Xin thành kính chia buồn cùng gia đình và nhân dân Cộng Hòa Nam Phi - Dân Làm Báo

Xin thành kính chia buồn cùng gia đình và nhân dân Cộng Hòa Nam Phi

Hà Hưng Quốc (Danlambao) - “… trong những điều vui sướng mà thế gian có thể ban phát cho… là cơ hội để phụng sự dân tộc và để... cống hiến một phần nhỏ mọn vào công cuộc đấu tranh tìm tự do...” - Nelson Mandela

Tháng 5 năm 1994, cả thế giới hân hoan đón nhận tin Nelson Mandela trở thành Tổng Thống của Cộng Hòa Nam Phi, điều mà chỉ vài năm trước không ai dám nghĩ tới, một người da đen trở thành nguyên thủ của một đất nước cầm quyền bởi người da trắng với chính sách kỳ thị chủng tộc tồi tệ nhất địa cầu.

Rolihlahla Nelson Mandela sinh năm 1918 trong một gia đình tầm thường. Sau khi cha mất, lúc 12 tuổi, ông trở thànhWard của Tộc Trưởng David Dalindyebo của bộ tộc Thembu. Bên cạnh người bảo trợ này Nelson Mandela thường có dịp nhìn thấy và học hỏi vai trò của người lãnh đạo trong hành động ở những buổi họp bộ tộc do David Dalindyebo chủ tọa. Từ đó Mandela “đã hy vọng, và đã thệ nguyện, rằng trong những điều vui sướng mà thế gian có thể ban phát cho... là cơ hội để phụng sự dân tộc và để... cống hiến một phần nhỏ mọn vào công cuộc đấu tranh tìm tự do của họ.” [1]

Ước mơ đó đã thúc đẩy Mandela vào ngành luật sau khi tốt nghiệp từ trường Đại Học của Nam Phi. Năm 1940 NelsonMandela gia nhập ANC (African National Congress). Ông và một số người cùng chí hướng quyết tâm tạo ra một chuyển động lớn để thay đổi thân phận bị ngược đãi của người da đen. Giữa thập niên 1940 ông cùng một số người thành lập ANCYL (African National Congress of Youth League) để giúp đẩy mạnh tiến trình. Rồi năm 1947 ông được bầu làm tổng bí thư của tổ chức. Suốt thập niên 1950 Mandela cùng những người trong tổ chức đã làm việc ráo riết để tạo ra sự thay đổi xã hội cho Nam Phi.

Nhưng những nỗ lực như biểu tình, đình công, chống đối thụ động không mang lại kết quả mong muốn. Trong khi đó thì nỗ lực đè bẹp dân da màu của chính quyền da trắng càng lúc càng gia tăng, kết quả là nhiều quyền của người da đen bị tước đoạt. Năm 1956 Mandela và 150 người khác bị bắt và bị buộc tội phản quốc. Mandelson chống án và, sau 6 năm đấu lý, ông được trắng án. Biết rõ chính quyền da trắng sẽ không để ông yên nên Mandela lẫn trốn một thời gian. Nhưng vừa xuất hiện trở lại thì Mandela đã bị bắt và bị kết án 5 năm tù giam.

Trong thời gian xử án, Mandela đã từng tuyên bố “Trong suốt cả cuộc đời tôi đã dâng hiến bản thân cho công cuộc đấu tranh của người Phi Châu. Tôi đã chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng đã chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi chỉ ôm ấp lý tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, trong đó tất cả mọi người sống với nhau hài hòa và với tất cả mọi cơ hội đều bình đẳng.” Trong lúc Mandela đang trong tù thì ông và những người lãnh đạo khác của ANC bị kết tội phá hoại và bị kết án tù chung thân.

Trong suốt 20 năm kế tiếp, dù là ngay trong tù, với khéo léo che đậy, Mandela vẫn tiếp tục lãnh đạo quần chúng. Cũng trong thời gian đó chính quyền đã hai lần đề nghị trả tự do cho ông với điều kiện là ông phải lên tiếng ủng hộ chính sách tái định cư người da đen, trong lần thứ nhất, và lên tiếng không thừa nhận bạo lực, trong lần thứ hai, nhưng cả hai lần đều bị ông từ chối. Đến năm 1986, thì thế giới kịch liệt lên án chính quyền kỳ thị sắc tộc của Cộng Hòa Nam Phi. Áp lực bên ngoài và bên trong buộc chính quyền phải âm thầm đàm phán nhiều lần với Mandela và đi tới quyết định phóng thích ông vào tháng 2 năm 1990.

Sau cùng, như đã nói, Mandela trở thành là Tổng Thống Cộng Hòa Nam Phi trong một cuộc tổng tuyển cử dân chủ trong đó mọi sắc tộc đều được quyền bỏ phiếu.

Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đã từng phát biểu: “Nelson Mandela là biểu hiện sống của giá trị cao cả nhất của Liên hiệp quốc. Qua những năm trong tù ông đã duy trì được niềm tin kiên định vào công lý và bình đẳng. Sau khi được tự do, ông đã hòa giải trước hết với những người đã giam ông, và dẫn đường hướng đến một Nam Phi đa chủng, dân chủ.”

Nelson Mandela đúng là một nhà lãnh đạo lớn của thời đại và chắc chắn sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ mai sau. Nhưng điều tuyệt vời nhất nơi ông lại là “bài học ghét thương” ông để lại cho đời: “...mọi người phải học cách để ghét, họ cũng có thể được dạy cách yêu thương, vì tình yêu đến với con người tự nhiên hơn là lòng căm ghét...”


_________________________________

Chú thích:

[1]. John C. Maxwell (2001), The Right to Lead, Maxwell Motivational Inc.: Norcross, GA


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo