Đảng là cha, là mẹ & Nhân dân mồ côi! - Dân Làm Báo

Đảng là cha, là mẹ & Nhân dân mồ côi!

LM H Tuấn (Danlambao) - Câu chuyện về Đảng là đạo đức, là văn minh thì lâu nay nghe ra rả, nhưng Đảng là Mẹ thì mới được ông Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn ấn hành vừa mới đây trên báo Quân đội Nhân dân (QĐND) [1].

Thực ra thì đối với một người trưởng thành từ trong quân ngũ, là một Đảng viên khi tròn 18 tuổi thì việc Đảng hóa thành niềm tin, cuộc sống, lý tưởng, thành đạo đức, văn mình, là mẹ vĩ đại trong thời điểm chiến tranh loạn lạc... không có gì là lạ.

Nhưng khi người Đảng viên ấy khoác trên mình màu áo của một quân đội với danh xưng QĐND sau cuộc chiến và được nuôi bởi những đồng thuế của dân thì cái việc Đảng hóa đó trở nên kệch cỡm, thô bịch và đầy chất nịnh bợ, tôi tớ.

Vì Đảng hóa như vậy nên ông đã nhầm lẫn phán chắc nịch: “Không có Đảng thì không có Quân đội nhân dân Việt Nam”. Vì sao?

- Thứ nhất, trong tiến trình của Lịch sử, đội quân nhân dân luôn tồn tại, và nó được tổ chức bởi các Đảng phái ban đầu, nếu như không có Đảng Cộng sản thì sẽ có Đảng Quốc dân, Đảng Lập hiến, Đảng Thanh niên, Phục Quốc hội [2] hay bất kỳ Đảng phái nào sẽ tổ chức thành lập đội quân. Cái quan trọng là, đội quân đó được nhân dân nuôi dưỡng, bao bọc ra sao từ quá khứ cho đến hiện tại? Và đội quân của người Cộng sản với 34 người hôm đó (tôi xin lấy mốc mà người Cộng sản như ông Trung tướng đang nhìn nhận) sẽ ra sao nếu không nhận được điều đó từ nhân dân?... Kể cả khi đội quân ấy hoạt động vũ trang - bán vũ trang, chính trị từ thời Việt Bắc lập chiến khu cho đến Mậu Thân 68, tổng tấn công 74-75?

- Thứ hai, đội quân Nhân dân ngày hôm nay, đội quân mà ông tự hào là Đảng cho ra đời thì những chàng trai - cô gái tuổi đôi mươi đó lại từ dân mà ra, và hầu hết đều là những người dân-không-đảng-phái, họ gia nhập đội quân như là phương cách góp phần bảo vệ giang sơn, bảo vệ xóm làng, chống lại ngoại xâm chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ bảo vệ Đảng Cộng sản cả. Nó cũng giống như khi Nguyễn Ái Quốc đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) vào tháng 7/1920 ông cho rằng, đây là con đường giải phóng chúng ta nhưng không phải ông hiểu về Mác, về Lênin mà ông đơn thuần bị thu hút bởi yếu tế dân tộc & thuộc địa mà bản sơ thảo nhắc đến, cũng như việc ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp cũng là vì Đảng hứa một cách cụ thể là từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa. [3]

- Thứ ba, việc đem công lao sáng lập trong quá khứ để buộc quân đội phải theo Đảng trong hiện tại & tương lai nó cũng hợm hĩnh như việc đem công lao lãnh đạo làm nên thống nhất lãnh thổ 1975 để biện hộ cho việc duy trì quyền lãnh đạo độc tôn, để biện hộ cho sai lầm, để biện hộ cho khuyết điểm không thể sửa chữa nỗi của Đảng trong thời kỳ hòa bình vậy. Làm việc đó khác nào phỉ nhổ vào lịch sử, đem Lịch sử ra đổi chác thưa ông Trung tướng?

Nếu ông trung tướng cho rằng, đội quân hiện nay là do Đảng lập nên, do Đảng lãnh đạo và bảo vệ Đảng - không tách rời khỏi Đảng là tất yếu. Vậy thì xin nói lại các quan điểm mà các ông đang trốn tránh:

- Một là, đội quân hiện nay các ông cố tình đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, rồi dùng nó như 1 công cụ bảo vệ tổ chức Đảng Cộng sản thì tốt nhất, các ông nên đổi tên là Cấm vệ quân Đảng Cộng sản đi.

- Hai là, nếu đội quân hiện nay là từ Đảng mà ra và các ông mặc nhiên buộc trung thành, biến nó thành đội quân bảo vệ Đảng thì tốt nhất, các ông nên lấy quân hằng năm từ gần 4 triệu Đảng viên của mình. Tương tự các phí duy trì cho đội quân này cũng nên lấy từ tiền Đảng phí thay vì thuế nhân dân.

Ông trung tướng cho rằng, bảo vệ Đảng chính là tăng cường năng lực cho Đảng bảo vệ Tổ quốc, do đó quân đội ta đã viết nên và tô thắm truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân”; “Trung với nước, hiếu với dân”. Tôi cho là phải, vì ít nhất ông đã không bỏ quên yếu tố Nước đối với Quân đội. Tuy nhiên:

- Việc đưa quân đội Quốc gia biến thành của riêng cho Đảng cộng sản. Rồi cố gán ghép bằng khẩu hiệu “trung với Đảng, hiếu với Dân” là một sự đánh tráo nham nhở. Một quốc gia với một đội quân chỉ có một mệnh lệnh duy nhất là Bảo vệ lãnh thổ, cương vực quốc gia trước nguy họa từ bên ngoài. Nếu đội quân buộc phải bảo vệ Đảng như là một điều kiện cần và đủ để đảm bảo an ninh quốc gia thì khi Đảng của các ông bị phân hóa, bị suy yếu, bị chia bè-cánh, đội quân đó có đủ sức để đảm nhiệm các mệnh lệnh linh thiêng như trên? Hay là các viễn cảnh Loạn 12 sứ quân lại tái diễn thời hiện đại?

- Đưa quân đội quốc gia (vốn để bảo vệ cho một cộng đồng lớn người) trở thành một đội quân bảo vệ cho một nhúm người với sứ mệnh đặt ngang hàng để buộc đội quân đó phục tùng mọi mệnh lệnh của Đảng, coi nhiệm vụ của Đảng là nhiệm vụ của quân đội, coi hiểm họa của Đảng là hiểm họa của quân đội thì Quân đội đó có còn là một quân đội của Dân, của Quốc gia nữa không? Có xứng đáng để tên là Quân Đội Nhân Dân Việt Nam nữa không? Có xứng đáng để hát một cách tự hào là “Vì Nhân dân quên mình, mình nhân dân hy sinh nữa hay không?” [4].

Sau khi dẫn dắt người đọc, ông lộ rõ ý đồ là muốn đánh thẳng vào những quan điểm về việc muốn QĐND Việt Nam phải trung lập, tách ly ra khỏi lãnh đạo của ĐCS bằng việc nhân danh đạo lý: “Đối với thế hệ chúng tôi và những lớp người đi trước, Đảng, Bác Hồ, nhân dân là cha, là mẹ; Quân đội nhân dân Việt Nam là con của Bác, của Đảng, của dân. Đạo lý người Việt Nam không cho phép ai từ bỏ cha mẹ. Bất kỳ ai đòi quân đội từ bỏ sự trung thành với Đảng, với Bác Hồ là đều trái đạo lý, trái lịch sử. Chúng tôi, những người đã trải qua, hoặc đang trong quân ngũ, mang đạo lý của dân tộc, không chấp nhận quan điểm đó.”

Lần này, tôi cho rằng, ông thực sự mê muội. Vì sao?

- Vì một lần nữa ông lấy cái quan điểm, cái quá khứ của chính ông áp đặt vào thế hệ của ông để rồi ông cho rằng ai cũng coi “Đảng, Bác Hồ, nhân dân là cha, mẹ” mà lại quên rằng, khi những người thế hệ như ông, trước ông và sau ông gia nhập vào đội quân đó, phần lớn họ chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Cầm súng, bảo vệ quê hương - xóm làng. Ông đòi hỏi người ta trân trọng lịch sử, nhưng ông lại đem lịch sử thế hệ ra để đổi chác.

- Vì trong một xã hội, nếu duy trì sự gắn bó mật thiết như giữa quân đội với Đảng như cha-mẹ-con thì nghiễm nhiên, quân đội đó trở thành những công cụ tốt nhất để bảo vệ chế độ đó. Ở một mức độ cao hơn, khi quân đội hòa với độc đảng là một thì thể chế chính trị sẽ trở thành chính quyền độc tài quân sự (quân phiệt hóa).

- Vì sau khi ông cố gắng thêm chữ Nhân dân sau “Đảng” (tổ chức của ông), sau “Bác Hồ” (lãnh tụ của ông), ông đi đến một kết luận thật trung thực: “Bất kỳ ai đòi quân đội từ bỏ sự trung thành với Đảng, với Bác Hồ là đều trái đạo lý, trái lịch sử.” Xin hỏi ông trung tướng với chức vị đầy mình rằng:

+ Từ bao giờ đạo lý dân tộc lại gắn với sự trung thành đối với 1 Đảng phái?
+ Từ bao giờ đạo lý dân tộc lại gắn liền với một người lãnh đạo?
+ Từ bao giờ Lịch sử lại sai trái khi người dân không còn trung thành với Đảng, với Bác Hồ?

- Vì hiện nay, ĐCS Việt Nam đang trở thành một cái động chứa nhóm lợi ích, những kẻ bòn vét tài nguyên quốc gia cũng như vét kiệt nguồn lực con người. Nó đang chuyển thành trở thành một khối đối lập đối với lợi ích nhân dân Việt Nam, thế hệ Việt Nam mai sau. Thế mà ông vẫn kêu gào đòi đội quân từ dân ra, ăn thuế dân phải tiếp tục trung với Đảng. Khác gì Nhân dân ngu muội, tự mài vũ khí giết mình, con mình, cháu mình trong tương lai?

Nói dễ hiểu hơn một chút là, không biết ông trung tướng có siêng đọc báo - xem đài không? Nếu có hẵng ông sẽ biết tin Kim Jong-un (lãnh tụ Triều Tiên) đã ra lệnh cho các binh sĩ tiền tuyến phải "trung thành", sẵn sàng trở thành những “viên đạn, quả bom người” để bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên. Ông trung tướng có hiểu được cái mệnh lệnh mà Kim Jong-un đưa ra với cái mệnh lệnh trung với Đảng mà ông và những người như ông đang cố bảo vệ, tuyên truyền không ạ?

Tóm lại, mệnh lệnh cao nhất của Quân Đội là BẢO VỆ QUỐC GIA & TRÁNH LÀ DỤNG CỤ CỦA BẤT KỲ ĐẢNG PHÁI NÀO CẢ. Vì thế, Quân Đội Nhân Dân phải Trung với Quốc Gia, Hiếu với Nhân Dân. Chỉ có như thế, Quân đội mới tránh việc phân mảnh khi mà nội bộ Đảng Cộng sản bị phân hóa thành các thế lực khác nhau bởi vì tính thống nhất Đảng phái chỉ mang tính tạm thời, không phải là vĩnh viễn. Vì “quyền lực mà không có lòng tin của nhân dân thì chẳng là gì cả (Catherine II)” thưa ông Trung tướng!

Cuối cùng, xin gửi ông và những người như ông một câu chuyện ngụ ngôn thời Liên Xô:

Sĩ quan Liên Xô nói chuyện với một tân binh:

- Ai là cha của anh?
- Dạ, nguyên soái Stalin ạ!
- Sao lại như vậy được?
- Thì người ta vẫn nói nguyên soái là cha già của dân tộc đấy thôi!

Sĩ quan rất ngạc nhiên nhưng đành phải thừa nhận tân binh có lý. Ông ta hỏi tiếp:

- Thế ai là mẹ của anh?
- Dạ, Liên Xô ạ!
- Thế có nghĩa là thế nào?
- Thì người ta vẫn nói Liên Xô là mẹ của tất cả các dân tộc…

Trả lời của tân binh làm viên sĩ quan khoái trá. Với niềm hy vọng lớn lao, anh ta hỏi tân binh bằng giọng thân mật:

- Thế cậu muốn trở thành người như thế nào?
- Dạ, thưa, em muốn thành đứa mồ côi ạ! 



___________________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo