Đề nghị truy tố 8 bị can trong vụ án Nguyễn Đức Kiên - Dân Làm Báo

Đề nghị truy tố 8 bị can trong vụ án Nguyễn Đức Kiên

Quỳnh Giang - Thiên Minh (QĐND) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, đề nghị truy tố về 4 tội: Kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và một số công ty. Các bị can gồm: Nguyễn Đức Kiên và các ông: Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ (nguyên Phó chủ tịch HĐQT), Phạm Trung Cang (nguyên Phó chủ tịch HĐQT), Trịnh Kim Quang (nguyên Phó chủ tịch HĐQT), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB), Trần Ngọc Thanh Nguyễn Thị Hải Yến.

Theo điều tra, Nguyễn Đức Kiên lập 5 công ty gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG), Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI), Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á châu Hà Nội (ACI- HN) và Công ty Cổ phần Đầu tư B&B. Để nâng giá trị cổ phiếu Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên đã dùng thủ đoạn cấp tiền cho ACBS là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB, sau đó chuyển cho các công ty ACI, ACI - HN tổng số tiền hơn 1.557 tỷ đồng để đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB. Ngân hàng ACB chuyển tiền lòng vòng qua các ngân hàng để mua trái phiếu do các công ty phát hành, qua đó mua lại chính cổ phiếu của ACB đã gây thiệt hại hơn 74 tỷ đồng. Nếu tính thiệt hại có lợi cho các bị can thì số tiền Ngân hàng ACB bị thiệt hại hơn 688 tỷ đồng. 

Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quá trình điều tra, xác định với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, Nguyễn Đức Kiên biết rõ quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất và các quy định kinh doanh chứng khoán, nhưng vì muốn bảo vệ lợi ích của nhóm cổ đông Ngân hàng ACB, đối tượng này đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng; ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty TNHH chứng khoán ACB mua cổ phiếu ngân hàng ACB sai quy định. Nhờ việc này, nhóm cổ đông Ngân hàng ACB đã thu lợi bất chính hơn 256 tỷ đồng và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 1.400 tỷ đồng. Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank song đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP HCM) chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 719 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cũng làm rõ hành vi trốn thuế với số tiền hơn 25 tỷ đồng của Nguyễn Đức Kiên trong thương vụ kinh doanh vàng giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB, thu lãi hơn 100 tỷ đồng. 


http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/42/42/256278/Default.aspx


*

Bầu Kiên bị truy tố bốn tội danh

BBC - Báo Việt Nam trong ngày 8/8 nhất loạt đăng tin về vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị Bộ Công an đề nghị truy tố về bốn tội danh với mức án tối đa tới chung thân trong khi cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá bị coi là đồng phạm của ông Kiên. 

Các tội danh mà ông Kiên, 49 tuổi, bị cáo buộc gồm kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB và một số công ty khác.

Tội danh cuối cùng này cũng là lý do khiến Tiến sỹ Trần Xuân Giá, 74 tuổi, người từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB, bị công an khởi tố điều tra trong những tháng cuối năm ngoái.

Sau Bầu Kiên, ông Giá là nhân vật được nhiều người chú ý nhiều hơn cả do đã từng nắm các chức vụ cao cấp trong đó có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Văn phòng Chính phủ hiện nay).

Tội cố ý làm trái mà vị cựu bộ trưởng bị cáo buộc có mức án cao nhất là 20 năm tù.

Ông Giá hiện đang được tại ngoại trong quá trình điều tra.

Thiệt hại ngàn tỷ

Báo chí Việt Nam hiện mới chỉ tập trung vào các tội danh mà công an cáo buộc ông Kiên chứ không nói về bảy người bị coi là đồng phạm.

Ba người bị cáo buộc khác, vốn đều từng nằm trong Hội đồng Quản trị ACB cùng ông Giá, là các cựu phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang.

Một người bị coi là đồng phạm khác từ ACB chính là cựu Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải.

Hai người còn lại từng làm việc tại Công ty Cổ phần đầu tư ACBI Hà Nội do ông Kiên lập ra - ông Trần Ngọc Thanh với chức danh giiám đốc và bà Nguyễn Thị Hải Yến ở cương vị kế toán trưởng.

Liên quan tới cáo buộc cố ý làm trái, báo Người Lao Động dẫn nguồn công an đưa tin ông Kiên đã vận động để "Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng; ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn chứng khoán ACB mua cổ phiếu ngân hàng ACB sai quy định."

Báo nói những hành động của ông Kiên và những người có liên quan tới phi vụ ở ACB đã "thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông Ngân hàng ACB 256 tỷ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 1.407 tỷ đồng."

Người Lao Động cũng liệt kê chi tiết cáo buộc kinh doanh trái phép, lừa đảo và trốn thuế của ông Kiên. 

Hiện chưa rõ khi nào Viện Kiểm sát sẽ có quyết định về đề nghị của cơ quan điều tra của Bộ Công an và quyết định đó sẽ theo chiều hướng nào.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo