VN bác tin Đại sứ bị Đức giữ vì 'rửa tiền' - Dân Làm Báo

VN bác tin Đại sứ bị Đức giữ vì 'rửa tiền'

BBC - Quan chức Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ bác tin Đại sứ Nguyễn Thế Cường bị cảnh sát tạm giữ tại Đức 'vì nghi ngờ ông rửa tiền'.

Trước đó có tin từ Đức nói rằng ông Cường bị cảnh sát Đức giữ lại ở sân bay Frankfurt khi nghi ngờ ông mang 20.000 euro tiền mặt mà không khai báo.

Tuy nhiên, Đại sứ Cường được truyền thông Việt Nam trích thuật nói đã 'thừa nhận mang hộ' số tiền trên cho gia đình của các cán bộ dưới quyền về cho gia đình của họ ở Việt Nam, trong đó có một phần là tiền 'quyên góp cho cứu trợ bão lụt'.

Báo Bild.de của Đức nói cảnh sát đưa ông Cường về đồn để điều tra cáo buộc "rửa tiền" nhưng sau đó cho tại ngoại vì chịu đóng tiền phạt thế chân 3.500 euro.

Ông Cường được dẫn lời nói số tiền ông mang theo là do Đại sứ quán Việt Nam quyên góp được và chuyển cho ông đem về Việt Nam giúp nạn nhân bão lụt.

Nói chuyện với BBC hôm thứ Bảy, 21/12/2013, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Đặng Huy Bảo nói:

"Đó [chuyện Đại sứ Cường bị câu lưu] là thông tin sai rồi.

"Tôi cũng có nghe về chuyện có báo nói bị 'câu lưu' nhưng tôi không biết thông tin gì về chuyện này"

Ông Đặng Huy Bảo

"Đại sứ chúng tôi ở đây [Thổ Nhĩ Kỳ] về chiều 4/12 để họp Hội nghị Ngoại giao và đã về đúng lịch trình.

"Tôi có nhờ Đại sứ cầm cho cháu tôi một ít quà và Đại sứ đã về đúng ngày.

"Tôi cũng có nghe về chuyện có báo nói bị 'câu lưu' nhưng tôi không biết thông tin gì về chuyện này."

Khi được hỏi về chuyện gần đây Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ có tổ chức quyên góp từ thiện không, ông trả lời:

"Có, ở nhà có yêu cầu, Hội Chữ thập đỏ và các nơi có yêu cầu chúng tôi phải làm chứ."

Có báo nói họ không thấy tin tổ chức quyên góp từ thiện được đăng trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin mới nhất trên trang của Đại sứ quán là chuyện Đại sứ quán Việt Nam tổ chức kỷ niệm 68 năm Quốc khánh Việt Nam và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/9.

'Không biết luật Đức'

Thế nhưng theo phản ánh của báo Việt Nam, Đại sứ Cường đã nói với tờ Tuổi Trẻ rằng ông đã mang hộ tiền cho người khác về Việt Nam.

"Ông Cường nói với báo Tuổi Trẻ rằng các gia đình của cán bộ văn phòng của ông đã nhờ ông mang tiền về Việt Nam, trong đó có một phần là tiền quyên góp cho nạn nhân bão lụt ở Việt Nam," tờ Thanh Niên bản tiếng Anh hôm 23/12 cho hay.

Vẫn theo Thanh Niên, ông Cường đã 'cảm ơn Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt' vì đã can thiệp trong vụ việc của ông, khi ông đang trong lộ trình từ Ankara tới Hà Nội để tham dự Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 28 diễn ra từ ngày 16-20 tháng này, sự kiện được loan tin có sự hiện diện và phát biểu 'giao nhiệm vụ' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

'Ông Cường cũng cáo buộc các quan chức (Đức) vi phạm Công ước Vienna (về miễn trừ ngoại giao), nhưng thừa nhận rằng ông đã không biết rằng chính quyền Đức chỉ cho phép lượng tiền mặt ít hơn 10.000 Euros (hay 13.673 USD) được mang vào quốc gia của họ," vẫn theo Thanh Niên online.

* Đại sứ Nguyễn Thế Cường 'thừa nhận' mang hộ tiền 'cho người khác' về Việt Nam.

"Ông Cường nói với báo Tuổi trẻ rằng các gia đình của cán bộ văn phòng của ông đã nhờ ông mang tiền về Việt Nam, trong đó có một phần là tiền quyên góp cho nạn nhân bão lụt ở Việt Nam"

Báo Thanh Niên Online

Theo tờ báo điện tử Vietinfo.eu, giới chức cảnh sát Đức đã đưa ông Nguyễn Thế Cường "về đồn để điều tra" và 'cáo buộc ông Cường tội "rửa tiền“ trong khi khoản tiền mà vị Đại sứ khai báo là tiền quyên góp "giúp nạn nhân bão lụt."

Vẫn theo nguồn này, cảnh sát Đức đã cho ông Nguyễn Thế Cường "tại ngoại" sau khi ông đóng tiền phạt thế chân 3.500 Euro và trong quá trình thẩm vấn ông đại sứ đã không thể xuất trình bất cứ 'chứng từ nào' minh chứng cho lời khai của ông.

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ việc được cho là 'scandal' xảy ra với quan chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam ở nước ngoài.

Hồi tháng 11/2008, một Bí thư Thứ nhất của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Nam Phi đã bị triệu hồi về nước vì bị cáo buộc liên can tới 'buôn bán trái phép sừng tê giác' ở quốc gia châu Phi.

Một thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/11/2008 nói: "Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã quyết định triệu hồi bà Vũ Mộc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, người có liên quan đến tin đã đưa, về nước để tường trình và làm rõ sự việc."



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo