Tư sâu vấn kế anh sáu - Dân Làm Báo

Tư sâu vấn kế anh sáu

Hải Châu (Danlambao) - Từ ngày theo Thánh Gióng về trời ở tận miệt Củ Chi đất thép thành đồng, anh Sáu rất ít khi có khách tới thăm. Bỗng nhiên sáng nay xe hú còi điếc con ráy dẫn đầu với đoàn mô tô hộ tống chiếc xe màu đen rần rần chạy vô khu nhà ở ẩn của anh Sáu.

Vài anh chàng vệ sĩ nhảy phóc xuống trước, một anh mở cửa bên mặt phía sau. Té ra là anh Tư. Hai anh tay bắt mặt mừng, ôm hôn thống thiết, thiếu điều muốn rách lưỡi.

Không phải rồng đến nhà tôm mà rồng đương kim đến thăm nguyên rồng. Vì đều là rồng cả nên không cần khách sáo, hai anh đi thẳng vào trọng tâm. Sau đây là phần đối thoại mà phóng viên Dân Làm Báo ghi (lén) được, đảm bảo chăm phần chăm.

- Có chiện gì hông anh Tư?

- Có mới tới anh chớ.

- Chiện gì vậy?

- Hổng dấu gì anh, tui sắp qua bển thăm anh Ba nên tạt qua đây hỏi anh mớ kinh nghiệm anh đi chuyến trước cách nay mấy năm, có gì cần quán triệt thì anh quán triệt dùm.

- Phải đó anh Tư, tui tính nếu anh hổng tới tui thì tui cũng đóng bộ đi gặp anh để nhắc anh vài chiện khi qua bển gặp anh Ba, để anh tránh gặp những cảnh muốn độn thổ mà tui đã từng gặp khi tui đi lần trước, bởi vì dù sao Việt Nam mình cũng là một nước lớn, dân đông, phải cho mọi người thấy người cộng sản chúng ta cũng ứng xử văn minh, bắt kịp thời đại Gú-Gồ, đúng hông anh?

- Nhứt trí! Rồi, tui đang mở lỗ tai ra nghe đây.

- Một là, Bác Hồ, ý quên, ông bà mình thường nói “nhập gia tùy tục”, vậy thì khi người ta mời mình ăn tiệc lớn tiệc nhỏ, mình phải tỏ cho họ thấy mình cũng hiểu phong tục người ta.

- Anh cho ví dụ cụ thể.

- Ví dụ như mình thấy trên bàn tùm lum nào là ly nào là dao muỗng nĩa thì mình đừng có choáng. Mình phải định thần để biết nỉa nào là nỉa ăn món xà lách, nỉa nào là nỉa ăn món chính, dao nào là dao quết bơ, dao nào là dao cắt thị, muỗng nào là muỗng ăn súp, muỗng nào là muỗng múc đường quậy cà phê.

- Đúng đúng, xin anh nói tiếp.

- Hai là khăn chùi miệng của mỗi người thì minh xài để chùi miệng theo đúng mục đích yêu cầu của nó thôi, đừng có dùng cái khăn đó để lót ngón tay ngoáy lỗ mũi hoặc để hỉ mũi trong đó. Trời đất quỷ thần ơi, có mấy ông bà trong đoàn chung bàn với tui ngồi xen kẽ với người Mỹ ngoáy mũi hỉ mũi rèn rẹt thấy mà phát ớn anh Tư à.

- Đúng đúng, xin anh nói tiếp.

- Ba là người Việt mình có thói quen ăn xong hay xỉa răng. Lần đó trong đoàn của tui cũng có mấy mống, ngồi ăn chung với người Mỹ mà cứ vô tư ăn xong móc tăm trong túi ra xỉa. Gặp đồng chí nào có bộ răng đều đặn còn đỡ, gặp đồng chí nào răng này không đồng hành với răng kia, hoặc có cái miệng mom móm thì thiệt là nản chí anh Tư à.

- Anh nói có hơi đụng chạm đó anh Sau, nhưng mà cũng đúng thôi, xin anh nói tiếp.

- Bốn là, tui nói tỉ dụ như nhiều người Mỹ họ biết mấy ngày trời đi từ bên Việt Nam qua mình ăn đồ ăn Mỹ hoài mình phát ớn, họ chọn một nhà hàng của Việt kiều để mời mình ăn cho đỡ nhớ cơm Việt Nam. Vậy thì nếu có vô tiệm Việt kiều thì mình cũng phải ứng xử lịch sự với phục vụ người Việt, đừng bắt chước kiểu bên nhà, coi người phục vụ giống như đầy tớ, sai khiến tùm lum là hổng xong rồi nghen.

- Sao vậy anh Sáu?

- Dễ hiểu quá anh Tư. Những người phục vụ này họ gốc Ngụy quân Ngụy quyền, cũng có chức có phận bên mình, họ đến Mỹ cũng vì hoàn cảnh thôi, chớ đâu phải hèn kém gì đâu. Hơn nữa, xã hội Mỹ họ coi trọng mọi ngành nghề, không có nghề nào sang nghề nào hèn, mỗi nghề đều có một chức năng riêng đóng góp cho toàn bộ xã hội. Cái này cũng thuộc loại “nhập gia tùy tục” đó anh Tư. Anh mà chọc giận mấy người phục vụ nhà hàng thì bề ngoài họ cũng vui vẻ cắn răng tiếp anh nhưng biết đâu trước khi bưng dĩa thức ăn cho anh từ trong nhà bếp ra, họ nhổ một bãi nước miếng vô đó thì anh cũng ăn vô tư thôi chớ làm sao biết được.

- Đúng đúng, xin anh nói tiếp.

- Tui nói đến số mấy rồi anh Tư.

- Số bốn anh.

- Bây giờ đến số năm. Năm là, tui nói về cách ăn mặc. Tui hổng hiểu sao mình đã giải phóng, thống nhứt đất nước từ mấy chục năm nay rồi mà nhiều đồng chí của ta cũng chưa biết cách ăn mặc theo đúng kiểu văn minh lịch sự chút nào.

- Anh cho ví dụ đi anh Sáu.

- Cụ thể nhứt là đồng chí Lú của ta. Tui xem mấy tấm hình trong chuyến đi Thái Lan vừa qua của đồng chí Lú tui buồn lắm anh biết hông?

- Buồn sao anh?

- Tui buồn khi thấy đồng chí ấy đứng cạnh bà Thủ tướng Thái Lan. Tôi không muốn nói giống như phượng đứng cạnh cú, cái đó ai cũng biết rùi. Tui chỉ buồn khi thấy đồng chí ấy mặc áo vét mà có bao nhiêu nút đồng chí ấy cài hết. Chẳng có ai chịu nhắc cho đồng chí ấy nếu áo vét hai nút thì mình chỉ cài nút nào, áo vét ba nút thì mình chỉ cài nút nào.

- Đội ơn anh từ nãy giờ cho biết những chuyện thuộc về xã giao, ngoại giao, ứng xử lịch sự, nhập gia tùy tục, tiếng Tây dường như nó gọi là xa-voa vi-vơ-rơ phải không anh?

- Chớ còn gì nữa.

- Bây giờ xin anh quán triệt về vấn đề ăn nói, đối đáp, lập trường đi. Kỳ này tui có nên bắt chước anh nói kiểu của anh “Cuba thức Việt Nam ngủ để thay phiên anh giữ hòa bình thế giới” hông anh?

- Đừng đừng, kỳ đó tui cương ẩu bị bà con ném đá dữ quá. Anh cũng đừng bắt chước tui nói “phân hóa nội bộ Obama” nhen. Tui cũng bị ném đá về câu đó dữ lắm. Anh tránh những chiện đó là an toàn.

- Nếu bây giờ anh Ba bên đó ảnh biểu tui chứng tỏ chế độ mình tôn trọng nhân quyền một cách cụ thể, bằng cách thả những tên như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Tạ Phong Tần vân vân thì tui trả lời sao anh?

- Anh đừng trả lời bọn này vi phạm luật pháp Việt Nam, câu này xưa rồi và ai cũng biết là ba xạo.

- Vậy thì tui phải trả lời sao?

- Anh cứ tìm kế hoãn binh, cứ trả lời sẽ thả sẽ thả rồi sau khi trở về nước anh tỉnh bơ đi là xong.

- Như vậy anh Ba ảnh lại réo tui, ảnh nói tui nuốt lời thì sao?

- Thì làm gì nhau, đâu phải đây là lần đầu đâu.

Phóng viên Dân Làm Báo ghi

Hải Châu


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo