Kai Strittmatter (Süddeutsche Zeitung)/Trần Huê lược dịch - Chủ tịch Ðảng Tập Cận Bình ngợi ca "Kỷ nguyên Phục Hưng vĩ đại của Ðại Hán". Ngay cả nhiều người trong nước cũng tỏ ra dè dặt về các dự tính cải cách kinh tế và chính trị được loan báo. Điều rõ ràng là: Không có gì thay đổi ở sự độc quyền cai trị của Ðảng CS.
Bắc Kinh/ Trung quốc (TQ) vừa hồi phục lại 65,3 % hào quang và tầm vóc của ngày xưa. Kết quả mới nhất được đưa ra ngày thứ năm tuần này. GS Yang Yiyong thuộc Ủy ban phát triển và cải cách, cơ quan qui hoạch kinh tế tối cao của TQ, đã tính toán tỉ mỉ trong giờ nhàn rỗi của ông "Chỉ số Ðại phục hưng của Ðại Hán", theo đúng cả con số sau dấu phẩy. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng mơ đến sự phục hưng của TQ như "giấc mơ Ðại Hán". Một bó gồm các cải cách mà Tập Cận Bình và hơn 300 viên chức cao cấp của ÐCS TQ đã nhất trí quyết định nhằm góp phần và dọn đường để đi đến mục tiêu lớn này.
Sau khi văn kiện được phổ biến 1 tuần trước đây, giới quan sát TQ bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa thực sự của nó. Ý kiến chung: Tập Cận Bình có quyền lực hơn. Các cải cách dự tính là bước đi can đảm nhất từ 10 năm qua, nhưng cũng vào lúc mà bế tắc về cơ cấu sau 10 năm. Cải cách ruộng đất cho nông dân và quyền nhập cư rộng hơn ở thành phố cho công nhân lao du đang đánh thức nhiều hy vọng. Ðồng thời Ðảng muốn xiết chặt hơn các mặt Internet và truyền thông: Có thể còn kiểm duyệt chặt chẽ hơn, sẽ đàn áp các Blogger và ký giả mạnh mẽ hơn.
ÐCS TQ sẽ không bao giờ thay đổi để thành một nước đa đảng
Nhiều chi tiết rất mơ hồ, đấy là chưa nói đến sự triển khai khó khăn chương trình đẹp này. Mâu thuẫn vẫn tồn tại. Các xí nghiệp quốc doanh - những cái gai đối với giới cải cách - đã không bị đụng tới. Nhưng theo văn kiện thì thị trường được nới rộng nhiều hơn và giảm bớt ảnh hưởng chính phủ vào kinh tế. Các tổ chức tư nhân vội vã tổ chức các "khóa học để hiểu quyết định của Ðảng". Một trong số này đòi cả 1000 Euro (8800 Nhân dân tệ) cho khóa tìm hiểu này. Tổng biên tập tạp chí trường Ðai học Ðảng trung ương Xie Chuntao, ngày thứ sáu đã mời các thông tín viên ngoại quốc tham dự 1 buổi họp báo ở Bắc Kinh. Như vậy tín hiệu rõ ràng, buổi họp mặt này không phải "làm thế nào ÐCS TQ khai triển cải cách" mà là "làm thế nào để củng cố quyền lãnh đạo của Ðảng qua các biện pháp cải cách". Ai mong đợi cải cách, theo Xie Chuntao, đã không hiểu bản chất đường lối của Tập Cận Bình. "ÐCS sẽ không bao giờ thay đổi nước này thành một nước đa đảng hoặc có phân quyền.“
Những người mong muốn cải cách đã hy vọng là, ít nhất có một vài dấu hiệu cho sự phân quyền. Họ lý luận, nếu không thì làm sao kiểm soát được nạn tham nhũng và bất công xã hội ngày càng bành trướng. Nhưng cải cách thật sự nay vẫn là cấm kỵ. Bao Tong, một thời là viên chức cao cấp, sau biến cố Thiên An Môn bị thất sủng, bày tỏ trong New York Times ấn tượng tốt về phong cách đẩy mạnh kinh tế của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo ông từ đầu đến cuối, cái gì Ðảng làm đều chỉ nhằm giữ vững sự thống trị của Ðảng. Ðó mới là cái chính chứ không phải vì sự lớn mạnh của TQ.
Về chính tri, điều mọi người chú ý nhất là TQ thông báo thành lập "Hội Ðồng An Ninh Quốc gia". Nhằm nhận ra các mối đe dọa, đề ra các kế hoạch chiến lược, giống như Hội đồng An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ. Nhưng Hội đồng An Ninh Quốc gia của TQ do chủ tịch Ðảng sẽ đứng đầu, cuối cùng sẽ mạnh hơn nhiều. Nhất là Hội đồng này không chỉ theo dõi các thách thức trên bàn cờ quốc tế, nhưng còn lo về sự ổn định xã hội trong nước. Ông Shi Yinhong, GS về bang giao quốc tế tại Ðại học Bắc Kinh nói với Süddeutsche Zeitung, theo ông "Hội đồng An ninh quốc gia mới sẽ dành 2/3 quan tâm về an ninh nội chính", như "về an ninh thông tin điện tử, khủng bố va phong trào ly khai ở Tân Cương hoặc Tây Tạng“.
Shi mong đợi là Hội đồng sẽ được thành lập vào đầu năm tới. Cơ quan mới này sẽ cắt giảm quyền hạn của Bộ ngoại giao, quân đội, công an và Ban Trung ương nhiều ảnh hưởng về chính trị và luật pháp của Ðảng. Theo Jin Charong, GS Chính trị học tại Ðại học Bắc Kinh, "có nhiều quyền lợi chồng chéo với nhau trong hệ thống" và "tất cả các tranh chấp nội bộ đều là bất lợi lớn".
Hội Ðồng an ninh mới để ngăn ngừa sự tùy tiện hành xử của bộ phận cấp dưới
Tài liệu của viện nghiên cứu "International Crisis Group" năm 2012 đã tiết lộ, trong các vùng nhạy cảm ở biển Đông và biển Nam TQ, sự mâu thuẫn quyền lực và thẩm quyền hành động giữa hằng chục cơ quan đã đưa đến nhiều hành động riêng rẽ khiêu khích dị kỳ của các bộ phận cấp dưới, dẫn đến sự leo thang và căng thẳng với các nước láng giềng. Nếu Hội đồng An ninh Quốc gia nắm giữ trong tay quyền quyết định thì sẽ có tác dụng tốt. Nhưng vẫn chưa rõ ràng là Hội đồng này sẽ có vai trò gì đối với bộ máy an ninh và đàn áp trong nước. "Điều đó có nghĩa là Ðảng và chính phủ tiên liệu sẽ có gia tăng các căng thẳng xã hội trong ngững năm sắp tới", theo Nicholas Bequelin, chuyên viên về TQ của Human Rights Watch. Trong các Blogger ở TQ mọi người rất nghi ngờ. "Những điều mà giới lãnh đạo nói là "an ninh quốc gia" thật ra là an ninh của chính họ", có người đã viết như vậy.
Không phải là vấn đề cải cách luật pháp không được nhắc tới, nhưng nhiều dự tính mà không dựa trên nguyên tắc phân quyền thì cũng giống như đi quanh một vòng tròn. Các tội bị xử tử hình, hiện nay chừng trên 50 sẽ được giảm xuống. Cái này có thể phóng bút làm ngay. Toà án Tối cao đòi các tòa án trên cả nước không được công nhận lời khai do đánh đập, "hoặc dùng các biện pháp bỏ lạnh, bỏ đói, để khát, đốt , để cho kiệt sức và các phương pháp trái pháp khác". Muốn thực hiện điều này mà không có sự quan sát độc lập thì thực là khó. Những lời kêu gọi tương tự đã xảy ra nhiều lần, nhưng đã rơi vào quên lãng. Ít nhất trên bình viện địa phương, các tòa án nên được độc lập hơn bằng cách không cho các địa phương quyền chỉ định quan tòa và tài trợ cho những người này.
Quyết định giải tỏa các trại cải tạo được mọi người hoan nghinh. Ðến nay, một người có thể bị bắt giữ đến 4 năm trong trại cải tạo mà không hề thấy mặt luật sư hoặc thẩm phán. Tại Thượng Hải, những nguời bị giam đã được trả tự do tiên khởi. Tuy nhiên, người ta chưa biết chuyện gì sẽ xẩy ra với các hình thức tù tội mà không có án lệnh (gọi là "nhà tù đen", "trung tâm chỉnh huấn" của các địa phương, các trại tâm thần) và không biết là cảnh sát sẽ dùng các trại này thay thế trại cải tạo hay không. Tuy nhiên, việc giải tỏa này là một thành công, theo luật sư dân quyền ở Bắc kinh Pu Zhiqiang. "Lẽ dĩ nhiên lúc nào họ cũng có cách bắt giam một người nếu họ muốn. Nhưng nay không còn trại cải tạo thì việc này không còn dễ nữa. Ðể bắt giữ một người dân chính quyền địa phương sẽ phải mất sức và tôn kém nhiều hơn trước".
Kai Strittmatter (Süddeutsche Zeitung)
Trần Huê lược dịch
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: www.dcpt.org hay www.dcvapt.net
* LGT DC&PT: Nhật báo Süddeutsche Zeitung là một cơ quan ngôn luận có uy tín cao ở Đức. Kí giả Kai Strittmatter từ nhiều năm phụ trách vấn đề Trung quốc của nhật báo này.