Trần Quốc Việt (Danlambao) - Nhà văn Anh W. Somerset Maugham viết: “Tình yêu dài lâu nhất là tình yêu không bao giờ thành.” Như tình yêu, khao khát tự do mãnh liệt nhất, nóng bỏng nhất, vẫn trường tồn âm ỉ trong lòng những ai ý thức rằng mình bị tước đi tự do.
Winthrop Knowlton, chủ tịch nhà xuất bản Mỹ Harper& Row, đã xúc động sâu sắc trước tình yêu và niềm khao khát tự do của những nhà văn Nga bất đồng chính kiến sau một ngày ông có dịp trò chuyện riêng với họ tại một nhà nghỉ ở miền quê ở bên ngoài Mạc Tư Khoa vào tháng Hai năm 1978. Về lại Mỹ, ông bày tỏ cảm xúc của mình:
“Thật kỳ lạ, tôi tưởng tôi và các đồng nghiệp xuất bản là những người từ Mỹ mang tự do - ý thức tự do thật sự thành công như thế nào- đến Nga... Tôi không ngờ rằng từ Nga tôi mang về Mỹ một ý thức sâu sắc hơn, chân thực hơn về tự do, những tự do đơn giản, thầm lặng khác nhau tôi đã thấy qua một ngày ở miền quê, những tự do giống như những hòn đá, những hòn đá nhỏ chúng ta nhặt ở bờ biển, sáng bóng lên sau khi đã bị sóng gió mưa bão vùi dập khủng khiếp.”
Không chỉ riêng các nhà văn, tất cả những ai sống trong chế độ toàn trị ý thức tự do là quyền thiêng liêng của con người đều khao khát tự do. Vì niềm khao khát tự do âm ỉ nhưng mãnh liệt này mà các cuộc cách mạng Đông Âu bùng nổ năm 1989 khi hàng trăm ngàn người dân đồng loạt xuống đường giành lại tự do.
Các chế độ toàn trị thường cho rằng chế độ sẽ ổn định bền vững khi đa số người dân bằng lòng với mức sống tốt hơn, với hàng hóa và dịch vụ phong phú. Được như thế, dân chúng sẽ không quan tâm hay mơ tưởng đến các tư tưởng dân chủ và các quyền tự do căn bản. Nhưng các cuộc cách mạng sinh ra không phải từ thiếu thốn vật chất mà từ sự nghèo đói tinh thần và tư tưởng. Tư tưởng dân chủ và tự do chính là chất men làm dậy lên cuộc cách mạng cá nhân tiềm ẩn trong lòng người.
Blogger Cuba nổi tiếng Yoani Sánchez đã nói lên ước mơ tự do của nhân dân Cuba qua ẩn dụ con chim trong lồng:
“Nói rằng người Cuba bằng lòng sống trong cái lồng của những quyền tự do hạn chế để được hưởng thức ăn và nước uống, tôi nghĩ thật rất bất công. Quá bất công vì như thế hạ thấp chúng tôi xuống tình cảnh nô lệ, tình cảnh của những công dân về mặt di truyền không có khả năng hưởng tự do. Nhân dân Cuba muốn bay; chúng tôi muốn thoát ra cái lồng ấy như bất kỳ người nào trên thế giới cũng muốn thoát ra khỏi lồng giam giữ họ. Vấn đề là cái lồng quá chắc chắn, các song sắt của nó quá dày. Chúng tôi không đổi tự do để lấy chút thức ăn nước uống ấy.”
Những người dân ở các nước toàn trị ngày nào đó sẽ phá lồng để bay bổng trở lại trên bầu trời tự do trong xanh nếu ngọn lửa khao khát tự do vẫn âm ỉ cháy trong lòng họ và nếu tình yêu tự do của họ bất diệt.
Còn nếu họ vẫn mang cái lồng trong lòng minh thì họ là những nô lệ di truyền an phận với chút phần cơm thừa canh cặn chế độ ban phát.