“... Cái chuyện thứ hai là chúng ta hợp tác với người Tàu. Người Tàu đã cai trị chúng ta hàng trăm năm, hàng ngàn năm và luôn luôn tìm cách chèn ép chúng ta. Ngày hôm nay người Tàu có mặt khắp nơi, từ rừng núi, đồng bằng, cao nguyên, bờ biển... Bây giờ chúng ta cho người Tàu đầu tư cái Vịnh Bắc Việt. Tôi đề nghị Chủ tịch phải hỏi lại BCH TW Đảng có đồng ý hay không? Hỏi lại Quốc hội có đồng ý hay không?”
Thu Hiền (DĐDN) - Ngày 25/6/2013, tại hội trường Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổ Ðại biểu QH đơn vị bầu cử số 1, TP.HCM đã có buổi tiếp xúc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri doanh nhân đại diện các DN trên địa bàn thành phố.
Tham dự buổi tiếp xúc đặc biệt này có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng; Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN TP.HCM Võ Thị Dung cùng đại diện nhiều sở ngành của TP và gần 300 doanh nhân hoạt động trong nhiều ngành nghề.
Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu đã nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố thông báo một số kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13, trong đó nhấn mạnh về lĩnh vực thực hiện chính sách kinh tế như biện pháp kiềm chế lạm phát, sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, luật Doanh nghiệp…
15 ý kiến phát biểu của các doanh nhân tại buổi tiếp xúc bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao những kết quả mà kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII đạt được, đồng thời đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị lên QH, Chính phủ để hoàn thiện một số chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến giải pháp tháo gỡ về vốn cho chủ đầu tư, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, giảm thuế nhập khẩu, kích thích ngành nghề phát triển, vấn đề xóa các dự án treo, vấn đề nông nghiệp.
Cử tri Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, kỳ họp Quốc hội lần này có nhiều nội dung nổi bật, chọn đúng các vấn đề nóng để đưa ra thảo luận, giải quyết. Các đại biểu Quốc hội đều thể hiện thái độ mạnh mẽ, rõ ràng và quyết đoán, nhất là trong việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đánh giá về các vấn đề liên quan đến tình hình doanh nghiệp TP.HCM hiện nay, cử tri Huỳnh Văn Minh cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay không phải là vốn và lãi suất như năm 2011-2012 mà là thị trường. Sức mua của thị trường trong nước giảm mạnh ở hầu hết các mặt hàng, từ hàng tiêu dùng cho đến may mặc, vật liệu xây dựng…Thị trường sụt giảm làm lượng hàng tồn kho ngày càng nhiều, doanh nghiệp không dám đầu tư, mở rộng mà thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng.
Với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dành cho ngành bất động sản, có ý kiến cho rằng, nên phân bổ về từng địa phương để doanh nghiệp sớm tiếp cận được gói này. Ngoài ra, các doanh nghiệp đề nghị cần có chính sách giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay xuống còn 8-10%/năm là phù hợp. Đối với trái phiếu Chính phủ, nên ưu tiên bán cho người dân trước nhằm huy động nguồn lực tiền, vàng trong dân còn rất lớn để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cử tri Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thủ tục hành chính trong xây dựng, nhà đất quá nhiêu khê, phức tạp và đó là một trong những nguyên nhân đẩy giá thành sản phẩm lên cao, gây lãng phí và tham nhũng. “Chất lượng công trình không tùy thuộc vào thủ tục nhiều hay ít mà phụ thuộc vào năng lực quản lý, chuyên môn của doanh nghiệp. Nhà nước và người dân mua nhà đòi hỏi doanh nghiệp phải giảm giá bán; Doanh nghiệp bất động sản chúng tôi đòi hỏi Nhà nước phải giảm thủ tục. Bởi thủ tục nhiều càng dễ nhũng nhiễu, tham nhũng”.
Cử tri Nguyễn Văn Dinh nói: “Chúng tôi thấy Quốc hội đã có nghị quyết để ổn định thị trường vàng. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định và các bộ, ngành đã cho ra nhiều thông tư, hướng dẫn về tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh vàng làm cho chúng tôi bị bội thực, rất lo sợ về chính sách. Sắp tới liệu ngành Mỹ nghệ vàng bạc của chúng tôi có tồn tại song song với các ngành nghề khác tại Việt Nam hay không?”.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Thiều - Công ty địa ốc Sài Gòn cho rằng, việc Chính phủ ra Nghị quyết 02 rất phù hợp, nhất là cho vay mua bất động sản nhưng triển khai cho vay ưu đãi quá khó vì quy định không rõ ràng.
Các cử tri doanh nhân cũng nêu lên rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn thiệt thòi thuộc về nông dân khi hàng nông sản khó khăn trong đầu ra mà chưa có bài toán giải quyết khả thi để cứu bà con. Bất cập chính sách thuế đối với doanh nghiệp cơ khí, vì vậy không tạo động lực cho doanh nghiệp ngành cơ khí nghiên cứu chế tạo và tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập nước ngoài.
TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM cho rằng: Đã có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp nhưng cũng cần xem nông dân - những người đang mua giống, phân bón và sản xuất ra sản phẩm để bán lại - như một dạng doanh nhân, để quan tâm có những chính sách hỗ trợ. “Quốc hội giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng thực tế nông dân chẳng được bao nhiêu trong ấy” - TS Nguyễn Bách Phúc cũng đề nghị kỳ họp tới Quốc hội hãy đặt trọng tâm vào nông nghiệp và nông dân. Bởi người nông dân được sống bình đẳng như mọi người chính là nền tảng để ổn định xã hội.
Ðáng chú ý là các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh doanh thua lỗ, phải thu hẹp sản xuất, giải thể. Một trong những nguyên nhân là các chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ, thống nhất; các chính sách miễn, giảm thuế, giãn thuế mang tính tạm thời; chính sách tỷ giá, lãi suất không ổn định. Sức mua của thị trường trong nước giảm mạnh, làm cho hàng tồn kho lớn. Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố kiến nghị Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, an toàn cho doanh nghiệp hoạt động; kiến nghị các bộ, ngành kịp thời có văn bản hướng dẫn thi hành các nghị quyết, luật, nghị định của Chính phủ để các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách khác về thuế, phí cũng như quản lý nhà nước về kinh tế, đất đai, chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật gây khó khăn trong triển khai thực tế, đã được cử tri doanh nhân phản ánh thẳng thắn tới đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước hoan nghênh các ý kiến và kiến nghị của cử tri doanh nhân nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là những thông tin hết sức quan trọng đối với đại biểu Quốc hội. Kinh tế TP.HCM hiện chiếm 30% GDP cả nước. Nếu doanh nghiệp thành phố gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến GDP của cả nước, vì vậy chính quyền thành phố cũng cần góp sức cùng các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn trước mắt, thúc đẩy tăng trưởng.
Về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chủ tịch nước nêu rõ: Các chính sách của QH, Chính phủ ban hành đã nhiều. Kỳ họp vừa qua, QH đã bổ sung thêm những giải pháp mang tính cấp bách để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngành nông nghiệp nước ta đang có tiềm năng phát triển mạnh, cùng với những thị trường truyền thống, Nhà nước đang đẩy mạnh phát triển thị trường mới như Nga, Bê-la-rút, thị trường EU, Hàn Quốc... Chủ trương của Ðảng, Nhà nước là tiếp tục chống lạm phát quay trở lại, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy nhanh sản xuất phát triển.
Thông báo một số nét về tình hình kinh tế của đất nước, nhất là các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Chủ tịch nước đề nghị cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước thì các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước cần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau để tìm được lối ra cho chính mình. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Các doanh nghiệp phải chủ động hợp tác với nhau; các hiệp hội ngành hàng, hội doanh nghiệp phải hoạt động tích cực hơn nữa, khắc phục phần nào khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, không phân biệt Trung ương, địa phương, không phân biệt quốc doanh hay ngoài quốc doanh để tìm ra giải pháp vượt qua khó khăn.
Chủ tịch nước đề nghị MTTQ, Ðoàn đại biểu QH thành phố tập hợp đầy đủ những ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri trong buổi tiếp xúc. Từ những ý kiến, kiến nghị này, Tổ đại biểu QH thành phố sẽ trao đổi với các ban, ngành T.Ư để nghiên cứu, bổ sung những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
*
"30.000 tỷ ưu đãi mua nhà như... xương gà chiên bơ"
"Đưa gói hỗ trợ 30.000 tỷ về ngân hàng thì họ sẽ “vẽ” ra thủ tục này kia, chúng ta không vay được đâu, đừng có trông chờ, nó như món xương gà chiên bơ, ngửi thì thơm ngon nhưng không ăn được đâu”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM.
Rất nhiều ý kiến, kiến nghị thẳng thắn đã được các doanh nhân TP.HCM gửi đến Chủ tịch nước, đoàn đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc vào chiều ngày 25/6, trong đó phần lớn là ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).
“Thơm ngon nhưng không ăn được đâu”
Theo ông Nguyễn Phụng Thiều – Tổng giám đốc công ty địa ốc Sài Gòn – Gia Định thì, nguyên nhân dẫn đến việc rất ít người có thu nhập thấp được vay tiền mua nhà xã hội là vì “chúng ta chưa định nghĩa thu nhập thấp, trong khi có rất nhiều người không chứng minh được thu nhập như lái xe ôm, bán hàng rong... nên các ngân hàng không cho vay”.
Chính vì thế ông Thiều đề nghị cho phép người dân được dùng chính hồ sơ căn nhà mình đã mua (mới trả 30%) để thế chấp với ngân hàng vay tiền, và cho rằng “nếu Chính phủ có công văn chỉ đạo thì việc này sẽ được giải quyết ngay”.
“Tôi xin đảm bảo rằng họ không trả tôi sẽ trả, bởi tôi đã từng bán 1000 căn hộ cho người nghèo và 100% đều trả hết, thậm chí là trả trước thời hạn, chúng ta phải có lòng tin” – ông Thiều quả quyết.
Rất nhiều ý kiến thẳng thắn đã được gửi đến Chủ tịch nước trong buổi tiếp xúc
(trong ảnh là ông Nguyễn Văn Đực - Phó CT Hiệp hội BĐS TP.HCM)
Cũng liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỉ, ông Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệpTP.HCM cho rằng nên phân số tiền này về địa phương: “Chia cụ thể TP.HCM bao nhiêu, Hà Nội bao nhiêu, các tỉnh khác bao nhiêu thì sẽ ít sai sót hơn. Nếu đưa về ngân hàng thì họ sẽ “vẽ” ra thủ tục này kia, chúng ta không vay được đâu, đừng có trông chờ, nó như món xương gà chiên bơ, ngửi thì thơm ngon nhưng không ăn được đâu”.
Với những khó khăn về vốn của các danh nghiệp BĐS, ông Trần Văn Thành nếu kiến nghị để chủ đầu tư được vay tư nhân và thế chấp quyền sử dụng đất cho tư nhân với lãi suất thỏa thuận (mức lãi suất này không vi phạm các quy định hiện hành).
“Nếu được như vậy, chủ đầu tư có thể tìm được nguồn vốn từ chính bạn bè của mình, điều này không chỉ giảm nợ xấu cho các ngân hàng mà ngay cả người cho vay cũng sẽ có được những lợi ích tương tự với các ngân hàng” – ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Bùi Anh Viên – Giám đốc công ty xây dựng Đại Lợi “xin cho doanh nghiệp được thế chấp tài sản trong dự án treo để tạo vốn, vì đây là số tiền khổng lồ nhưng hiện không sử dụng được”.
Về mức giá căn hộ hiện nay, ông Nguyễn Văn Đực – Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng thủ tục xây dựng nhà đất hiện nay quá nhiêu khê, “Chất lượng công trình phụ thuộc vào năng lực, sự quản lý của doanh nghiệp chứ không phải do thủ tục nhiều hay ít, càng nhiều thủ tục thì càng tham nhũng, lãng phí từ đó giá nhà sẽ càng tăng. Nhà nước đòi doanh nghiệp giảm giá bán thì doanh nghiệp chúng tôi đòi nhà nước phải giảm thủ tục” – ông Đực phát biểu.
Bên cạnh đó một số ý kiến chất vấn, kiến nghị liên quan đến lãi suất ngân hàng, chính sách về vàng miếng, cơ khí, nông nghiệp cũng đã được nhiều vị gửi đến Chủ tịch Trương Tấn Sang.
“Trước khi trời cứu phải tự cứu”
Nhắc lại câu nói trên của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Trương Tấn Sang muốn nhắc nhở các doanh nghiệp, trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay các doanh nhân TP.HCM càng cần phải phát huy sự sáng tạo của mình.
“Thành phố này rất ít khi xin TW bởi thành phố luôn rất năng động, chính địa kinh tế đã tạo ra những con người như vậy” – Chủ tịch nước nhấn mạnh, và đề nghị: “Các doanh nhân hãy phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp phải dũng cảm lên”.
Để làm được điều này Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng: “Các hiệp hội chuyên ngành phải hoạt động tích cực hơn nữa, không phân biệt TW, địa phương, quốc doanh, ngoài quốc doanh mà phải cùng nhau sáng tạo thì nhất định sẽ có lối ra”.
“Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cũng phải ngồi lại cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cái nào dễ làm trước, khó làm sau. Phải cùng nhau tính toán, vì nếu doanh nghiệp chết thì các ngân hàng cũng chết bởi đó là mối quan hệ cộng sinh (...) qua đây cũng sẽ góp thêm cho TW rất nhiều giải pháp, sáng kiến” - Chủ tịch nước kỳ vọng.