Người Buôn Gió - Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.
Mùa đông năm ấy, họp dân biểu ở kinh thành. Đại thần tổng quản nghị trường là Sanh Hường chủ trì đại hội dân biểu.
Trước ngày đại hội dân biểu, Vệ Kính Vương tâm tính bất an, lo lắng việc ban bố khế ước lấy ý kiến trong dân không được ủng hộ trong bá tính như mong đợi. Vương mới gọi Sanh Hùng vào phủ nói:
- Đại hội lần này, làm sao phải cho dân biểu nhất trí trăm phần trăm bản khế ước đất nước mà vừa rồi bản vương soạn.
Sanh Hường thưa:
- Bẩm vương, trước hết phải để dư luận lạc hướng, xin vời đại thần tuyên huấn cùng hợp tác. Về phần thần, thần sẽ bỏ phần bàn thảo khế ước tại hội nghị để giảm bớt sự chú ý, cũng là không cho kẻ nào phản đối có điều kiện mở mồm. Thần sẽ cho chúng viết ý kiến bỏ vào hòm, chả ai biết chúng ý kiến gì mà bàn. Rồi ta cứ bảo đa số đồng tình, một số ít có ý kiến khác.
Vương gọi Đường Hoang đến. Đường Hoang mặt lưỡi cày, mắt diều dâu, miệng mỏng dính. Xưa làm báo chí chuyên thêu dệt chuyên hoang đường, khiến dân chúng mụ mị, một lòng chỉ biết tin vào nhà Sản vì thế thiên hạ gọi y là Đường Hoang. Xét công ấy cả triều nhất trí cho Đường Hoang vào hàng đại thần. Hoang vốn là thủ túc tin cậy của Vương, cùng dòng múa mép ăn tiền, hay còn gọi là tuyên giáo. Hoang vào phủ Vương, nghe qua câu chuyện đang bàn, nhếch mép cười nói:
- Chuyện này nhỏ, dân xứ Vệ phàm hiếu kỳ. Thần bây lâu coi nghề này đã phân loại. Loại một phần đông là thích cướp giết hiếp. Loại thứ hai là quan tâm tới phát ngôn, hành động khác lạ của quan lại triều đình. Giờ có hai miếng mồi ấy tung ra, bá tính mải mê hút vào đó. Bẵng chuyện khế ước đi, đến ngày đó đại thần Sanh Hùng chỉ cần đọc giới thiệu khế ước xong. Hô một tiếng toàn dân nhất trí, tức khắc mọi việc đâu vào đó.
Vương nghe lời nói cứng, bụng vững tâm, nói như trút gánh nặng ngàn cân:
- Chuyện này mong cả vào hai vị. Nhà Sản còn tồn tại với non sông quế nguyệt hay không là nhờ vào tài năng của hai vị lúc này mà thôi.
Đường Hoang về phủ, gọi bầy tôi tâm phúc là Ba Sòn lại bảo như vầy... như vầy.
Ba Sòn vâng dạ liên tục. Trở về bộ tuyên truyền. Ba Sòn nhân chuyện bác sĩ vất xác bệnh nhân xuống sông chưa tìm thấy. Hàng này cho đưa tin chuyện ấy, cứ cách ba ngày lại giật một tin tìm thấy xác trên sông, thiên hạ xúm vào lại thông báo là không phải.. May nhờ ơn tiên đế phù hộ mà độ ấy xác người Vệ bỗng nhiên chết trôi sông cũng nhiều, chưa đầy một tháng mà có đến 8 cái xác người Vệ trôi sông không rõ lý do. dân chúng chúi đầu nín thở nghe ngóng xem xác ai. Xểnh lúc xác người trôi sông chưa thấy cái mới, trời đổ mưa, đập nước xả lũ bất ngờ làm trôi bao nhiêu nhà cửa hoa màu, chết thêm mấy chục mạng... Sòn nhờ thế mà làm ăn thuận lợi, tin tức liên miên người chết trôi sông, trôi lũ lềnh phềnh nhan nhản trên mặt báo. Đã thế lại còn mấy vụ giết nhau vì tình, tiền cực kỳ man rợ. Như có kẻ thấy con vịt nhà hàng xóm định bắt về làm mồi nhậu, bị hai đứa bé nhà nọ phát hiệt, bèn lấy cuốc bổ cho mỗi đứa bé mấy nhát vào đầu. Chưa hết trai gái yêu nhau, thấy gia đình ngăn cản là cùng nhau quyên sinh, nặng hơn là rút dao đâm cho người yêu mấy nhát rồi cắt cổ mình tự vẫn... dân tình loại một đọc tin xong rùng mình ngẫm - đến cái mạng mình còn không biết nay sống mai chết thế nào, hồn vía lên mây, chuyện sinh tử sờ sờ trước mắt hàng ngày. Ra đường xe cán chết, tránh được xe cán thì gặp công sai lúc quan quân bực mình cũng bị đánh chết... cái chết cận kề thế. Đứa dân nào hồn phách đâu mà còn nghĩ chuyện khế ước đất nước ra sao.
Sòn thấy dư luận quần chúng nhân dân cũng đã xa rời việc khế ước, vào phủ yết kiến Đường Hoang tấu trình công việc. Đường Hoang đọc tấu và những tin tức Sòn đưa hài lòng ra mặt. Hoang nói:
- Giờ bọn này tạm ổn, mai kia đến ngày đó, lúc phiên ngươi ra đối chất với dân biểu, phải nói những lời kỳ lạ. Cứ nói thoải mái, đại thần chủ trì hội nghị sẽ làm ngơ cho ngươi.
Ba Sòn về nghiền ngẫm binh thư, đến đoạn người nước Sở bán mâu, gặp khách hỏi mua mâu, người Sở nói:
- Cái mâu này đâm cái gì cũng thủng.
Bữa sau có người đến hỏi mua thuẫn. Người Sở nói:
- Cái thuẫn này không cái gì đâm thủng.
Sòn lấy làm khoái trá, định dùng kế này để ra dân biểu nói. Nhưng vẫn còn hơi e ngại, mới gọi thuộc hạ vào để bàn xem có nói được vậy mà thiên hạ nghe không. Nhất là Đường Hoang có không làm khó dễ không. Thuộc hạ nói:
- Ngài chẳng phải ngại ngần, chuyện này trước kia có quan thượng thư Võ Linh đã nói khi người ta hỏi về chuyện giá cả chất đốt. Lúc đó Võ Linh nói đại khái rằng - khi giá bên ngoài giảm thì cần trích quỹ bình ổn, khi giá bên ngoài tăng thì trích quỹ ổn bình. Bởi vậy chất đốt bên ngoài giảm mà bên trong chúng ta chưa giảm là thế- Nhờ nói thế mà sau này Võ Linh làm phó tể tướng. Nước Vệ này đâu phải mình ngài làm chuyện ấy đâu mà sợ. Như Vệ Kính Vương đang ngồi ngôi báu đó, lúc trước còn nói chuyện biển đảo là không phải chỉ biển đảo, nói biển đảo là nói cái ngoài biển đảo, trong cái ngoài biển đảo còn có cái bên trong của biển đảo. Ai cũng khen Vương lý luận tài. Còn chuyện Bạo tể tướng nói với bá tánh rằng ngài yêu sự thật, ghét sự giả dối, thích sự ngay thẳng, mến người thẳng ngay... chuyện nói thế này đến Vương, Tể Tướng, Phó Tể Tướng còn nói... ngài đã ăn thua gì mà lo.
Sòn nghe thấy thủ hạ nói bụng cũng xuôi, chợt Sòn nhận ra điều gì, vỗ đùi hét:
- Chẳng phải Sanh Hường khi xưa làm phó tể tướng cũng nói rằng - nếu tôi có tiền tôi dốc hết mua chứng khoán lúc này sao.? Sau đó chứng khoán xuống thê thảm, có ai nói gì đâu nhỉ? Có thế mà ta không nghĩ ra.
Đến phiên dân biểu chất vấn Sòn. Hỏi đến chuyện tăng giá thư báo, viễn thông. Sòn liếc mắt lên phía trên nhìn Sanh Hùng rồi nói:
- Tăng giá là để cạnh tranh lành mạnh, tăng giá thì là tăng ngân sách cho nước nhà. Có chi đâu mà lạ.
Thiên hạ ngã bổ chửng, sau nhỏm dậy ngơ ngác không hiểu Sòn nói gì. Tranh cãi rầm rộ. Bấy giờ sau màn trong Vệ Kính Vương theo dõi cuộc chất vấn đang mỉm cười đắc chí, Vương quay sang nói với Đường Hoang:
- Giờ chỉ còn phần việc kết thúc của đại thần Sanh Hùng mà thôi. Nhà Sản ta lại bền vững muôn đời.
Đại hội dân biểu năm ấy nhà Sản thành công tốt đẹp, tuyệt đại đa số đều coi bản khế ước do Vương soạn ra là tinh hoa của nhân loại và nhất trí đồng tình.
*
Lời bàn: Một số kẻ hủ nho chế giễu rằng bản khế ước đấy không xứng đáng gọi là tinh hoa. Thật là biết một mà không biết hai. Ngay cái cách đưa khế ước ra dẫn dụ toàn dân chúng nhất trí nghe theo, đó chẳng phải là tinh hoa rồi sao?