Nguyên Thạch (Danlambao) - Bây giờ là gần giữa tháng 12 (December), chỉ non ba tuần nữa là thế giới bước sang năm 2014. Riêng Việt Nam, chúng ta chỉ còn non 2 tháng nữa là đi vào năm Giáp Ngọ. Tết lại sắp về, mà mùa xuân của đất nước thì vẫn chưa bao giờ đến trong lòng dân tộc, mùa xuân nồng ấm, trong sự tự do độc lập và hưng thịnh là những gì mà đại đa số đồng bào vẫn còn đang đang mòn mỏi đợi chờ trong nỗi niềm vô vọng.
Người viết nhân dịp xin được nêu lên một vài nhận định và phân tách theo thiển ý, cũng như muốn bày tỏ được nỗi lòng của mình và mong rằng đó được xem là những dòng tâm sự giữa một người Việt với những người Việt có cùng chung hoàn cảnh quá thê thảm của một đất nước hôm nay.
Qua dòng thời gian của lịch sử cận đại mà chúng ta đã từng sống với nó, từng mục kích hoặc ít nhiều cũng đã từng có những mối liên quan. Tôi không muốn liệt kê nhiều và chi tiết về những chứng tích của lịch sử bởi thiết nghĩ, ai ai cũng đã nhận biết được điều đó. Nhưng cho dẫu thế nào thì chúng ta cũng không thể không khơi lại những biến cố chính, hầu nhắc nhở ký ức để khuyên nhủ rằng, nó vẫn còn in đậm trong tiềm thức và sẽ không bao giờ chìm vào quên lãng.
- Hồ Chí Minh du nhập chủ thuyết ngoại lai vào Việt Nam, nguyên nhân chính của mọi nguyên nhân, đưa đất nước thê thảm xuyên suốt quá trình lịch sử cho đến ngày hôm nay.
- Cải Cách Ruộng Đất: với bao nhiêu sinh mạng phải chết oan ức, tàn phá truyền thống của nền đạo lý tốt đẹp lưu truyền từ ngàn năm. Con tố cha, vợ tố chồng, hàng xóm nghi kỵ tố giác lẫn nhau chỉ vì mong được tồn tại.
- Nhân Văn Giai Phẩm: Tiêu diệt tự do, triệt tiêu nhân bản, xoáy mòn bao tinh hoa của dân tộc để lắp vào là nền văn hóa mụ mị lừa lọc hầu phục vụ cho chuyên chế độc tài.
- Giải Phóng Miền Nam: Một cuộc nội chiến tàn khốc, huynh đệ tương tàn, máu đổ thịt rơi để cuối cùng là gom cả đất nước về một mối “Một mối hận thù, một mối đau thương” (Nguyễn Chí Thiện)
- Đánh tư sản: Triệt phá tiềm năng kinh tế quốc gia, thực thi những chính sách ngô nghê mù lòa, đưa cả dân tộc vào con đường đói khổ cùng cực. Điều nực cười là sau gần hai mươi năm, chế độ lại lần mò về cái mà họ đã từng chủ trương đánh phá, nhưng lại xảo quyệt với cái gọi là “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”!.
- Hội Nghị Thành Đô 1990: Một bước ngoặc cực kỳ nguy hiểm của đất nước, bọn phản quốc đã ngấm ngầm chuẩn bị bán dâng toàn bộ đất nước và dân tộc cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Và trước mắt mà tất cả chúng ta phải đối diện là: Vào năm 2020, kế hoạch ấy phải được hoàn thành.
- Tham nhũng bất trị, đàn áp dân chúng, bịt miệng trí thức, triệt tiêu những nhà đấu tranh cho dân chủ, những người yêu nước, chống ngoại xâm.
- Kinh tế lụn bại, nợ nần ngập mặt, tập đoàn chủ đạo kinh tế quốc dân, mạnh người nào, người nấy hốt làm tài sản riêng. Một lũ vô trách nhiệm để rồi cuối cùng, tất cả sẽ đè cổ người dân ra gánh chịu.
Người viết, xin được có vài nhận xét và có một số điểm lưu ý cùng các bạn về vấn đề hệ trọng trong giai đoạn này, đó là vấn đề kinh tế. Chúng ta đồng ý với nhau ở một điểm rất lô-gic rằng: Không tiền thì khó có thể làm được việc, hoặc thậm chí, không thể làm được bất cứ việc gì.
Cho đến hôm nay, nhà cầm quyền, không những không thể kiểm soát và quản lý (control) được những thất thoát khổng lồ do tham nhũng bất trị, kèm theo những sách lược ngu muội, kém hiệu năng do những lãnh đạo kém tri thức về nhiều mặt cộng thêm những lãng phí không cần thiết như trả lương cho hệ thống cán bộ, công nhân viên chức cồng kềnh, phải chi trả vô lý cho lực lượng công an, mật vụ, dân phòng nhằm phục vụ ý tưởng cũng cố chế độ cho được lâu bền. Nói một cách rõ nét hơn nữa là nhà cầm quyền vì sự tồn tại của băng đảng hơn là sự tồn vong của dân tộc.
Chúng ta hãy lược qua những dữ kiện sau đây để thấy rằng sự nguy ngập của nền kinh tế của Việt Nam, nó như thế nào: Theo “báo cáo của Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội cho thấy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nợ nần chồng chất. Theo đó, năm 2012, 127 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỉ đồng, tương đương 62 – 63 tỉ USD, xấp xỉ 50% GDP của Việt Nam năm 2012 là 136 tỉ USD.” Đó là chỉ căn cứ vào báo cáo thôi nhé, còn sự thật, minh bạch hay không là chuyện khác.
Dân số trung bình cả nước năm 2012 ước tính 88,78 triệu người, trong đó kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD.
Tính chung cả năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD.
Hai con số 114 tỉ đô Mỹ giữa xuất và nhập được xem là tương đương (cứ cho là như vậy đi) nhưng thực tế theo tầm nhìn của nhiều kinh tế gia thì Việt Nam là nước có nhập siêu, chứ không như báo cáo nêu trên từ nhà nước. Số nhập siêu này được ước lượng là khoảng 12 tỉ Mỹ kim/năm.
Bây giờ, ta nói đến vấn đề chi tiêu: Chi phí quốc phòng hay ngân sách quốc phòng của một quốc gia là tổng chi phí có liên quan đến các hoạt động và chính sách quân sự của quốc gia đó. Bao gồm những chi phí trả lương, huấn luyện binh sĩ, bảo trì và mua sắm vũ khí mới, nghiên cứu chế tạo vũ khí.v.v…
SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute)
Việt Nam một mặt tiếp tục duy trì 480 ngàn quân chính quy, 4,5 triệu quân dự bị, một mặt tăng cường cho quân sự trong những năm qua. Năm 2013, VN dự chi cho quốc phòng là hơn 3 tỉ USD. Cho ngành công an, còn gọi là “Lá chắn” của chế độ, sẽ không kém hơn chi phí của quốc phòng là bao nhiêu, trong khi đó tổng chi phí cho giáo dục là 170.349 tỉ đồng cho năm 2012. (Tổng Cục Thống Kê VN)
Nêu lên con số quá khác biệt giữa quốc phòng và công an để thấy rằng nhà nước này coi giá trị của giáo dục ra sao và ở vị thế nào trong cán cân điều hành kinh phí quốc gia.
Kiều hối đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Với 9 tỷ USD trong năm 2011, 10 tỉ vào năm 2012. Lượng kiều hối đã tương đương 7,4% tổng sản lượng nội địa (GDP) của đất nước này. Ngoài ra, kiều hối còn lớn hơn nhiều so với vốn FDI và ODA được đầu tư vào Việt Nam.
Kiều hối là một nguồn tài lực rất quan trọng, nó đã giúp sức cho nền kinh tế CSVN rất to lớn. Tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Việt cộng đã nói: “Kiều hối là một nguồn lực quý giá theo nhiều nghĩa, là một kênh mang lại ngoại tệ mạnh cho đất nước mà không một kênh nào có thể sánh nổi về hiệu quả. Bởi vì, ngoại tệ thu được từ xuất khẩu tuy rất quý nhưng xuất khẩu thì phải mất chi phí để sản xuất hàng, chi phí vận chuyển mang ra nước ngoài, lại còn phải chịu thuế nhập khẩu, chịu hạn ngạch, chịu kiện bán phá giá, chi phí tiếp thị, quảng cáo…” [1]
Tham gia chương trình ”Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” số đầu tiên của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đầu xuân Quý Tỵ (ngày 17/2), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trong năm 2012, lượng kiều hối đổ về đạt hơn 10 tỷ USD đã chiếm tới 60-70% nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ năm 1991 tới nay [2].
Kiều hối gửi về Sài Gòn chiếm trên dưới 42% tổng giá trị kiều hối đổ về nước trong năm qua. Trong số chừng 4 tỷ đô la mà Việt kiều các nơi gửi về thành phố, 70% được đầu tư cho các hoạt động kinh doanh, 23% vào thị trường địa ốc, và phần còn lại là biếu tặng cho thân nhân.
Trong 4,1 tỷ USD đổ về Sài Gòn, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm 23%, đầu tư sản xuất kinh doanh chiếm 62%, phần còn lại là giúp đỡ khó khăn cho người thân, gia đình.
Nguồn: Hezmandez-Coss (2005) và IMF (2003-2007) và WB
Nếu căn cứ vào con số hơn 3 tỉ cho quốc phòng để chi phí gồm trả lương, quân trang quân dụng, mua tầu ngầm, hỏa tiển, máy bay vân vân cho một lực lượng quân đội mà chẳng dám hó hé gì khi Tàu cộng hiêng ngang chiếm lấy Hoàng Trường Sa, ngang ngược ra lịnh cấm đánh bắt nơi vùng biển có chủ quyền lâu đời của Việt Nam, ngang nhiên bắn giết, tịch thu ngư cụ, tàu bè, đòi tiền chuộc, nhũng nhiễu đủ thứ thì thử hỏi 3 tỉ đó để đầu tư vào việc trồng hành có còn hơn không?.
Xấp xỉ 3 tỉ chi phí cho công an để hành hung đánh đập dân lành, dân oan, những người yêu nước, thể hiện ý chí chống ngoại xâm thì thử hỏi lấy tiền để trả công cho những kẻ đánh đập, bỏ tù mình, thế có oái ăm không?.
Số tiền khổng lồ này, từ người Việt ở nước ngoài gởi về mỗi năm theo thống kê chính thức là 10 tỉ USD, nhưng trên thực tế, tiền mang trong túi không khai báo của hơn nửa triệu “Việt kiều” về nước, sẽ còn cao hơn con số chính thức.
Những câu hỏi cho những điều nghịch lý như: Tại sao số tiền trên 10 tỉ USD, dư để trả cho quốc phòng, công an, cán bộ nhà nước cộng sản để hệ thống này phản bội lại với tiền nhân, với Tổ Quốc, cúc cung tận tụy với kẻ thù truyền kiếp Bắc phương?.
Tại sao phải gởi mồ hôi nước mắt cực nhọc cày hai ba việc ngày đêm để để dung dưỡng một hệ thống đàn áp, đánh đập chính đồng bào ruột thịt của mình?.
Tại sao phải chịu trận, nai lưng ra để gánh vác nợ nần khắp nơi trong khi tham quan các ngành các cấp, mọi lúc mọi nơi vơ vét, cướp giật của công để làm tài sản cho riêng họ?.
Tại sao phải làm ngơ khi nhìn họ xe xanh lầu đỏ, ăn trên ngồi trốc, uống nửa bỏ nửa, con cái gởi ra ngoại quốc ăn xài miễn đếm?. Trong khi bạn bè, người thân, anh chị em ruột thịt của mình, đồng bào mình đói rét, kiếm bữa không ra?. Đó có phải chăng là sự nhẫn tâm?.
Trong hoàn cảnh thê thảm của đất nước, tàn lụi của quê hương, tụt hậu và suy đồi toàn diện của xã hội, giúp ngặt, là hành vi của đạo đức, không ai có thể phiền trách hay chối bỏ. Nhưng giúp nghèo thì giúp mãi đến bao giờ, khi đất nước và dân tộc vẫn còn đang quằn quại đớn đau dưới một cơ chế độc tài toàn trị. Một thể hoàn toàn ích kỷ chỉ biết lo cho đảng phái riêng mình, ngoài ra tiền đồ và tương lai của dân tộc là những gì xa xỉ!.
Với một thứ chủ nghĩa mơ hồ hoang tưởng, đất nước sẽ chìm sâu trong vực thẳm vong nô, không hứa hẹn được chút nào của tương lai tươi rạng. Chúng ta, nội ngoại sẽ phải can đảm, phải chấp nhận một lần đau thương chớ không thể kéo dài tình trạng vô vọng này mãi được.
Để kết thúc tâm tư, tác giả xin kèm theo đây bài thơ, xem như lời gởi gắm.
Xin em đừng buồn!
(Gởi người người dân trong nước thông cảm và cả người Việt hải ngoại thôi gởi ngoại tệ về nuôi một chế độ hung tàn)
Gom hoa tuyết gởi K'Nưng yêu dấu
Tết năm nay
Có lẽ... anh không về.
Em nơi đó, cùng bản làng tranh đấu
Gọi đồng bào cố giữ lấy bản quê.
Anh không đến
Không phải vì không tiền nên ngại
Nhưng ngại vì đem tiền về
Cộng sản sẽ tồn tại lâu hơn
Anh thà đau thương
Chấp nhận trách hờn...
Bởi trong đói khổ, dân sẽ thấu rõ hơn và đứng dậy.
Tiền “Việt kiều”, đâu phải mãi đổ vào cái giếng tham không đáy
Từng nuôi bọn tham ô, sống bấy lâu nay!
Chúng là những tham quan
Là bọn cướp ngày
Bởi vì thế nên anh không muốn tiếp tay cho giặc.
Anh vẫn biết
Không gởi tiền là dồn em vào ngõ tắt
Nhưng Việt nam thì cảnh ngặt triền miên...
Thôi cứ để cho dân túng quẩn trong cuộc sống đảo điên
Sẽ vùng dậy
Trút tất cả muộn phiền vào chế độ.
Anh sẽ về
Góp tay xây dựng lại quê cha đất tổ
Cờ Tự Do sẽ rợp phố rợp phường
Nhưng giờ đây, chúng ta phải chấp nhận đau thương
Bởi dân tộc đã cùng đường ngõ tận.
Giặc Bắc phương đã tràn vào
Ngày càng quyết tâm xâm lấn
Trong tận cùng, căm hận sẽ bùng lên
Cờ Diên Hồng
Trống Quang Trung sẽ thúc giục vang rền
Dân quốc nội sẽ đứng lên làm cách mạng .
Người Việt tha hương sẽ cùng thế giới năm châu bầu bạn
Hổ trợ cho em, chuỗi ngày tháng đấu tranh
Có gian nan, người ta mới thấu rõ được ngọn ngành
Trong gian khó... chí hùng anh nung nấu.
Không gởi tiền
Muối xát lòng, lương tâm cào cấu!
Trận chiến này
Muốn chiến đấu?
Phải hy sinh.
Vài lời đến em
Cho trọn nghĩa trọn tình
Đừng buồn nhé
Em gái xinh xứ Thượng.
________________________________
Chú thích: