Hồng Hải (QĐND) – Mấy ngày qua, trên một số trang mạng xã hội và những trang tin điện tử tiếng Việt của BBC, VOA liên tục phát đi những bài bình luận về cái mà họ cho là “sự kiện xin ra khỏi đảng” của một số “nhân vật bất mãn”… Bằng các giọng điệu khác nhau, các bài viết đều chung mục đích là tung hô những người này như những “anh hùng”, “chiến sĩ dũng cảm”, “có lương tâm, có lòng tự trọng”. Những lời tán tụng ồn ào đó thậm chí còn dự đoán rằng, với sự “nêu gương” trên, rồi đây “phong trào đảng viên rời bỏ đảng Cộng sản” sẽ tiếp tục lan rộng ở Việt Nam. Và đó sẽ là cơ sở cho việc ra đời những tổ chức chính trị, đảng phái đối lập ở Việt Nam!
Đáng lưu ý là các đài BBC, VOA tiếng Việt lập tức chớp cơ hội, “khuếch đại”, “tiếp âm” đủ kiểu, cố nâng việc này thành sự kiện tầm cỡ. Họ dùng kẻ này tung hứng kẻ kia, cố ý tạo ra sóng cồn trong bể bơi!
Chính trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người đã tỉnh táo nhận ra “trò chơi chính trị lỗi thời” này. Đã và đang xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn ý kiến hồi âm, phản bác lại những lời hô hào lạc lõng, vạch rõ chân tướng của những “nhà dân chủ”, những kẻ trở cờ…
Người đọc không ai lạ gì thủ đoạn của một số kẻ “cơ hội” muốn mượn cái loa của đài báo nước ngoài để theo đuổi tham vọng chính trị cá nhân. Những “tuyên bố”, “thư ngỏ”, “tâm thư”… được bày tràn lan trên các trang tiếng Việt của một số đài, báo phương Tây như đang muốn tạo ra một hình ảnh Việt Nam bất ổn, một Việt Nam đứng trước những đợt sóng ngầm…
Sự việc một vài cá nhân tự làm đơn xin ra khỏi đảng, rồi lên đài lớn tiếng bôi nhọ đảng, thóa mạ đảng, họ coi như vớ được vàng. Các kỹ năng tân tiến nhất được họ sử dụng để nhào nặn, sơn phết, tạo cho ra “sự kiện”, “nhân vật”, “biểu tượng”. Họ dùng loại bất mãn này để tung hê loại bất mãn khác, coi đó là “dư luận”, là “công chúng”, là “ý chí của số đông”.
Đây là một kiểu làm báo không thể chấp nhận, đặc biệt là những đài, báo tự cho mình là hình mẫu của “tự do báo chí”, trung thành với tiêu chí “trung thực”, “tôn trọng sự thật”, “khách quan”…
Trước hết phải khẳng định, quá trình phát triển và trưởng thành của bất kỳ một chính đảng chính trị nào cũng là quá trình gắn kết biện chứng giữa kết nạp-giáo dục và kỷ luật-khai trừ đảng viên. Hai việc trên lúc nào cũng quan trọng như nhau và không chính đảng nào được phép coi nhẹ mặt nào. Với đảng Cộng sản Việt Nam, trong hơn 80 năm qua, cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ đội ngũ đảng viên, đảng luôn chú trọng giữ gìn kỷ luật trong đảng, một “kỷ luật sắt” trên tinh thần tự giác và nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Công tác kỷ luật của đảng luôn được đặt lên hàng đầu, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Năm 2011, đảng ta đã xử lý kỷ luật 13.700 đảng viên. Năm 2012, số đảng viên bị kỷ luật tăng lên 15.800 đảng viên. Năm 2013, với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhiều đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bị thi hành kỷ luật. Không ít đảng viên giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị, nhưng không giữ được tư cách đảng viên đã bị khai trừ, cảnh cáo, hoặc bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nêu số liệu như vậy để thấy rằng, việc khai trừ đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng là việc làm bình thường của mọi chính đảng. Trường hợp một số nhân vật không còn thấy mình xứng đáng ở trong đội ngũ của đảng nữa nay xin ra khỏi đảng, hay bất kỳ một đảng viên nào khác bị khai trừ khỏi đảng, cũng là việc bình thường. Thời gian qua, những biểu hiện thoái hóa, biến chất của những người này đã bộc lộ ngày càng rõ. Bằng những phát biểu, bài viết công khai nói sai sự thật về đảng, thậm chí có lúc vu cáo, xuyên tạc đảng, họ đã đi quá xa, thậm chí phản bội lại tôn chỉ, mục đích của đảng, vi phạm “Những điều đảng viên không được làm”. Theo nguyên tắc, chi bộ đảng nơi họ đang sinh hoạt sẽ tiến hành công tác kiểm tra, kỷ luật đảng đối với họ theo đúng quy trình. Và trong quy trình đó, bao giờ cũng bắt đầu từ việc giáo dục, đấu tranh dân chủ, công khai về mặt nhận thức. Đó cũng chính là giai đoạn để những đảng viên nhận thức rõ khuyết điểm của mình, đề ra biện pháp sửa chữa. Đáng tiếc là đối với những đảng viên này, chẳng những họ không nhận ra khuyết điểm, sai lầm, mà còn để các thế lực thù địch, phản động bên ngoài mua chuộc, lôi kéo, càng ngày càng trượt sâu vào vũng bùn suy thoái.
Điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam, tại Điều 1 đã ghi rõ: “đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, các nghị quyết của đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong đảng”. “Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào đảng”.
Với những tiêu chuẩn như vậy, biết mình đã không giữ được tư cách đảng viên, sớm muộn cũng sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng, nên họ đã viết đơn tuyên bố “bỏ đảng”. Mượn cớ bỏ đảng, họ tha hồ bôi nhọ đảng, cho rằng đảng không còn giữ được bản chất một đảng vì dân, một đảng cách mạng nữa. Trong khi đó, họ tự khoác lên mình bộ áo “chiến sĩ dân chủ”, “những người chỉ lo cho nước, cho dân” để che đi cái “cá nhân chủ nghĩa” của mình. Luận điệu của họ đã phản bội chính họ, và điều này đã được rất nhiều cư dân mạng nhận rõ, nhắc lại cho họ thấy chiêu trò “giấu đầu hở đuôi” đó.
Chắc những đảng viên “trở cờ” ấy không quên cái giờ phút từ một quần chúng ưu tú họ được tổ chức đảng kết nạp vào đội ngũ chiến đấu. Họ giơ cánh tay thề dưới cờ đỏ búa liềm, quyết tâm suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân. Nhưng đến khi thấy tổ chức đảng không giúp họ thỏa mãn những giấc mộng cá nhân, họ đã từ bỏ lý tưởng với một tâm trạng hằn học. Bằng những dòng chữ nguệch ngoạc viết ra giấy để chụp ảnh, tung lên mạng, họ đã bộc lộ bản chất của những kẻ cơ hội chính trị, muốn làm “anh hùng bàn phím” trong thế giới ảo. Những chiêu trò “bày lời gan ruột”, kêu gọi “thành lập đảng”, hô hào “một cuộc khởi đầu mới” của họ chẳng qua chỉ là những chiêu trò chính trị bị các đài báo nước ngoài lợi dụng mà thôi.
Ảnh chụp từ báo điện tử QĐND