Chuyển trại - Dân Làm Báo

Chuyển trại


Kỷ niệm 65 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10.12.1948)
Ngày Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam(10.12.2013)
Và Ngày Ra mắt Mạng lưới Blogger Việt Nam

Truyện ngắn này xin dành tặng cho những chiến sĩ Dân chủ, đã và đang phải sống trong ngục tù cộng sản vì Lý tưởng Tự do và Khát vọng Nhân quyền. Và nhất là để tưởng nhớ đến Người tù Lương tâm Bùi Đăng Thủy vừa mới qua đời trong nhà tù Xuân Lộc.

Trời chưa sáng, tiếng mở cửa làm mọi người choàng tỉnh: Đi trại! Cả buồng giam nhốn nháo, hồi hộp. Viên công an cầm danh sách và bắt đầu đọc tên. Ông ta làm việc đó ngay khi đồng nghiệp vừa mở cửa. Người tù không có quyền - chứ không phải không kịp- đánh răng rửa mặt trước khi đi. Mọi thứ phải luôn sẵn sàng để khi có chuyến đi trại thì chỉ việc mang theo bởi đó là những chuyến di chuyển không báo trước. Đồ dùng cá nhân như quần áo, bát, thìa, ca cốc (bằng nhựa), băng vệ sinh, kém đánh răng, dầu gội đầu... đã được sắp xếp trong một bao dứa gọi là “túi nội vụ” được mua trong trại tạm giam. Người án ngắn cũng như người án dài, thậm chí chung thân cũng chỉ duy nhất một túi đó mà thôi. Trừ những người đang chờ phiên phúc thẩm hoặc chưa hết thời hạn 15 ngày chống án, còn lại không cần chờ đọc tên, ai cũng tự giác ôm sẵn cái “túi nội vụ” để chực bước ra ngoài sau tiếng “có”nếu cán bộ đọc tên mình. Không ít người... lỡ chuyến đi, phải trở vào cất nội vụ. Nhưng mất công một chút còn hơn bị xúc phạm.

Thấy tôi vẫn... bình chân như vại, mấy chị sốt ruột thay: 

- Ơ! Thế cứ ngồi lỳ ra đó à? Định không lên trại à? Nội vụ đâu chị xách ra cho? 

Tôi thản nhiên đáp: 
- Em không đi Xuân Nguyên (1) đâu, em đi Thanh Hóa và sẽ đi một mình một chuyến. Rồi các chị coi. 

Trời vẫn chưa sáng hẳn. Đã hết tiếng ồn ào, hết cảnh nhốn nháo. Còn lại mấy người chúng tôi, hụt hẫng và trống trải. Không ai ngủ lại được nữa. Nhưng chỉ ít hôm nữa thôi, buồng giam sẽ đông đúc trở lại với những người tù mới. Người ta nói đây là một bến tạm. Một bến tạm không ai muốn dừng chân. 

Nga (2) mừng ra mặt khi thấy tôi ở lại: 

- May quá, Nghiên không phải đi đợt này. Chỉ lo Nghiên phải đi. 

- Nga không cho Nghiên đi, muốn Nghiên chịu khổ ở đây à? 

Đó là người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó. Trong một cơn ghen, Nga đã cầm dao chém chồng (nghe nói hàng chục nhát) cho tới chết. Cô không giống một tên sát nhân hay một kẻ đang sám hối giả tạo. Thật khó diễn tả, nhưng chúng tôi đã chứng kiến những tháng ngày day dứt của Nga khi còn ở chung trại tạm giam. Không cam chịu bản án 19 năm tù, Nga viết đơn kháng án và đang chờ phiên phúc thẩm. Không hiểu tại sao Nga lại thương quý tôi đến thế bất chấp sự cấm đoán. Đôi khi, sự quan tâm thái quá của cô làm tôi khó chịu. Nhưng tôi thương Nga thật sự. Phần vì cuộc đời lương thiện và bất hạnh của cô, phần vì sự chân thành mà cô dành cho tôi. Chúng tôi, ngoài sự thương quý còn là lòng biết ơn dành cho nhau. 

Tôi không kháng án, nhưng cũng đã phải ở lại buồng này hai tháng mười ngày kể từ sau phiên xử 29/1 trong khi nhiều người ra tòa sau tôi cũng đã lần lượt đi trại. Linh cảm của một tù nhân chính trị mách bảo tôi sẽ được đưa tới Trại giam số 5, Thanh Hóa nơi đang giam giữ người đồng đội của tôi, luật sư Lê Thị Công Nhân. Nhưng họ sẽ không bao giờ cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ dù là trong nhà tù. Tức là, phải chờ Công Nhân hết án, họ mới chuyển tôi đến. 

Sáng sớm hôm sau, tôi đi thật. 

Tất cả mọi người đều không hiểu vì sao lại bị dựng dậy trong lúc này. Người nọ ngơ ngác nhìn người kia: mới có chuyến đi trại hôm qua mà! 

- Các chị cứ ngủ, mình em đi thôi. 

Tôi nói, giọng bình thản. 

Lần thứ ba trong thời gian tạm giam, tôi bỏ lại sau lưng những khuôn mặt buồn lo, thương cảm. Lần đầu khi tôi đi biệt giam. Lần thứ hai khi tôi ra tòa. Và hôm nay... Tôi nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe trong vẻ rầu rĩ và lo lắng của Nga. Vài giọt nước mắt dù cố giấu vẫn thấy rơi trên gương mặt chị Hiền, chị Thu. Những chị em mà rất có thể, sẽ không bao giờ còn gặp lại. Tôi cảm ơn mọi người. Và đi. 

Dù rất quý vốn “tài sản” đã dùng trong mười tám tháng và sẽ gắn bó thêm hai năm rưỡi nữa nhưng tôi vẫn không đủ sức để mang vác cái túi nội vụ cộng với một “cặp vợ chồng nhà xô chậu” trên cơ thể nặng chưa đầy bốn mươi ký. Tôi phải kéo lê chúng từ buồng giam ra cổng. Nhớ ra cái kính, vật bất ly thân vẫn đang nằm trong phòng làm việc của người cai ngục. Tôi lại đứng chờ người dẫn giải trở vào lấy. Ít phút sau, cái kính được trả về với đôi mắt của tôi. Từ giờ, tôi và nó chắc không phải gặp nhau định kỳ như trong thời gian tạm giam nữa, tức là chỉ khi đi cung mới được đeo, còn thì phải gửi lại chỗ cai tù. 

Đây là lần thứ hai tôi bị xiềng chân. Đến lúc này, tôi cũng không hiểu vì sao tôi không phản đối.Tôi không thấy bị thôi thúc bởi lòng kiêu hãnh. Không thấy thương hại mình. Không có một ý niệm gì hết. Tôi để người ta xiềng chân mình trong một trạng thái dửng dưng. Lúc đó, hình như tôi không nhớ tôi là một người tù chính trị và phải bảo vệ nhân quyền của mình trước một sự vi phạm trắng trợn. 

Bây giờ ngồi viết những giòng này, tôi chỉ có thể lý giải rằng khi đó, tôi đã bị chai sạn hoặc trở nên dễ dãi, thậm chí có dấu hiệu mệt mỏi sau mười tám tháng phải sống cuộc sống không hẳn dành cho con người. Và buộc phải chống chọi với những kẻ coi tôi là kẻ thù. Họ là những điều tra viên, những kiểm sát viên, người của tòa án. Cả những người mà đến nay tôi cũng chỉ được biết một cách mơ hồ qua lời giới thiệu mập mờ của điều tra viên với từ “cấp trên”. Đó là những cuộc gặp gỡ, những lần hỏi cung kéo dài hàng giờ đồng hồ với không dưới một trăm lần tất cả. Những khổ ải của biết bao thân phận tù nhân cũng làm tôi bị ám ảnh. Tôi chỉ có mong muốn duy nhất là thoát khỏi cái nơi khỉ gió này càng nhanh càng tốt. Mong muốn đó mạnh hơn ý chí phản kháng của tôi lúc bấy giờ. Chưa được tự do nhưng ít nhất, cũng được thoát khỏi cái chỗ “chết tiệt” này dù là để đến một nơi thực sự là nhà tù trong một chiếc xe thùng kín mít suốt chặng đường dài với mấy giờ đồng hồ di chuyển. 

Tôi đã xỏ bốn đôi tất phần vì lạnh, phần để khỏi bị đau chân. Vậy mà vẫn như... bơi trong đôi giày ba-ta. Trời vẫn tối. Tôi lọ mọ soạn sẵn đống túi ni-lông phòng khi bị nôn. Đối với những người mắc chứng say xe thì đi ôtô thực sự là một điều khủng khiếp. Áp giải tôi có ba người. Ngoài người lái xe còn có hai người khác. Một người đàn ông trung niên và một người trạc tuổi tôi. Anh chàng trạc tuổi tôi ghé mặt sát tấm lưới, vật ngăn cách người tù với những người dẫn giải, bắt chuyện: 

- Chị có lạnh không? 

- Cũng lạnh anh ạ. Nhưng không sao. 

- Thế chị tội gì? 

- Tội nói thật. 

Tôi trả lời cộc lốc. 

- Chị vui tính nhỉ? 

- Anh dẫn giải tôi mà không biết tôi “tội” gì sao? 

- Tôi không biết. Chỉ thấy cấp trên nói phải dậy sớm, đưa một trường hợp đặc biệt đi trại. Tôi cũng thấy đặc biệt thật vì từ trước tới nay hầu như không có ai đi một mình một chuyến như chị cả. 

- Tôi nghĩ anh biết nhưng giả vờ không biết. Các anh phải biết các anh đang làm gì chứ? 

- Tôi không biết thật mà. Thế chị là ai? 

- Tôi nói anh đừng giật mình nhé. Tôi bị đảng của các anh kết tội chống Nhà nước. Khiếp chưa? 

Anh ta ra chiều ngạc nhiên: 

- Ồ! thế chị có quen Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài không? 

Câu hỏi của anh ta làm tôi hưng phấn. 

- Họ là đồng đội của tôi. 

- Chị là Nguyễn Thanh Nghiên phải không? 

- Tôi họ Phạm. Phạm Thanh Nghiên. 

- Ồ!Tôi có biết chị. Không ngờ được gặp hôm nay. 

- Thế anh nghĩ sao về chúng tôi? 

Tôi bắt đầu dẫn dắt câu chuyện. 

Anh ta giới thiệu tên Dũng, nhỏ hơn tôi hai tuổi. Suốt chặng đường đi, Dũng là người duy nhất nói chuyện với tôi. Không biết anh ta có giả vờ đóng kịch hay không, nhưng ít ra tôi cũng thấy thỏa mái hơn đôi chút. Nó xua đi bầu không khí ngục tù và rút ngắn khoảng cách giữa những người không mang cùng thân phận. 

- Xe ra khỏi thành phố chưa anh? Tôi hỏi. 

- Được một đoạn rồi chị ạ. 

- Tôi sẽ đi Thanh Hóa, đúng không? 

- Không, gần đây thôi chị ạ. 

- Anh lại nói dối tôi rồi. Việc gì phải giấu, đi đâu chả là tù. Anh không thừa nhận, lát tới Trại 5, tôi không vào đâu đấy. 

- Chị thật khéo đùa. Anh ta cười ngượng. 

Cuộc nói chuyện thưa dần vì tôi bắt đầu bị chứng say xe hành hạ. Hy vọng số túi ni -lông đủ dùng cho tới khi “cán đích”. Thi thoảng, Dũng lại ngoái ra phía sau, hỏi han tôi. Dũng hỏi nhiều chuyện nhưng không một lần nhắc đến cái xiềng mà tôi đang mang. Anh ta dí sát miệng vào tấm lưới chắn và gần như hét lên để tôi nghe thấy. Tiếng gió rít, tiếng động cơ và nhiều tiếng ồn khác làm chúng tôi không còn muốn trao đổi gì nữa. 

Qua Ninh Bình, sang Nam Định. Và rồi cũng đến đất Thanh Hóa. Tôi định nhắc khéo Dũng về điểm đến cuối cùng. Nhưng không muốn anh ta ngượng, nên thôi. 

Xe liên tục phải dừng lại để hỏi đường vì rất lâu rồi không có chuyến đi Trại 5, Thanh Hóa. Tôi thực sự thán phục người tài xế khi anh ta vượt thoát được những con đường đã không còn là đường nữa. Cảm giác không chỉ mình tôi mà cả ba người kia cũng đang phải chịu cực hình. Cứ như lục phủ ngũ tạng trong người sắp đổi chỗ cho nhau. Không chỉ vật lộn với những cơn nôn ói thắt ruột, tôi còn phải liên tục kéo cái túi nội vụ về vị trí cũ để không cho nó chạm vào mấy cái túi ni-lông bẩn. Đã thế cái xiềng chân cứ vướng víu, khó chịu, mỗi lần vượt ổ gà, ổ voi (3) lại một lần tôi bị dúi xuống sàn xe. Tự nhiên tôi nghĩ quẩn: Giá họ cho mình thêm một năm tù để đổi lấy việc không phải di chuyển bằng ôtô thì tốt. 

Bị lạc đường gần hai mươi cây số khiến chúng tôi đến muộn hơn so với dự tính. Người dẫn giải trung tuổi đi làm thủ tục. Không thấy bóng dáng một nữ tù nhân nào. Chỉ thấy họ, những người tù nam, đi thành hàng đôi (tuy còn lộn xộn) nhìn người mới đến với vẻ lạ lẫm hơn là giễu cợt hoặc đe dọa. Hình như tôi thấy rờn rợn. Tôi ngồi vắt vẻo trên tường hoa, cố tình đung đưa chân để giấu cảm xúc. Lúc này, Dũng mới chịu tháo xiềng cho tôi. 

Không hiểu sao xuất hiện lắm cai tù thế. Họ kéo nhau ra cùng với người dẫn giải trung tuổi. Chắc muốn nhận mặt và không loại trừ mục đích uy hiếp tinh thần kẻ chống lại lý tưởng của họ. Có người hỏi tôi đi đường có mệt không, có người hỏi ăn sáng chưa nhưng đa phần chất vấn tôi tội “chống Nhà nước”. Tôi thấy không cần thiết và cũng không còn sức để tranh luận với họ nên chỉ trả lời qua quýt mấy câu liên quan đến sức khỏe, ăn uống. Sau này tôi mới biết đó là Phân trại số 1, nơi “đầu não trung ương” của Trại giam số 5, Bộ Công an. 

Cuối cùng, họ cũng đưa tôi tới nơi họ muốn: Phân trại số 4, dành cho các nữ tù nhân mà theo cách gọi của họ là “Phạm nhân nữ”. Lần đầu tiên sau mười tám tháng tầm mắt của tôi được vượt qúa phạm vi của một căn buồng mấy chục mét vuông. Tiếng gọi của người dẫn giải trung tuổi chấm dứt vẻ ngơ ngác của tôi. Đây là lần đầu tiên ông ta nói chuyện với tôi: 

- Hình như Nghiên còn tiền lưu ký ở Trần Phú phải không? 

- Dạ còn. Nhưng không làm được thủ tục để chuyển vì không biết trước ngày đi trại. 

- Thế thì để chú ứng trước vào đây cho mà lấy tiền dùng rồi về kia chú lấy lại số tiền lưu ký sau, đồng ý không? 

- Vâng, nếu vậy thì tốt quá. Cảm ơn chú. 

Sự nhiệt tình của ông ta làm tôi cảm động. Lần đầu tiên tôi phá vỡ nguyên tắc xưng hô với công an khi gọi ông ta bằng “chú”. Dũng nói anh ta có quen biết một vài người đang công tác trong trại này và sẵn sàng “nói với họ một tiếng” để giúp đỡ tôi nếu cần. Anh ta nói lấy lệ hay thật sự không ý thức được rằng những tù nhân lương tâm chúng tôi luôn đứng ngoài các cơ chế “ xin-cho” và các ứng xử thông thường của mọi mối quan hệ không cùng chính kiến. Hai người dẫn giải bắt tay tạm biệt tôi. Họ đi, tự nhiên một cảm giác khó tả (gần giống sự hụt hẫng) bám lấy tôi. 

Tôi sẽ ở lại đây, trong trại tù mới và khởi đầu một cuộc đầy đọa mới. Không, tôi muốn nó giống với một cuộc khám phá hơn là một sự đọa đầy. Trong lúc chờ những người cai tù kiểm tra nội vụ, tôi tranh thủ quan sát “thế giới mới” của mình. Bên trong cánh cổng, lố nhố những bóng áo kẻ sọc, trang phục mà lát nữa sẽ được khoác lên người tôi. Nhưng dứt khoát tôi sẽ không bị “trộn lẫn” với họ. Tôi biết rõ về chuyến đi của mình. Và biết mình sẽ làm gì sau khi kết thúc chuyến đi đó. 



____________________________________

(1) Xuân Nguyên: Trại giam nằm ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. 
(2) Vì lý do an ninh, tên các nhân vật đã được thay đổi. 
(3) Ổ gà: chỗ lõm sâu xuống (giống ổ gà) trên mặt đường do bị lở. Ổ voi: chỗ lõm sâu và rộng hơn ổ gà.
(*) Hình banner với biểu tượng MLBVN của Phạm Thanh Nghiên với chân dung tác giả do Họa sĩ Trần Thúc Lân (Pháp) vẽ (DLB ghi chú).


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo