“Thân em như tấm lụa đào...”
Thân em là Cờ Đỏ. Nói rõ, chính xác là cờ đỏ vàng sao. Nhắc đến tên em thì ai cũng “biết rồi khổ lắm nói mãi” mặt mũi thân hình, nhưng mà tủi thân thay: nỗi lòng em nào có được mấy ai hay.
Mấy chục năm rày trôi theo vận nước, em có hơn gì người trước... nói tiếng Tàu “đa thọ đa nhục”. Biết thân em chỉ là loài thụ tạo, có sinh ắt có tử. Mà cửa tử thì...
...Tuổi tác em cho dù chưa được một lần cấp giấy xác minh, nhưng lượng sức mình em vẫn đinh ninh trước sau như một, ngày em đi gặp bác Hồ và chú, à quên- em lại quen mép quen mồm xưa nay chỉ được gọi một bác độc nhất vô tiền khoáng hậu, mậu tả mậu hữu là bác Hồ, nay thì ô hô có thêm bác Giáp (chú Bú Lí vừa gọi như thế trong tang lễ “Đức Thánh Võ” *)- Ngày em đi gặp hai bác Hồ Giáp còn chẳng bao xa.
Bao nỗi nhục nhằn chồng lên qua mấy chục năm ròng, em thui thủi chịu đựng một lòng một dạ. Biết bày tỏ cùng ai, thôi em đành hạ quyết ôm chữ “Nhẫn”, mang xuống thuyền đài cho khỏi “rách việc”, uổng công em phe phẩy một thời.
Nào ngờ sét đánh bên tai: “lệnh hạ cờ rủ” khi em đang làm nghĩa vụ, ủ rủ quốc tang. Em lập lại: Quốc tang! Chứ đâu phải loại làng nhàng, cỡ (đại) gia tang, nhóm (lợi ích) tang, cánh (Nam, Bắc) tang, băng (Đảng) tang, hay tính tích tình tang gì đó cho cam.
Ban đầu em cứ tưởng: hay là vì các chú ấy thương tình em Cờ Đỏ, tội nghiệp nước mình theo anh Cả Đỏ lâu nay; hạ cờ rủ chẳng qua là ngụ ý rằng, “Thôi, ủ rủ khóc thương như vậy là bốn-tốt lắm rồi.” Nói cho kịp thời trang Khổng Tử Học Viện sắp xây nơi khu lăng Bác: “Khấp túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Khóc tới, khóc lui, hóa khóc nhàm”**. Thôi thì thôi, em bèn bắt chước nhại theo bà con bên đạo mà “bằng lòng cam chịu y như lệnh Đảng ban xuống cho rồi”.
Nhưng hỡi ôi: lòng Đảng đâu phải như em nghĩ. Hạ cờ rủ không phải vì đảng thương em cho em nghỉ... rủ cờ, nhưng là để làm hỉ dạ thằng Khứa Bắc phương.
Trời ơi là trời, từ cổ chí kim, từ dân tộc văn minh áo quần mặc mấy lớp, đến bộ lạc bán khai buông lủng lẳng con chim, thử hỏi có nhà ai đang lúc tang chế, người chết chưa chôn, bỗng có khách đến không phải để chia buồn nhưng vì chuyện bán buôn, mà tang chủ lại bắt “tang viên” dẹp hết tức thì tang phục? Như cái nhà nước mà em đang phe phẩy phành phạch“quốc kỳ”.
Quốc kỳ! Đêm đêm em nhìn em trên vách *** càng thấy mình vô duyên chi lạ:
Em sinh ra nào có biết ai mẹ ai cha, từ đâu xuất xứ. Người bảo em dân Phúc Kiến bên Tàu; kẻ lại xô em sang giọt máu Liên Xô; còn Đảng dạy: hang Pắc Bó, em chỗ chôn nhau.
Nhưng gốc gác nào em cũng OK Salem, vì cờ Đỏ nào cũng là con cháu anh Cả Đỏ, em chẳng cần thử DNA như nhiều kẻ đòi hỏi; có điều làm em nhức nhối hôi tanh, là em nhuốm quá nhiều máu. Máu “Xô Viết Nghệ Tĩnh” của bao người “Trí phú địa hào” do bác Đảng “đào tận gốc trốc tận rễ”... Máu ngập giao thông hào Điện Biên Phủ của biển người thanh niên Việt Nam. Máu phun đỏ trời Bắc của ít nhất 172.008 người (theo thú tội của bác Hồ) theo tiếng trống dục “giết, giết! bàn tay không ngưng nghỉ...” trong“Cải Cách Ruộng Đất”. Máu của 6000 (sáu ngàn) người dân Huế vô tội đổ xuống sau thơ chúc Tết của bác Hồ “xuân này hơn hẳn mấy xuân qua” trong Mậu Thân, 1968. Máu của 4 triệu đồng bào mà phần lớn là thành phần tuổi trẻ, “nguyên khí quốc gia”, đổ ra không thương tiếc- “Je ne regrette rien. Non, pas du tout”. Máu của bao lớp nạn nhân qua nhiều “diện” khác nữa...
Mình mẩy em tanh tưởi vì “phanh thây uống máu quân thù” thì ít, nhưng phanh thây uống máu dân ta thì nhiều, đang làm em tự lợm minh đã đành; em lại còn phải mang trên thân bao nỗi ô nhục.
Mặt em từ lúc sinh ra chỉ hai màu đỏ vàng, vậy mà đến ngày 20 Tháng 12, năm 1960, Đảng cho ịn lên đúng một nửa mặt em cái bớt xanh, nói rõ hơn là cái mặt em tự nhiên thành nửa đỏ nửa xanh, ngay chính giữa thò lõ con mắt vàng khè. Em chưa hoàn hồn thì bị lôi đi B tức là xuống phía Nam vĩ tuyến 17; mà phải chi được đi trên đường đàng hoàng giữa ban ngày, nhưng hoàn toàn đi ban đêm, lại chui rúc hết bụi này sang bụi khác, làm em rách nát tả tơi.
Từ 1960 đến 1975: xấp xỉ 15 năm em rơi mặt nạ. Em đỏ hoàn đỏ. Tưởng thế là từ rày được yên thân. Nào ngờ em bị móc mắt mấy bận: Đảng lột sao vàng của em gắn lên cờ anh Cả Đỏ. Lần thứ nhất ngày chú Bú Lí đi sứ Tàu; lần thứ hai khi sứ Tàu sang nước ta. Em đang lo sợ cứ cái đà này mắt em còn bị móc dài dài.
“Nhất đau mắt, nhì dắt răng”. Mắt bị móc lại còn đau khủng hơn. Nhưng đau cũng không “khủng” bằng nhục.
Nhục trên hết mọi thứ nhục là nhục “hạ cờ rủ”.
Càng siêu nhục hơn nữa là khi hồi tưởng lại 60 năm trước Cờ Đỏ sao vàng bay phấp phới hào quang vẻ vang trên hầm tướng giặc De Castries trong lòng chảo Điện Biên Phủ, rồi đối chiếu với cảnh cũng vẫn Cờ Đỏ sao vàng ấy bị hạ xuống trong khi đang rủ mình khóc thương tiễn biệt người Anh hùng Điện Biên trên đường đến huyệt mộ. Hay, chính linh hồn Cờ Đỏ em đây đã nằm trong huyệt mộ.
____________________________________
Chú thích:
(*) “Nhà báo” Ngô Minh Phong;
(**) Nói leo “Tri túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”;
(***) Xin phép tác giả “Tôi nhìn tôi trên vách”.