Ảnh: Võ Quốc Anh (August Anh)
Danlambao – Việc Tòa án Nhân dân tỉnh Long An cho Đinh Nhật Uy “hưởng” 15 tháng tù treo không phải là sự “xuống nước”, khoan hồng với bị cáo, cũng không nhằm xả van dư luận blogger trong nước và xoa dịu cộng đồng quốc tế. Bản án đó thực chất là một sự lấp liếm, bao che cho hành động lạm quyền của công an, cho những sai lầm và bất cập của ngành tư pháp, và càng thể hiện rõ hơn bản chất hiếu thắng của một chính quyền mãi không trưởng thành.
Ngay sau khi Tòa tuyên án, thông báo “1 năm 3 tháng tù treo” đã được chuyển ra ngoài cho các blogger - “phóng viên vỉa hè, nhà báo tự do”. Phản ứng đầu tiên là ai cũng phấn khởi, mừng cho gia đình anh em Uy-Kha: Vậy là Uy được trả tự do; có thể coi đây như một sự lùi bước của chính quyền trước sức ép của giới blogger và các nhà hoạt động nhân quyền trong và ngoài nước.
Song, chúng ta có thể bị niềm vui che lấp mất sự tỉnh táo, để rồi không nhận ra các vấn đề mà Tòa án của Đảng đã cố tình ém nhẹm đi.
Thứ nhất là, Tòa muốn dư luận quên đi sự tùy tiện và bạo quyền của ngành công an khi “bắt khẩn cấp” Đinh Nhật Uy vào ngày 15/6/2013, bất chấp việc Uy không thuộc diện phải bắt khẩn cấp. Vụ bắt giữ Uy diễn ra chỉ vài tháng sau khi Uy lập Facebook để bày tỏ những bức xúc của anh về chuyện công an bắt giam em trai Đinh Nguyên Kha. Chẳng còn lý do nào khác để giải thích cho hành động bắt bớ đó, ngoài một thực tế: Công an tức tối, cay cú vì bị Uy chỉ trích, nên bắt giam cho bõ ghét.
Thứ hai là, Tòa muốn chữa thẹn cho Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Tân An và tỉnh Long An vì bản cáo trạng lố bịch của họ – một bản cáo trạng cho thấy trình độ thảm hại của ngành tư pháp, dựa trên một bản kết luận điều tra cũng thảm hại như thế của ngành an ninh.
Sự thật là, với những lập luận của bản cáo trạng ấy và với đám “tang vật vụ án” mà công an thu được, một chính quyền đàng hoàng sẽ không có cách nào kết tội Đinh Nhật Uy. Sự thật là Đinh Nhật Uy vô tội và do đó phải được trắng án và nhận bồi thường.
Tuy nhiên, các quan tòa cũng rất hiểu điều đó. Họ ý thức được rằng nếu tuyên bố Uy vô tội, trắng án, Tòa sẽ còn phải có nghĩa vụ xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho Đinh Nhật Uy vì bốn tháng giam giữ tùy tiện. Vì thế cho nên Tòa không thể nào không kết tội Đinh Nhật Uy. Và đó là điều thứ ba tòa án của Đảng muốn ém nhẹm, với bản án bất công và vô lý của mình: Nghĩa vụ bồi thường cho người bị oan.
Phải đòi công lý – cho Uy và cho các blogger
Tòa án của Đảng muốn chúng ta quên đi thì chúng ta càng phải nhớ. Tòa muốn ém nhẹm nghĩa vụ xin lỗi và bồi thường, thì chúng ta càng phải đòi Tòa thực thi nghĩa vụ đó. Nói cách khác, không thể chấp nhận bản án lấp liếm của tòa Long An dành cho Đinh Nhật Uy. Chấp nhận “15 tháng tù treo” tức là đồng ý rằng Đinh Nhật Uy vẫn có tội – tội dùng Facebook nói và viết những điều chính quyền không thích. Án tù treo đó không phải chỉ dành riêng cho Đinh Nhật Uy, mà nó đang lơ lửng trên đầu tất cả chúng ta, những người sử dụng blog và mạng xã hội để nói lên suy nghĩ của mình.
Bốn tháng tù oan, một đám cưới bị hủy, một công việc bị mất, một mảnh ruộng của gia đình bị bán, và bao nhiêu nước mắt mẹ chảy hàng đêm... đó là những thiệt hại có thật của một công dân, mà chính quyền công an trị, nhân danh bảo vệ “lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân”, đã ngang nhiên gây ra.
Được biết, Đinh Nhật Uy cũng không đồng tình với bản án và sẽ kháng cáo.
Nhiều người nghĩ rằng Đinh Nhật Uy là trường hợp đầu tiên trên thế giới phải ra tòa vì đã... xài Facebook. Chúng ta hãy lên tiếng để đây sẽ là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam, chính quyền phải xin lỗi và bồi thường cho một công dân bị chà đạp quyền tự do ngôn luận.