"Côn đồ" phá rối đám tang luật gia Lê Hiếu Đằng ở Saigon - Dân Làm Báo

"Côn đồ" phá rối đám tang luật gia Lê Hiếu Đằng ở Saigon

Thụy My (RFI) - Hôm nay 24/01/2014, một số côn đồ không rõ từ đâu đã thô bạo phá rối đám tang của luật gia nổi tiếng Lê Hiếu Đằng tại chùa Xá Lợi ở quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh, gây phẫn nộ cho những người mến mộ đến viếng vị luật gia đã từng bền bỉ đấu tranh vì dân chủ.

Các vòng hoa viếng luật gia Lê Hiếu Đằng trước khi bị giựt mất băng-rôn. 
ảnh - blog Huỳnh Ngọc Chênh

Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, người đầu tiên công khai đề nghị thành lập một đảng Dân chủ Xã hội để làm đối trọng với đảng Cộng sản, cũng như gây xôn xao với quyết định từ bỏ đảng, đã từ trần ngày 22/01/2014, thọ 70 tuổi. Đông đảo người thuộc nhiều thành phần đã đến viếng linh cữu ông tại chùa Xá Lợi, và tại Hà Nội, các nhân sĩ trí thức đã tổ chức lễ tưởng niệm ông. Lễ động quan sẽ diễn ra ngày Chủ nhật 26/01. 

Nhưng một số băng-rôn trên vòng hoa viếng luật gia Lê Hiếu Đằng đã bị những bàn tay bí mật gỡ mất hôm qua, và khi ban tổ chức đặt những băng-rôn khác thay thế thì đã bị cướp giật thô bạo ngay tại chỗ, khiến người ta phải liên tưởng đến đám tang ông Trần Độ trước đây. 

Nhà báo Phạm Chí Dũng có mặt tại chỗ đã lên tiếng phản đối:

Phạm Chí Dũng: Tôi là nhà báo Phạm Chí Dũng, xin chính thức phản ứng về thái độ của một số côn đồ mà dư luận nghi ngờ đó là công an, vây quanh chùa Xá Lợi liên quan tới đám tang của ông Lê Hiếu Đằng ngày hôm nay.

Vào trưa nay, khi nhà chùa vắng người, một số côn đồ đã xâm nhập và giật băng-rôn "Diễn đàn Xã hội Dân sự kính viếng", giật băng-rôn "Bauxite Việt Nam, Con đường Việt Nam kính viếng", "Hiệp hội Dân oan Việt Nam kính viếng". Việc này lặp lại một hình ảnh mà người ta đã thấy ở đám tang tướng Trần Độ cách đây mười mấy năm. Một nhà văn có mặt trong buổi lễ tang đã phải đánh giá đến 30% là gợi lại hình ảnh côn đồ trong đám tang ông Trần Độ.

Vào tháng 12/2013 đã diễn ra đám tang của ông Nguyễn Kiến Giang ở Hà Nội, nhưng mọi thứ diễn tiến một cách lịch sự, văn hóa, chân tình. Có cả một cơ quan công an đến kính viếng hương hồn ông Nguyễn Kiến Giang, và không xảy ra bất cứ một hành động côn đồ nào hết.

Nhưng lần này chúng ta nhìn thấy ở chùa Xá Lợi những gì ? Bên cạnh rất nhiều quan khách, còn có vòng trong vòng ngoài các lực lượng an ninh chìm & nổi, như là một cuộc biểu tình. Một người trong "nhóm 72" đến dự đám tang đã phải thốt lên rằng, chưa bao giờ có tình trạng như vậy. Và sáng nay khi người đó ra khỏi nhà, đã được hai công an đến mời uống cà phê. Lý do mà an ninh đưa ra cho người đó là: "Chúng tôi sợ nhân đám tang ông Lê Hiếu Đằng, nhóm nhân sĩ trí thức sẽ tổ chức biểu tình chống đối Nhà nước".

Đó là một lý do cực kỳ vớ vẩn và vô duyên! Tôi chính thức phản đối hành động côn đồ, mà nhiều người nghi đó là công an đạo diễn. Đây là hành vi phản văn hóa, trái đạo lý và vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do cá nhân của công dân, vi phạm quyền tự do của cơ sở thờ tự - theo Pháp lệnh tôn giáo và những văn bản liên quan đến hoạt động tôn giáo của Nhà nước.

RFI: Nhưng thưa anh mới hôm qua trên mạng có ảnh ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy có đến dự đám tang, và được ông Huỳnh Tấn Mẫm, phó ban lễ tang tiếp chuyện?

Đúng là như vậy. Vợ chồng ông Lê Thanh Hải đã đến viếng ông Lê Hiếu Đằng, và người ta coi đó là một dấu chỉ của sự hòa giải, hòa hợp. Không chỉ là về vấn đề dân tộc, mà còn về vấn đề xung đột ý thức hệ và những vấn đề tồn tại hiện nay. Một ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy còn đến viếng đám tang như vậy, kể cả ông Phó bí thư Nguyễn Văn Đua cũng đến.

Khá nhiều quan chức đã đến đây, và người ta coi đó là những dấu hiệu tốt lành cho một sự hòa giải giữa các luồng tư tưởng đối kháng với nhau trong thời gian hiện nay. Vậy mà điều gì đã làm hổ mặt của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bởi một số côn đồ? Tôi đã kiến nghị rằng, lực lượng an ninh giữ gìn trật tự khu vực địa phương tại đây phải làm cái gì đó để ngăn chặn đám côn đồ. Hay là họ lại thỏa hiệp với đám côn đồ, và - hay như là một số dư luận nghi ngờ, họ chính là "côn đồ"?

Cảnh xô xát giựt băng-rôn tại lễ tang luật gia Lê Hiếu Đằng - ảnh blog Người Lót Gạch

Được biết không chỉ ông Lê Thanh Hải mà cả cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, và phu nhân đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đến viếng luật gia Lê Hiếu Đằng với tư cách cá nhân. Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng đang có mặt, cho biết hết sức bất ngờ trước việc đám tang bị phá rối:

PGSTS Hoàng Dũng: Bất ngờ là vì chúng tôi nghĩ sau đám tang của ông Kiến Giang, những người có trách nhiệm họ hiểu được tình hình là nếu làm những chuyện tương tự như ở đám tang tướng Trần Độ, thì chỉ mang tiếng cho chế độ thôi, chứ không được gì hết. Nhưng bây giờ lại lặp lại ! Bất ngờ là ở chỗ đó, chứ nếu vụ ông Kiến Giang cũng tương tự như ông Trần Độ thì bây giờ mới không bất ngờ. Cứ tưởng là họ học được bài học lịch sử đó chứ.

RFI: Số người phá rối đám tang có đông không ạ ? Và họ vẫn còn ở chung quanh đây hay không?

PGSTS Hoàng Dũng: Phá rối đám tang thì họ mặc thường phục nên chúng tôi đâu biết là ai. Cho nên ngay cả khi tôi nói chuyện với chị đây, chung quanh có họ hay không làm sao tôi biết. Làm sao tôi biết được là có họ hay không có họ. Họ có đồng phục an ninh đâu.

RFI: Như vậy đám tang đã không còn vẻ trang nghiêm nữa?

PGSTS Hoàng Dũng: Tất nhiên! Tất nhiên là có sự luộm thuộm nhất định, mặc dù nói chung thì đàng hoàng tử tế. Lúc mà dân oan đưa vòng hoa vào thì người ta chặn lại, cô gái cầm vòng hoa đã la làng, la rất to, thế thì như thế làm sao mà trang nghiêm được!

Mọi người đều, nói theo tiếng Huế của tôi là "xớn rớn" lên cả, đều đứng bật cả dậy. Mà chính chị Hồng, vợ của anh Đằng phải chạy ra can thiệp. Và lúc đó thật ra những người cản trở họ cũng thấy ngại quá vì đông người xúm vào, nên họ phải để yên. Nhóm dân oan khi vào được trong nhà tang lễ thì họ cũng bình tĩnh, bảo nhau viếng rất là thành kính.

RFI: Thưa ông, tức là những vòng hoa tang không còn băng chữ?

PGSTS Hoàng Dũng: Một số thôi, ví dụ như thế này. Vòng hoa của Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thì bị giật dòng chữ "Ủy ban Công lý và Hòa bình", chỉ còn chữ "Kính viếng". Vòng hoa của Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình cũng bị giật mất chữ "Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình", chỉ còn chữ "Kính viếng". Thành ra bây giờ còn hai vòng hoa mà không biết của ai, vì chỉ còn chữ "Kính viếng" thôi.

Riêng hai vòng hoa của Diễn đàn Xã hội Dân sự và Bauxite Việt Nam thì tối qua có một người mặc thường phục yêu cầu gỡ bỏ, anh em không đồng ý - chúng tôi có trực ban. Không đồng ý thì họ đi về. Chúng tôi nghĩ rằng họ xử sự như thế cũng là lịch sự văn minh.

Không ngờ sáng hôm sau thức dậy thì thấy hai dải băng gắn lên vòng hoa đã biến mất ! Có một kẻ nào đó tối hôm qua đột nhập vào, sáng hôm sau chúng tôi mới nhờ người ta làm lại. Mà lần này mỗi cái băng như vậy chúng tôi làm hai cái, tức là bốn cái, để đề phòng nếu người ta lấy mất cái này chúng tôi có cái khác.

Lúc một giờ, người mà chúng tôi thuê làm mới bước vào nhà tang lễ, thì có một người giật lại nói rằng: "Đây là cái gì, cho chúng tôi xem!". Tôi cũng đang đứng đó, anh mà chúng tôi đặt làm biết mặt tôi nên nói: "Không, chú này trả tiền". Tôi hỏi: "Tôi trả tiền, tôi đặt hàng, tại sao anh lại lấy của tôi?". Anh kia lúng túng bảo rằng: "Thì tôi trả tiền". Nhưng tôi nói: "Vấn đề không phải là trả tiền, mà anh là ai?"

Hai bên giành giật, thì cuối cùng mọi người đứng cả dậy, thì anh ta bỏ đi ra. Và chúng tôi đưa những chữ "Bauxite Việt Nan", "Diễn đàn Xã hội Dân sự" bị móp méo hết cả gắn vào như cũ. Nếu trên mạng chị thấy một vòng hoa "Diễn đàn Xã hội Dân sự" móp méo so với cái trước thẳng thớm, thì chị biết như thế nào rồi.

Tôi có nhờ anh Trần Quốc Thuận điện cho những người có trách nhiệm ở Bộ Công an, Sở Công an, công an quận, thì họ đều ngạc nhiên bảo rằng phải kiểm tra xem thử có hay không. Anh Lê Công Giàu trực tiếp điện đến chị Dung chủ tịch Mặt trận thành phố, chị cũng nói rằng: "Bình tĩnh anh ơi, cũng chưa có cơ sở nào để nói đó là công an hay nhân viên an ninh làm chuyện đó!".

Vừa rồi anh Hùng bên Mặt trận cũng nói với tôi là: "Anh bình tĩnh, an ninh không làm chuyện đó đâu!". Tôi nói thế này: "Thứ nhất, nếu không phải an ninh thì đó là kẻ xấu, anh có đồng ý với tôi không? Điều thứ hai, việc kẻ xấu hoành hành như thế này ở đám tang của anh Lê Hiếu Đằng, thì không thể nói đó là lỗi của gia chủ hay lỗi của tang quyến, mà là lỗi của cơ quan an ninh, đã không bảo vệ được tốt đám tang.

Thành thử dù sao đây cũng là lỗi của các anh. Do đó chúng tôi yêu cầu các anh cử người xuống, mặc sắc phục đàng hoàng để bảo vệ an ninh cho đám tang này! Tôi vừa mới nói thế xong thì chị gọi điện thoại cho tôi đây".

Còn ông Nguyễn Quốc Thái, thành viên ban tổ chức lễ tang cũng cho biết không thể nào hiểu được vì sao những dòng chữ rất bình thường là "Ủy ban Công lý và Hòa bình, Hội đồng Giám mục Việt Nam kính viếng," "Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình kính viếng" cũng bị những người lạ mặt giựt mất.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo