Trọn niềm tin với Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
QĐND - Báo Quân đội nhân dân tiếp tục nhận được các ý kiến của bạn đọc phê phán cách nhìn lệch lạc của ông Lê Hiếu Đằng về các vấn đề của đất nước, đòi "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập", trong đó nhiều ý kiến khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện niềm tin với Đảng, đồng thời kiên định mục tiêu, lý tưởng CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số ý kiến.
PGS. TS Đại tá Đỗ Duy Môn (Học viện Chính trị) - Đảng Cộng sản Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao
Trong bài viết của mình, ông Lê Hiếu Đằng có những đánh giá sai lệch về vị thế của Đảng, đất nước và dân tộc trên trường quốc tế. Không biết vô tình hay cố ý, ông đã lờ đi một thực tế là: Trong dòng chảy của tiến trình lịch sử, bạn bè quốc tế, nhân dân các nước dân chủ và nhân loại tiến bộ trên thế giới đều công nhận và ủng hộ Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam và chế độ nhất nguyên về chính trị ở Việt Nam; vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của ĐCS, Việt Nam đã và đang là một thành viên ngày càng chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong hội nhập quốc tế. Đến cuối nhiệm kỳ Đại hội X, Việt Nam đã có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới.
Tại Liên hợp quốc, các hội nghị, diễn đàn lớn của quốc tế, khu vực, các nguyên thủ và lãnh đạo ĐCS Việt Nam được bạn bè thế giới, các quốc gia có quan hệ ngoại giao… tiếp đón, hội đàm trọng thị, trao gửi niềm tin và tình cảm trong những hoạt động đối ngoại của Đảng… Có được thành quả đó, trước hết là nhờ đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Với năng lực lãnh đạo và những đóng góp to lớn vào thành quả cách mạng Việt Nam, nhân loại tiến bộ, bạn bè quốc tế luôn đánh giá cao vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam. Hầu hết các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, các Đảng trên thế giới đều chủ động hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Chứng tỏ họ đặt niềm tin vào thể chế chính trị và sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Tất nhiên, quá trình lãnh đạo toàn xã hội, ĐCS Việt Nam cũng khó tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm, hạn chế cần chấn chỉnh, khắc phục để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Lợi dụng những khuyết điểm, yếu kém trong Đảng, các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta luôn tìm cách “bôi đen”, hòng làm mất uy tín, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho mọi người suy giảm niềm tin vào Đảng. Mục tiêu cuối cùng là hạ bệ vai trò lãnh đạo duy nhất toàn xã hội của ĐCS Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Đó là việc làm đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc, đi ngược với mong muốn, nguyện vọng của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Việc cổ xúy, hô hào “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là chiêu bài đã cũ kỹ, lỗi thời! Nguyễn Vũ Hiệp (ghi)
*
PGS. TS Đại tá Lê Quang Phi (Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) - Nhân dân tự hào về Đảng, mong muốn Đảng ngày càng vững mạnh
Tôi không đồng tình với ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng nói rằng “Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam tự cho mình quyền lãnh đạo toàn xã hội”. Ông nói như vậy là phủ nhận lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam.
Xin được nói rõ, vai trò lãnh đạo Đảng ta có được là do Đảng chứng thực năng lực lãnh đạo trong thực tiễn cách mạng, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đem lại những quyền cơ bản cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam. Trên cơ sở năng lực và vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước, nhân dân đã tự nguyện lựa chọn ĐCS là người lãnh đạo duy nhất toàn xã hội Việt Nam.
Nhớ lại, lúc Đảng mới ra đời, còn hoạt động trong vòng bí mật thì một bộ phận lớn quần chúng được giác ngộ đã tự nguyện theo Đảng, mong muốn được Đảng chỉ lối để tham gia đấu tranh cách mạng, tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc. Dù Đảng đi vào hoạt động bí mật hay bán công khai thì đại bộ phận nhân dân vẫn hiển nhiên công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tháng 8-1945, ĐCS Việt Nam lãnh đạo toàn dân tộc khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Quá trình đi đến thắng lợi đó, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn ĐCS Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất. Từ đó đến nay, dân tộc ta tiếp tục chọn ĐCS là lực lượng duy nhất lãnh đạo toàn xã hội, giữ vững chính quyền, tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong tình hình hiện nay, trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, quần chúng nhân dân vẫn đặt trọn niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, mong muốn Đảng khắc phục triệt để những yếu kém, khuyết điểm, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, gánh vác sứ mệnh lãnh đạo đất nước tiến lên CNH-HĐH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh . Tên gọi “Đảng ta” mà mỗi người dân Việt Nam dành cho ĐCS Việt Nam đã nói lên bản chất mối quan hệ không thể tách rời giữa Đảng với dân tộc và nhân dân. Tên gọi “Đảng ta” còn nói lên bản chất của ĐCS: Đảng của dân, có trọng trách vừa lãnh đạo, vừa phục vụ lợi ích của nhân dân và dân tộc.
Từ những cứ liệu thực tiễn trên, có thể khẳng định: Sự lãnh đạo duy nhất của ĐCS Việt Nam là kết quả lựa chọn đúng đắn của dân tộc, là ước nguyện của đại bộ phận nhân dân. Đặc biệt, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một lần nữa cho thấy, hầu hết các ý kiến tán thành với Điều 4 của Dự thảo về vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam. Đây là bằng chứng sinh động khẳng định nhân dân Việt Nam không cần “đa nguyên, đa đảng”. Ngô Thanh (ghi)
*
Bà Cao Thị Quế Hương, nguyên Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng - Chúng tôi tin vào sự lựa chọn đúng đắn của mình
Tôi với anh Lê Hiếu Đằng biết nhau từ năm 1966, khi cùng hoạt động trong Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Khi ấy, tôi là sinh viên Đại học Văn khoa, còn anh Đằng là sinh viên Đại học Luật khoa. Năm 1968, khi tôi rút vào hoạt động bí mật thì anh Đằng ra chiến khu. Sau này, trong quá trình công tác cũng như trong cuộc sống đời thường, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Trong bài “Viết trên giường bịnh” anh Đằng có nhắc tới tôi và người chỉ huy (sau này là người bạn đời của tôi) đã hy sinh là anh Nguyễn Ngọc Phương.
Từng là đồng chí, đồng đội, lại là chỗ bạn bè thân thiết, nhưng tôi không đồng ý với anh, bởi bài viết thiếu khách quan và thiếu tính xây dựng. Trước đây, những thanh niên, trí thức như chúng tôi đi theo cách mạng là tự nguyện, xuất phát từ lòng căm thù giặc, mong muốn giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức của chế độ Mỹ-ngụy. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, chúng tôi thấy chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị đáng tin cậy, có khả năng lãnh đạo nhân dân đứng lên giành tự do, độc lập. Ở miền Nam dưới chế độ Mỹ-ngụy cũng từng tồn tại các đảng phái khác nhau, nhưng tất cả đều “xôi thịt”, các đảng phái lập ra chủ yếu để tranh giành ghế trong quốc hội, hòng mưu cầu lợi ích cá nhân. Vì vậy, đến bây giờ tôi và các đồng chí, đồng đội vẫn tin sự lựa chọn của mình là đúng và không bao giờ hối hận về điều đó.
Anh Đằng và một số người thường đả phá chế độ, hô hào phải thay đổi mô hình chính trị, xây dựng một xã hội “dân chủ” hơn, nhưng các vị lại không “vẽ” ra được mô hình khả thi nào, thậm chí còn muốn quay trở lại chế độ giống cái chế độ cũ mà chúng ta từng phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh để xóa bỏ nó.
Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta mới giành được độc lập, người dân mới được tự do. Sau ngày giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây, chúng ta được chứng kiến những thành tựu to lớn về kinh tế-văn hóa-xã hội của đất nước; bộ mặt nông thôn, đời sống của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số có những bước tiến vượt bậc so với trước đây.
Thành quả lãnh đạo của Đảng là thực tế không thể phủ nhận. Chủ nghĩa xã hội vẫn luôn là hình mẫu tốt đẹp để loài người hướng tới. Bản thân tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta, Đảng ta đã lựa chọn. Vũ Đình Đông (ghi)
*
Ông Nguyễn Văn Chung (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) - Chuyển biến tích cực từ chính quyền cơ sở
Trong bài viết của tác giả Lê Hiếu Đằng tôi thấy mô tả tình hình đất nước không đúng, không khách quan, nói thiên về chiều "đen tối".
Những năm gần đây, người dân ở vùng nông thôn như chúng tôi đều cảm nhận nhiều sự thay đổi, tiến bộ trong đời sống xã hội.
Không nói đâu xa, ở địa phương nơi tôi sinh sống, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên; trẻ em đều được chăm lo học hành. Nhiều gia đình nghèo vẫn có con em tốt nghiệp đại học nhờ chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước; nhiều em đỗ đạt, lập thân, lập nghiệp ở thành phố, hoặc tham gia công tác tại địa phương, nhưng luôn trân trọng, biết ơn nguồn cội của mình. Cách đây chừng 10 năm, người dân quê tôi không ai nghĩ sẽ có ngày đường ô tô chạy qua làng mình; bà con ở vùng sâu vẫn có điện lưới quốc gia, hộ nghèo được chính quyền địa phương trao thẻ bảo hiểm y tế mà không phải mất tiền mua… Những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với nông dân, nông thôn đã thực sự đi vào cuộc sống, đến tận cơ sở.
Những năm gần đây, cán bộ Nhà nước và những người thực thi công quyền ở cơ sở đã có những đổi mới trong tác phong sinh hoạt, công tác, gần gũi, thân thiện, cởi mở hơn với người dân. Công bằng mà nói, trước đây cũng có một số trường hợp cán bộ làm mất lòng tin trong nhân dân chỉ vì những hành động hách dịch, tỏ vẻ “bề trên”, coi thường dân, hoặc hứa nhưng không làm. Nay người dân cảm thấy mình được tôn trọng, được lắng nghe, được đồng hành cùng chính quyền địa phương trong những cuộc vận động lớn. Đặc biệt, ý kiến đóng góp xây dựng của người dân đối với đội ngũ cán bộ cơ sở đã được tiếp thu, có hướng khắc phục, sữa chữa; tôi nghĩ, đây là một sự tiến bộ rất quan trọng.
Sự chuyển biến tích cực từ chính quyền cơ sở cho thấy đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước đang có những đổi thay lớn, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Hồng Hiếu (ghi).
*
Đinh Trung Kiên, Bí thư Xã đoàn Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình - Lớp trẻ không ảo tưởng
Trong bài viết của mình, ông Đằng đưa ra nhận định: “...thực ra cả một bộ phận loài người, trong đó có người Việt Nam khát khao với một xã hội tốt đẹp hơn, chống lại cái ác, cái xấu nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về Đảng Cộng sản Việt Nam và CNXH”. Suy nghĩ của ông như vậy là có tính áp đặt. Người dân Việt Nam có đủ cơ sở để đặt trọn niềm tin vào chế độ XHCN, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi, những công dân trẻ vẫn một lòng tin vào Đảng, tin thật sự chứ không hề ảo tưởng.
Bài viết của ông Đằng muốn kích động một bộ phận lớp trẻ quay lưng lại với Đảng. Ông nói ông viết "là để trải lòng với bạn bè, với các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh mà ông quen", rồi ông thúc giục: “Với lòng tự trọng của công dân một nước có lịch sử hào hùng, chúng ta phải hành động”. Tôi không biết, ông muốn các bạn thanh niên hành động gì? Riêng tôi, một cán bộ đoàn, một thanh niên đã nỗ lực phấn đấu hết mình để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thấy xót xa khi một người ở bậc cha chú, đã từng là đảng viên, từng có cương vị trong hệ thống chính trị, lại xui lớp trẻ hành động như vậy.
Lịch sử đã chứng minh, có biết bao đảng viên trẻ dám hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Ngay trong chốn lao tù khổ sai của bọn đế quốc, thực dân, nhiều thanh niên ưu tú đã viết đơn xin vào Đảng bằng máu. Ngày nay, tuổi trẻ chúng tôi vẫn không ngừng phấn đấu, rèn luyện với khát khao cháy bỏng được đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản. Nhiều đoàn viên, thanh niên ưu tú được kết nạp Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường; nhiều đảng viên trẻ giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức… Điều đó cũng đủ chứng minh tính ưu việt và uy tín của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và quần chúng nhân dân.
Tương lai của Đảng chính là đoàn viên, thanh niên hôm nay. Người chủ đất nước chính là thanh niên. Ông hãy suy nghĩ lại, bằng trải nghiệm của mình, làm cho lớp trẻ tin yêu Đảng, kế tục sự nghiệp vinh quang của Đảng, xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tiến Minh (ghi)
*
Nguyễn Đức Tiến, Thành đoàn Hà Nội - Mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho Đảng, cho đất nước
Đọc bài báo “Đôi điều với tác giả “ Viết trên giường bịnh” tôi cảm thấy buồn trước những suy nghĩ lệch lạc, thiếu trách nhiệm của ông Đằng.
Thế hệ trẻ chúng tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam, với bao thành tựu đã giành được trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng hơn 80 năm qua. Những thành quả của đất nước, dân tộc có được đều nhờ sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam. Chính vì vậy, việc ra đời đảng phái mới, đối lập tranh giành quyền lãnh đạo với ĐCS theo tôi là không cần thiết. Đó cũng không phải là điều mà thế hệ trẻ mong muốn.
Bài báo “Đôi điều với tác giả “Viết trên giường bịnh” đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã phân tích, “dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào”. Thế hệ trẻ ở Việt Nam được hưởng đầy đủ bầu không khí dân chủ; thanh niên được trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống chính trị các cấp, được bàn thảo, đóng góp ý kiến vào các vấn đề quốc gia, dân tộc; được thẳng thắn bày tỏ quan điểm và nguyện vọng đối với Đảng, với Nhà nước trong các vấn đề liên quan đến quyền lợi và sự phát triển chính đáng của tuổi trẻ. Đảng ta đã có những nghị quyết, chỉ thị riêng về công tác thanh niên, đặc biệt là Nghị quyết số 25 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH” để quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho thế hệ trẻ.
Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay có cơ hội được học hành cả trong và ngoài nước, tự tin bước ra thế giới với một nền tảng tri thức, văn hóa phong phú, sức khỏe tốt và kỹ năng ngày càng hoàn thiện… Dưới sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, trở thành “trường học lớn” thu hút hàng triệu thanh niên tham gia tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Là một người trẻ tuổi, tôi cảm thấy may mắn được sống trong một xã hội ổn định, hạnh phúc, ấm no và chúng tôi luôn mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho Đảng, cho đất nước. Xây dựng ĐCS Việt Nam vững mạnh cũng chính là góp phần xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.