Tổng Trọng với những trận chiến thất bại - Dân Làm Báo

Tổng Trọng với những trận chiến thất bại

Nhiếp Vĩnh Trang (Blog Bà Đầm Xòe) - Trận “so găng” giữa TBT và TT mới diễn ra ba hiệp nhưng ưu thế đã ngả về phía TT. Chủ trương, kế hoạch mà TBT vạch ra nhằm “phế truất TT’’, để bảo vệ chiếc ghế hiện tại và tương lai, cứu vãn “uy tín cho đảng” bước đầu đã thất bại. Trong khi dư luận xã hội, đảng trông chờ, TBT thực hiện thành công 2 mục tiêu quan trọng: “chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng” thì, chỉ mới triển ở các hội nghị cơ quan quyền lực cao nhất nhằm hợp thức hóa chủ trương đã bị số đông UVTW bác bỏ.

Vậy, nguyên nhân nào dẫn tới kết cục này?

Để có câu trả lời, hãy cùng nhau tìm hiểu về con người, khả năng của ông TBT.

Qua Từ điển Wikipedia, biết được bước đường trưởng thành của TBT bắt đầu chàng sinh viên khoa Văn trường ĐHTH Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp (1967), ông kinh qua nhiều công việc thuần túy ở lĩnh vực lí luận học thuyết Mác – Lê nin. Quá trình hoạt động này chỉ thể hiện quan điểm chính trị qua hệ thống truyền thông (báo nói, báo viết, xuất bản). Trong khi đó Đảng CS đang mất chỗ dựa lí thuyết vì hệ thống XHCN Đông Âu đứng đầu là Liên Xô – sụp đổ. Vừa lúc trên chính trường VN lại “xuất hiện” một lí luận gia kiên trì học thuyết Mác – Lê. Các bài viết của ông chỉ có giá trị như một món ăn tinh thần của người “đầu bếp lành nghề’’, nhưng ngay lập tức được nhóm lãnh đạo chóp bu CS xứ sở “bập” , rồi đồng giọng khen ngon…

Thế là từ một lí luận gia cạo bàn giấy, được chọn đặt vào chiếc ghế quyền lực cao nhất – Tổng Bí thư đảng nhằm duy trì đường lối Mác xít cổ lỗ trên đầu, trên cổ đồng chí và toàn thể dân VN.

Khi đã yên vị, để mục đích được thực hiện triệt để, ông cho giám sát chặt chẽ các động thái phản ứng của xã hội. Bất cứ ai, dù già trẻ, lớn bé, cán bộ, đảng viên, hay dân thường, mà “phản biện’’ hay chỉ là nói năng đi ra ngoài khuôn mẫu mà đảng của ông đặt ra, đều bị bộ máy cai trị đảng quyền của ông trừng phạt dưới các hình thức phê phán, o bế, thải hồi, bỏ tù… Về mặt này, so với các TBT tiền nhiệm, có thể khẳng định: Chưa ai “làm được như ông’’…

Nếu TBT chỉ coi trọng lí luân, thì trên lĩnh vực kinh tế, dường như ông không biết gì, ông lại buông lỏng, coi nhẹ thậm chí lơ là, phó mặc cho ông TT muốn làm gì thì làm. Hậu qủa tai hại không thể tránh khỏi: Nền kinh tế của đất nước phải gánh chịu tai họa, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân, sự phát triển của đất nước. Ông TBT quên nguyên lí rất quan trọng của CN Mác – Lê, là: Kinh tế là chính trị thể hiện dưới hình thức khác!

Khi tình hình trở nên quá nguy ngập, đe dọa đến sự tồn vong của đảng, TBT mới giật mình… Nhưng với tư duy của người chỉ biết lí luân thuần túy, không có kiến thức, kinh nghiệm điều hành bộ máy quản lí…và cái chính là “không có ê kíp giúp việc hữu hiệu, năng động, bản lĩnh…’’, dù mang các hàm Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà chính khách số 1 của chính trường VN mang danh là Tổng, ông vẫn không làm sao đấu lại được viên “dũng tướng’’ văn hóa tiểu học, nhưng lại học được khá nhiều bài học kinh nghiệm, tích lũy được nhiều “chiêu thức, ngón nghề’’ để chèo chống bảo vệ chiếc ghế quyền lực, quyền lợi của mình, từng bước đi lên gặt hái thành công.

Hệ thống lí luận được thiết lập trong nước, vẫn chưa thỏa mãn, ông Tổng còn muốn truyền bá quan điểm của mình ra các nước còn chế độ cộng sản. Cu ba (một trong 4 nước cộng sản còn tồn tại trên thế giới…) mời ông đến thăm, tranh thủ đứng trên diễn đàn cao nhất của họ rao giảng, “dậy bảo’’ cổ vũ họ theo gương ông kiên trì đường lối XHCN… Hành động của ông khiến giới lãnh đạo một nước ở Nam Mỹ giật mình, đành thất lễ, đột ngột “khước từ’’ chuyến thăm của người đứng đầu đảng và nhà nước VN, dù họ đã mời, chuẩn bị đón tiếp. TBT cùng bầu đoàn thê tử lụt cụt trở về không kèn không trống ! Sự kiện làm mất thể diện quốc gia như vậy đã lâu nay chưa từng xẩy ra đối với nước VN.

Chưa hết: Mới gần đây nhất, khi đến tỉnh Vĩnh Phúc, trên diễn đàn do ông thuyết giảng, có cả nghìn cán bộ, đảng viên dự. Ông lớn tiếng “mạt sát’’ đảng viên, cán bộ và nhân dân “suy thoái… “tự diễn biến…’’ chỉ vì họ thành tâm góp ý sửa đổi hiến pháp do thuộc cấp của ông kêu gọi, phát động. Phát biểu của TBT gây chấn động dư luận, cán bộ, đảng viên, nhân dân phản ứng, phẫn uất.

Bây giờ, qua 3 hiệp đấu vừa diễn ra, mọi người tự hỏi: Làm sao TBT có thể đấu lại TT? Thông lệ, TBT là người có quyền lực cao nhất. Đến giờ, trên thực tế, TBT đã mất uy tín đối với nhân dân cả nước, đang mất dần quyền lực trước đối thủ.

Bước đường trước mắt của TBT rất cam go. Có thể đi đến nhận định: Bất cứ điều gì ông đề xuất, bất cứ người nào ông chọn hoặc liên minh cũng sẽ bị đối thủ vô hiệu hóa hoặc “tiêu diệt’’ ! Việc ông dự kiến chọn ứng cử viên kế nhiêm – P.Q.N – cũng sẽ không thành hiện thưc… Đối thủ sẽ bằng mọi cách loại bỏ “mầm mống ông gieo’’, sẽ thay bằng một người khác của phe họ ! Bởi thực chất : P.Q.N chỉ là cấp dưới, đồ đệ. Thầy còn không làm nổi thì trò làm sao cáng đáng được ! Bài học từ các cuộc bầu bán vừa qua đủ chứng minh cho nhận định này !

Vả lại, Tham nhũng mà TBT muốn chống là việc làm không tưởng: Tham nhũng chỉ xẩy ra trong chế độ độc đảng, toàn trị “vừa đá bóng vừa thổi còi’’.

Không có một cơ chế giám sát độc lập, không có thiết chế Tam quyền phân lập, đất nước không có nền dân chủ thực sự “Của Dân, Do Dân, Vì dân” – Một nền chính trị Độc tài, độc đảng thì chẳng bao giờ chống được tham nhũng, ngược lại càng “chống”, tham nhũng lại càng nhiều, càng phát triển mạnh hơn !

Hai thí dụ lớn nhất đã xẩy ra, chứng minh: Khu vực kinh doanh, sản xuất công thương nghiệp (các Tập đoàn, các công ty…) làm mất, thất thoát hàng chục tỉ USD, gần trăm tỉ USD khác cũng có cơ mất vì tai họa “Nợ xấu, Nợ khó đòi”.

Còn trong quản lí đất đai, tham nhũng, tham ô không thua kém. Những cán bộ Địa phương, Trung ương lợi dụng kẽ hở của Luật Đất đai nên mặc sức hoành hành tham nhũng. Họ dựa vào chủ trương chính sách do đảng quy định, ghi trong Hiến Pháp mà ông TBT là người đứng đầu quyết định: Đất đai là sở hữu toàn dân – do chính quyền – nhà nước đại diện! Trong cái “Chính quyền đại diện” kia có nhiều quan tham chủ chốt khu trú!

*

Trên các lĩnh vực khác, các chủ trương, chính sách được nhà nước ban hành đầy dẫy khe hở để cán bộ các cấp có cơ lợi dụng tham nhũng, lại được Đảng bao che, dung túng, bảo kê !… Vậy thì ông phất ngọn cờ chống tham nhũng thế nào, ai theo? Trưởng ban NCTW, và ngay cả TBT trong quá khứ cũng tham nhũng thì còn nói gì nữa? (đã dẫn ở bài trước)

Với tình hình đang diễn tiến, đa số cán bộ đảng viên và nhân dân cho rằng, nếu vẫn mang dòng máu “Sĩ phu Bắc Hà” TBT nên chủ động ra đi, nhường lại cho người khác có năng lực thay thế. Ra đi đúng lúc là khôn ngoan, là “Biết người biết ta’’ sẽ vẫn còn gặt hái được chút danh dự… Bởi vì TBT nói mà cấp dưới không nghe, phản lại thì TBT ấy không còn là TBT nữa, ngồi lại là vật cản tiến trình đi lên của cách mạng !

Còn, nếu muốn thắng được đối thủ “nặng kí’’, chỉ còn cách TBT phải thay đổi quan điểm, cách nhìn, phương pháp lãnh đạo rồi huy động sức mạnh của toàn đảng, toàn dân chung tay góp sức mới hòng thoát ra khỏi cơn khủng hoảng này… Dăm UVBCT, 1/3 UVTW sẽ chẳng làm gì được ai, vị trí của đối thủ sẽ vẫn vững như bàn thạch.

Tôi e rằng, TBT không còn có khả năng làm được chuyện to lớn này nữa! Tình hình đã quá muộn rồi! TBT nên bắt tay lên trán mà ngẫm nghĩ một nguyên lý thắng, bại trong bất kỳ một cuộc đấu tranh nào mà triết học Mac- Le nin đã chỉ ra:

“Chỉ có lực lượng vật chất mới đánh bại được lực lượng vật chất”.

Ông hãy để cho mình đường lui. Ông H.Đ.V, theo một vài ý kiến mới “xùy ra”, bị khuyết điểm trong sinh hoạt… nên mất chức, phải ra đi, trong khi nguồn tin khác… lại cho rằng, ông ấy bị “truất chức” vì bất đồng quan điểm chính trị. Tuy vậy, HĐV vẫn còn được đồng chí của ông dành cho chút tiếc thương …

Còn ông, nếu phải ra đi, ông sẽ để lại được gì trong lòng dân tộc và đảng viên cộng sản của xứ sở?



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo