Thái Bình: Xây dựng Tượng đài Bác Hồ với nông dân - Dân Làm Báo

Thái Bình: Xây dựng Tượng đài Bác Hồ với nông dân

Thanh Phú (TTXVN) - Sau khi có kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Thái Bình, Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức các hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xin ý kiến về phương án lựa chọn địa điểm xây dựng Quảng trường, nơi sẽ đặt Tượng đài "Bác Hồ với nông dân."

Tại các hội nghị, hầu hết các ý kiến cho rằng xây dựng Quảng trường, Tượng đài là việc lớn, vì vậy cần được tính toán, cân nhắc, lấy ý kiến rộng rãi nhằm tìm phương án phù hợp, nhận được sự đồng thuận cao, bảo đảm thống nhất trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh trước mắt và lâu dài; đồng thời phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng và tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Về tên gọi, đa số các đại biểu nhất trí cao với phương án lựa chọn tên gọi Quảng trường Thái Bình và Tượng đài “Bác Hồ với nông dân.” Các ý kiến cũng đều thiên về phương án chọn địa điểm xây dựng Quảng trường tại khu quy hoạch cây xanh tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình).

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình Đàm Văn Vượng, trong hai phương án lựa chọn địa điểm xây dựng (tại Quảng trường 14/10 và Khu công viên cây xanh tại phường Hoàng Diệu), phần đông đại biểu nhất trí lựa chọn vị trí xây dựng tại phường Hoàng Diệu. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ý kiến việc xây dựng Tượng đài cần tính đến quy hoạch lâu dài trong quy hoạch tổng thể của tỉnh, trong đó cần quan tâm đến việc quy hoạch, xây dựng cụm tượng đài các danh nhân trên địa bàn tỉnh. 

Việc xây dựng Quảng trường và Tượng đài “Bác Hồ với nông dân” cần tính toán, lựa chọn phù hợp, xứng đáng với sự quan tâm Bác Hồ giành cho Thái Bình và tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình với Bác.

Dự kiến khu vực xây dựng Quảng trường và Tượng đài "Bác Hồ với nông dân" tại Thái Bình rộng 12-15ha trong khu quy hoạch công viên cây xanh tại phường Hoàng Diệu có diện tích gần 80ha. 

Theo Ủy ban Nhân dâ thành phố Thái Bình, địa điểm này đáp ứng được yêu cầu cả về quy hoạch hiện tại và các yêu cầu về diện tích, cảnh quan, giao thông... trong tương lai.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đàm Văn Vượng cũng cho biết, sau ý kiến đóng góp của các đại biểu về việc xây dựng Quảng trường, Tượng đài "Bác Hồ với nông dân," Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét, quyết định phê duyệt.

Thái Bình là tỉnh vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm, những lần Bác về thăm đều gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây cũng là vùng quê có phong trào cách mạng của nông dân phát triển sớm nhất trong cả nước. Tiêu biểu là cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng-Duyên Hà ngày 1/5/1930 và cuộc khởi nghĩa gắn với tiếng trống năm 1930 của nông dân Tiền Hải vào ngày 14/10/1930.

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, Thái Bình còn là tỉnh đi đầu trong phong trào "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người," đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. 

Thái Bình cũng là tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa (5 tấn thóc/ha) cao nhất toàn miền Bắc, nông dân có truyền thống thâm canh giỏi và đang tích cực đưa Thái Bình trở thành tỉnh đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới hiện nay./.






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo