Hồng Lĩnh (Danlambao) - Cũng đã lâu không theo dõi bóng đá nước nhà, hôm nọ lên mạng xem trận U19 Việt Nam - U19 Nhật Bản thì lại thấy hiện nguyên hình về thực trạng của bóng đá Việt Nam mà đại diện là lứa U19 đầy hứa hẹn, được tung hô từ chục năm trước khi lứa U19 này còn là những đứa trẻ vừa mới bước chân vào Học viện bóng đá HAGL - Asenal.
Đá bóng gì mà thảm quá chừng. Đội bạn ghi đến 5 bàn rồi thì cũng phải tìm cách mà gỡ lại một bàn danh dự chứ đằng này nó ghi đến 7 bàn mà muốn kiếm lấy 1 bàn cho đỡ xấu hổ cũng không được, thật là cực hình cho những người hâm mộ khi chứng kiến đội nhà thi đấu đầy bế tắc như vậy, mà bế tắc trong sự “Vinh quang và chiến thắng”. Bởi vì dù thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng dưới sự lãnh đạo của đảng cũng chả đưa nền bóng đá nước nhà đi đến thắng lợi. Vả lại dưới sự chỉ đạo khách quan và đầy trách nhiệm của ban huấn luyện đội bóng, mặc dù mình là đội bóng yếu hơn nhưng các vị vẫn tự đặt mình ở cửa trên của đội U19 Nhật Bản và tất cả các đối thủ sau này nữa mình vẫn “tự sướng” như vậy. Bởi vậy nên vừa mới vào trận là bắt các cháu tấn công dồn dập, đội bạn buộc phải phòng ngự để dưỡng sức. Chờ khi nào mình đủ khỏe mà đội bạn yếu thì hẵng tấn công, khả năng ghi bàn trong những thời điểm như vậy như các khán giả đã chứng kiến chí it cũng lên đến 98%. Thực tế thì kết thúc trận đấu đội nhà đã thu được 7 trái, cũng may là có 11 cầu thủ đá chính nếu không thì đã đủ để chia cho mỗi cầu thủ một trái, nếu đây là vụ mùa thì bà con đã gọi như thế là “Bội thu” rồi.
Cũng phải thừa nhận mình là người kiên trì khi chứng kiến từng đoàn khán giả lũ lượt bỏ về thì tôi đây vẫn cố nán lại bên màn hình laptop để theo dõi nốt trận đấu này, cố tìm xem một sự thay đổi mang dấu ấn chiến thuật của các vị trong ban huấn luyện để tìm lấy một bàn danh dự mà không tài nào nhận ra một sự thay đổi nhỏ nào.
Vẫn là lối đá tiqui-taka sao chép đó, mà dường như các vị mới chỉ áp dụng có một nửa cái lý thuyết bóng đá nổi tiếng này, đó là khi có bóng thì cắm đầu cắm cổ tấn công đên kiệt sức để đến khi mất bóng thì không còn sức để lấy bóng hoặc bắt người nữa, để các cầu thủ cứ mãi chạy vật vờ như vậy trên sân, từ đầu đến cuối trận không có một sự thay đổi mang dấu ấn huấn luyện nào, đá với một nhịp độ duy nhất từ đầu đến cuối trận.
Xem bóng đá của các vị tôi cứ thấy nó tự phát, chủ quan duy ý chí thế nào ấy, đã bao giờ có vị nào tự hỏi xem tại sao người dân việt nam có 90 triệu người và rất đam mê bóng đá, nghĩa là có một tiềm lực bóng đá rất lớn nhưng tại sao họ lai quay lưng với bóng đá nước nhà chưa, tôi tin rằng có vị làm bóng đá có lòng tự trọng cũng đã từng đặt ra câu hỏi đó và chắc chắn một ngày không xa 90 triệu dân Việt sẽ tự tìm câu trả lời.
11/1/1014