Quan chức Việt Nam tự tin nhất thế giới?
Phạm Thanh (ĐVO) - Có thể nói, quan chức Việt Nam nên được xếp vào hàng tự tin nhất thế giới. Trước những việc mà những người tiền nhiệm chưa giải quyết được, họ luôn quyết liệt, hứa và hứa thật nhiều.
Những vị quan chức tự tin đến mức hứa ở khắp các diễn đàn, từ các cuộc họp, hội nghị nội bộ tới diễn đàn Quốc hội, hứa trước nhân dân. Sự xuất hiện những lời hứa trước Quốc hội đã khiến cơ quan này đưa ra chương trình giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội.
Xin kể ra đây một số ví dụ điển hình: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hứa với Quốc hội và nhân dân sẽ đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Sau hơn một năm thực hiện, chênh lệch giá vàng đã được đẩy lên tới vài triệu đồng mỗi lượng, và hiện nay ổn định ở mức chênh từ 5-6 triệu đồng/lượng.
Đâu chỉ có vậy, khi đã quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước tham gia mua bán vàng miếng, Thống đốc còn tự tin tuyên bố tất cả nguồn lợi có được đều thuộc ngân sách và nhân dân được lợi, rồi thì biện pháp của ông đã giúp ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng. Quả thật, dù sau lực lượng an ninh có bắt được vàng giả, vàng kém chất lượng, vàng lậu… nhưng vàng đó đều không "chính chủ". Tội phạm buôn lậu thua trí Thống đốc, sự thật này đến này đã rõ rành rành. Quả thật, Thống đốc có cơ sở để tự tin, và... hứa.
Thống đốc tự tin hứa quản lý thị trường vàng, dù khi quản lý có đôi khác lời hứa nhưng vẫn tự tin vì biện pháp quản lý đã thành công.
Nối tiếp Thống đốc là Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Vị Bộ trưởng này đã hứa giảm tai nạn mỗi năm 5-10% và ùn tắc giao thông. Kết quả theo báo cáo năm 2012 là tai nạn giảm cả 3 chỉ tiêu số vụ, số người chết, số người bị thương. Lời hứa của Bộ trưởng đã đạt kết quả bước đầu.
Mọi sự sẽ êm xuôi nếu không xảy ra chuyện vừa bước sang năm 2013 thì tai nạn bất ngờ tăng mạnh. Người ta không thể không chú ý đến vụ tranh cãi số liệu tai nạn giao thông giữa Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ Y tế, khi Ủy ban đưa ra số tai nạn trong 10 ngày Tết chỉ hơn 700 người, còn Bộ Y tế đưa ra con số này là hơn 25.000 người nhập viện vì tai nạn giao thông. Chính các cơ quan chức năng còn không thống nhất được số liệu khiến vài người bi quan buộc phải đặt câu hỏi, vậy cái sự giảm năm trước phải được hiểu năm sau.
Từ đầu năm tới nay tai nạn vẫn tăng đều đặn, đặc biệt là tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra làm nhiều người chết và bị thương. Đến mức Bộ trưởng Thăng phải thốt lên: "Sao tất cả đều đúng mà tai nạn vẫn xảy ra?" khiến người dân đành gãi đầu, gãi tai, ngửa mặt hỏi ông trời.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi mới lên nhậm chức bà hứa ngay trong năm sau sẽ giảm tai bệnh viện lớn, rồi sau đó là cải cách tiền lương, viện phí… Sự tự tin đó được trả lời bằng kết quả là tình trạng quá tải thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước, thậm chí chính bà than rằng bệnh viện “như trại tị nạn”, cơ sở vật chất, chất lượng không thay đổi nhưng viện phí thì tăng gấp đôi, ba lần…
Còn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thể hiện sự tự tin và quyết tâm của mình bằng tuyên bố ra soát quy hoạch thủy điện, loại bỏ dự án không hiệu quả, ảnh hưởng môi trường, xã hội… Đáp lại sự tự tin đó là hàng loạt vụ vỡ đập thủy điện, chất lượng bị đặt câu hỏi lớn hơn. Đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn thấm nước, rồi vỡ đập thủy điện Đắk Krông 3 (Quảng Trị), Đăk Mêk 3 (Kon Tum) và Ia Krel 2 (Gia Lai); hay vỡ đường ống áp lực công trình thủy điện Đăm Bol - Đạ Tẻh (Lâm Đồng)…
Dù có đôi chút sự cố, dù có thực tế hơi phũ phàng, nhưng sự tự tin của các Bộ trưởng nói trên dường như vẫn không hề suy giảm. Và thực tế đã chứng minh họ đúng, vì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cho thấy, họ vẫn được tín nhiệm ở mức "vượt qua".
Vì vậy mong quý vị cùng đừng quá khắt khe với cái sự tự tin của quan chức Việt Nam. Mà nếu họ có được xếp vào giới tự tin nhất thế giới thì người dân chúng ta lại được dịp mở mày mở mặt.