhà ở và đất ở của các hộ dân, trong đó có ghi phần diện tích phụ chung là lối đi. Tòa không hủy thì nghiễm nhiên công nhận các hộ dân quyền sử dụng diện tích chung là hợp pháp. Điều này sẽ dẫn đến tình huống khó xử cho thi hành án. Nói thẳng ra, không thể thi hàn án này được. Đây là bản án chết”.

Theo luật sư Hưng trước khi ra phán quyết ảnh hướng tới cuộc sống của ba hộ dân gồm hàng chục con người thì Tòa án cũng phải xét đến thực trạng lịch sử của khu phố cổ, phố cũ tại Hà Nội. "Bởi có nhiều hộ dân cùng chung sống hàng chục năm trời vẫn giữ nguyên trạng tòa nhà thì không thể mang một phán quyết của Tòa để cướp đi quyền cơ bản trong cuộc sống của người dân được", ông Hưng nói.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo