VRNs (08.07.2013) – Sài Gòn – Sau khi Văn phòng Công lý – Hòa bình, DCCT Sài Gòn gởi các tường trình dân oan hàng tuần và hai (2) lá thư thông báo cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biết những sai trái của thuộc cấp do ông chịu trách nhiệm, nhiều công dân đã tỏ ra vui mừng và khuyến khích Văn phòng Công lý và Hòa bình hãy tiếp tục là tiếng nói thay cho dân oan.
Trong thực tế, sự lên tiếng của Văn phòng Công lý và Hòa bình thời gian qua, đã buộc nhiều quan chức địa phương chú ý hơn với những cách hành xử tùy tiện, vô pháp luật. Nhiều người dân đã được nhà cầm quyền gọi để thương lượng đền bù, nhiều người đã được đề nghị lên Văn phòng Công lý và Hòa bình xin website VRNs gỡ bài xuống để từ từ giải quyết, hoặc cá biệt đã có những cán bộ in các bài về dân oan trên website VRNs ra và nói với dân: “Mấy ông bà đưa lên mạng như vậy là làm xấu lãnh đạo”.
Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải đặt vấn đề liệu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thực quyền điều hành đất nước hay không? Vì có dấu hiệu nhiều thông tin quan trọng của nhân dân gởi đến đích danh Thủ tướng, nhưng Thủ tướng đã không được biết, do thuộc cấp cố tình che giấu, hoặc những trường hợp nhiều người cho rằng Thủ tướng đã biết rõ, nhưng những người làm sai, vẫn cứ làm sai, mà Thủ tướng không làm được gì.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn hy vọng vào lương tri tối thiểu của con người còn nơi ông Thủ tướng, nên ngày 05.07.2013 vừa qua, cha Giuse Đinh Hữu Thoại lại tiếp tục gởi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo về ba (3) trường hợp sai phạm khác của thuộc cấp, thuộc quyền của Thủ tướng để Thủ tướng giải quyết.
VRNs phổ biến những thông tin này, nhằm giúp các cử tri có thông tin nhằm giám sát tốt hơn việc làm và hiệu quả hoạt động của Thủ tướng và các cán bộ địa phương.
———–
Văn Phòng Công Lý & Hoà Bình
Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
38 Kỳ Đồng, Quận 3, TP.HCM
Ngày 5 tháng 7 năm 2013
Kính gửi: Ông NGUYỄN TẤN DŨNG- Thủ Tướng Chính phủ
Thưa Ông,
Tôi – với tư cách Công Dân- đã có hai văn bản báo cho Ông về sáu (6) trường hợp Cán bộ thuộc quyền quản lý của Ông có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong khi thực hiện công vụ, quản lý nhà nước. Đến hôm nay, tôi vẫn chưa nhận được hồi đáp nào của Ông.
Tuy vậy, do Dân Oan vẫn tiếp tục tìm đến Văn Phòng Công Lý và Hoà Bình- Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn- do tôi là Trưởng Văn Phòng, tôi buộc phải làm công việc tiếp tục báo đến Ông những trường hợp Cán bộ thuộc quyền Ông có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm… Cá nhân tôi và những người Dân Oan- thấy không còn lựa chọn nào tốt hơn, phù hợp hơn- để hy vọng và tin tưởng được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Mong Ông hiểu và giải quyết theo đúng chức năng, quyền hạn của một Thủ tướng…
1) Vụ việc “thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo…” của các Ông/ Bà lãnh đạo TP. HCM, của Thanh tra Văn phòng chính phủ… đối với nỗi oan sai của Bà Lê Thị Hai (mẹ của Bà Lê Thị Thu Vân), hiện ở 146 đường D1, P. 25, Quận Bình Thạnh:
Hồ sơ Bà Vân cung cấp cho chúng tôi có Biên Bản làm việc của Đoàn Thanh Tra Chính Phủ ngày 9/5/2008 tại UBND Quận Bình Thanh. Tại Biên Bản này, phía UBND và Công ty Phát triển Nhà Quận Bình Thạnh đã báo cáo tóm tắt: Bà Hai có 6.000 m2 đất. Nhưng đã bán đi 5.000m2, do người bán không sử dụng nên Bà Hai vẫn sử dụng từ năm 1962 đến nay và đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg. Khi thu hồi, đã đền bù cho Bà Hai 3 đợt: 112.500đ; 576.000 đ; 1.400.000đ, và đã để lại, cấp cho Bà Hai 4 nền đất, tổng cộng là 234 m2.
Chưa bàn về đúng, sai mà tôi trình bày dưới đây, nội việc báo cáo không rõ ràng, vô lý và giải quyết cho Dân như trường hợp này là Oan sai nghiêm trọng. Bà Hai bán cho ai? Chứng cứ gì? Sao người bỏ tiền mua đất lại không sử dụng? Và Bà Hai đã sử dụng liên tục từ 1965 đến nay, có đăng ký theo Chỉ thị 299 mà lại không được đền bù? Còn tiền đền bù hoa màu tổng cộng 2.088.500 đồng chia cho 6.000 m2 đất, tính ra mỗi m2 đất được 348 đồng! Và Bà Hai đang có 6.000 m2 đất, Công ty Phát triển Nhà thu hồi phân lô, bán nền và kể công đã “để lại” cho Bà Hai 234 m2 (4 nền). Còn 5.800 m2 đất của Bà được đem bán kinh doanh, rồi đền cho Bà 2 triệu!
Điều đáng nói là, theo chính chứng từ của cơ quan quản lý đất đai TP sao cấp cho Bà Hai thì Bà sử dụng và đăng ký là hơn 10.000 m2 đất. Và nhiều giấy tờ không có chữ ký của Bà Hai (chỉ đánh chữ +, vì Bà không biết chữ), nhưng phần nhận tiền đền bù 576.000 đồng thì có chữ ký Hai. Bà Vân cho biết đây là chữ ký giả và gia đình Bà không nhận được tiền đền bù này.
Rõ ràng là vậy, nhưng UBND TP đã có Quyết định từ năm 2002 “giao Thanh Tra TP… yêu cầu: “kiểm tra thủ tục pháp lý thu hồi đất?… Kiểm tra tài chính liên quan đến thu, chi tiền đền bù… Làm rõ những nội dung Bà Hai khiếu nại…”. Sau đó, Thanh Tra TP đã “báo cáo và kiến nghị Thường trực UBND TP chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra thụ lý…” từ ngày 23/4/2003.
Đến 19/5/2003, Thanh Tra TP báo cho Bà biết, Thường trực UBND TP đã quyết định chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra thụ lý, làm rõ, kể cả “chữ ký của Bà Hai là thật hay giả?”. Nhưng kết cục, theo Thông báo số 1337 của CA Bình Thạnh, số 296 của CA TP đều “không nhận được hồ sơ do Thanh Tra chuyển”. Năm 2008, Đoàn Thanh Tra Chính phủ vào “kiểm tra”, lập Biên Bản…và ngày 10/1/2012, VP CP gửi Thanh Tra Chính Phủ “kiểm tra, rà soát, xử lý theo ý kiến chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ…” Thế nhưng, đến hôm nay, sau 11 năm UBND TP giao Thanh tra TP “kiểm tra…”, và sau 1 năm rưỡi Thủ Tướng chỉ đạo Thanh Tra Chính phủ “kiểm tra…”, Bà Hai vẫn phải đến Văn phòng Công Lý&Hoà Bình “…kính mong giúp đỡ… để họ trả đất…, để gia đình ổn định cuộc sống…”. Một năm rưỡi nay, Thủ Tướng có bao giờ hỏi “ý kiến chỉ đạo của Thủ Tướng có thực hiện chưa? Kết quả ra sao?”?
2) Trường hợp Bà Nguyễn Thị Xê, ở Châu Phú, An Giang:
Trong hồ sơ Bà Nguyễn Thị Xê gửi cho chúng tôi có bản photo bài báo An Giang số 3350 ngày 14/12/2010, với tiêu đề “Không tiếp nhận, chuyển đơn khi thông báo “kết thúc giải quyết khiếu nại”, với hình chụp Ông chủ tịch Tỉnh đang đứng phát biểu. Nội dung “…có không ít hộ vẫn không chịu nhận ra hoặc cố tình không nhận ra vấn đề, bị người xấu xúi giục đi khiếu nại để gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn…” Nếu bị xếp vào danh sách “người xấu”, tôi vẫn buộc phải báo đến Ông nội dung khiếu nại của Bà Nguyễn Thị Xê.
Theo hồ sơ Bà cung cấp, Bà bị thu hồi 1.517 m2 đất (có Giấy CN QSD đất) để thực hiện Dự án Khu Dân cư Nam Chợ Cái Dầu. Bà nhận được tiển bồi thường cho 1.517 m2 đất là 13.659.300 đồng. Bà đi khiếu nại, Tỉnh Quyết định “khen thưởng” thêm cho Bà 3.000.000 đồng. Tổng cộng Bà được 16.659.000 đồng. Ngoài ra, Bà được hưởng chính sách hỗ trợ “do có nhiều đất bị thu hồi” là được mua giảm giá một nền nhà. Nếu mua thì được giảm giá 10.000.000 đồng, không mua thì được nhận 10.000.000 đồng. Một nền nhà này – sau khi giảm giá- còn là 100.000.000 đồng.
Bà cho biết + kèm hình ảnh, diện tích 1. 517, 7 m2 đất (có sổ đỏ) của Bà, sau khi thu hồi, được phân thành 25 nền. Nếu tính giá 110.000.000 đồng / một nền thì bằng 2.750.000.000 đồng. UB đền bù cho Bà 13.659.300 đồng cộng với khen thưởng 3.000.000 đồng, Bà bảo “làm sao có tiền bù vào để mua một nền 60 m2 với giá 100.00.000 đồng?”, và thế là “kinh tế gia đình đã nghèo khổ vì mất đất sản xuất, lại càng khó khăn túng quẫn thêm”.
Nguyện vọng của Bà bây giờ chỉ là “xin được cấp ba nền để cải thiện kinh tế gia đình và chỗ ở cho các con…” Nhưng chắc Bà khó có thể được giải quyết vì Ông Tỉnh nói Bà “… không chịu nhận ra, hoặc cố tình không chịu nhận ra vấn đề…”. Trường hợp này thì đây là “vấn đề” gì, thưa Ông Thủ Tướng? Đất nhà Ông có 25 nền, người ta lấy hết, đền cho Ông mười sáu triệu, bảo Ông mua lại với giá giảm còn 100 triệu một nền để ở… Ông không mua thì cho thêm Ông 10 triệu,… Tổng cộng Ông được đền một phần tư của một nền. Còn lại 24 nền ¾ người ta lấy hết, người ta bán, chẳng phải để “phục vụ an ninh, quốc phòng”… gì cả mà là kinh doanh. Ông có chịu nhận ra vấn đề không? hay Ông lại nghe lời “kẻ xấu” để đi khiếu nại “xin lại 3 nền”?
3) Vụ việc khiếu nại của Bà Lâm Thị Hồng Phú, ở Tổ 2, Ấp Đông Thành, Xã Tân Đông, Huyện Tân Châu, Tỉnh Tây Ninh: Bà cho biết, gia đình được NN động viên từ Kampuchia về Việt Nam năm 1973. Khi về VN, NN cấp cho mỗi người dân trong ấp một lô đất ngang 50m x dài 200m và khuyến khích tự dọn phá rừng để sản xuất trồng trọt, với lời hứa “mỗi hộ dân tự phá rừng được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu”. Gia đình Bà đã “đổ biết bao mồ hôi, công sức để chặt cổ thụ, phá gò mối, nỗi gò cao như núi, cực khổ mấy cũng cố gắng làm… Có nhiều người dân chết vì mìn trong khi khai phá rừng…”. Năm 1983, Nông trường cao su Bổ túc đến thu hồi đất của gia đình tôi đang canh tác (khoảng 6 ha) trồng mít, xoài, mè… cùng với nhiều hộ dân trong Ấp. Khi thu hồi không có Quyết định, không bồi thường. Gia đình đi khiếu nại. Ngày 23/4/2008, UB Tỉnh trả lời- theo mẫu chung?- vì phần kính gửi thì ghi rõ: Bà Lâm Thị Hồng Phú, nhưng toàn bộ nội dung lại gọi là Ông! Theo UB Tỉnh thì đã bồi thường 3 triệu đồng/ha cho người bị thu hồi. Và “Ông” không có tên trong danh sách, không khiếu nại cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh quá trình khai phá, sản xuất và bị thu hồi của mình. Đúng là Phó chủ tịch Tỉnh của Ông Thủ Tướng quan liêu- hoặc giả vờ quan liêu?- hết chỗ nói. Người ta là “Bà” mà đi tìm danh sách “Ông” và trả lời cho “ông” không có danh sách! Trong khi đó, hồ sơ Bà Phú cung cấp có đầy đủ chứng cứ (Bản photo) có xác nhận của các Ông/Bà lãnh đạo địa phương lúc bấy giờ. Theo Bà Phú thì Giấy chính (có mộc đỏ) đã bị Bà Trương Thị Anh Đào- Thanh Tra Tỉnh- lừa lấy mất trong cuộc họp ngày 12/5/2008? Lúc đầu mới thu đất thì hứa hẹn sẽ ủi đất khác cho bà con canh tác… Năm 2007, Thanh tra Chính phủ đã thành lập Đoàn Công tác kiểm tra… và đã có Báo Cáo Thủ Tướng, nội dung thống nhất với UB Tỉnh “Những hộ nào chưa nhận bồi hoàn công khai phá, nếu có căn cứ chứng minh… thì xem xét giải quyết thoả đáng cho họ…”.
Điều đáng nói ở đây là “nay, Công ty đã thanh lý cao su, bỏ đất trống, gia đình tôi đã nộp đơn trình bày và đến dọn đất của gia đình tôi để canh tác, thì bị Bà Bích Lợi ngăn cản…”. Thủ Tướng có hỏi lại- vì gia đình nộp đơn lên Thủ Tướng liên tục – là đã “giải quyết thoả đáng cho họ” chưa? Nếu chưa, chắc chắn chẳng cần “người xấu” kích động, họ cũng vẫn phải khiếu nại thôi.
Xin kính chào Ông!
Linh mục ĐINH HỮU THOẠI
Trưởng Văn phòng