Nguyễn Quang (Danlambao) - Chào ông, tôi là Nguyễn Quang, 1 thanh niên thế hệ 8x. Từ lâu tôi đã muốn đối thoại với ông, 1 nhân vật lịch sử của thế kỷ 20. Tôi hy vọng đây là 1 cuộc đối thoại bình đẳng và chân thành giữa những người Việt Nam với nhau. Đầu tiên, tôi xin nói thẳng, tôi không ủng hộ chủ nghĩa cộng sản và tôi không tán đồng cách ông làm cách mạng, gieo rắc sự đau khổ và chết chóc tại mảnh đất mà ông với tôi cùng gọi là Tổ quốc này.
Hồ Chí Minh: Chào cháu, Bác không biết cháu là con cái nhà ai? Nhưng thời Bác còn làm Chủ tịch nước thì ai cũng gọi ta là Bác với một giọng hết sức trìu mến.
Nguyễn Quang: Ồ, ông phải cảm ơn công lao đó của đảng Cộng sản Trung Quốc chứ. Không có đảng Cộng sản Trung Quốc giúp thì làm gì có được Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – kẻ tự nhận là Cha già dân tộc Việt.
Hồ Chí Minh: Anh… anh nói cái gì thế hả?
Nguyễn Quang: Ông Hồ, tôi nói chuyện với ông chân thành thì ông cũng phải biết đáp lại chân thành với tôi chứ. Ông là đặc phái viên của Cộng sản Quốc tế, 1 tổ chức với sứ mệnh phổ biến chủ thuyết Cộng sản ra toàn thế giới. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông và các đồng chí của ông dựng lên. Nhưng phải mãi tới khi Cộng sản Trung Quốc thắng thế tại Trung Hoa lục địa thì sự nghiệp chính trị của ông mới lên như diều gặp gió phải không?
Hồ Chí Minh: Chà, anh cũng biết nhiều chuyện đấy. Thôi, ta chấp thuận đề nghị đối thoại sòng phẳng của anh. Ta cũng đã ra người thiên cổ rồi. Những công danh, sự nghiệp, hỉ nộ ái ố trong cuộc đời giờ đối với ta cũng chỉ là phù du.
Nguyễn Quang: Cám ơn ông đã tôn trọng tôi. Nhân đây, tôi muốn hỏi ông về cái danh hiệu Cha già dân tộc. Theo ông thì người thế nào mới là Cha già dân tộc?
Hồ Chí Minh: Theo ta biết thì Cha già dân tộc thường là các vị trưởng lão cao niên, kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm đầy mình và có công lớn trong việc dựng nước, giữ nước. Đọc tới từ “cha già” ta thường liên tưởng đến hình tượng các bậc thánh nhân trong các sách thánh hiền xưa ở nước Trung Quốc. Ở Việt Nam từ xưa đến nay thì chưa có ai lấy danh xưng đó cả, ngay cả vua Hùng Vương – người khai sinh ra nước Văn Lang của dân tộc Việt.
Nguyễn Quang: Ý ông nói rằng từ “Cha già dân tộc” là 1 từ mới?
Hồ Chí Minh: Đúng vậy. Cha già dân tộc là từ do ta nghĩ ra. Nếu đã nhận là cha già của cả dân tộc Việt Nam, ta sẽ là người đứng trên tất cả.
Nguyễn Quang: Ông thật là đồ khôn lỏi. Ông tự nhận mình là người khai sinh lại dân tộc Việt chứ gì?
Hồ Chí Minh: Ha ha, đó là chiêu trò để tiếm danh và quyền thôi. Ta học được chiêu này ở Liên Xô, cái nôi của cách mạng vô sản.
Nguyễn Quang: Ông có thể nói cụ thể hơn được không?
Hồ Chí Minh: Ở Liên Xô, ta đã được học các lớp về lý thuyết cách mạng vô sản, lý thuyết đấu tranh giai cấp và cách thức, kinh nghiệm làm cách mạng vô sản. Trong các lớp học đó, ta nhớ nhất một điều thiết yếu khi làm cách mạng vô sản, đó là phải biết cách tự tạo ra hoặc lợi dụng khoảng trống quyền lực trong lòng xã hội để rồi chiếm quyền điều khiển nó. Sau này, kinh nghiệm làm việc thực tế tại Trung Hoa Dân Quốc đã củng cố, nâng cao kỹ năng sử dụng tuyệt chiêu đó của ta.
Nguyễn Quang: Ông sử dụng tuyệt chiêu đó khá tốt.
Hồ Chí Minh: Đúng thế. Bọn ta đã cướp chính quyền thành công. Nếu anh giỏi lịch sử thì ắt hẳn còn nhớ sự tương đồng của cách mạng Việt Nam với 2 cuộc cách mạng năm 1917 tại Nga.
Nguyễn Quang: Đúng thế. Trong năm 1917, cuộc cách mạng Tháng Hai tại Nga đã thay thế Nga hoàng nắm quyền lãnh đạo quốc gia lúc bấy giờ. Theo ngôn ngữ của Cộng sản, đây là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền. Sau đó vào tháng Mười năm 1917, những người Bolshevik đã lên nắm chính quyền, tiêu diệt Chính phủ cách mạng lâm thời thành lập vào tháng Hai năm 1917. Còn ở Việt Nam thì vào đầu năm 1945, Đế quốc Nhật Bản sau khi vô hiệu hóa chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương thì đã tiến hành trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 17 tháng 4 thì chính phủ Đế quốc Việt Nam chính thức được thành lập dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Trần Trọng Kim. Nhưng chỉ không lâu sau đó, vào tháng 8 năm 1945, Việt Minh đã cướp chính quyền từ tay của chính phủ Trần Trọng Kim.
Hồ Chí Minh: Lạc nước, hai Xe cũng bỏ phí. Gặp thời, một Tốt cũng thành công.
Nguyễn Quang: Haha, phải công nhận ông giỏi chơi cờ. Chứ tôi nói thật, nếu Pháp không bị thua trận trong Thế chiến thứ 2 thì đảng Cộng sản của ông không thể chiếm quyền lãnh đạo Việt Nam đâu.
Hồ Chí Minh: Đó cũng chính là mối lo lắng của ta trước năm 1945. Người Pháp có hệ thống tình báo hoạt động rất hiệu quả. Điệp viên và chỉ điểm viên của họ có mặt tại khắp các ngõ ngách trên thế giới. Và mọi cuộc nổi dậy trước năm 1945 ở Việt Nam đều bị dập tắt một cách dễ dàng. Nhưng may mắn hết sức cho ta là phe Đồng Minh chiến thắng phe Trục trong năm 1945. Và điều thứ 2 là nạn đói Ất Dậu tại Bắc Việt Nam. Người Nhật đã giúp ta một tay trong việc này.
Nguyễn Quang: Theo ước tính thì có đến 2 triệu người Việt Nam chết trong nạn đói năm 1945.
Hồ Chí Minh: Đó là điều ta cần nhất đó. Ở miền Bắc, mọi thứ dường như ngừng hoạt động vì nạn đói. Bọn ta vừa có thể hoạt động dễ dàng, đồng thời tận dụng nạn đói để gia tăng vị thế chính trị của mình. Lenin đã tiến hành Cách mạng Tháng Mười với khẩu hiệu “Bánh Mì”. Còn ta, Hồ Chí Minh đã làm Cách mạng Tháng Tám với khẩu hiệu “Diệt giặc đói”.
Nguyễn Quang: Nhưng Lenin rốt cuộc chả đem lại được bánh mì cho nhân dân Nga mà đưa cả đất nước vào cuộc nội chiến kinh hoàng. Còn ông thì diệt được giặc đói ở Bắc Việt. Tôi phải khâm phục ông ở khoản này. Ông là người nghiện thuốc nặng phải không?
Hồ Chí Minh: Đúng vậy, anh có thuốc không, cho ta xin 1 điếu?
Nguyễn Quang: Biết ông thích nên tôi mang sẵn đây. Ông thích thuốc Philip Morris hay Craven A?
Hồ Chí Minh: Ta lấy Craven A. Anh thật tốt bụng. Nào anh còn muốn biết chuyện gì nữa?
Nguyễn Quang: Tại sao ông lại chọn Chủ nghĩa Cộng sản làm lý tưởng cho cuộc đời mình?
Hồ Chí Minh: Đơn giản thôi. Tại Đại hội Tours năm 1920 tại Pháp, thời điểm đảng Xã hội Pháp tách ra thành đảng Cộng sản Pháp, ta chỉ hiểu lờ mờ về cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản. Ta quyết định bỏ phiếu thành lập đảng Cộng sản Pháp chỉ vì Cộng sản Quốc tế hứa sẽ giúp đỡ giải phóng các thuộc địa khỏi bọn thực dân.
Nguyễn Quang: Ông Hồ, hẳn ông còn nhớ câu chuyện của Mai An Tiêm chứ?
Hồ Chí Minh: Chắc là anh muốn nhắc đến câu nói khiến cả gia đình Mai An Tiêm bị lưu đày ra đảo hoang chăng?
Nguyễn Quang: “Của biếu là của cho, của lo là của nợ”.
Hồ Chí Minh: Ta hiểu ý của anh. Nhưng thời thế tạo anh hùng, chứ anh hùng không làm nên thời thế được. Anh thử tự đặt địa vị mình vào ta xem, lúc đó ta là một thanh niên trẻ lưu lạc nơi xứ người, vừa lo kiếm kế sinh nhai, vừa đau đáu lo nghĩ cho quốc gia dân tộc. Có công việc nào vừa thỏa mãn cả 2 điều kiện trên không? Là đặc phái viên cho Cộng sản Quốc tế, ta vừa có lương cao, vừa được 1 tổ chức lớn nuôi dưỡng, đào tạo để thực hiện cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, tổ chức hứa sẽ đưa ta vào các vị trí cấp cao tại Việt Nam nếu như cách mạng vô sản diễn ra thành công.
Nguyễn Quang: Ông chọn Cộng sản Quốc tế chỉ là vì lợi ích cá nhân của ông mà thôi. Điều này tôi hiểu được. Nhưng ông phải hiểu lợi ích của Cộng sản Quốc tế không song trùng với lợi ích của dân tộc Việt Nam chứ?
Hồ Chí Minh: Đâu có. Cộng sản Quốc tế chủ trương giải phóng các dân tộc thuộc địa đó chẳng phải là lợi cho dân tộc ta còn gì?
Nguyễn Quang: Để rồi Cộng sản Quốc tế lại tròng vào cổ dân tộc ta 1 gông xiềng khác. Gông xiềng phải thực thi nghĩa vụ phổ biến chủ nghĩa cộng sản ra toàn thế giới. Nếu chủ nghĩa Cộng sản thành công ở Việt Nam thì nó sẽ phải lan rộng ra toàn Đông Nam châu Á. Ông không nhìn thấy viễn cảnh thanh niên Việt Nam sẽ phải gia nhập các đoàn quân Đỏ, đi giải phóng các quốc gia còn lại tại Đông Nam châu Á, mà theo các ông nói thì đó là nơi dân chúng còn đang rên xiết dưới chế độ cai trị của bọn tư bản bóc lột hay sao?
Hồ Chí Minh: Anh nói sai rồi. Điều đó đâu có thành sự thật đâu. Việt Nam chỉ đưa quân tới Campuchia tiêu diệt bọn Polpot rồi trở về thôi mà.
Nguyễn Quang: Ông đừng nên ngoan cố bởi vì tôi nắm rõ hết tẩy của ông và các đồng chí của ông. Để tôi nói thử xem có đúng không nhé. Lý do chiến dịch nhuộm Đỏ Đông Nam châu Á dừng lại tại bán đảo Đông Dương chỉ bởi vì Liên Xô bị khủng hoảng kinh tế nặng nề, không còn đủ sức chi viện quân sự của quân đội Cộng sản Việt Nam nữa. Nếu các đồng chí của ông muốn tiêu diệt bọn Polpot thì đã rút quân ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ và giao quyền quản trị Campuchia cho Liên Hiệp Quốc lúc đó. Nhưng mọi chuyện diễn ra hoàn toàn ngược lại, quân đội Việt Cộng đóng quân tại Campuchia đến hơn 10 năm. 10 năm, 10 năm chứ không phải 1 năm. Thêm nữa, các lãnh đạo cấp cao Việt Cộng đều từng có tuyên bố muốn giúp đỡ nhân dân các nước lân bang lật đổ chính quyền hiện tại, thay thế vào đó là một chính quyền Cộng sản. Đó không phải là bằng chứng rõ ràng nhất của việc các ông muốn đưa quân giải phóng tới tận Thái Lan, Mã Lai, Singapore là gì?
Hồ Chí Minh: Ừm, sao anh có thể nhìn thấu ruột gan ta và các đồng chí của ta vậy?
Nguyễn Quang: Ông có thể lừa được người ta lúc này, lúc khác nhưng không thể lừa tất cả mọi người mãi mãi được đâu. Tôi may mắn khi nhìn ra chân tướng của ông và đồng đảng của ông thôi.
Hồ Chí Minh: Sao anh lại nói là may mắn?
Nguyễn Quang: Bởi vì tôi đã từng thần tượng ông, sùng bái ông như bao thanh thiếu niên Việt Nam khác. Thế nhưng cuộc đời tôi đã rẽ sang một ngả khác khi chứng kiến những bất công trong xã hội cộng sản mà ông gây dựng lên. Tôi tò mò, tôi muốn tìm hiểu tận gốc của mọi vấn đề trong xã hội hiện nay và tôi cũng không ngờ trí tò mò của tôi lại đưa tôi đi xa đến như vậy. Tôi tìm thấy ông, ông là trung tâm điểm của mọi vấn đề đang diễn ra trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Hồ Chí Minh: Anh cũng giỏi đấy. Theo anh thời điểm nào là quan trọng nhất trong cuộc đời ta?
Nguyễn Quang: Năm 1950, lúc ông trèo đèo, vượt suối qua nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập để cầu viện.
Hồ Chí Minh: Hay, hay! Năm 1950, qua 4 năm kháng chiến chống quân Pháp, có lúc ta đã tưởng như tuyệt vọng vì phải lẩn tránh ở vùng rừng núi Tây Bắc trong khi thiếu thốn đủ thứ, từ lương thực, thuốc men đến quân trang, quân dụng để tiếp tục kháng chiến chống quân Pháp. May mắn sao, phe Cộng sản thắng thế tại Trung Hoa lục địa. Ta chỉ cần vượt biên sang Trung Hoa, từ đó đi tiếp tới Liên Xô là có thể xin cầu viện từ Cộng sản Quốc tế được rồi. Ở Trung Hoa, ta đã gặp lại anh Ân (Chu Ân Lai) và chủ tịch Mao Trạch Đông. Còn ở Liên Xô thì ta gặp được lãnh tụ Stalin và các đồng chí lãnh đạo ĐCSLX khác nữa.
Nguyễn Quang: Vậy ông xin họ những thứ gì?
Hồ Chí Minh: Khí tài quân sự, thuốc men, lương thực và nhân sự cấp cao để huấn luyện và đào tạo quân đội nhân dân Việt Nam. Phía Trung Quốc cử nhiều nhân sự nhất, trong đó có đồng chí Trung tướng Trần Canh, Thiếu tướng Vi Quốc Thanh, Cố vấn Chính trị La Quý Ba… Chính nhờ sự giúp đỡ quý báu và nhiệt tình của họ thì mới có các chiến dịch Biên giới và quan trọng nhất là trận Điện Biên Phủ.
Nguyễn Quang: Điện Biên Phủ là chiến dịch quân sự quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông phải không?
Hồ Chí Minh: Đúng vậy, đó là 1 chiến thắng huy hoàng mà ta không thể quên được. Quãng thời gian diễn ra trận Điện Biên Phủ là vào cuối năm 1953, đầu 1954. Tình hình thế giới rất phức tạp vào thời điểm đó. Hai phe Cộng sản và Tư bản đang tranh giành ảnh hưởng tại châu Á. Thứ nhất là ở chiến trường Triều Tiên, lúc đó vẫn còn đang trong giai đoạn đàm phán đình chiến. Thứ hai là ở chiến trường Việt Nam, nơi quân đội Pháp đang trong thế chống đỡ với quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, hội nghị Geneve bàn về 1 giải pháp cho Đông Dương đang được tiến hành. Sức ép chính trị của việc phải thắng quân đội Pháp ở một trận quyết định là cực kỳ lớn. May mắn sao, Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử đồng chí Vi Quốc Thanh, một thiên tài quân sự tới giúp ta. Nhờ đồng chí Vi Quốc Thanh, quân đội nhân dân Việt Nam đã vạch ra một đường lối cụ thể, một chiến lược dài hơi nhằm phân tán lực lượng quân sự của địch và quan trọng nhất là chỉ huy trực tiếp quân đội nhân dân Việt Nam giành thắng lợi tuyệt đối tại Điện Biên Phủ.
Nguyễn Quang: Sao tôi không thấy ông nhắc gì tới vị “Đại tướng” Võ Nguyên Giáp của các ông thế?
Hồ Chí Minh: Võ Nguyên Giáp ư? Hắn chỉ xứng đáng là chân chạy việc cho đồng chí Vi Quốc Thanh. Giáp có kiến thức quân sự đấy, nhưng chỉ đủ để dạy học thôi. Cái thằng ấy chỉ giỏi nướng quân, không được cái nước gì cả.
Nguyễn Quang: Ông Giáp giờ ở dưới suối vàng, chắc cũng nín thinh trước những lời bình phẩm của ông thôi.
Hồ Chí Minh: Chí lý! Ta cũng công nhận Ban Tuyên giáo đảng ta giỏi thật. Đưa được cả thằng Giáp vô dụng ngày nào lên hàng Thánh tướng. Giáp bất tài, vô dụng nên mới được đưa lên nắm chức vụ to. Mấy tay phóng viên, nhà sử học phương Tây thiên tả không hiểu, không biết gì về cách thức tổ chức của Cộng sản nên mới tung hô thằng Giáp lên hàng mây xanh. Thực sự là thế này, ở các chế độ Cộng sản, người nắm trọng trách quyết định lại thường là những người có chức vụ rất tầm thường. Như đồng chí Stalin là Tổng Bí thư ĐCSLX, chức vụ Tổng Bí thư vốn là giải quyết công việc hành chính và giấy tờ thế nhưng nhờ tài trí của đồng chí Stalin mà chức vụ này lại nắm quyền quyết định các chính sách của ĐCSLX sau khi Lenin qua đời. Còn ở Việt Nam thì ta là Chủ tịch nước, thế nhưng về sau thì quyền quyết định lại nằm trong tay đồng chí Lê Duẩn (Bí thư) và Lê Đức Thọ (trưởng ban tổ chức trung ương). Còn ở trận Điện Biên Phủ, Giáp là Đại tướng còn đồng chí Vi Quốc Thanh là Tổng Cố vấn Quân sự mới nắm quyền quyết định về chiến thuật và chỉ huy trực tiếp QĐNDVN.
Nguyễn Quang: Nghĩa là ông phủ nhận hoàn toàn vai trò lãnh đạo QĐNDVN của “Đại tướng” Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ?
Hồ Chí Minh: Ừ. Đó cũng là lời giải thích cho ánh hào quang vụt tắt của hắn sau trận Điện Biên Phủ. Giáp chỉ thích hợp ở vị trí Thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy, chứ không có óc của một nhà chiến lược. Nhắc đến nhà chiến lược, ta lại nhớ đến ông Ngô Đình Nhu.
Nguyễn Quang: Ông Ngô Đình Nhu, em trai của Cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm phải không?
Hồ Chí Minh: Chính xác. Ông ta mới là một nhà chiến lược đại tài. Ta rất tiếc là ta và gia đình họ Ngô ở thế đối địch nhau.
Nguyễn Quang: Hừ, chính ông đã ra lệnh giết anh cả của gia đình họ Ngô, ông Ngô Đình Khôi, tổng đốc Nam Ngãi còn gì? Chính ông gây thù chuốc oán với họ trước đó chứ.
Hồ Chí Minh: Anh phải hiểu là Việt Minh thời bấy giờ mới giành được chính quyền, phải sớm ra tay trừ khử những người tiềm tàng khả năng chống đối Cộng sản và có khả năng lãnh đạo, ảnh hưởng, thuyết phục dân chúng.
Nguyễn Quang: Đó cũng là lời giải thích cho hàng loạt cái chết của các nhân sĩ, trí thức, lãnh tụ tôn giáo trên cả nước sau ngày cướp chính quyền 19-8-1945 tại Hà Nội phải không?
Hồ Chí Minh: Đúng vậy. Đó là chiến lược căn bản của Cộng sản Quốc tế, phải ra tay trừ khử các phần tử đối lập hoặc tiềm tàng khả năng trở thành đối lập để nắm trọn quyền hành lãnh đạo Quốc gia vào tay một chính đảng duy nhất, đảng Cộng sản.
Nguyễn Quang: Tôi cũng hiểu rõ về chính sách này rồi. Ở Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, các nước Đông Âu đều thực thi chính sách này sau khi Cộng sản nắm quyền. Nếu có dịp, chúng ta có thể quay lại đề tài này sau. Tôi muốn nghe ông kể tiếp về ông Ngô Đình Nhu.
Hồ Chí Minh: Ông Ngô Đình Nhu là một kiến trúc sư trưởng xây dựng nên chế độ Đệ nhất Cộng Hòa tại Nam Việt. Anh có thể thấy cách thức ông ta đưa anh trai Ngô Đình Diệm lên nắm quyền Thủ tướng rồi đến phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, tổ chức soạn thảo Hiến pháp, bầu cử Quốc hội, Tổng thống, dẹp loạn Bình Xuyên, sát nhập Hoàng Triều Cương thổ (Tây Nguyên) vào Nam Việt, cải cách Kinh tế, Thương mại, xây dựng hệ thống giáo dục quốc gia, thành lập các Khu Trù Mật để cô lập du kích Việt Cộng bám dân… Tất cả đều nằm trong 1 bản kế hoạch vĩ đại nhằm chuyển hóa Việt Nam từ 1 quốc gia phong kiến nửa thuộc địa sang 1 nền Cộng hòa hiện đại, dân chủ chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Quang: Ông đang ca ngợi kẻ địch, điều này có trái gì với sách giáo khoa lịch sử mà Ban Tuyên giáo đang nhồi sọ cho học sinh Việt Nam không?
Hồ Chí Minh: Ta đang nói lên ý kiến cá nhân thôi. Trung Ương đảng đâu có cấm được ta.
Nguyễn Quang: Haha, cũng thú vị thật. Tôi thấy những điều ông nói không sai. Nhưng ông nên cẩn thận, kẻo Trung Ương đảng lại kêu Nhà nước truy tố ông theo điều 88 Bộ luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước thì nguy.
Hồ Chí Minh: Anh hài hước quá. Ta thì thấy ta đang “tiết lộ” bí mật quốc gia cho anh đấy.
Nguyễn Quang: Ông ơi, chuyến này chắc ông được bóc vài chục cuốn lịch là ít nhỉ?
Hồ Chí Minh: Chắc vậy quá!
Nguyễn Quang: Thôi đùa vậy đủ rồi. Ông quay về chủ đề chúng ta đang bàn luận đi.
Hồ Chí Minh: Ông Ngô Đình Nhu còn rất giỏi trong công tác Chiêu hồi, tiêu diệt mạng lưới điệp viên nằm vùng của ta cài vào miền Nam lúc bấy giờ. Ước tính các cơ sở của ta tại miền Nam bị thiệt hại tới 90% trong thời Đệ nhất Cộng Hòa. Hầu như toàn bộ mạng lưới điệp viên của miền Bắc từ sông Bến Hải tới Sài Gòn bị thiệt hại nặng nề. Chưa kể, ông Nhu còn chiêu hồi được các cán bộ CS cấp cao của ta, giúp tăng chính nghĩa Quốc gia và hạ uy tín Cộng sản.
Nguyễn Quang: Rất tiếc là ông Nhu và ông Diệm đều đã bị giết sau cuộc đảo chính ngày 1.11.1963.
Hồ Chí Minh: Vụ việc này hoàn toàn là do Mỹ giật dây. Mỹ muốn thay thế ông Diệm bằng một người biết nghe lời Mỹ.
Nguyễn Quang: Khốn nỗi người Mỹ lại đẩy mọi chuyện tại miền Nam vào tình thế hỗn loạn, ngoài tầm kiểm soát của họ. Tôi có đọc một báo cáo tình báo của Mỹ, nói rằng ông Thích Trí Quang, kẻ gây ra và đẩy căng thẳng giữa tôn giáo và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lên cao, không có liên hệ với Cộng sản.
Hồ Chí Minh: Người Mỹ quả là dốt nát và ngu xuẩn. Họ hoàn toàn không hiểu Việt Nam nên mới nghĩ rằng tay Thích Trí Quang này không liên hệ với bọn ta. Hẳn anh cũng biết, trong tình báo có hai loại điệp viên: một loại điệp viên hành động và một loại điệp viên ảnh hưởng. Thích Trí Quang thuộc về loại thứ hai. Nhiệm vụ chính của hắn là gây bất ổn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sau cuộc đảo chính ngày 1.11.1963. Chính quyền VNCH càng bất ổn, bọn ta càng lợi dụng tình hình đó tăng cường binh lực, cài thêm người vào chính quyền VNCH để thu thập tin tức, điều khiển chính sách quốc gia có lợi cho bọn ta sau này.
Nguyễn Quang: Chà, sự thật này sẽ làm óc một số vị thiên tả, thân Cộng nổ tung đây. Xét đi xét lại thì tôi thấy thế này. Chính quyền VNCH đang phải lo chống Việt Cộng xâm lăng miền Nam. Kẻ gây ra chiến tranh là ai? Là các ông, Việt Cộng, chứ không phải chính quyền VNCH. Chính vì các ông tăng cường hoạt động quân sự tại miền Nam nên dẫn tới việc Mỹ phải can thiệp, phải đổ quân Mỹ vào miền Nam để bảo vệ chính phủ VNCH. Các ông là nguyên do. Vậy mà sao sau này các thế lực chống VNCH do Thích Trí Quang cầm đầu lại muốn dừng cuộc chiến bảo vệ tự do, độc lập đó lại? Nếu muốn dừng thì phải kêu Việt Cộng dừng lại, cớ sao kêu VNCH dừng lại? Làm thế khác gì kêu VNCH đầu hàng Việt Cộng luôn cho rồi không?
Hồ Chí Minh: Nào, để ta tóm tắt lại ý của anh nhé. Thích Trí Quang có mục tiêu là:
- Dừng cuộc chiến Bắc Việt – Nam Việt lại
- Kêu gọi quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam
Mà sự thật là:
- Bắc Việt gây chiến trước bằng cách ủy nhiệm qua Mặt trận giải phóng Miền nam Việt Nam
- Quân đội Mỹ đang bảo vệ VNCH khỏi Việt Cộng
Nếu nghe lời Thích Trí Quang thì Việt Nam Cộng Hòa sẽ thua trong cuộc chiến này vì Việt Cộng đâu có dừng tấn công trong khi VNCH tự mất đi khả năng phòng thủ và sự bảo vệ của quân đội Mỹ.
Nguyễn Quang: Đúng vậy. Những lời lẽ kêu gọi của Thích Trí Quang chỉ lừa bịp được những người ngu si mà thôi.
Hồ Chí Minh: Ta có đầy đủ tư liệu về Thích Trí Quang. Hắn nằm vùng và ẩn thân khá tốt cho tới khi Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ. May mắn cho hắn là hệ thống phản gián của ông Nhu còn để sót hắn lại. Bất kỳ ai từng theo Việt Minh chống Pháp thì không thể thoát khỏi bàn tay của bọn ta.
Nguyễn Quang: Đương nhiên rồi. Ông sẽ sử dụng thủ đoạn nắm giữ thân nhân họ hay mua chuộc, săng-ta họ bằng những bí mật của họ trong thời kỳ cộng tác với Việt Minh chứ gì.
Hồ Chí Minh: Chính xác! Chúng nó sẽ phải làm việc cung cúc, tận tụy cho bọn ta vì nếu lộ bí mật thì chúng nó sẽ sống không yên với chính quyền VNCH.
Nguyễn Quang: Chuyện về ông sư Cộng sản có tên Thích Trí Quang có lẽ là đủ rồi. Tôi có một thắc mắc thú vị hơn. Tại sao các ông phải tiến hành chiến tranh chống Việt Nam Cộng Hòa? Bởi vì theo tôi được biết, cả Liên Xô lẫn Trung Cộng đều không ủng hộ 1 cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam vì họ sợ tình cảnh trong chiến tranh Triều Tiên lại lặp lại và có thể dẫn cả thế giới đến Thế chiến thứ 3.
Hồ Chí Minh: Anh nói đúng. Liên Xô và Trung Cộng rất sợ 1 cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ 2. Thực sự thì bọn ta âm mưu phá hoại Việt Nam Cộng Hòa ngay từ sau khi ký kết chính thức hiệp định Geneve. Sau năm 1956, một bộ phận Việt Cộng nằm vùng vẫn hoạt động ở miền Nam, ra sức đấu tranh chính trị với chính quyền mới hòng gây chia rẽ nội bộ và bất ổn. Tuy nhiên, thời điểm bước ngoặt lớn lại là vào năm 1959, khi đảng Lao Động Việt Nam (CSVN) thông qua nghị quyết 15 để khởi động chiến tranh quân sự chính thức chống Việt Nam Cộng Hòa. Theo ta thì có 2 lý do chính dẫn tới việc đảng ta thông qua nghị quyết 15 này. Thứ nhất là vì các tổ chức cơ sở đảng tại miền Nam bị vỡ vụn gần như hoàn toàn. Sau các chiến dịch tố cộng – diệt cộng, số đảng viên Cộng sản còn hoạt động rơi rụng nhiều khủng khiếp. Tình thế này dẫn tới 1 lựa chọn: phải củng cố lại lực lượng đảng viên hoạt động tại miền Nam, nếu mất đi hoàn toàn những cơ sở này thì không thể gây dựng lại được nữa. Chính vì thế, chi viện bằng nhân sự và vũ trang từ miền Bắc vào là vô cùng cấp thiết để duy trì lực lượng Việt Cộng tại miền Nam. Còn lý do thứ hai quan trọng hơn, đố anh biết đó là gì?
Nguyễn Quang: Lý do thứ hai à? Là do chính trị phải không?
Hồ Chí Minh: Không phải. Lý do thứ hai thực ra hết sức đơn giản, đó là vì sự sụp đổ của kinh tế miền Bắc.
Nguyễn Quang: Sự sụp đổ của kinh tế miền Bắc ư? Vấn đề này quả là mới mẻ và chưa từng được nói đến như là 1 lý do dẫn đến cuộc chiến Việt Nam.
Hồ Chí Minh: Quả đúng như vậy. Để ta tóm tắt lại tình hình kinh tế miền Bắc sau năm 1954 cho anh nghe. Miền Bắc sau khi được Việt Minh tiếp quản thì kinh tế vẫn còn khá nhưng càng về sau thì mọi thứ càng tồi tệ. Hàng hóa khan hiếm, đồng tiền càng ngày càng mất giá. Số lượng người thất nghiệp tăng lên nhanh chóng. Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dường như ngừng hoạt động so với thời kỳ Pháp thuộc. 36 phố phường Hà Nội không còn nhộn nhịp như xưa, một phần bởi vì các nhà buôn tư sản bỏ hết vào Nam, một phần là do bọn ta thiết lập nền kinh tế chỉ huy, tiêu diệt sạch sẽ các thành phần kinh tế tư nhân. Các nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh thiếu trầm trọng vật tư, chuyên viên điều hành. Lạm phát tăng vùn vụt. Đến năm 1959 thì miền Bắc phải tiến hành đổi tiền để hạn chế nạn lạm phát. Các chính sách tập thể hóa nông nghiệp, hợp tác xã làm người dân mất đi động cơ lao động, đẩy cả nước vào tình trạng đói ăn. Trước sự sụp đổ toàn diện về kinh tế như vậy, rải rác đã có những tiếng nói chống đối và bất mãn, cho rằng giải phóng xong còn kém hơn thời Pháp thuộc. Ta thật không ngờ, chỉ trong vòng 3 tới 4 năm sau khi bọn ta nắm quyền mà nền kinh tế Bắc Việt sụp đổ hoàn toàn.
Nguyễn Quang: Ai cũng có thể làm đám cưới, nhưng xây dựng được một gia đình hạnh phúc không lại là một chuyện khác, ông Hồ à.
Hồ Chí Minh: Các tiếng nói chống đối chính phủ mới vang lên ở khắp nơi. Từ phong trào Nhân văn – Giai phẩm của giới văn nghệ sĩ, trí thức tiểu tư sản cho tới vụ bạo loạn của nông dân tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bọn ta đã rất vất vả để dập tắt các vụ chống đối đó. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời. Bọn ta cũng không thể tự vực dậy nền kinh tế được. Vậy còn một cách thôi: tấn công và xâm lăng miền Nam, để từ đó kêu gọi thêm viện trợ của các nước XHCN anh em. Việc này có hai ý nghĩa: thứ nhất là đưa toàn xã hội miền Bắc vào 1 trại lính, dập tắt mọi tiếng nói chống đối vì lý do chiến tranh chống Mỹ và giải phóng đồng bào miền Nam đang bị Mỹ-Diệm kìm kẹp, bóc lột (tưởng tượng); thứ hai là nhận được viện trợ dồi dào hơn trước, không còn canh cách nỗi lo sụp đổ kinh tế vì đã có 2 anh cả đỏ chống lưng.
Nguyễn Quang: Theo tôi, còn một ý nghĩa nữa mà ông chưa nhắc tới. Đó là hợp pháp hóa sự tồn tại của chính phủ VNDCCH do Việt Cộng lãnh đạo. Một chính quyền muốn tồn tại phải có sự tin tưởng, tín thác của dân chúng. Bọn ông đã mất đi lòng tin, sự tín thác của dân chúng từ sau khi chiếm được miền Bắc vì để đời sống người dân kém hơn trước rất nhiều. Nay bọn ông có thêm chính nghĩa, lý do để tồn tại: vì giải phóng miền Nam. Vì giải phóng miền Nam mà bát cơm của đồng bào miền Bắc phải teo tóp đi nhiều so với thời Pháp thuộc, vì giải phóng miền Nam mà nhân dân ta phải hy sinh tự do cá nhân, tin tưởng và trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng Lao động Việt Nam,… Một xã hội thời chiến thì nguy hiểm lúc nào cũng cận kề, đòi hỏi sự tập trung quyền lực tuyệt đối về giai cấp lãnh đạo để chỉ huy, phản ứng nhanh chóng, kịp thời. Và đó là cách các ông tập trung và củng cố địa vị lãnh đạo của đảng Cộng sản trong mắt dân chúng miền Bắc.
Hồ Chí Minh: Anh có nhận xét rất sâu sắc đó. Ta không ngờ lại có người nhìn ra được điều này.
Nguyễn Quang: Chính vì các ông quen tập trung quyền lực, quen thói chỉ huy cả xã hội như trại lính nên mới thất bại trong việc xây dựng một quốc gia trường tồn và vững mạnh trong thời bình. Sau 1954, các ông đã thất bại. Và để bào chữa cho thất bại đó, các ông sử dụng chiến tranh xâm lược miền Nam, đem lại khổ đau cho nhân dân hai miền Nam Bắc. Ông có biết rằng hàng triệu gia đình vì chiến tranh đã phải sơ tán, chia ly; hàng triệu thanh niên trai tráng hai miền phải đi lính, giết hại lẫn nhau trong cuộc chiến nồi da xáo thịt này không?
Hồ Chí Minh: Ta biết chứ, biết rõ là đằng khác. Chiến tranh không phải là điều ta mong muốn. Nhưng như ta đã nói, vì sự tồn vong của đảng ta, bọn ta phải tiến hành chiến tranh.
Nguyễn Quang: Thế tôi mới nói lợi ích của Cộng sản Quốc tế và đảng Cộng sản Việt Nam – một chi nhánh của Cộng sản Quốc tế không song trùng với lợi ích của dân tộc Việt. Giờ ông hiểu rõ điều tôi nói lúc ban đầu rồi chứ? đảng của ông cần chiến tranh chứ dân tộc Việt đâu có cần chiến tranh?
Hồ Chí Minh: Anh nói đúng. Dân tộc Việt không cần chiến tranh nữa kể từ sau năm 1954.
Nguyễn Quang: Kể từ năm 1945 nữa thì đúng hơn. Dù sao tôi cũng mừng là ông đã nhận ra sự thật. Ông có muốn hỏi tôi điều gì không?
Hồ Chí Minh: Nếu anh là ta, được chọn lựa giữa việc làm chủ tịch VNDCCH và một công dân bình thường của một quốc gia tự do thì anh sẽ chọn gì?
Nguyễn Quang: Tôi sẽ làm công dân của một nước tự do hơn là chủ tịch của 1 nước thuộc địa. VNDCCH được viện trợ và nuôi nấng bởi Liên Xô và Trung Cộng, ắt không phải là 1 nước độc lập. Thực tế sau này đã chứng minh, Trung Cộng đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH và không bao giờ trao trả cho Việt Nam sau này.
Hồ Chí Minh: Tại sao anh nói rằng VNDCCH không phải là một nước độc lập?
Nguyễn Quang: Ông đã thú nhận rằng thời khắc quan trọng nhất đối với ông là vào năm 1950, lúc ông đi Trung Cộng cầu viện. Hình ảnh đó chẳng khác gì vua Lê Chiêu Thống qua triều đình Mãn Thanh cầu viện. Không thể có chuyện nhận biết bao viện trợ của Trung Cộng từ năm 1950 trở về sau mà không phải trả giá bằng chủ quyền quốc gia. Trung Cộng đã đòi nợ Việt Cộng bằng quần đảo Hoàng Sa, lấn chiếm lãnh thổ sau chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, thuê 300.000 ha trồng rừng tại các vùng trọng điểm biên giới và mua bô-xít Tây Nguyên để chiếm lĩnh vị trí trọng yếu khống chế toàn bộ bán đảo Đông Dương. Thế thái độ của Việt Cộng đối với những sự kiện này là gì: phản đối cũng chỉ yếu ớt, lấy lệ cho qua còn có lúc thì không phản đối gì cả. Các ông giờ há miệng mắc quai, sao mà phản đối nổi cho ra hồn cơ chứ. Đạo Khổng tử có dạy: con thì không có quyền phản lại cha. Trung Cộng là cha Việt Cộng, thế nên Đặng Tiểu Bình có dạy Việt Nam một bài học thì cũng đúng lẽ thường tình thôi. Còn Việt Cộng, cấm có cãi được cha là Trung Cộng.
Hồ Chí Minh: Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm. Lịch sử chắc vẫn còn nhớ mãi đến ta, anh Quang à.
Nguyễn Quang: Đúng, lịch sử sẽ giữ mãi tên ông. Lịch sử Việt Nam sẽ ghi nhớ tên Hồ Chí Minh như một kẻ cõng rắn cắn gà nhà.
Hồ Chí Minh: Vâng, chào anh!
_____________________________
Tiểu sử tác giả:
Tác giả có bút danh là Nguyễn Quang, tên thật là xxx. Tác giả vốn sinh trưởng tại miền Bắc Việt Nam. Hiện giờ tác giả đang điều hành trang tin Facebook Dự đoán kinh tế Việt Nam. Quan điểm chính trị của tác giả là chống Cộng sản, ủng hộ tự do dân chủ và Hiến pháp 7.
Bạn đọc có thể tham khảo một số tác phẩm khác do tác giả góp sức hoàn thiện.
1) 100 câu hỏi thường gặp về Tân Hiến Pháp: http://slidesha.re/100cauhoiTHP
Hiến pháp 7 ra đời vào năm 2009 tại hải ngoại. Bản Hiến pháp này là nỗ lực đầu tiên của người Việt quốc gia tại hải ngoại nhằm kiến tạo một quốc gia hiện đại, dân chủ cho giai đoạn Hậu Cộng sản tại Việt Nam.
Hiến pháp có xét đến các vấn đề phức tạp như cách thức đối xử với viên chức chế độ Cộng sản sau cách mạng như thế nào, thiết lập chế độ Tam quyền phân lập và đảm bảo Nhân quyền, tự do dân chủ cho công dân Việt Nam sau này. Đối với bạn đọc còn xa lạ với Hiến pháp 7, 100 câu hỏi thường gặp về Tân Hiến Pháp sẽ giúp các bạn nắm rõ được phần cốt yếu của bản Hiến Pháp này.
Bạn đọc có thể tham khảo bản Hiến pháp 7 tại đường link sau: http://bit.ly/Hienphap7
2) Câu chuyện Xô viết: http://www.x-cafevn.org/node/198
Tên gốc của bộ phim tài liệu này là The Soviet Story do đạo diễn Edvins Snore sản xuất. Tác giả (sử dụng nick YesMan2008) chuyển ngữ và chèn phụ đề tiếng Việt vào bản gốc của phim một cách độc lập, khác với bản phụ đề tiếng Việt chính thức của hãng Perry Street Advisors.
3) Karl Marx – nhà tiên tri giận dữ: http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=362
Bản gốc của tác phẩm này là Chapter VI: The Angry Oracle Called Karl Marx trong quyển New ideas from dead economists của Todd G. Buchholz. Tác giả (sử dụng nick YesMan2008) đã hiệu đính lại một bản dịch vô danh trên mạng của tác phẩm này.
Đọc thêm:
Trần Dân Tiên (1948), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch
Trung Ương đảng Lao động Việt Nam (1959), Nghị quyết số 15, http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30483&cn_id=163920
Hồ Chí Minh (1961), Cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh Toàn Tập – Tập 10, http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30008&cn_id=90727
Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa (1974), Tuyên Cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa về hành động Gây hấn của Trung Cộng, http://www.nguyenthaihocfoundation.org/lichsuVN/tuyenbo_vnch.htm
Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, NXB Sự Thật
Stephane Courtois et al (1997), Le Livre noir du communisme, Editions Robert Laffont
Vu Hóa Thầm (2000), Hồi ký cố vấn Trung Quốc, NXB Đại Bách khoa toàn thư, http://www.diendan.org/the-gioi/hoi-ki-co-van-trung-quoc-3/
Quân đội Nhân dân Việt Nam (2009), Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam,http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/136/136/136/75244/Default.aspx
David Pilling (2009), Asia pays tribute to its new superpower, Financial Times, http://www.ft.com/cms/s/0/57d45a62-3a84-11de-8a2d-00144feabdc0.html#axzz2mt7uThtV
RFA (2010), Cho Trung Quốc thuê rừng biên giới, http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinh-tri/China-Hongkong-and-Taiwan-to-lease-Vietnam-riverhead-forest--02122010120853.html
Một Góc Trời, Mặt thật của Thích Trí Quang và nhóm Ấn Quang, http://motgoctroi.com/StNguoiNViec/Tt_TTQuang/TtTriQuang.htm
Nguyễn Văn Lục, Miền Bắc sau 1954, Đàn Chim Việt, http://www.danchimviet.info/archives/68158/mi%E1%BB%81n-b%E1%BA%AFc-sau-1954/2012/11