Phạm Chí Dũng (VOA) - Chỉ trong khoảng thời gian thoi đưa gần ba năm - từ 2011 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã sa chân vào cửa tử với hố đen khủng hoảng há rộng chực chờ. Chưa bao giờ trong lịch sử của thể chế đương đại, các nhóm lợi ích lại lộ hình tác quái ghê gớm và “quyết tâm” đến thế.
Tiêu biểu cho hoạt động lợi ích nhóm là ba thể loại chủ chốt: nhóm lợi ích đầu cơ như vàng, chứng khoán, bất động sản và một bộ phận ngân hàng; nhóm lợi ích độc quyền như xăng dầu, điện lực; nhóm lợi ích “sự nghiệp kinh doanh” như Vinashin, Vinalines...
Trong một lần quá hiếm hoi bên lề đảng, tờ Văn hóa Nghệ An mới đây đã rút tít: “Các nhóm lợi ích, đừng nấp áo Nhân Dân để phục kích Nhân Dân”.
Chỉ sau tiếng chuông báo động réo vang thảng thốt từ tuyệt đại đa số tầng lớp thu nhập thấp và trung bình của xã hội, một bộ phận nho nhỏ trong chính giới mới âm thầm thừa nhận hiện trạng kinh tế đã bị thao túng bởi những nhóm lợi ích “vô hình” nào đó, cũng như tình hình kinh tế “không quá lạc quan”.
GDP là một trong những thông số tiêu biểu cho nỗi cám cảnh chưa có nơi nương tựa ấy.
GDP “suy thoái tư tưởng”
Nếu vào các năm 2009 - 2011, chỉ số GDP còn đạt ở mức “quyết tâm” của Bộ chính trị, Chính phủ và Quốc hội là 9-9,5%, thì những năm sau đó, quyết tâm này cũng bị suy thoái một cách không thể duy ý chí hơn.
Đến cuối năm 2011, hầu hết mọi người đều nhận ra là nền kinh tế đã quá khó khăn, con số phá sản của doanh nghiệp đã lên đến ít nhất 50.000. Không còn cách nào khác, người ta buộc phải thừa nhận GDP “năm sau sẽ không bằng năm trước”.
Tuy nhiên, đến lúc này và khác hẳn với năm 2009, đã không còn một gói kích cầu nào đủ lớn. Tiền chạy đâu hết rồi? Không người dân nào biết. Chỉ biết rằng Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn nắm giữ huyết mạch kinh tế của đất nước và vẫn ung dung hưởng thụ núi lợi nhuận tích lũy của họ, trong khi số doanh nghiệp “tử trận” đã lên đến ít nhất 100.000, theo con số báo cáo chính thức của Ủy ban thường vụ quốc hội vào đầu năm 2013.
Trong thực tế, con số phá sản và giải thể của doanh nghiệp có thể còn lớn hơn khá nhiều. Một ước tính của giới chuyên gia, xuất phát từ tình trạng có đến 200.000 doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế, đã ước tỷ lệ phải ngưng hoạt động của doanh nghiệp có thể chiếm đến 1/3 trên tổng số gần 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
1/3 cũng là một khả năng có thể xảy ra đối với hiện trạng thất nghiệp toàn phần và có nguy cơ thất nghiệp ở Việt Nam, cho dù báo cáo của Bộ lao động, thương binh và xã hội chỉ luôn thừa nhận tỷ lệ này khoảng 2%.
Nền kinh tế Việt Nam đã phải gánh chịu hình dạng lõm toàn phần, khi công tác điều hành “linh hoạt và uyển chuyển” đối với nó đã phạm nhiều sai lầm và còn liên quan đến cả những nhóm lợi ích và nhóm thân hữu.
Nhưng thế đi xuống theo dạng parabol lõm của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa phản ánh toàn bộ thực trạng, bởi hoạt động thống kê số liệu ở Việt Nam là rất đáng bị hoài nghi về mức độ trung thực và tính minh bạch.
Giả số liệu?
Vào năm 2012, Quốc hội đã phải chấp nhận tỷ lệ tăng trưởng GDP dừng ở mức “khiêm tốn” là 6 - 6,5%; còn vào năm 2013 là khoảng 5%. Nhưng như vậy vẫn là quá triển vọng, nếu so với mặt bằng tăng trưởng GDP bình quân của nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp; và ngay cả đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức cũng chỉ khoảng 2,5-3% - một kết quả được xem là đáng mừng trong thời buổi suy thoái và luôn chực chờ nguy cơ khủng hoảng kép.
Một số chuyên gia kinh tế độc lập có hàm lượng phản biện cao của Việt Nam như Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A và sau này có cả chuyên gia đương chức Trần Đình Thiên đã nêu nhiều dẫn chứng cho thấy thực tế chỉ số thực về GDP ở Việt Nam không tăng đến mức như báo cáo, và nếu có như báo cáo thì chỉ là bản sao của cái gọi là “mức tăng trưởng 7-8% của GDP” Trung Quốc mà thôi. Hiện trạng này cũng gần tương tự như việc giáo sư Lang Hàm Bình – một chuyên gia phản biện độc lập của Trường đại học Hồng Kông – đã cho rằng những số liệu về GDP và lạm phát ở Trung Quốc đều là giả.
Vào giữa năm 2013, một chuyên gia phương Tây cũng cho rằng về thực chất, GDP của Trung Quốc chỉ vào khoảng 3,7% chứ không phải gần 8% như con số được công bố hiện thời. Còn trước đó, chuyên gia phản biện Vũ Quang Việt đã tính toán GDP của Trung Quốc chỉ vào khoảng 1-2%.
Kinh tế Trung Quốc và kinh tế Việt Nam lại có nhiều nét đặc biệt giống nhau – trong quá khứ, hiện tồn và có thể cả về tương lai. Nếu căn cứ vào độ chênh giữa số thực tế và số báo cáo của Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam đang không phải tăng trưởng đến 5% hay 5,5%, mà thực chất chỉ nhỉnh hơn 0% một chút.
“Thập kỷ mất mát”?
Vậy Việt Nam còn gì để hy vọng?
Điều có thể an ủi là không phải đồ thị kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ lao dốc một cách thẳng thừng và liên tục. Theo quy luật thường thấy, hình thể parabol lõm thường làm nên một giai đoạn hồi phục nhẹ, trở thành parabol lồi - hiện tượng có thể xảy ra vào hai năm 2013 - 2014, bắt đầu từ việc Chính phủ và Ngân hàng nhà nước bắt buộc phải thúc đẩy hạ các loại lãi suất và bơm tiền cho nền kinh tế. Tiền được bơm ra càng nhiều, nền kinh tế sẽ càng nhanh phục hồi.
Tuy nhiên, từ khái niệm phục hồi này đến yêu cầu về một nền kinh tế phát triển bền vững vẫn còn một khoảng cách rất xa, hoặc gần như ảo tưởng. “Tiền được đẩy ra nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất” vẫn là bài học đắng ngắt của hai nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam trong giai đoạn 2007-2010.
Bởi sau giai đoạn phục hồi tạm bợ 2013 - 2014, nếu huyết mạch kinh tế Việt Nam không được gia cố các mao mạch, nó sẽ tiếp tục lao dốc. Liên quan đến hình ảnh này, có thể kiểm nghiệm lại đồ thị lao dốc của nền kinh tế Mỹ và chỉ số chứng khoán Dow Jones vào nửa cuối năm 2008 để có thể xác nghiệm một bài học rất cận kề cho nền kinh tế Việt Nam.
Hoặc xa hơn nữa nhưng lại có vẻ ngày càng gần gũi với Việt Nam, đó là cuộc Đại khủng hoảng năm 1929-1932 ở Hoa Kỳ, khi chỉ số Dow Jones mất đến 90% và tỷ lệ thất nghiệp tăng trên 20%.
Nếu kịch bản khủng hoảng tài chính 1997 ở vùng Đông Nam Á tái hiện ở Việt Nam, cuộc Suy thoái năm 2008 tại quốc gia hình chữ S chắc chắn mới chỉ là bước dạo đầu của “Thời kỳ mất mát”.
Cần nhắc lại, khi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ở Việt Nam phục hồi phần nào vào năm 2009, một số chuyên gia đã vội vã cho đó là hình dạng hồi phục chữ V của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng thực ra đã chẳng có chữ V nào hết. Ngoại trừ thị trường vàng vẫn còn giữ giá cao nhưng thanh khoản lại sụt giảm đến mức báo động, ẩn dụ được dành cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán là “chết lâm sàng”.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước và hiện là Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, mới đây đã nhận định: nền kinh tế đã rơi xuống đáy và đang ở đáy chữ U. Việc thoát khỏi đáy rất khó khăn do thiếu điểm tựa và sức mạnh. Nếu không có đột phá thì tình trạng đáy chữ U cứ kéo dài ra mãi là khó tránh khỏi.
Vì sao thế? Có lẽ đúng như nhà kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, lấy mốc từ năm 1991, chưa bao giờ tình hình kinh tế – xã hội ở Việt Nam lại xấu như hiện nay. Không thể nói khác hơn là một cuộc suy thoái đang trở lại. Hoặc chính xác hơn, đây có thể là một cuộc khủng hoảng được dạo nhịp đầu tiên của nó.
Chữ L?
IMF vẫn đang cảnh báo nước Mỹ có thể rơi vào một “thập kỷ mất mát” như người Nhật đã từng bị như thế vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Còn ở Việt Nam, “Thời kỳ mất mát” có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí rất nhiều năm, sau chuỗi tăng trưởng quá nóng trong suốt 20 năm - từ 1991 đến 2011.
Thực tế cho đến nay, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tạo nên cơn dư chấn ở Việt Nam dài đến 5 năm. Nhưng ngay tại thời điểm này, có lẽ nhiều người nhận ra rằng 5 năm chưa phải màn cuối của vở bi kịch. Trong khi, những năm tiếp theo với tình thế khó khăn, hoặc còn lâu hơn thế, là một khả năng “trong tầm tay”. Khi đó, “Thập kỷ mất mát” có thể ứng nghiệm với trường hợp Việt Nam.
Cho tới giờ, đã có thể nhận ra đường biểu diễn vận động của nền kinh tế Việt Nam từ giai đoạn 2006-2007 đến nay nghiêng về hình thể L hơn là sự phục hồi tự tin của chữ V hay chậm chạp nhưng bền vững của chữ U.
Gần như chắc chắn, L là sắc thái không thể tránh được cho một thời kỳ ngưng trệ và lộn xộn mới về kinh tế - chính trị ở đất nước này.
Và có thể, biểu đồ lao dốc của nền kinh tế Việt Nam chỉ dừng lại vào năm 2016 - 2017, tức đến lúc đó nền kinh tế mới thật sự nhìn ra cái đáy của chính nó.
Dự báo trên liệu có quá bi quan? Biết làm sao được, tất cả đang lệ thuộc quá nhiều vào cái hiện tồn chưa có lối ra hiện nay.
Kinh tế lại phụ thuộc rất nhiều vào những biến động chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng biết chính trị có ổn định thì kinh tế mới phát triển. Còn không thì ngược lại…
Chính phủ và thủ tướng?
Điều bất hạnh cho Việt Nam là quốc gia này đã không thể có một tổng thống Mỹ đầy quyết tâm như Barak Obama - một quyết tâm đầy trong sáng, người đã giữ nguyên mức chi an sinh xã hội và y tế dù vào thời kỳ đầy khó khăn; và cũng không có được một Bernanke của Cục dự trữ liên bang - người có đủ tài và tâm điều hành chính sách tài chính.
Điều bất hạnh hơn là trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái gần như toàn diện, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và lòng dân quá bất an cùng bất mãn, các nhóm lợi ích lại vẫn tồn tại một cách đầy thách thức và trở thành những ông vua không ngai trên đầu dân nghèo.
Một nghiên cứu ở Mỹ đã so sánh chu kỳ hoạt động của động đất với chu kỳ của những cơn “địa chấn” về chính trị trong chính trường nước Mỹ. Có thể ở Việt Nam, mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị cũng gần tương tự. Điều chắc chắn thấy rõ từ năm 2007 đến nay là đồ thị đi xuống của kinh tế, nhưng không hẳn là parabol lõm, mà có thể được xen kẽ bởi một giai đoạn lao dốc.
Cần đặc biệt lưu ý, đồ thị lòng dân và niềm tin chính trị cũng có thể biến diễn như thế.
Vậy ai có thể cứu vãn được nền kinh tế khốn khổ đang lao dốc này?
Với gần như toàn bộ quyền lực hành pháp trong tay, đáp án cho câu hỏi trên chỉ thuộc về chính phủ và những cá nhân lãnh đạo nó.
Vậy những công việc còn lại mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể làm là gì?
Ít ra, chính phủ của ông cần có một gương mặt mới trong một khung cảnh mới - một không gian mà công dân và đặc biệt là người nghèo có thể phục hồi phần nào sinh khí đối với niềm tin chính thể. Tất cả nhằm làm nhòa nhạt một dĩ vãng điều hành kinh tế - xã hội bị xem là thất bại với quá nhiều hậu quả và lợi ích nhóm.
Trong sâu xa, lòng dân và nhiệt huyết cống hiến dân tộc của công dân vẫn còn nguyên đó, chưa hề mất mát, chỉ là chưa ai biết cách khơi dậy tính đồng nguyên của nó mà thôi.
Những lối thoát cho kinh tế Việt Nam cũng vẫn còn nguyên giá trị, từ Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Tổ chức thương mại thế giới đến tương lai có thể hứa hẹn cho Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trong đó không thể bác bỏ hơi ấm từ bàn tay người Mỹ - tất cả vẫn còn chừa ra một cơ hội cho chính thể và những chính khách không lạc hậu với thời cuộc.
Uy tín và chỗ đứng của những người lãnh đạo cao nhất của chính phủ cũng vẫn còn cơ may giành lại chỗ đứng trong lòng dân, nếu họ nhận ra rằng đã đến lúc bức thiết phải kiên định gạt bỏ những quan chức không làm được việc, vô trách nhiệm và quá thiên về quyền lợi tư hữu mà có thể khiến cho nhân dân tràn uất phẫn nộ rồi gầm thét phủ nhận tất cả.