Đêm đêm vào mạng đọc tin
Thấy tin Quê Mẹ tim con nát nhầu
Đọc bài “Các giáo hạt trong giáo phận đồng tâm hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên vào sáng Chúa Nhật 06.10.2013” đăng trên Danlambao đúng vào thời điểm “quốc tang...”, càng khiến hắn “nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều” như chưa bao giờ.
Giáo xứ Mỹ Yên, thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hoàn toàn xa lạ với hắn trước khi xảy ra “sự cố” xứ đạo này bị nhà cầm quyền CS vừa mở màn cuộc bách đời hại đạo bằng hình thức và tầm vóc chưa từng xảy ra trong lịch sử nước nhà. Xa lạ vì Mỹ Yên cách xa Giáo xứ Thọ Ninh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tịnh là nơi hắn sinh ra, nhưng cùng chung tín ngưỡng, nên Mỹ Yên cũng là quê mẹ Giáo phận Vinh của hắn.
Một trong các giáo hạt thuộc thuộc Giáo phận Vinh là Nghĩa Yên nằm trong huyện Đức Thọ.
Giáo dân Hạt Nghĩa Yên dâng thánh lễ cầu nguyện cho GX. Mỹ Yên ngày 6/10/13 (Vietcatholic)
Hình ảnh Đức Thọ đưa hắn trở về tuổi ấu thơ. Sáu mươi năm trước, hắn là cậu bé lên mười hớn hở theo mẹ từ làng Yên Phú bên kia sông đi chợ huyện để được mẹ sắm cho đôi dép Lốp và cái nón Cối, là giấc mơ của tất cả đám con nít trong làng thời bấy giờ sau khi được nghe nói và mường tượng ra những anh hùng Điện Biên Phủ.
“Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta kéo quân trở về giữa mùa hoa nở...” hắn và bọn nhóc tì nghe mà cảm khái cách gì hình ảnh các chú bộ đội đầu oai phong cái nón cối, chân lẫm liệt đôi dép râu đã “vì nhân dân quên mình; vì nhân dân hy sinh...”
“Chiến thắng Điện Biên là giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ thực dân Pháp”. “Ách nô lệ Thực dân Pháp” là thế nào thì bọn nhóc chưa biết vì sinh ra và lớn lên trong vùng Cách Mạng, nhưng từ đây không còn phải sợ máy bay giặc Pháp nữa; không còn cảnh chui xuống hầm tối thui nơm nớp rắn rết; đêm đêm không còn phải đi qua nghĩa trang lắm khi chập chờn ánh sáng trong mưa phùn gió bấc sợ trối chết để đến trường học nơi xã Yên Mỹ; từ đây chiều chiều được ra bãi cát bên bờ La Giang thả diều, chơi ù mọi, vật nhau cho đã rồi nhào xuống sông tắm. Mọi sinh hoạt được diễn ra bình thường trên đất nước đã sạch bóng quân thù. Đúng là không còn “sợ thằng Tây nào” nữa.
Không sợ thằng tây nào nữa, nhưng chẳng bao lâu chiến thắng Điện Biên, hắn bỗng dưng muốn khóc phải sợ sự thật. Hắn ngơ ngác khi được người lớn trong nhà căn dặn: “từ rày trở đi trong bữa cơm, các con không được gọi miếng thịt bằng... thịt, gọi con cá bằng... cá nữa, nhưng phải gọi thịt là cà, gọi cá là dưa. Phải nhớ lấy, không là khổ cả nhà.”
Không sợ thằng tây nào nữa, nhưng hắn sợ cái nón cối và đôi dép lốp ban đêm thường lấp ló ngoài hiên, rồi một đêm hắn kinh hoàng khi có người mang đội những thứ ấy cầm súng xông vào nhà bắt tất cả đi xem đấu tố ông Phó Tư rồi ông Lý Thưởng...
Chiến thắng Điện Biên giải phóng ách nô lệ ngoại bang, hắn không còn phải tránh máy bay Pháp nữa, nhưng hắn phải tránh thứ gì khủng khiếp hơn từ những cái nón cối, đôi dép râu ấy. Hắn cút đi những thứ mà lâu nay hắn trân qúi vì đã lầm tưởng đó là bảo vật, rồi vắt dò lên cổ chạy cho khuất mắt.
Nhưng “chạy trời không khỏi...” nón cối, dép râu. Chiến thắng Điện Biên gây điêu tàn Miền Bắc chưa đủ, mà phải còn Đại thắng Mùa Xuân cho bầm dập luôn cả hai miền, tệ hại bội phần thời Thực dân Phong kiến...
Để hôm nay cả rừng người khắp Nghệ An Hà Tĩnh lại phải xuống đường. Trong tay không búa liềm nhưng tràng hạt, miệng lưỡi không hét hò mà chỉ hát kinh Hòa Bình để cầu xin cho đồng đạo nói riêng và cho đồng bào cả nước cả nước qua cơn khủng bố bởi “chính quyền nhân dân” Nghệ An có làng Sen của “Bác ra đi tìm đường...” phá nước hại dân.
Trên đây là ảnh chụp các em đại diện cho cộng đoàn Giáo hạt Nghĩa Yên, trong trang phục chỉnh tề trang nghiêm, đang tiến dâng lễ vật trong thánh lễ hiệp thông cầu nguyện với giáo xứ Mỹ Yên qua cơn bách đạo hại đời.
Nhìn những đôi giày nơi chân các em, hắn lại nhớ đến đôi dép râu hắn đi một cách hí hửng, cũng trên đất Đức Thọ này cách đây hơn một nửa thế kỷ. Rồi hắn liên tưởng đến hàng triệu người mang dép râu. Hắn rùng mình thoáng qua cái cảm giác nhói tim như hai bàn chân bị lọt vào hầm chông.
Phúc cho các em nơi quê nhà đang đi trên con đường của ánh sáng, sự thật và sự sống, cùng lòng yêu nước không giặc thù nào dập tắt được.