Diễn biến mới về giá đền bù đất trên địa bàn Hà Nội - Dân Làm Báo

Diễn biến mới về giá đền bù đất trên địa bàn Hà Nội

Cầu Nhật Tân - Ngày 18/7/2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 27/2013/QĐ-UBND (do Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký) quy định chi tiết giá đất ở làm căn cứ bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội. QĐ này có hiệu lực từ 27/7/2013 và không những điều chỉnh giá đối với đất ở mà còn điều chỉnh giá đền bù và hỗ trợ đất nông nghiệp, bởi khoản hỗ trợ đất nông nghiệp được tính bằng 30% giá trị đất ở trên cùng địa bàn. Chi tiết này, nếu bà con nông dân không tỉnh táo sẽ rất dễ bị các quan tham qua mặt.

Khoản 1 Điều 1 của Quyết định nêu rõ: Sau khi ra quyết định thu hồi đất, trong trường hợp giá đền bù chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường thì UBND quận/huyện nơi thu hồi đất tổ chức điều tra, khảo sát giá đất thực tế, đề xuất điều chỉnh làm căn cứ đền bù hỗ trợ phù hợp với thực tế, trình UBND TP phê duyệt.

Văn bản 27/2013/QĐ-UBND có điểm mới là không dùng cụm từ “SÁT với thực tế” như văn bản trước đây (như thế nào là sát thì không ai định nghĩa nên rất thiệt cho bà con mất đất). Thay vào đó, văn bản mới của UBND TP Hà Nội quy định lấy giá chuyển nhượng thực tế làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ. Tại khu vực cầu Nhật Tân, ngay từ tháng 3/2010, quận Tây Hồ đã khẳng định bằng văn bản giá trúng thầu đấu giá quyền sử dụng đất nhỏ lẻ, xen kẹt tại cụm 7 phường Phú Thượng là 72 triệu đồng/m2, trong khi bảng giá đất mà UBND TP. Hà Nội áp vào khu vực cầu Nhật Tân (cùng địa bàn) chỉ có 9-23 triệu đồng/m2).

Nay, với QĐ mới của UBND TP Hà Nội ban hành, bà con mất đất tại dự án cầu Nhật Tân hoàn toàn có cơ sở pháp lý yêu cầu UBND quận Tây Hồ áp dụng mức đền bù ít nhất là 72 triệu đồng/m2 đất ở. Đối với đất nông nghiệp, khoản hỗ trợ bằng 30% giá đất ở cùng địa bàn cũng phải tính theo giá thực tế này. Đặc biệt, đối với các gia đình tại cụm 4 phường Nhật Tân có đất nông nghiệp bị thu hồi làm đường nối với cầu Nhật Tân, mức hỗ trợ tính bằng 30% giá đất ở sẽ phải áp theo giá chuyển nhượng thực tế tại đường Lạc Long Quân (vốn cao hơn rất nhiều).

Ngoài ra văn bản mới cũng “mở” về mặt thời gian là SAU KHI có quyết định thu hồi đất vẫn điều chỉnh được giá đền bù. Như vậy, nhiều gia đình tại dự án cầu Nhật Tân đã có quyết định thu hồi đất và đã được đền bù vẫn có thể yêu cầu điều chỉnh giá và đề nghị đền bù bổ sung để không bị thiệt thòi. Điều này cũng đảm bảo nguyên tắc “Một giá đền bù trong một dự án” được quy định tại Luật Đất đai.

Trong khi đấu tranh đòi thực hiện nghiêm chỉnh văn bản nói trên, bà con mất đất trên địa bàn Thủ đô cần nâng cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn càn quét, tập kích, cố tình cưỡng chiếm đất của dân trước khi văn bản trên và các văn bản liên quan có hiệu lực. Cũng không loại trừ việc quan tham một số nơi “tranh thủ” trước khi văn bản trên có hiệu lực, ra quân cưỡng chiếm đất của bà con, sau đó chúng hợp thức hóa giấy tờ, hồ sơ để ăn theo giá đền bù mới. Đương nhiên, chúng sẽ bỏ túi khoản chênh lệch khổng lồ nói trên mà đáng ra bà con được hưởng trọn vẹn.

Cầu Nhật Tân

http://caunhattan.wordpress.com/2013/07/21/dien-bien-moi-ve-gia-den-bu-dat-tren-dia-ban-ha-noi/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo