Phí đường bộ: Dân ngao ngán cảnh phí chồng phí - Dân Làm Báo

Phí đường bộ: Dân ngao ngán cảnh phí chồng phí

Nguyễn Hiếu (Infonet) - Người dân chúng tôi từ khi mua đến sử dụng chiếc xe máy đã phải chịu đủ các loại phí: phí trước bạ, biển số xe, phí xăng dầu, đến nay lại đẻ ra phí đường bộ… Thêm vào đó, không lấy ý kiến người dân, mà cứ ra quyết định là sao?

Ngày 21/7, UBND thành phố Hà Nội chính thức thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. Theo đó, loại có dung tích xy lanh đến 100cm3 thu 50.000 đồng/năm; loại có dung tích xy lanh trên 100cm3 thu 100.000 đồng/năm. Xe máy điện sẽ không phải đóng phí.

Người dân sử dụng một chiếc xe máy phải chịu quá nhiều mức phí khác nhau

Theo thống kê, TP. Hà Nội hiện có khoảng 4,5 triệu mô tô, xe máy. Theo ước tính, với mức thu từ 50.000 đến 100.000 đồng/xe, dự kiến, mỗi năm Hà Nội sẽ thu được khoảng 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều người dân khi được hỏi thì không hề biết hoặc không ai thông báo về quyết định thu phí đường bộ. 

Người dân méo mặt vì phí chồng phí


Nguyễn Trọng Nguyên, người dân huyện Thanh Trì, lo lắng khi nhắc tới quyết định thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Theo anh, xe máy là vật sở hữu bình thường nhất của người dân, nhưng chịu bao nhiêu là phí.

“Người dân chúng tôi từ khi mua đến sử dụng chiếc xe máy đã phải chịu đủ các loại phí, từ phí trước bạ, phí biển số xe, phí xăng dầu, phí cầu đường, đến nay lại thêm phí đường bộ…” – Anh Nguyên cho biết.

Gia đình anh Nguyên hiện có tới 3 chiếc xe máy, hai vợ chồng và đứa con lớn mỗi người một chiếc. Anh Nguyên kiến nghị thu phí đường bộ phải dựa trên thực tế tuyến đường, số km phương tiện đó tham gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, ai sẽ đứng ra kiểm soát, giám sát số tiền thu được, số tiền đó liệu có đảm bảo chi đúng cho mục đích bảo trì đường bộ hay không? Và quyền lợi người dân, chủ phương tiện đã đóng phí được đảm bảo bằng gì?

Anh Phạm Văn Tùng, một người dân ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng không hề biết thông tin sắp tới sẽ thu phí đường bộ đối với xe gắn máy. Gia đình anh Tùng hiện có 2 chiếc xe máy sử dụng hàng ngày. Nếu theo quy định gia đình anh Tùng phải chịu phí cho 2 chiếc xe đang sử dụng là 100.000 đồng/năm.

Tuy nhiên, anh Tùng tỏ ra băn khoăn về cơ chế, thu phí như thế nào? Cách thức thu có đảm bảo thu đúng, thu đủ không? Nguồn tiền thu được có đảm bảo chi tiêu cho việc tu sửa đường, có bị chi sai mục đích hay không?

Còn anh Việt Dũng, huyện Thanh Oai lo lắng về việc thu phí đường bộ nếu người này đóng phí, người kia không đóng thì xử lý ra sao? Việc đóng góp tiền tu sửa đường xá là điều ít ai phản đối vì ai cũng muốn được đi trên những con đường tốt.

Tuy nhiên, việc quản lý làm sao cho khỏi rơi vào tay những kẻ hám lợi đang chờ thời cơ như thi công không đúng kỹ thuật, bớt xén vật liệu rồi nghiệm thu bằng phong bì và kết quả là người dân đóng góp tiền nhưng vẫn phải đi trên những con đường xấu đầy nguy hiểm…

Nhiều ý kiến khác cho rằng, không ai đi thực tế hay thăm dò ý kiến của dân khi họ là người trực tiếp chịu mức phí đường bộ. Mặc dù, số tiền đối với người này là nhỏ nhưng đối với người kia là lớn, nhưng không vì vậy mà không đem ra lấy ý kiến của người dân. Người dân sử dụng chiếc xe chịu đủ loại phí chồng phí, rồi đến cảnh sát giao thông cũng muốn phạt, người sử dụng xe máy phải chịu bao nhiêu "tròng".

Xã, phường sẽ thu phí đường bộ


Trao đổi với PV Infonet, anh Ngọc Chiến, cán bộ Chi cục thuế huyện Thanh Oai cho biết như vậy. Sau khi có mẫu biên lai thu phí, cán bộ UBND xã, phường sẽ triển khai tổ chức thu.

Nếu người dân nộp rồi thì thôi, còn chưa nộp sẽ phạt cao gấp 3 lần mức phí chiếc xe máy anh đang sử dụng. Chẳng hạn xe máy của anh có dung tích dưới 100cc, theo quy định nộp phí là 50.000 đồng/năm, thì lực lượng công an sẽ phạt 150 ngàn đồng, và bắt nộp phí luôn.

Còn xe máy trên 100cc theo quy định nộp phí là 100.000 đồng/năm, nếu không nộp khi gặp lực lượng công an chủ phương tiện sẽ bị phạt tới 300.000 đồng, và yêu cầu nộp phí sử dụng đường bộ ngay tại chỗ. 

Theo anh Chiến, mặc dù quyết định thu phí ở Hà Nội đã có hiệu lực song chưa có hướng dẫn về mẫu tờ khai, cách kê khai nên các quận, huyện chưa thu phí. Sau khi thành phố có hướng dẫn thì đại diện phường và tổ dân phố sẽ đến từng hộ yêu cầu người dân kê khai và nộp phí, trả biên lai. 

Trường hợp không nộp phí đường bộ, chủ phương tiện sẽ bị phạt cao gấp 3 lần

Trao đổi với báo chí chiều 23-7, ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, từ đầu tháng 7, quận đã yêu cầu Chi cục Thuế phối hợp với các phường, tổ dân phố thống kê số lượng xe. Việc kiểm đếm chính xác là rất quan trọng, phải nắm số lượng đầy đủ thì mới lên được phương án thu hiệu quả.

Ông Việt cho hay: “Quận cũng đã tiến hành tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận khi triển khai. Thời gian tới, khi có hướng dẫn mẫu tờ khai, biên lai thu phí do thành phố ban hành, quận sẽ tiến hành thu.”

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ và hướng dẫn thêm đối với trường hợp người điều khiển phương tiện mất giấy tờ, hoặc mất đăng ký thì sẽ căn cứ vào đâu để thu. 10% trích lại tổng số tiền thu phí sử dụng thế nào?

Để việc thu phí và kiểm soát các chủ phương tiện đã nộp phí được minh bạch, dễ dàng, ngành giao thông nên nghiên cứu việc dán tem chứng nhận khi chủ phương tiện, người sử dụng, quản lý phương tiện đã nộp phí.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo