Phương Bích - Hành trình của Tuyên bố 258 vẫn đang tiếp tục con đường của mình, điểm đến lần này là các sứ quán trong nhóm G4 gồm sứ quán Thụy Sỹ (Switzerland), Canada, NaUy (Norway), và Niu Di Lân (New Zealand).
Đúng hẹn, sáng nay, ngày 20/9, nhóm chúng tôi đến trụ sở của sứ quán NaUy. Đón tiếp bốn anh chị em là bà bí thư thứ hai sứ quán NaUy, bà tham tán chính trị và văn hóa sứ quán Canada, bà bí thứ thư hai sứ quán Thụy Sỹ. Ấn tượng ban đầu là những cái bắt tay rất thân thiện, những ánh mắt đầy cảm thông và trìu mến. Sau phần giới thiệu về đại diện các sứ quán, họ nói ngài đại sứ NaUy sau buổi làm việc, sẽ trực tiếp gặp nhóm chúng tôi, điều đó thực sự khiến chúng tôi rất ngạc nhiên và cảm động.
Thực ra mục đích của cuộc gặp gỡ này, không khác những lần đến các sứ quán Thụy Điển, Úc, Mỹ và Đức hay EU. Chúng tôi cũng tóm tắt những hoạt động của chúng tôi cho họ nghe, kể về những khó khăn mà chúng tôi gặp phải, khi muốn đấu tranh cho một nền dân chủ thực sự như đất nước của họ.
Mặc dù đã từng trải qua những khó khăn đó nhiều lần, nhưng mỗi khi ôn lại, mấy anh em chúng tôi cũng không tránh khỏi những giây phút rưng rưng trong lòng. Thấy vậy, bạn lại đẩy hộp giấy về phía Chí Tuyến khi thấy anh chàng râu rậm này lau kính...
Đại diện các sứ quán hứa nhất định sẽ chuyển bản tuyên bố này cho chính phủ của họ, và bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của họ đối với việc phát triển đất nước và vấn đề nhân quyền của Việt Nam (vì với họ thì hai vấn đề này có liên quan rất chặt chẽ đến nhau). Họ đã được nghe về tình hình phát triển và về nhân quyền qua các báo cáo của chính phủ Việt Nam, nhưng đương nhiên họ vẫn muốn nghe thông tin một cách đa chiều. Trong quá trình lắng nghe, chỉ có một lần họ tỏ ra không hiểu khi chúng tôi nói, sẽ bị công an ép buộc nếu không chịu nghe theo lời mời làm việc. Họ muốn biết việc ép buộc đó như thế nào, và tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết nếu chúng tôi không đi, công an sẽ dùng vũ lực để khiêng chúng tôi ra xe như họ đã từng khiêng blogger Nguyễn Tường Thụy.
Giữa buổi làm việc, ngài đại sứ NaUy ra gặp chúng tôi. Ông bắt tay từng người, tỏ ý khâm phục việc chúng tôi bất chấp mọi nguy hiểm để đến đây. Ông vui vẻ chụp ảnh cùng anh chị em trong đoàn, và nhận bản tuyên bố 258 của mạng lưới blogger. Ông cũng như các quan chức trong các sứ quán đều nói, nếu vì việc trao bản tuyên bố này cho họ mà chúng tôi gặp bất cứ rắc rối hay phiền toái nào, hãy thông tin cho họ.
Tuy tôi mới tham gia 2 lần vào việc này, nhưng điều tôi nhận thấy là ngoài sự ân cần, cảm thông và trìu mến là sự khiêm nhường của họ, điều mà chúng tôi chưa bao giờ thấy ở một quan chức nào của Việt Nam. Khi tiếp xúc với chúng tôi, họ luôn chắp hai tay ở phía trước, nghiêng đầu về phía trước, tỏ ý luôn sẵn sàng lắng nghe. Có lẽ chính vì những con người như thế, đất nước của họ mới phát triển mạnh mẽ từ hàng chục, hàng trăm năm nay như thế chăng?