Từ biên giới đất liền đến biển Đông: Bắc Kinh vẫn muốn chiếm cả Biển Đông - Dân Làm Báo

Từ biên giới đất liền đến biển Đông: Bắc Kinh vẫn muốn chiếm cả Biển Đông

Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc: Bắc Kinh luôn luôn cổ võ đàm phán về Biển Đông nhưng phải “trên căn bản tôn trọng chứng cớ lịch sử và luật lệ quốc tế”.

Người Việt - Bắc Kinh vẫn không đổi lập trường muốn chiếm cả Biển Đông qua những gì người ta mới được nghe thấy qua phát biểu của thủ tướng nước này.

Khu vực bãi đá Scarborough mà Phi Luật Tân tố cáo Trung quốc đang chuẩn bị 
xây cất để chiếm vĩnh viễn, chỉ cách đảo Luzon của Phi 140 hải lý. (Hình: Internet)

Tân Hoa Xã hôm Thứ Ba đưa một bản tin ngắn tường thuật lễ khai mạc hội chợ thương mại Trung Quốc – ASEAN lần thứ 10 tổ chức ở thành phố Nam Ninh thuộc khu tự trị Quảng Tây Choang. Ông Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc, đọc diễn văn khai mạc nói rằng Bắc Kinh luôn luôn cổ võ đàm phán về Biển Đông nhưng phải “trên căn bản tôn trọng chứng cớ lịch sử và luật lệ quốc tế”.

Đồng thời, ông này lập lại là Bắc Kinh không thay đổi chủ trương “giải quyết tranh chấp chỉ giữa các bên liên quan qua các cuộc đàm phán thân hữu để có các giải pháp đáng tin tưởng”.

Các “chứng cớ lịch sử” là những lời tuyên bố mơ hồ ám chỉ những chiếc tàu thuyền Trung Quốc từng đi lại trên những vùng biển này từ nhiều thế kỷ trước, nay Bắc Kinh tự nêu ra những thời điểm không có gì khả tín, cũng không có ai công nhận. Các triều đại vua chúa Trung Quốc cũng không xác định Biển Đông là những vùng biển đảo của Trung Quốc qua rất nhiều tài liệu, sách sử và bản đồ cổ Trung Quốc.

Những năm gần đây, Bắc Kinh bày cái bản đồ có vạch 9 đoạn hình “Lưỡi Bò” chiếm gần hết Biển Đông rồi tuyên bố 80% vùng biển này là của mình, sau khi đã chiếm một số bãi đá ngầm ở khu vực Trường Sa của Việt Nam rồi xây pháo đài, căn cứ trên biển.

Tuy lập trường Bắc Kinh qua lời ông Lý Khắc Cường chẳng có gì mới, mà chỉ ve vuốt các nước ASEAN rằng các tranh chấp chủ quyền Biển Đông “không nên và sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác chung giữa Trung Quốc với ASEAN”.

Trong những năm gần đây, sự căng thẳng về tranh chấp chủ quyền biển đảo ngày một tăng cường độ vì hành động lấn chiếm của Trung Quốc cũng như sự cải tiến nhanh chóng cả về số lượng và phẩm chất trang bị quân sự của nước này.

Trong khi ông Lý Khắc Cường nhắc nhở các nước tranh chấp biển đảo về những cái “chứng cớ lịch sử” không ai công nhận, chính phủ Philippines cáo buộc Bắc Kinh hiện đang lặng lẽ lấn chiếm từ từ khu bãi đá Scarborough Shoal.

“Chúng tôi đã nhìn thấy những khối xi măng bên trong khu vực các bãi đá Scarborough mà chúng dùng để chuẩn bị xây cất”. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin, nói trong cuộc điều trần tại Ủy Ban Ngân Sách Quốc Hội như vậy.

Theo ông cho hay, những chứng cớ đó được các phi cơ trinh sát chụp được. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh một mặt kêu gọi đàm phán và thương thuyết “thân hữu” trong khi vẫn cứ lấn chiếm, dựa vào sức mạnh quân sự ăn trùm, biết rằng không có nước nào dám đem tàu tới cản trở.

Bãi đá Scarborough cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 140 hải lý, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm ngoái. Khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà Bắc Kinh vẫn nói là tôn trọng luật pháp quốc tế.

Hà Nội vẫn tuyên bố cả vùng quần đảo Trường Sa là của Việt Nam với các bằng chứng lịch sử “không thể tranh cãi” nhưng vẫn không thấy nói gì. Chính phủ Philippines cũng chỉ lo ngại rằng hành động hiện nay của Bắc Kinh cũng cùng một kiểu như họ đã làm hồi thập niên 1990 khi chiếm một số bãi đá ngầm rồi xây công sự, pháo đài kiên cố trên biển.

Những lời lẽ vuốt ve và kêu gọi của Thủ Tướng Lý Khắc Cường hôm Thứ Ba ở Nam Ninh về đàm phán chỉ là trò câu giờ của Bắc Kinh như nhiều nhà phân tích quốc tế từng tố cáo. Nói khác, Bắc Kinh không muốn có một Bộ Qui Tắc Ứng Xử (COC) sớm như các nước tranh chấp khác muốn có. (TN)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo