Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault (P) và đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố chung về đối tác chiến lược, tại Matignon, Paris, 25/09/2013 - REUTERS/John Schults
Thanh Phương (RFI) - Hôm nay, 25/09/2013, nhân chuyến công du Pháp, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với đồng nhiệm Jean-Marc Ayrault, tại điện Matignon. Hai bên đã quyết định nâng bang giao song phương lên một tầm mức mới, ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.
Từ Matignon, đặc phái viên Thanh Phương cho biết:
"Trưa nay, sau cuộc hội đàm tại Phủ Thủ tướng Pháp, hai lãnh đạo chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Pháp Jean-Marc Ayrault đã ký kết Tuyên bố chung nâng quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược. Hiệp định đối tác chiến lược đánh dấu 40 năm quan hệ Pháp – Việt.
Trong cuộc họp báo sau buổi ăn trưa làm việc giữa hai Thủ tướng, ông Jean-Marc Ayrault nhấn mạnh đến quan hệ lịch sử giữa hai dân tộc, thể hiện qua con số sinh viên Việt Nam tại Pháp không ngừng tăng lên, hiện nay đã lên tới 7.000 sinh viên. Đối với Thủ tướng Pháp, lễ ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược hôm nay là một sự kiện lịch sử, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước. Cụ thể hơn, theo Thủ tướng Pháp, đối tác chiến lược có nghĩa là hai nước sẽ nâng cấp đối thoại chính trị, không chỉ về những vấn đề song phương, mà cả về vấn an ninh, quốc phòng, đặc biệt là an ninh khu vực. Cũng trong cuộc họp báo này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hai Thủ tướng đã quyết định là Việt Nam và Pháp sẽ tăng cường đối thoại giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu, khối Pháp ngữ v.v.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh là Hà Nội vẫn hoan nghênh lập trường của Pháp trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam hy vọng là Pháp sẽ tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Khi được hỏi về lập trường của Pháp về việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông – COC – Thủ tướng Jean-Marc Ayrault nhấn mạnh đến quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông và cho biết là Paris sẽ thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của mỗi nước, cũng như trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Theo bản Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, trước hết về chính trị - ngoại giao, Pháp và Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi nhằm thúc đẩy đối thoại về quan hệ hợp tác song phương, về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Pháp và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy quản trị tốt, nhà nước pháp quyền và các quyền con người.
Về hợp tác quốc phòng và an ninh, hai nước sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao, chuyên gia; tăng cường cơ chế Ủy ban chung về hợp tác quốc phòng, cũng như tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai nước cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, đầu tư và kinh doanh. Trong bản Tuyên bố, Pháp và Việt Nam khẳng định ủng hộ việc ký Hiệp định thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các tổ chức khu vực.
Riêng về hợp tác văn hóa, hai nước cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện lâu dài và sự phát triển của các trung tâm văn hóa của hai nước tại Hà Nội, Paris và ở địa phương. Pháp và Việt Nam cũng sẽ phối hợp hoạt động nhằm hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.
Ngoài Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt, hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Jean-Marc Ayrault hôm nay đã chứng kiến việc ký kết nhiều hiệp định khác, như hiệp định giữa tập đoàn khí đốt Pháp GDF-Suez với tập đoàn Petro Vietnam Gas về dự án khai thác khí hóa lỏng Sơn Mỹ, ở miền Nam Việt Nam.
Trong số các hiệp định và hợp đồng khác được ký kết nhân dịp này, có thể kể đến hiệp định giữa công ty Pháp Vinci Concessions và Bộ Giao thông Việt Nam về việc phát triển hệ thống đường bộ cao tốc của Việt Nam.
Nhân dịp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã trao cho Chủ tịch tập đoàn ngân hàng Pháp BNP Parisbas Beaudoin Prot giấy phép thành lập một chi nhánh của ngân hàng này ở Hà Nội. Một hiệp định tài chính cũng đã được ký kết giữa hai nước về việc Pháp tài trợ 13,5 triệu euro năm 2013 cho một dự án bệnh viện ở Việt Nam.