Trong Bản Tin Lao Động Việt Tổng Hợp hai tuần qua nổi bật lên là đã có 5 người chết, 7 bị thương do tai nạn lao động. Đồng thời là tình trạng doanh nghiệp nợ lương công nhân đang là hiện tượng khá phổ biến hiện nay.
Bình Định: Ba công nhân tử vong và hai bị thương vì ngạt khí độc
Theo tin từ báo Dân trí ngày 20/08/2013 cho biết: "Trong lúc dọn vệ sinh trong bồn nguyên liệu bột giấy của Công ty TNHH Hiệp Phát (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn, Bình Định) chuyên sản xuất giấy và bao bì carton, 3 công nhân đã bị ngạt khí độc dẫn đến tử vong". Tờ báo này cũng cho biết 3 nạn nhân được xác định là anh Minh Triều (25 tuổi), Nguyễn Văn Nhàn (21 tuổi), cùng ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, và Huỳnh Chi (45 tuổi, ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định). Ngoài ra 2 công nhân khác xuống hầm cứu những người bị nạn nhưng do khí độc trong hầm nặng quá nên nhanh chóng thoát ra ngoài và may mắn thoát nạn.
Anh Đào Văn Dư xuống hầm cứu các công nhân nhưng bị xỉu,
đang cấp cứu tại bệnh viện (Ảnh: Dân trí)
Sài Gòn: Sập mái hiên làm 1 người chết, 2 người bị thương
Theo báo An ninh thủ đô online ngày 21/08/2013 cho biết: sáng 21-8, 3 công nhân gồm Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Thòn, và Phạm Phú Phi, "đang thi công mái hiên trên tầng một thì bỗng nhiên một mảng bê tông lớn đổ sập xuống. Anh Trí không tránh kịp nên bị đè chết, còn anh Thòn và anh Phi nhảy xuống đất, bị thương được đưa đi cấp cứu".Tờ báo này cho biết địa điểm xảy ra tai nạn là tại căn nhà hai tầng mới xây nằm trên đường 173, ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, Sài Gòn.
Bình Dương: Rơi vào nồi hóa chất làm 1 công bỏng nặng
Theo báo Phụ nữ online ngày 22/08/2013 cho biết tin: "Ngày 21/8, trong lúc đứng vớt gỗ ra khỏi bồn hóa chất đang sôi, công nhân Lê Văn Sáu (SN 1992, quê Đồng Tháp) bị trượt chân té vào bồn". Hậu quả là anh Sáu, công nhân công ty sản xuất đồ gỗ tại tỉnh Bình Dương, đã bị phỏng hóa chất với diện tích 50% cơ thể và đang được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy – Sài Gòn.
Quảng Ninh: Tai nạn hầm lò, một công nhân tử vong, một bị thương
Tin từ Tuổi trẻ online ngày 14/08/2013 cho biết: "Trưa 14-8, tại công ty than Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh đã xảy vụ tai nạn lao động làm một công nhân tử vong, một công nhân bị thương". Nguyên nhân theo tờ báo này cho biết là do xảy ra sự cố bục túi nước làm hai công nhân mắc kẹt trong hầm lò. Danh tính công nhân được tử vong xác định là Phạm Phú Tiến (thợ lò bậc 6/6, 44 tuổi, trú ở Kim Sen, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Người bị thương là Ngô Đoàn Đảng.
Biên Hòa: Công nhân bị máy xay cafe cắt mất nhiều bộ phận trên cơ thể
Theo tin từ báo Tuổi trẻ online ngày 23/08/2013 cho biết: "Khoảng 10g15 ngày 22-8, bệnh nhân Trần Tất Danh (23 tuổi, ngụ TP Biên Hòa), công nhân công ty Vinacafe (TP Biên Hòa) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đa chấn thương, người lơ mơ, mạch huyết áp không đo được. Nhiều bộ phận trên cơ thể bị máy xay cắt mất như: chân trái, cơ quan sinh dục, xương chậu, ruột lòi ra ngoài…Nhiều động mạch, tĩnh mạch lớn cũng bị đứt khiến bệnh nhân mất máu nhiều". Theo tin tức từ báo này nguyên nhân xảy ra tai nạn là do máy xay café đã cắt đứt một sô bộ phận trên cơ thể nam công nhân này. Rất may là nam công nhân Danh đã tạm thời qua cơn nguy kịch.
Hàng trăm công nhân may đình công đòi công đoàn đáp ứng
Theo tin từ tạp chí Infonet 24/8/2013 cho biết: "Sáng ngày 24/8, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Ivory Việt Nam đóng trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã ngừng sản xuất đòi công ty phải trả thêm phụ cấp: xăng xe, tiền ăn v.v..." Trước đó, chiều ngày 23/8, một bộ phận của xưởng may 2 của Công ty TNHH Ivory Việt Nam đã ngừng sản xuất, kéo nhau ra ngoài đòi công đoàn của công ty đáp ứng mong muốn của họ.
Hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Ivory Việt Nam
đình công đòi quyền lợi (Ảnh: Infonet).
Thầu khoán bỏ trốn không trả lương công nhân
Theo tin từ báo Lao động online ngày 22/08/2013: "Anh Nhan Thanh Mộng (34 tuổi), chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi) - đang làm công tại công trình dự án khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất (dự án sân golf), Tân Bình, Sài Gòn đã bị một trong những thầu khoán của Cty CP xây lắp 6 (gọi tắt Bico 6, ĐC: 350 Trường Chinh, Tân Bình, Sài Gòn) bỏ trốn không trả lương". Đáng lưu ý hơn là vợ chồng anh Mộng ở lại để đòi tiền công thì bị đuổi ra khỏi lán, phải cầm cố xe, vợ con đi nhặt ve chai bán kiếm tiền mua gạo cầm cự để đòi tiền.
Thanh Hóa: Hàng trăm công nhân đến trụ sơ công ty đòi quyền lợi
Theo báo Lao động online ngày 19/8/2013 cho biết: "Sáng 17.8 khoảng 130 công nhân Nhà máy gạch Tuynel Đông Văn (đóng tại Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), thuộc Công ty cổ phần xây dựng K2 đã kéo lên trụ sở công ty ở Thanh Hóa đấu tranh đòi quyền lợi". Nguyên nhân là do Cty K2 đã tổ chức đấu thầu giao khoán cho đơn vị khác mà không giải quyết xong chế độ chính sách cho người lao động.
Đà Nẵng: Công nhân vây nhà máy vì nợ lương... 2 năm
Theo báo Dân Việt ngày 16/8/2013 đưa tin: “Liên tục trong nhiều ngày, Cổng nhà máy của Công ty cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã bị bao vây bởi hàng chục công nhân”. Lý do gây nên sự việc này là do Công ty cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành đã ngừng sản xuất từ năm 2011. Từ đó tới nay công ty này đang nợ tiền lương, nợ bảo hiểm, tiền phép của 72 công nhân. Cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn.
Cà Mau: Người lao động bị nhốt khi đến công ty đòi lương
Theo báo Dân trí ngày 19/08/2013 cho biết: "Chị Hảo là vợ một công nhân bị giám đốc nợ hơn 30 triệu đồng tiền lương. Khi Chị Hảo và con của anh công nhân này đến nhà giám đốc đòi tiền thì bị nhốt lại". Theo tin từ tờ báo này Chị Hảo bị nhốt trong nhà của ông Nguyễn Hữu Năm, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hữu Trí (trụ sở đặt tại 200 Tôn Đức Thắng, P.5, TP.Cà Mau).
Hà Nội: Công nhân giăng biển đòi lương nợ
Theo báo Vnexpress ngày 26/08/2013 cho biết: "Tòa nhà Sông Hồng Parkview ở 165 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) hoàn thành từ cuối 2012 nhưng đến nay chưa thanh toán hết tiền thi công, khiến hàng chục công nhân sáng nay vây kín để đòi nợ". Theo báo này thì số công nhân giăng biển đòi lương này đại diện cho 61 công nhân đã tham gia thi công tòa nhà Sông Hồng Parkview. Họ đến từ các tỉnh xa như Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Dương... bị nợ lương 2-3 năm nay, người ít khoảng 5 triệu đồng, người nhiều lên tới 30 triệu đồng.
Công nhân giăng biển đòi lương tại Hà Nội (Ảnh:Vnexpress)
Ghi chú:
1) BTTH này của Lao Động Việt do Hiền Sỹ viết, tóm tắt những tin tức không kiểm chứng trên báo chí nhà nước
2) LĐV là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước, gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
gửi Danlambao