Tham gia ký tên để xóa bỏ điều 258, tôi cũng như những thành viên khác, mang một niềm tin rằng tự do thật sự sẽ được thiết lập trên quê hương Việt Nam. Đó là khi quyền được đưa ra chính kiến của mình về một vấn đề không bị bóp nghẹt.
Một nhà nước có thể đi sai đường vì nó được điều hành bởi những con người rất con người như chúng ta đây. Nhưng NÓ PHẢI BIẾT LẮNG NGHE để thay đổi hoặc sẽ mặc nhiên bị đào thải bởi người dân - chủ của nó. Nghe rất lý thuyết, đúng vậy, và vì thế, chúng ta không thể tìm được một nhà nước "dễ thương" như vậy trong thế giới này.
Tuy nhiên, trước tất cả những điều này, trước khi con người ta biết được cái gì đang diễn ra, thì tiếng nói phải được cất lên. Và điều 258 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam hoàn toàn đi ngược lại quyền căn bản này khi bóp nghẹt Quyền tự do ngôn luận của người dân bằng sự thể hiện vô cùng mập mờ của nó. Mập mờ đến mức ai muốn giải thích và áp dụng sao cũng được. Mà khi muốn áp dụng sao cũng được thì chuyện chó sói và chú cừu non của Lev Tolstov sẽ diễn ra.*
Đó cũng là lý do vì sao, theo tôi, càng phải cổ võ cho Quyền được lên tiếng của Người dân, những người chủ thật sự của đất nước. Và Mạng lưới Blogger Việt Nam đã thực hiện điều tốt đẹp này.
Tôi nhớ lại vở kịch Nhà Vua và Tên Ăn Mày của Winthrop Parkhurst.** Câu chuyện khởi đầu bằng lời xin ăn của tên ăn mày: xin cho tôi bánh mì. Nhà vua chuyên chế lấy làm chướng tai với lời ăn xin này nên cho tên hầu "xử lý" tên ăn mày. Nhưng thật lạ lùng, anh hầu nói rằng đã trừng phạt tên ăn mày nhiều lần rồi nhưng vẫn không ăn thua. Đuổi ra khỏi thành thì tên này quay lại. Cắt lưỡi nó thì lưỡi mọc lại thậm chí ngày càng xin ăn to tiếng hơn. Thậm chí giết nó chết thì nó sống lại. Nhà vua trở nên bế tắt...
Rồi ông vua nảy ra một ý kiến: triệu tên ăn mày vào và chính ông sẽ truyền cho hắn im miệng.
Khi tên ăn mày vào gặp vua, nhà vua bắt hắn hứa là sẽ không bao giờ xin bánh mì nữa nhưng sau khi nói chuyện qua lại, ngôn ngữ của nhà vua và tên ăn mày không gặp nhau. Tên ăn mày nghe vua nói nhưng vẫn không hiểu.
Về sau, tên ăn mày trả lời vua: Sinh ra làm ăn mày là một sự bất hạnh nhất mà tôi từng biết, trừ việc sinh ra để làm vua. Táo bạo hơn, tên ăn mày đưa ra một thỏa thuận táo bạo. Hắn truyền cho vua cởi bỏ chiếc mũ vàng cai trị, và ném qua cửa sổ, khi đó, hắn sẽ thôi không xin ăn nữa.
Nhà vua liền phán: tại sao? đồ xấc xược, tên phản quốc!
Tên ăn mày: một trong những tên đầy tớ của vua không thể ngăn tôi. Kể cả ngàn tên cũng không dọa được tôi. Tôi mạnh hơn núi. Tôi mạnh hơn biển!
Nhà vua....
Tên ăn mày: Sức mạnh tôi lớn hơn núi còn lời tôi đáng sợ hơn một cơn bão. Tên đầy tớ này của vua chẳng thể chạm vào tôi đâu. Chỉ một hơi thở từ miệng tôi là đủ thổi tung cả cung điện này.
Nhà vua....
Tên ăn mày: Tôi không hù dọa vua đâu. Tôi sẽ la lớn trên các đường phố để xin ăn cho đầy bụng. Nhưng ngày nào đó tôi sẽ không đối đãi tốt với vua đâu. Ngày đó, miệng lưỡi tôi sẽ ào ạt gió và cánh tay tôi sẽ như thanh thép mạnh mẽ và tôi sẽ thổi tung cung điện này, và tất cả xương cốt trong thân thể tồi tàn của vua sẽ bị tay này bẻ gãy. Tôi sẽ đánh một chiếc trống lớn mà dùi trống chính là đầu vua. Tôi sẽ chưa làm điều này ngay đâu. Nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ làm. Cho nên, khi tiếng tôi cứ tiếp tục lởn vởn bên tai vua, xin được ăn, thì hãy nhớ những gì tôi đã nói với vua. Hãy nhớ, hỡi vua, và hãy biết lo sợ!
Câu chuyện kết thúc. Tất nhiên nhà vua không làm theo lời người ăn mày là ném chiếc mũ trị vì ra ngoài cửa sổ. Nhưng Vua sợ và cho đóng cửa sổ lại khi tên ăn mày bỏ ra đi.
* Truyện ngụ ngôn Chó Sói và Chú Cừu Non, Lev Tolstov (bit.ly/cho-soi-va-chu-cuu-non)
** Vở kịch The King and The Beggar, Winthrop Parkhurst (bit.ly/the-king-and-the-beggar)