Tử tế kiểu độc quyền - Dân Làm Báo

Tử tế kiểu độc quyền

Phương Bích - Khi nghe tin bà con H’mong ở vườn hoa Lý Tự Trọng bị hốt sạch trong đêm, tôi đã nghĩ: không nhiều thì ít, rồi họ sẽ tìm cách trở lại!

Một người bạn than thở với tôi: rất thương dân oan, nhưng. nhưng đấu tranh kiểu đấy thì muôn đời cũng chẳng giải quyết được chỉ tốn sức và của cải thôi. Than thở là vậy, nhưng bạn tôi vẫn ngỏ ý muốn chia sẻ khó khăn với bà con.

Tôi nghĩ khác. Bây giờ không ăn thua, nhưng đã là nhu cầu của cuộc sống thì nó sẽ không ngừng lại. Thế nên việc ngăn chặn như vậy chỉ thể hiện sự bế tắc, là biện pháp tình thế, không giải quyết triệt để được vấn đề. 

Có người bảo, tại sao không để bà con chí thú làm ăn, lại cứ đi xúi giục họ đi kiện cáo thế? Rằng nói họ khổ thì tại sao trông họ béo tốt thế?

Tôi nghĩ, ngay người hỏi cũng chưa hiểu hết điều mình đang nói.

Thứ nhất, bảo người dân tộc khổ, mà sao vẫn béo tốt? Xin lỗi, nói thế khác gì hỏi, sao trâu bò chỉ ăn cỏ mà vẫn béo mượt?

Thứ hai, bảo người dân tộc nên chí thú làm ăn, vậy bạn biết gì về cuộc sống của họ? Quanh năm ăn “mèn mén”, xa lạ với nhiều thứ tiện nghi hiện đại của cuộc sống (đừng nói cái tivi và xe máy Tàu là tất cả văn minh của nhân loại nhé).

Nghe qua nhiều nguồn tin, tóm tắt sự thể là không có chuyện cướp đất cướp cát gì cả (ai điên đi cướp đất trên núi cao chót vót làm gì). Vấn đề là người H’mong có cái nhà tương tự như nhà “Tang lễ” của người Kinh. Nhưng có lẽ chính quyền rất lo lắng về sức khỏe cho bà con, vì theo “hủ tục” của người H’mong, người chết phải để nhiều ngày cho bà con thân thích đến phúng viếng, làm các thủ tục về tâm linh trước khi chôn cất. Như thế rất mất vệ sinh.

Nói thật là ngay người Kinh, khi chưa có nhà Tang lễ thì cũng chỉ để người “chết” tại gia. Khi người thân đi cấp cứu mà không qua khỏi, chết ở bệnh viện thì mới dần phát sinh ra nhà lạnh, để bảo quản thi hài người chết. Có lẽ nhà tang lễ cũng xuất hiện từ đó chăng?

Việc chính quyền lo lắng về vệ sinh môi trường, trước hủ tục của người H’mong cũng chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe cho bà con, thực ra là rất đáng khen ngợi. Nhưng lo lắng một cách thái quá lại đâm ra dở ẹc, vì hiếm khi thấy đảng và nhà nước lại quan tâm đến đời sống của người dân tộc, kể cả phá béng nhà tang lễ của người ta đi như thế.

Hủ tục đó của người H’mong có từ trước khi đảng và nhà nước ra đời. Và cho dù mất vệ sinh thì họ vẫn béo tốt, khỏe mạnh như thường. Chẳng ai lại chăm lo theo kiểu cưỡng bức cả đời sống tâm linh như thế. Thiên hạ xì xầm, đọc vị cái động cơ phía sau, là có lẽ đảng và nhà nước chăm lo cho đời sống người H’mong thì ít, mà sợ họ lấy nhà tang lễ để làm nơi tụ tập, tuyên truyền người “Mèo” không ơn đảng suốt đời thì nhiều? Khi bà con H’mong về Hà Nội khiếu nại về chuyện phá nhà tang lễ của họ, rồi bị đối xử rất tàn nhẫn, trên mạng người ta lại hay nhắc đến bài hát “Người Mèo ơn đảng” một cách thật mỉa mai và chua xót.

Qua một số sự kiện gần đây, tôi lại thấy khá trớ trêu, là người “chịu ơn” lại thường khá “vô ơn” khi cứ một mực từ chối sự tử tế của đảng và nhà nước. 

Chuyện đảng và nhà nước xây cho bà con ở Trịnh Nguyễn hẳn một nhà máy xử lý nước thải. Vậy mà bất chấp đổ máu và cả bắt bớ, người được hưởng ơn lại cứ sống chết không đồng ý. Hóa ra vấn đề không đồng ý lại chỉ ở chỗ vị trí xây dựng nhà máy mới lãng xẹt.

Chuyện đảng và nhà nước đầu tư khu đô thị sinh thái Ecopark, đem lại cơ hội đổi đời cho bao nhiêu nông dân Văn Giang quanh năm chân lấm tay bùn, vậy mà nông dân rõ dại dột, cứ khư khư giữ lấy đất. Trong khi ở nhiều nơi đất đai bỏ hoang, người dân chỉ mong nhà nước lấy đất để được “đổi đời” thì đảng và nhà nước chả thèm để mắt đến. Xem ra đảng và nhà nước cũng biết chọn nơi béo bở để đầu tư? (Có người bảo đảng và nhà nước đâu? Tư nhân đấy chứ? Nhưng nếu là tư nhân, sao công an và chính quyền lại đứng ra cưỡng chế?)

Thực ra, nếu muốn thành tâm giúp đỡ, muốn xã hội tốt đẹp hơn, người ta phải đạt được mọi tiêu chí, mà hàng đầu vẫn là tiêu chí về con người. Con người hạnh phúc không chỉ ở mỗi chuyện ăn ngon, mặc đẹp, mà quan trọng nhất vẫn là tinh thần. Nếu chỉ được ăn ngon, mặc đẹp, con người ta chẳng khác gì con chim kiểng, nhốt trong lồng son gác tía. Muốn con người hạnh phúc, hãy tìm hiểu xem họ muốn gì, chứ ban phát sự tử tế một cách độc quyền như thế sẽ trở thành lố bịch, sẽ lộ vở là thực ra chả tử tế gì.

Phương Bích

http://chimkiwi.blogspot.com/2013/11/tu-te-kieu-oc-quyen.html


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo