Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay lên tận Thiên tào
Ngọc hoàng quát hỏi: đứa nào đốt rơm?
I. Chống THAM NHŨNG: Chống ai? Ai chống? Có chống được không?
Không biết tại bao nhiêu kỳ họp QH của CHXHCN VN này rồi, việc chống tham nhũng đã được đưa ra bàn luận, mổ xẻ, quyết liệt, quyết tâm... Nhưng cuối cùng thì kết quả vẫn là: tham nhũng không giảm, ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn...
Tại sao vây?
Sự thật tưởng quá đơn giản, ai cũng thấy, cũng biết... nhưng không làm sao chống được, bởi các lẽ sau:
1/ Muốn chống tham nhũng, phải xác định ai tham nhũng rồi mới chống:
2/ Muốn chống tham nhũng, phải có thực quyền và không tham nhũng mới chống được.
Để trả lời câu 1, rất dễ: Chỉ có các đảng viên mới tham nhũng(cán bộ chính quyền đều là đảng viên). Như vậy, xác định đối tượng tham nhũng để chống không khó.
Để trả lời câu 2, cũng rất dễ mà cũng…rất khó. Người có thực quyền chống tham nhũng hiện nay rõ ràng là của các cơ quan có chức năng chống tham nhũng của đảng (nhà nước cũng của đảng). Nhưng các cơ quan này cũng là các đảng viên có chức quyền lãnh đạo; cũng là đối tượng đang tham nhũng nên không thể chống được.
Không ai có thể tự mình chống lại mình. Không ai cầm dao cả hai tay mà có thể thi đấu với chính mình.
Từ những lạm bàn nêu trên, có thể thấy rõ: Ở VN, việc chống tham nhũng là không thể được (theo cơ chế hiện nay).
Vậy ai có thể chống được tham nhũng?
CHỈ CÓ NHÂN DÂN MỚI CHỐNG ĐƯỢC THAM NHŨNG!
Vì nhân dân chính là bộ phận không tham nhũng.
Nhưng nhân dân VN thì lại không có thực quyền. Nhân dân VN chỉ có các quyền trên giấy và được đảng ban phát từng phần tùy theo tình hình chính trị trong nước và quốc tế.
Ở VN hiện nay, người dân muốn chống tham nhũng đồng nghĩa với tai nạn, nhà tù, tự thiêu, mất việc… ngay trước mắt.
Đó cũng là sự thật mà nhiều người né tránh hoặc không chịu công nhận: VN hiện nay không thể chống tham nhũng được. Dứt khoát như thế!
Tóm lại: Người chống được tham nhũng thì lại không có thực quyền. Người có thực quyền chống tham nhũng lại là người tham nhũng nên không chống được tham nhũng…
Việc chống tham nhũng theo kiểu cách như hiện nay xin miễn bàn để khỏi ngứa tai, ngứa mắt của người dân và tốn tiền thuế của dân để các vị ngồi máy lạnh nghiên cứu bàn bạc.
Quý vị Đại biểu Quốc hội muốn bàn đến việc chống tham nhũng thì hãy bàn thẳng về sự thật nêu trên: đảng CSVN hãy trả lại thực quyền cho nhân dân để nhân dân chống tham nhũng.
Chỉ có một cách đó. Không có cách nào khác.
II. Không thể xây dựng hoàn thiện CNXH ở VN:
Trước đây, việc xây dựng CNXH tại VN từng được đảng khẳng định quyết liệt: Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH (Nghị quyết Đại hội đảng lần IV-1976).
Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu rồi sẽ đi đâu?
Đi đâu? Cóc biết! Hàng đầu cứ đi (Thơ Bút tre)
Sau gần 40 năm, từ lúc: tiến nhanh, mạnh, vững chắc…” rồi tiến cong, tiến quẹo đến nay, chắc do tiến lung tung nên lạc mất phương hướng và thực tình cũng chẳng biết CNXH là cái quái gì, mặt mũi ra sao, đang đứng ở đâu nên người đứng đầu đảng CS VN ú ớ khai thẳng ra rằng:
Cụ Nguyễn Phú Trọng đã nói (nguyên văn):
“...xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa“ (báo Tuổi trẻ, 23/10/2013.
Vậy là đã rõ, cả đảng CS VN không ai biết CNXH ra sao, đang cách xa bao nhiêu cây số để mà định hướng con tàu chở dân tộc VN đi đến đích. Kinh khủng chưa? Ngạc nhiên chưa? He he….
Đến hết thế kỷ này mà còn chưa biết ra sao thì thôi rồi Lượm ơi! “Em ơi! Thiên đường Xã nghĩa đó... chắc không có trên trần gian đâu. Anh ru em bằng lời dối trá, em nghe hay không thì tùy”(xin lỗi nhạc sĩ sang tác bài hát Lâu đài tình ái vì đã sửa lời nhạc)
Nhiều người khi nghe câu nói này đã thảng thốt: Bye bác Tổng, em trùm chăn đây (Nguyễn Tường Thụy), hoặc bật khóc: hu hu như TS Nguyễn Xuân Diện: THẾ LÀ ĐỜI TỄU KHÔNG CÓ MAY MẮN TRÔNG THẤY THIÊN ĐƯỜNG XHCN RỒI!
Còn đây là người từng sống trong lòng CS, từng cùng đảng xây dựng CNXH ở nước ta, nay sắp qua bên kia thế giới mà không được nhìn thấy CNXH nên “nổi nóng” thách đố xem ai biết CNXH là gì. Giáo sư Trần Phương đã thách như sau(tại hội thảo góp ý cho nghị quyết đại hội 11 của đảng):
Tôi hỏi ông CNXH bây giờ là cái gì? Tôi đố ông trả lời được đấy?!
Hỡi những ai còn yêu CNXH và đang đem dân tộc VN ra làm thí nghiệm vĩ đại về xây dựng CNXH hãy cố gắng mà tu thân tích đức để may ra kiếp sau… hoặc kiếp sau nữa có cơ hội đầu thai làm người VN để nhìn thấy thiên đường nơi trần thế (CNXH).
CNXH như một bóng ma, chỉ những người đồng cốt, ngoại cảm Cộng sản mới nhìn thấy và dự đoán? Những người đồng cốt này đang lãnh đạo quốc gia thì hậu quả ra sao chắc ai cũng hiểu.
III. Hiến pháp VN có phải là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất?:
Quốc hội VN, theo Hiến pháp 1992, là: ”Cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN VN”. Quốc hội VN là cơ quan “duy nhất” có quyền lập hiến và lập pháp.
Cơ quan quyền lực cao nhất, về lý thuyết thì có quyền ban hành các văn bản có giá trị pháp lý cao nhất (Hiến pháp-lập hiến).
Nhưng thực tế, ở VN không phải như vậy. Người ta nói ở VN “nói vậy mà không phải vây” thật không sai chút nào.
Chính cụ Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu công khai về vấn đề “ai hơn ai” giữa Hiến pháp và Cương lĩnh của đảng, cụ thể thế này:
“Cũng liên quan tới nội dung Hiến pháp sửa đổi, Tổng bí thư cho biết, đến nay còn 4 vấn đề lớn trong nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp – “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng”. (báo Vnexpress ngày 28/9/2013)”
Hoan hô cụ Tổng. Cụ thất xứng đáng là nhà cách mạng lỗi lạc của đảng, là học trò xuất sắc của cụ Hồ. George Orwell đã viết “trong xã hội đầy lừa dối, cất lên một tiếng nói thật là một hành động cách mạng”, . Cụ Tổng thật không hỗ danh là GS của đảng, niềm tự hào của toàn đảng.
Đảng CSVN thường tự xưng là lãnh đạo thiên tài. Đã là thiên tài thì không thể có người lãnh đạo “Lú” được. Nhưng hỡi ôi! người “Lú”thường nói thật. Trên đời chỉ có hai loại người thường nói thật nhất: đó là “Lú” và “sắp chết”. Không biết lời nói thật trên đây của cụ tổng thuộc trường hợp nào.
Nói gì thì nói, chuyện quan trọng nhất bây giờ là: Hiến pháp chỉ là văn bản hợp pháp hóa cương lĩnh của đảng thành luật. Vậy thì tại sao không lấy Cương lĩnh làm Hiến pháp luôn cho tiện mà phải “kẻ trước người sau”, phải tổ chức góp ý cho Hiến pháp làm chi cho tốn công, tốn tiền, tốn thời gian…để rồi cũng chỉ sao chép lại đúng theo cương lĩnh của đảng.
Sự thật chỉ có một. Vậy mà cứ loanh quoanh đi đâu cho đời mỏi mệt!
VI. Ở VN, ai là nguyên thủ?:
Có 4 nguyên thủ tất cả: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Chỉ 4 người này mới được tổ chức tang lễ cấp Nhà nước, còn lại phải xét đặc cách (như trường hợp cụ Giáp vừa rồi)
Nguyên thủ là người đứng đầu Nhà nước. Vậy ở VN ai là người đứng đầu?
Cơ thể con người chỉ có một cái đầu. Từ hai đầu trở lên đã là quái dị, quái thai rồi.
Vậy mà cơ chế Nhà nước ta hiện nay có tới 4 cái đầu? Một nhà nước quái dị, quái thai? Nói như kiểu GS Trần Phương thì: ”Tôi đố ông, đó là nhà nước kiểu gì? ”
Chính kiểu Nhà nước quái dị này nên đẻ ra toàn chuyện kỳ cục: Hai “Quốc hôi”: Trung ương đảng (175 ủy viên) và Quốc hội 500 đại biểu (trên 90% đảng viên)
Hai Nhà nước (song trùng): Bên đảng, bên chính phủ. Bên đảng có ban bệ nào thì bên chính phủ cũng có y chang.
Hậu quả là người dân è cổ nuôi một lúc hai bộ máy cán bộ đông lúc nhúc. Do bộ máy cán bộ đông đảo và trùng lặp này nên mới có chuyện: có khoảng 30% cán bộ “không làm việc gì cũng chẳng sao”, chỉ sang cắp ô đi, tối cắp về.
Vì có 4 cái đầu nên những chuyện đại sự QUỐC GIA không cái đầu nào chịu trách nhiệm cả. Thành công thì chẳng nói gì vì ai cũng tranh công, nhưng khi thất bại thì lỗi là của tập thể 4 cái đầu. Một cái đầu đại diện nhận lỗi, xin lỗi là huề cả làng…!
Kiểu nhà nước này là độc nhất vô nhị. Đây là kiêu mô hình Nhà nước Kỳ đà. Nó giống như câu thành ngư dân gian:
Kỳ nhông là ông Kỳ đà. Kỳ đà là cha Cắc ké. Cắc ké là mẹ Kỳ nhông.
Lòng vòng, lẩn quẩn, chả biết ông nào hơn ông nào.