Cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Xuân để lại gì? - Dân Làm Báo

Cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Xuân để lại gì?


Bàn thờ đơn sơ thờ mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân

Nguyễn Trung Tôn (Danlambao) - Là một công dân Việt Nam đang sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, được hưởng nền dân chủ hơn vạn lần tư bản (theo lời bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan), tôi thật đau lòng vì chỉ trong 2 ngày 18 và 19 tháng 10 vừa qua đã có liên tiếp 3 tính mạng trong 2 vụ việc xảy ra liên quan tới y đức và đạo đức xã hội. Là người đang bị quản chế bởi bản án phi lý với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”, tôi không thể rời khỏi địa phương cũng như không có khả năng tài chính để đánh đường ra Hà Nội tìm hiểu sự việc đã xảy ra tại cơ sở thẩm mỹ Cát Tường. Nhưng là người Thanh Hóa tôi cố gắng tìm hiểu để biết thêm những chi tiết liên quan tới việc 2 mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân vừa mới lìa đời tại bệnh viện Thiệu hóa hôm 18 tháng 10 để chia sẻ nỗi đau của anh Đông và 2 con gái của chị Xuân và gia đình nội ngoại cũng là nỗi đau của toàn dân tộc Việt Nam. Tôi có người quen ở Thiệu Hóa nên thông qua người quen tôi đã tìm hiểu được một số thông tin sau:

Sinh năm 1973, chị Nguyễn Thị Xuân đã có một đời chồng và hai con gái, cháu lớn sinh năm 1997, cháu nhỏ sinh năm 2001. Năm 2002 chồng chị là anh Nguyễn Thanh Bình đã phải lìa bỏ cuộc đời vì căn bệnh hiểm nghèo ung thư máu. Cảnh mẹ góa con côi lại nghèo đói bần cùng vì tiền nong đã đổ hết vào chữa trị bệnh tật của chồng. Chị Xuân đã phải gồng mình nuôi nấng các con ăn học. Năm 2010, chị gặp anh Nguyễn Văn Đông là người cũng gặp bất trắc trong cuộc sống hôn nhân nên hai người đã về sống chung với nhau. Những tưởng họ sẽ cùng nhau làm lại cuộc đời góp phần chung tay xây dựng cái tổ ấm, mà về mặt vật chất chẳng ấm chút nào.

Đó là căn nhà cấp 4, gồm 2 gian lụp xụp không đầy 20 mét vuông. Một chiếc giường và bàn thờ sản phụ đã chiếm gần hết diện tích. Anh Nguyễn Văn Đông chồng sản phụ xấu số vô cùng đau đớn khi “tổ ấm” của anh bây giờ trở nên càng lạnh lẽo. Trước đây, khi anh rời quê ở Ngọc Lạc Thanh Hóa về chung sống với chị Xuân thì cuộc sống của anh chị chỉ trông vào nghề thợ mộc của anh và làm ruộng của chị. Chị cũng cố gắng nhận làm kế toán cho thôn để có thêm thu nhập để nuôi 2 con gái ăn học nhưng cũng chẳng đủ. Con gái lớn của chị đã phải bỏ học giữa chừng để đi làm ngoài Hà nội kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Đầu năm 2013 chị Xuân có mang thai với anh Đông mà qua kết quả kiểm tra được biết là bé trai nên mọi người đều rất vui. Những tưởng hạnh phúc gia đình sẽ được nhân lên khi cháu bé chào đời, nào ngờ...

Từ khi vợ mất, anh Đông chẳng thiết làm ăn gì cả. Thực ra gia đình sản phụ đã ý thức được sự nguy hiểm của việc lớn tuổi mà vẫn sinh con nên người nhà sản phụ hết sức cẩn trọng và chủ động theo dõi rất sát tình hình của sản phụ. Khi sản phụ đang hết sức nguy kịch, người nhà sản phụ đã năm lần bảy lượt kêu bác sĩ mổ, thậm chí quỳ xuống cầu xin, van nài. Nhưng bác sĩ vẫn đáp lại với thái độ thờ ơ, không còn tính người. Một bệnh viện cấp huyện mà khoa sản chỉ có một bác sĩ trực còn lại. Kíp mổ gần sáng mới mặc áo mưa đi xe máy tới. Nếu còn nhiều trường hợp nguy hiểm tương tự chắc chắn đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Thiệu Hóa sẽ không thể nào cứu ai được!

Chính thái độ thờ ơ của đội ngũ y bác sỹ, những người có trách nhiệm cứu người lại là nguyên nhân khiến sản phụ chết tức tưởi. Có phải chăng đấy chính là đạo đức của những con người xã hội chủ nghĩa? Khi người nông dân, công nhânchúng tôi trên danh nghĩa mới chính là hai giai cấp nền tảng của xã hội Việt nam thì chúng tôi lại bị những tên "đầy tớ" đối xử như vậy sao? Khi biết sản phụ đã tử vong, toàn bộ kíp mổ bèn âm thầm bỏ xác sản phụ lên bàn mổ và rút ra ngoài, sau đó gọi công an đến.

Sản phụ Xuân mất ngày 18/10 và sau khi xe chở xác của chị Xuân “được” những người dân bức xúc đưa đi “dạo phố” thì tối ngày 19/10, bệnh viện đã chi ra 150 triệu đồng gọi là hỗ trợ gia đình mai táng phí cũng như giúp 2 cháu con gái chị Xuân tiền ăn học. Mãi tới ngày 25/10 mới có người của bệnh viện đến thăm hỏi gia đinh. Gia đình sản phụ cũng hết sức bức xúc trước việc một số báo chính thống nhà nước cố tình bớt xén lời nói của thân nhân và bẻ cong ngòi bút khi đăng tin gia đình huy động mấy trăm người thân đến nhà phó giám đốc bệnh viện đập phá và đánh người nhà phó giám đốc. Gia đình khẳng định hoàn toàn không có chuyện người nhà sản phụ tham gia đập phá đồ đạc. Tất cả là do người dân địa phương quá bức xúc trước hành động coi thường mạng sống của bệnh viện trong nhiều vụ việc đã xảy ra gần đây mà thôi.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện đa khoa Thiệu Hóa làm ẩu, vô trách nhiệm. Chẳng hạn như cách đây chỉ 5 tháng, cũng tại Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, gia đình chị Thân Thị Hiệp cũng bị bác sỹ đỡ đẻ làm gãy 2 chân và tay của cháu bé con chị, nhưng bệnh viện chỉ hỗ trợ 5 triệu và phủi tay. Thiết nghĩ hành động vô trách nhiệm xem thường mạng sống con người của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Thiệu Hóa có đáng bị lên án hay không?

Theo tôi đây không phải là lỗi riêng gì của ngành y hay bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mà là lỗi của cả một hệ thống tư tưởng chính trị. Và bởi ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ một nền kinh tế thị trường nửa vời như Việt Nam hiện đã khiến cho các công chức nhà nước không chuyên tâm vào công việc được giao vì thu nhập từ tiền lương chính thức của họ không đủ đảm bảo cho cuộc sống của họ, vì vậy mỗi cá nhân công chức thường phải có một nghề “tay trái”. Nhưng những nghề "tay trái" đó lại giúp họ có những khoản thu nhập gấp nhiều lần nghề “tay phải”. Vì vậy khi tới cơ quan họ chỉ làm cầm chừng chiếu lệ để giữ sức hết giờ về tranh thủ hành nghề “tay trái” kiếm tiền. Đây cũng là lý do các bác sỹ thường làm việc tại bệnh viện chỉ cho hết giờ chứ không vì lương tâm trách nhiệm.

Không biết những ngày tiếp theo, cuộc sống của bố dượng và các cô con gái mồ côi của chị Xuân sẽ ra sao, với nỗi đau mất một lúc hai người thân chỉ vì sự vô trách nhiệm của các bác sỹ? Không biết người dân Việt nam còn phải chịu cảnh phong bì bôi trơn dao mổ cho tới bao giờ? Tôi nghĩ nếu gia đình chị Xuân mà khá giả hơn một chút, hoặc chị Xuân, anh Đông là con của một ông trùm nào đó có tiền bôi trơn dao mổ, hoặc có quyền hành để ra lệnh, thì chắc mẹ con chị sẽ không phải ra đi tức tưởi như vậy!

Cầu mong anh Đông, các cháu và người thân của chị Xuân sớm hồi phục lại tinh thần, để tỉnh táo bước những bước đi khôn ngoan trong cuộc sống đầy nhiễu nhương này. Cầu mong sao người dân Việt Nam, kể cả tập thể đảng viên, cán bộ, sớm nhận ra khả năng hủy hoại con người ghê gớm của cái gọi là hệ thống tư tưởng, đạo đức Xã Hội Chủ Nghĩa này và mạnh dạn lìa bỏ nó ngay.




Anh Đông Chồng sản phụ Nguyễn Thị Xuân

Thanh Hóa, ngày 27/10/2013




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo