Trà Giang (Danlambao) - Như trong một vài entry trước, tôi có bình luận, theo hiểu biết và tâm huyết của mình, về một số hiện tượng ở Quảng Ngãi, có liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo của ông bí thư tỉnh ủy, vốn là một cán bộ làm công tác đoàn thanh niên ở một thành phố phía nam, rồi bí thư trung ương đoàn, rồi mới được chỉ định làm bí thư tỉnh ủy quê tôi.
Ấy vậy mà trên nhiều diễn đàn, ông bí thư biến tôi thành kẻ thù, kẻ phản động, đồng thời qui kết luôn cả cho những người chia sẻ, ủng hộ vì có đọc bài của tôi, không nể nang cả với những người thuộc bậc niên trưởng về tuổi đời và tuổi đảng. Khi sử dụng cái quyền đương chức như vậy, có lẽ và hình như, ông bí thư trẻ tự cho mình cái quyền chiếm hữu đương nhiên chân lý và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa được giải thích theo kiểu thực dụng trên đất nước những ngày này.
Cũng có thể ông yêu cầu công an tỉnh, với bộ phận kỹ thuật công nghệ thông tin, tình báo, bảo vệ chính trị, trinh sát ngoại tuyến, đặc tình, cộng tác viên... và nhờ cả một số cơ quan trung ương giúp tìm tôi. Nhưng đó là điều tôi không muốn nói, vì về kỹ thuật, chắc gì đã tìm ra; và về nhiều phương diện khác, tìm ra cũng chẳng để làm gì. Điều tôi muốn nói là cái sự qui kết phản động mà ông đã dành cho tôi, nó chẳng có cơ sở nào cả. Câu chuyện đó rất dài dòng, không dễ nói hết được, song tôi có thể khẳng định rằng những điểm xuất phát về lý luận và tình cảm mà tôi dựa vào để làm cái việc bình luận nói trên là cách mạng, là cộng sản thuần khiết đó. Chính vì tin vào những điều đó mà nhiều người trong thế hệ chúng tôi đã từ bỏ cuộc sống “Mỹ - Ngụy” để theo cách mạng và ngã xuống quê hương này; khi đó ông bí thư chưa có trên đời. Cũng chính vì điều ấy mà ông Lê Hiếu Đằng đã ly khai đảng ngày 4/12 vừa qua. Và do vậy, khi ông qui kết phản động cho tôi, có nghĩa là chúng ta đang ở những điểm qui chiếu khác nhau về lý tưởng chính trị và thời gian vận động của lịch sử. Về lĩnh vực này, điều đó hàm nghĩa cả sự phản bội và dùng quyền lực đương chức để hợp lý hóa sự phản bội để làm lợi, giữ quyền lợi cho mình; tôi không có chân trong sự tranh chấp ở sân chơi đó.
Nói như vậy cũng có nghĩa là giữa tôi với ông bí thư không có gì hiềm khích riêng tư cả. Cái làm tôi thấy không vui và cần phải nói chính là cái cơ chế quan liêu thư lại hiện nay của một chính đảng, vốn có lịch sử tương đối thân dân gần dân, tạo ra vai trò bí thư tỉnh ủy cho ông. Ông, như trên trời rớt xuống, có thể cao ngạo ngầm mà chém gió khoác lác chê bai, phán bảo, tung ra vô số cái “mới” như chưa từng được ai trong cái tỉnh này nghĩ ra được. Than ôi, ảo tưởng đó chỉ có được do ông là người ngoài đến, với một cái tập thể có cái văn hóa không ai chịu ai, lo giữ thân, vun quén cá nhân, họ hàng, đồng hương, chẳng đủ khả năng để phát hiện và thừa nhận người tài và luôn mất đoàn kết thôi. Nếu không có cái văn hóa ấy, nhiều bộ óc trong tỉnh cũng đủ điều kiện để nghĩ những điều như ông nhiều lắm và lâu lắm rồi.
Ví như, một trong những đề xướng được xem là mới của ông là tập trung cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh để học tập nâng cao nhận thức. Kế hoạch mỗi đối tượng như vậy phải học 7- 8 ngày/năm. Tính ra, cộng với chứng ấy ngày quán triệt các nghị quyết của trung ương và cấp tỉnh, vài ngày cho học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh gì gì đó, mỗi năm một cán bộ mất hơn nửa tháng cho việc tập trung tại hội trường để gọi là học tập, quán triệt mà thực chất chỉ là đọc báo, nhắn tin điện thoại, nói chuyện riêng, ngáp và ngủ, và những chuyện cá nhân khác.
Học nghị quyết của đảng đã là vậy, còn đây là những nội dung “chuyên đề” ba lăng nhăng, không chính thống, sản phẩm sáng tác của một vài cá nhân được mời không thuộc hệ thống hoặc cơ sở đào tạo nào; trong đó chứa đựng những thông tin chủ quan, mâu thuẫn, chưa kiểm chứng, chỉ được sử dụng nhất thời, được đăng tải đầy trên mạng và không được thừa nhận là những giáo trình trong hệ thống công nhận bằng cấp.
Điều lệ đảng có giao nhiệm vụ cho đảng viên không ngừng học tập nâng cao trình độ...; song đó là tự giác “không ngừng”, nhằm những mục đích, nhu cầu, lợi ích, sở thích riêng, với kế hoạch và sự đầu tư riêng. Hiệu quả của nó là sự nâng lên của tri thức cá nhân, kỹ năng công tác, thể hiện trong chất lượng công việc của người đảng viên. Đằng này, ông bí thư lại áp dục loại hình giáo dục cưỡng bức, mà hiệu quả thì ông cũng biết chắc là chẳng có gì, ngoài sự đo đạc mức chấp hành vì sợ hãi, vì miếng cơm manh áo – lương/bổng/lộc, vì sự thăng tiến của đảng viên. Chính ông cũng đề xuất và thống nhất loại những người có bằng đào tạo tại chức ra khỏi danh sách qui hoạch, đề bạt chức vụ cao hơn, thậm chí là tuyển dụng vào biên chế, song vẫn cố tình mở những lớp tại chức như vậy đó thôi. Qua 4, 5 năm học tại chức mà còn bị loại một cách trái pháp luật (giáo dục) thì phỏng 7, 8 ngày tập trung vài ba trăm con người lên hội trường có ích gì.
Một sáng kiến khác cũng cần phải bình luận, là, thay vì học vào những ngày làm việc trong tuần ảnh hưởng đến nhiệm vụ công chức, ông cho tổ chức lớp vào 2 ngày cuối tuần. Đây lại chính là chỗ xem thường phép nước mà chỉ có cán bộ đảng mới làm được. Để được nghỉ tết 9 ngày, Thủ tướng cũng phải cân nhắc qua đề nghị của nhiều cơ quan tham mưu và công đoàn. Bớt hay thêm một ngày làm hay nghỉ là chuyện nhỏ về sản lượng và năng suất đối với nước ta, song lại là chuyện lớn về thủ tục pháp lý và động chạm đến quyền công dân về chế độ lao động đã được giải quyết suốt 3 thế kỷ qua. Hơn nữa, trong chế độ lao động hiện hành, công chức đi làm thêm ngày cuối tuần, ngày lễ được thù lao tăng thêm từ 150% - 200% tiền lương và về nguyên tắc, chuyện dùng ngày nghỉ để phục vụ công tác là tự nguyện của người lao động. Đảng của Quảng Ngãi cưỡng bức giáo dục đối với đảng viên thì không đếm xỉa gì chuyện này.
Ông bí thư đề ra việc ấy; cơ quan thường vụ cũng thống nhất việc ấy, vậy là triển khai và chấp hành. Song cái hiệu quả biết trước là không có, là vô bổ ấy sẽ là ấn tượng lâu dài của tỉnh Quảng Ngãi đối với ông bí thư tự tin một cách đồng bóng, thích đánh bóng. Thành công duy nhất của sự tiêu tốn thời gian, công sức vô ích đó có lẽ chỉ là ảo giác về tính mới, táo bạo tự cảm nhận chủ quan của ông bí thư, hiệu lực sợ hãi mà ông tạo được do cái quyền chức từ trên trời, và thực hiện được một vài giao hảo với các vị giảng viên từ ngoài tỉnh đến để sử dụng cho những đầu cơ tương lai theo kiểu lợi ích nhóm và giúp cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện việc mở lớp giải ngân kế hoạch ngân sách đã ghi trong kế hoạch. Không có gì hài hước và vô lý hơn khi mấy trăm con người bỏ những ngày nghỉ cuối tuần quí giá với vô số những việc cần thiết cho cuộc sống khác lên hội trường học để làm nên thu nhập ngoài giờ và chuyến du lịch cuối tuần của vài vị lất lơ nào đó từ nơi khác đến.