S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Người dân tiếp xúc với truyền thống định hướng một chiều lâu ngày sẽ vô tình tự triệt tiêu tư duy nhìn nhận vấn đề bằng con mắt đa chiều, đó là một vấn đề không thể phủ nhận được trong ý thức hệ của rất đông bộ phận người Việt hiện nay. - Hương Vũ
Mấy năm trước - khi ông Bùi Ngọc Tấn ghé qua Hoa Kỳ - chúng tôi có đi thăm thú vài nơi, hay nói theo ngôn ngữ “đương đại” là “tham quan” vài chỗ. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, tôi nghe nhà văn của chúng ta nhắc đi lại (đến) đôi ba lần, với ít nhiều hãnh diện: “Tôi là bạn của ông Dương Tường.”
Tuy chúng tôi biết nhau khá lâu nhưng đây là lần đầu mới diện kiến nên tôi không tiện hỏi:
- Dương Tường là cha nội nào vậy cà?
Sau đó, tôi mới được biết thêm Dương Tường là một nhà thơ, và là một dịch giả (thế giá) ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông được mến mộ không thuần vì chuyện sáng tạo thơ văn mà vì đã tìm ra phương cách giúp cho bạn bè thoát cơn bỉ cực:
“Đi bán máu ... Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo xê xê còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít máu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu.
Cho nên những ngày đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng nhiên tăng thêm giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến...” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời Gian Gấp Ruổi”. Viết Về Bè Bạn. Fallchurch, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006).
Nghe đâu Dương Tường còn được thiên hạ (suýt xoa) nể phục vì quen biết lớn. Ông ấy có thể bán máu mà không cần qua cò, và cũng không bị xét nghiệm lôi thôi như bao kẻ khác. Tuy “thần thế” tới cỡ đó nhưng Dương Tường vẫn nhất định “ ... đứng về phe nước mắt!”
Ôi, tưởng gì chứ “nước mắt” thì tôi không hảo (lắm) và cũng hoàn toàn chả thấy hào hứng (tí nào) khi đi bán máu để nuôi thân, và... nuôi cả gia đình. Tôi thực vô cùng kinh ngạc khi nghe Bùi Ngọc Tấn thốt lên là “những ngày đi bán máu rất vui,” và ông ấy rất hãnh diện vì là bạn của ông Dương Tường.
Sống với cộng sản mà lại làm bạn với một thằng cha chuyên môn “đứng về phe nước mắt” thì đời nếu không te tua (e)cũng bầm dập lắm. Qúi báu (mẹ) gì mà cứ khoe nhặng cả lên như thế, lạ thật!
Tuần rồi, tôi lại bị ngạc nhiên thêm “cú” nữa khi đọc mục hỏi đáp trên trang Thư Viện Pháp Luật của đất nước mình – xin ghi lại nguyên văn:
Hỏi:
Tôi có người thân tới chơi. nhưng chưa kiệp làm tạm trú tạm vắng thì bị công an tới lập biên bản phạt. nhưng thời gian người thân tôi lên là chiều ngày thứ sáu. qua thứ bảy và chủ nhật thì họ không làm. tôi nghĩ qua thứ hai rùi lên báo cáo. nhưng đã bị lập biên bản tối ngày chủ nhật. công an tạm giữ giấy chứng minh nhân dân của hai người thân tôi. họ cứ hẹn lên hẹn xuống rồi lại điều tra sơ yếu lý lịch nhân thân gia đình rùi từ nhỏ cho đến lớn... mời lên lấy lời khai liên tục. hơn một tháng nay vẫn chưa giải quyết xong. họ cứ mơi lên lấy lời khai hoài. không đi đâu làm được. vậy hỏi các cán bộ ấy đã làm việc vậy đúng với pháp luật chưa.
Chân thành cảm ơn !
Trả lời:
Theo quy định tại điều 31 luật cư trú 2006, người nhà bạn phải thực hiện thông báo lưu trú theo quy định. Vì người nhà bạn đến vào buổi chiều nên phải thông báo trước 23h cùng ngày. Việc thông báo này có thể thực hiện trực tiếp hoặc qua điện thoại đối với công an khu vực. Do đó, bạn chưa thực hiện đăng ký thường trú là vi phạm pháp luật và theo quy định thì sẽ phải chịu mức phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 11 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của chính phủ.
Ý quỷ thần, thiên địa ơi, có nơi nào trên hành tinh này mà đi thăm bạn lại bị công an “mời lên lấy lời khai liên tục cả tháng trời mà vẫn chưa giải quyết xong.” Còn người được thăm “bị công an tới lập biên bản phạt.” Đã thế, khi thắc mắc thì được trả lời rằng: “... bạn chưa thực hiện đăng ký thường trú là vi phạm pháp luật và theo quy định thì sẽ phải chịu mức phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng...” Số tiền này bằng lương trung bình hàng tháng của một công nhân!
Ở đâu ra cái thứ “chính phủ” và “nhà nước” khốn nạn như thế, hả Trời? Vậy mà nó đã tồn tại gần hai phần ba thế kỷ trên đất nước này, và được người dân chấp nhận một cách thản nhiên – cũng thản nhiên y như chuyện họ coi bán máu như một phương cách để mưu sinh vậy.
Thảo nào mà người lạc quan (đến) như Phùng Quán cũng phải thốt lên đôi lời cay đắng:
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ đắng cay như ở đây?
Chín người – mười cuộc đời rạn vỡ.
Bị ruồng bỏ và bị lưu đày…
Ảnh: nguyentuongthuy2012
Tuy thế, vẫn theo lời Phùng Quán: Có nơi nào trên trái đất này/ Mật độ thương yêu như ở đây/ Mỗi tấc đất có một người qùi gối/ Dâng trái tim và nước mắt... cho đồng bào của mình – như tường thuật của Trọng Thành, nghe được qua RFI, vào hôm 07 tháng 12 năm 2013:
Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 năm 2013 là một dịp đặc biệt đối với Việt Nam, sau khi Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhân dịp này, Mạng lưới blogger Việt Nam – một nhóm do hơn 100 blogger chủ trương, được thành lập hồi tháng 7/2013 – kêu gọi tổ chức một số hoạt động quảng bá các giá trị nhân quyền, độc lập với các hoạt động dưới sự điều hành của Nhà nước.
Hai hoạt động chủ yếu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày mai 08/12 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Riêng sáng nay, tại Nha Trang, một nhóm thành viên của Mạng lưới blogger Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền bằng cách phân phát các tài liệu về nhân quyền trực tiếp đến người dân.”
Về hoạt động ngày mai 08/12 tại Sài Gòn, blogger Phạm Lê Vương Các cho biết:
Ngày mai tại Sài Gòn sẽ có một buổi tổ chức sinh hoạt để quảng bá và vinh danh các giá trị Nhân quyền, bằng các hình thức như thả bóng bay và các anh chị em sẽ ngồi lại với nhau, để trao đổi, tìm hiểu bản Tuyên ngôn phổ quát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Tất cả những hoạt động đó đều nhằm hướng đến việc xây dựng cho mỗi cá nhân, công dân có được ý thức về quyền con người. Thông qua việc tìm hiểu về Nhân quyền, họ sẽ có được các kiến thức bổ ích, để có thể ngăn chặn được các hành vi vi phạm Nhân quyền đối với mỗi người dân.
Một người tham gia phát tặng TNQTNQ đang giải thích cho một người dân ở bến xe Mỹ Đình hiểu về quyền con người được ghi trong bản tuyên ngôn. - Ảnh và chú thích: Dân Làm Báo.
Công việc xem chừng có vẻ giản dị nhưng “không hề đơn giản.” Họ bị đánh đập dã man một cách vô cớ, theo ghi nhận của biên tập viên Gia Minh (RFA) nghe được vào hôm 10 tháng 12 năm 2013:
“Nhóm các bloggers Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), An Đỗ Nguyễn (Nguyễn Hoàng Vi) và Con đường Việt Nam (Hoàng Văn Dũng) chiều nay tại Sài Gòn bị hành hung một cách vô cớ… Blogger Hoàng Vi bị đánh rất tàn bạo và Hoàng Dũng cũng bị đánh chảy máu.”
Cùng với bạo lực, những kẻ “qùi gối, dâng trái tim và nước mắt” còn phải đối diện với sự xa lánh do sợ hãi của đồng bào – theo như kinh nghiệm (“Tôi Đi Tiếp Thị Sản Phẩm Quyền Con Người”) của blogger Phạm Văn Hải:
Có 3 mẩu chuyện nhỏ tôi muốn chia sẻ trong buổi phát tài liệu này. Nguyên tắc của chúng tôi là không ép buộc, không để tài liệu bị vứt bỏ thành rác thải như các loại tờ rơi ở ngã tư, cột điện... Thăm dò và nói vắn tắt nội dung tài liệu, nếu người nhận không cần thì sẽ không phát.
* Câu chuyện thứ nhất: Có một nhà sư lên xe. Ban đầu tôi nghĩ đã xuất gia thì chắc không cần đến tài liệu này. Nhưng nghĩ lại, Nhân quyền là phổ quát cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, tôn giáo... mà. Và cũng nảy ra một ý, dạo này nghe nói sư dỏm nhiều quá, trong tài liệu có phần nói về việc chống tra tấn hành hạ ngược đãi... rất gần với tâm thiện của nhà Phật. Mình chịu khó quan sát thái độ của vị này khi xem tài liệu có thể đoán được thật, giả chăng? Sau khi hỏi thăm xã giao thầy hiện đang tu ở chùa nào, đi công việc ở đâu... mình nói thưa thầy đây là tài liệu viết về Quyền Con Người, trang sau còn có Công ước chống tra tấn... nếu thầy muốn tham khảo thì giữ để xem, nếu không cần thì đọc xong cứ gửi trả lại ạ (phòng khi ông ta không muốn cầm mà ngại nên thấy khó xử). Rất vui là nhà sư đã xem và không gửi lại. A-Di-Đà-Phật!
* Câu chuyện thứ hai: Tôi và Võ Trường Thiện đến một quán nước. Vừa chào hỏi, tự giới thiệu và mới nói đây là tài liệu... thì hai người ngồi bàn ngoài cùng xua tay:
- Thôi, thôi có biết chữ đâu mà đọc...
Họ “không dám” chứ không phải là “không biết.” Hơn hai phần ba thế kỷ qua, người dân Việt đã “nhập tâm” rằng quyền làm người là một thứ taboo, hay một mặt hàng quốc cấm, ở đất nước này. Tuy thế, khi trả lời phỏng vấn báo Lao Động, phát hành hôm ngày 24 tháng 12, đại sứ Việt Nam tại Bắc Triều Tiên – ông Lê Quảng Ba – vẫn cứ băn khoăn: “Bao giờ ta có thể làm được như được họ?”
Với khuynh hướng xử dụng bạo lực và khủng bố, cùng với chính sách ngu dân hiện nay của chế độ hiện hành – có lẽ – cái ngày mà Việt Nam “đuổi kịp” Bắc Hàn (chắc) cũng không còn xa nữa.