Tiếng Pháo - Dân Làm Báo

Tiếng Pháo

Nhật Nguyệt Phù Sa (Danlambao) - Mười giờ sáng, tiết trời mùa Đông lạnh cắt da thịt, cánh rừng sau nhà tuyết phủ kín mặt đất, tôi lái xe đưa vợ con đi chợ Tết. Mấy năm nay chợ Tết được tổ chức trong khuôn viên trường trung học gần nhà. Cũng như mọi năm, chợ Tết được nhóm hai tuần trước ngày mùng một Tết Nguyên Đán. Nơi đây cộng đồng người Việt không đông lắm, nếu ngồi đếm “ông đi qua bà đi lại” vào chợ Tết, từ lúc mở cửa đến lúc tàn canh thì, có lẽ, cũng được 500 người. Tuy không đông như chợ Tết Little Sài Gòn của quận Cam, vậy mà cũng không có chỗ chen chân, vì khuôn viên họp chợ chỉ là một phòng ăn nhỏ của trường trung học.

Không thể so sánh với chợ Tết của Sài Gòn ngày xưa. Nếu tôi nhớ không lầm thì, bước vào tháng Chạp, tức là tháng Mười Hai âm lịch, không khí Tết đã bắt đầu nhen nhúm ở chợ Bến Thành. Những cửa hàng với băng-rôn đầy màu sắc được cơi lên chung quanh chợ làm cho không khí trở nên nhộn nhịp, thu hút ánh mắt dòng người qua lại quanh bùng bình Sài Gòn. Những người dù nghèo rớt mồng tơi cũng vui khi Tết đến! Thử hỏi làm sao không vui được khi nhìn những quày hàng “dã chiến” như kem đánh răng Hi-nốt (Hynos), Pẹt-lông (Perlon), khô nai, khô cá thiều, trái cây, bông hoa, bánh mức, rượu thì từ Ông Già Đi Bộ (Johnny Walker) đến Ngủ Gia Bì, Rờ Mi Mạc Tên, vân vân và vân vân… đều được đem ra bày bán trông rất đẹp mắt. Nhưng tôi nghĩ cái thu hút con mắt trần tục của đoàn người đi ngang công trường Quách Thị Trang, chắc không đâu khác hơn là những cô gái với tà áo dài lả lướt, môi son má phấn xinh đẹp “như tiên” đứng bên cạnh quày hàng để rao bán. 

Cái thời đó cách đây cũng gần 50 mươi năm rồi! Những “trai thanh gái lịch” ngày ấy cỡ đôi mươi đi dạo chợ Tết nay cũng thành “cụ” hết rồi! Cho nên mấy “cụ” nhớ lại mà xem. Ngày xưa mấy cụ chắc cũng đôi lần ngẫn ngơ nhìn “tiên nữ”, tay cầm họp kem Anh Bảy Chà Và, miệng cười như hoa Hàm Tiếu mời gọi: “kem đây, kem đây, kem Hynos đây, mời bà con cô bác mại dzô, mại dzô. Kem này “hoánh” răng trắng như bông, “hoánh” vô cho đẹp, hông thì mất duyên…” Người ta nhìn lên thấy cô gái đẹp duyên dáng với hình ảnh ông Tây đen in đậm lên hộp kem nhe răng ra cười. Tây đen mà mở miệng ra thì chỉ thấy hàm răng trắng như bông thôi, cho nên kem Hynos nó hốt tiền mấy cụ một phen là phải rồi. Đó là sơ sơ chỉ nói đến mấy quày quảng cáo kem Hynos, kem Perlon, còn biết bao quày hàng khác với những cô gái xinh đẹp của Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông nữa. 

Nhưng nhắc đến chợ Tết Sài Gòn mà không nói đến chợ hoa Nguyễn Huệ thì coi như chưa nói về chợ Tết. 

Có lẽ một tuần trước ngày mùng Một Tết là chợ hoa Nguyễn Huệ đã bắt đầu thành hình rồi. Từ những vườn hoa bát ngát ở miền Tây, đủ các loài hoa được chuyên chở trên những con thuyền đổ về Thủ Đô miền Nam để làm đẹp khuôn mặt Sài Gòn cho ba ngày Tết. Những ngày này đường Nguyễn Huệ ngập đầy hoa, nào là Mai, Lan, Cúc, Trúc cho đến Thược Dược, Mồng Gà, và những chậu Tắc trái chín vàng dắt díu khoe sắc khắp nơi. Len lỏi giữa rừng hoa là “dập dìu tài tử giai nhân,” người đi xem, kẻ đi mua, nhưng đi xem thì nhiều hơn, và những ống kính thi nhau nháy đèn chụp ảnh lia lịa. Những chậu hoa xinh đẹp đắt tiền thì được “nhà giàu” rinh đi rất sớm. Nhà nghèo thì đợi đến trưa 30, trước giờ tàn chợ để mua cho rẽ, nhưng không đẹp, cũng là lẽ đương nhiên. Và đến chiều 30 Tết thì hoa tàn, hoa héo, hoa nằm lăn lóc trên mặt đường lẫn lộn với cát bụi; Thế là qua rồi một kiếp hoa – sớm nở tối tàn!

Nhưng chợ Tết ở xứ Mỹ này rất đơn sơ. Tuy cũng có Mai, Lan, Cúc, Trúc và Hồng, Đào nhưng không bao nhiêu. Ngoài bông hoa ra, chợ Tết nơi đây còn bán nhiều thức ăn tại chỗ như: cháo lòng, bún riêu, chả giò, bánh chưng, bánh tét, mức gừng, mức bí cho tới sách, báo Xuân, sách vở, vân vân... Có những cuộc thi hoa hậu áo dài cho các cô gái còn xuân, và thi đối đáp bằng tiếng Việt cho các em bé. Nói chung, chợ Tết nơi đây không thể so sánh bằng quê nhà nhưng cũng là nơi và dịp người Việt gặp nhau để nhớ lại một chút gì ngày chợ hoa truyền thống cổ truyền. 

Giữa đám người đang tíu tít trò chuyện vui nhộn giữa tiếng hát, tiếng loa tuyên bố cuộc thi hoa hậu áo dài, tôi chợt nghe tiếng pháo nổ. Không phải tiếng pháo nổ đì đùng và khói bay nghi ngút như ngày xưa nơi võ đường Ohdowan trong buổi tiệc tất niên, hay những tràng pháo dài hàng chục thước treo lủng lẳng trước cửa tiệm giàu sang ở đô thành Sài Gòn trong ngày mùng Một Tết. Nhưng chỉ là tiếng pháo chuột nổ lách tách từ chiếc máy phát âm nhỏ đặt bên cạnh giây pháo giả treo bên tường, làm tôi nhớ tiếng pháo trong ba ngày Tết trên Xuân quê hương.

Tiếng pháo giữa đêm giao thừa Tết Nguyên Đán Mậu Thân 1968!

Mỗi năm vào những ngày Tết hàng ngàn người đến Lăng Ông Lê Văn Duyệt để đốt nhang, hái lộc đầu năm, xin xăm xem vận mệnh và tình duyên trong năm mới. Những cô thiếu nữ lở thời chen nhau lắc ống đũa cho bay ra một que, rồi lẳng lặng lượm lên mang đến nhờ thầy bàn xem năm nay có tình quân nào để mắt đến mình không. Những cặp tình nhân, những cụ già, em bé dìu dắt nhau đổ về Lăng Ông trong giờ linh thiêng, với một tâm niệm nguyện cầu bình an cho gia đạo và đất nước chóng khỏi chiến tranh đổ nát. Việt Nam gần hai mươi năm chinh chiến, máu đổ thịt rơi đã giáng xuống và gieo họa từ phương Bắc, đã làm người dân quá mệt mỏi và mất mát. Ba ngày Tết là ngày thiêng liêng để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, nên nhiều người dù đi làm ăn đâu xa cũng trở về với gia đình. Đây là truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Để tạo điều kiện cho người dân trở về sum họp bên ông bà tổ tiên, chính quyền hai miền Nam Bắc đã ký kết lệnh ngưng bắn trong ba ngày Tết. Từ hậu phương đến tiền tuyến những người lính VNCH được phép chia nhau gác súng về ăn Tết cùng gia đình. Cho nên năm đó, Mậu Thân 1968, từ thôn quê đến thành thị quân dân miền Nam thật sự tin tưởng vào lịnh ngưng bắn ba ngày Tết, được đề nghị bởi lãnh đạo miền Bắc, và mọi gia đình khắp mọi miền đất nước đang vui mừng chuẩn bị đón một cái Tết thanh bình. Chợ hoa Nguyễn Huệ và chợ Tết tưng bừng với người và hoa quả. Trên mặt mọi người vui tươi, mua sắm, nấu nướng linh đình để cúng giao thừa. Và suốt ngày mùng Một Tết từng đoàn người kéo nhau về chùa, nhà thờ, nơi linh thiêng để cúng bái mừng năm mới, hái lộc đầu năm.

Lăng Ông Lê Văn Duyệt, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi và nhà thờ Đức Bà là nơi nhiều người viếng thăm trong ba ngày Tết. Ngoài những người lớn tuổi đến đây để dâng nhang, nguyện cầu thì Lăng Ông cũng là nơi tụ họp những cuộc vui chơi cờ bạc, mà điển hình nhất là bầu-cua-cá-cọp. Nhiều người dù suốt năm không rờ tới cờ bạc, Tết về cũng ném vài ba chục vào sòng để thử thời vận đỏ đen năm mới. Thế là những tờ giấy bạc 10 đồng, 20 đồng mới căn được xếp đôi, xếp tư thành hình chữ nhật ngay thẳng; Một tên ném cái bạch những tờ giấy bạc được xếp ngay thẳng vào vòng tròn có hình con cua. Tờ giấy bạc chưa được nằm yên thì có bàn tay khác mang nó “tả” qua con cá, rồi từ đó nó được ghé đến thăm những con khác như nai, tôm, cá, vân vân… nhiều khi nó đi hơn nửa số vòng tròn trên khung giấy trải phẳng trên mặt đất, và người chơi bu chung quanh như kiến! Khi những vòng tròn bầu-cua-cá-cọp được thả đầy với những tờ giấy bạc thì ông bầu liền cất cái tay dở lên, và hàng chục con mắt nhìn chăm chăm vào ba con lắc. Tên đó la: “A cua, cua, có cua kìa,” hắn nắm tay người “tả” hai chục bạc của hắn đòi chung tiền. Tên kia nói: tiền gì mà chung mậy, vậy là: hai chục bạc của tao đặt con cua mầy mang mầy bỏ qua trái bầu, bây giờ có cua mà không có bầu, mầy không chung tiền phải không, nói đi, tao đục mầy bể bầu cho coi. Mầy ngon thì bỏ tiền túi ra chơi, sao chôm tiền tao chơi? Một hồi ẩu đả nhau, cuối cùng tên kia cũng phải móc bốn chục bạc tiền túi ra chung. Nhưng tui ghét nhất là người khác đi “tả” tiền của tui. Mình không theo dõi kỷ là không nhớ đứa nào “mượn đầu heo nấu cháo” tiền của mình, nhiều khi mất cả chì lẫn chài luôn! 

Kẻ ăn người thua. Cứ thế họ sát phạt nhau, cố “huýnh” cho sập ông bầu. Nhiều khi ông bầu chưa sập mà mình đã sạch túi! Nhưng ba ngày Xuân mà, hổng đỏ thì đen, chỉ mua vui vậy thôi, nhằm nhòi gì.

Chúng tôi, bốn người anh em, đang làm bầu cho sòng bầu-cua-cá-cọp đêm mùng Một Tết ở Lăng Ông Bà Chiểu. Sau những lần đen đỏ chúng tôi “hốt liền, hốt hết” được một mớ tiền lì xì của bà con thì trời cũng gần nửa đêm. Lăng Ông bắt đầu thưa người, chúng tôi vui cười hể hả ra về. Trời đã khuya và đêm mùng Một Tết nên không có xe lam nào chở khách, chúng tôi phải lội bộ về. Từ Lăng Ông cuốc bộ ra đại lộ Chi Lăng (Phan đăng lưu), quẹo trái lên đường Hai Bà Trưng (Phan Đình Phùng), đi ngang qua chợ Phú Nhuận, qua cầu Kiệu và dự định đi về chùa Xá Lợi để hái lộc đầu năm. Trên đường về tiếng pháo người dân Sài Gòn vẫn đốt đì đùng khắp nơi. 

Đặc biệt Tết Mậu Thân chính quyền Sài Gòn hưởng ứng lệnh nghi binh của miền Bắc, và bãi bỏ lịnh giới nghiêm nên chúng tôi được đi chơi thâu đêm suốt sáng. 

Khi vừa qua khỏi nhà thờ Tân Định thì tiếng pháo nổ mỗi lúc đậm hơn. Chúng tôi cười đùa với nhau rằng dân Sài Gòn năm nay giàu có, ăn Tết xịn hơn mọi năm nên đốt pháo điếc lỗ tai. Nhưng càng lúc tiếng pháo sao quá chát chúa và không liên tục như một xâu pháo nổ, hay lẹt đẹt như những viên pháo chuột! Lúc đó đã quá nửa đêm; Trên đường Hai Bà Trưng không còn bao nhiêu người đi. Đường về nhà còn dài và đêm đã khuya nên chúng tôi bỏ ý định đến chùa Xá Lợi hái lộc. Nhưng đi chưa tới đường Thống Nhất (Lê duẫn) thì tiếng nổ dường như không còn là tiếng pháo nữa, những tiếng nổ chát chúa đứt quảng từng hồi và lớn như tiếng súng. Nhìn trên đường, từ các ngỏ hẻm chúng tôi thấy bóng dáng những toán năm ba người mặc quần đen, đầu đội nón tai bèo, lưng mang ba-lô, tay ôm súng lấp ló chạy về hướng tòa đại Sứ Mỹ và dinh Độc Lập. Chúng tôi đồng loạt nói: cộng sản Việt Nam (CSVN)! Rồi mặt mày tái ngắt, sợ, chưn run cằm cặp lật đật đi lẹ trên đường Hai Bà Trưng về hướng bến Bạch Đằng. Từ giây phút đó tiếng súng lẫn lộn với tiếng pháo nổ nhiều dần sau lưng chúng tôi. 

Kim đồng hồ vừa nhảy qua ngày mùng Hai Tết, đường phố Sài Gòn vắng vẻ, những ánh đèn mập mờ trên đường Hai Bà Trưng chỉ đủ sáng để soi đường cho người đi. Trên mặt đường chỉ năm ba chiếc xe gắn máy chạy vùn vụt, và chúng tôi vừa đi vừa chạy vừa nhìn lại phía sau lưng và chung quanh mình. Tiếng súng hòa lẫn trong tiếng pháo nổ nên khó có ai biết được chuyện gì đang xảy ra, và đa số người dân cũng sắp đi vào giấc ngủ, hay đang vui chơi cùng gia đình trong nhà. Vì ai cũng đinh ninh rằng lệnh ngưng bắn vẫn còn hiệu lực! Khi chúng tôi chạy gần đến Bộ Tư Lịnh Hải Quân thì tiếng súng phía sau lưng càng đậm hơn. Vô tình chúng tôi chạy lọt vào khu tứ giác trọng điểm: trước mặt là bộ Tư Lịnh Hải Quân bên bến Bạch Đằng, bên phải là dinh Độc Lập, bên trái là tòa đại sứ Mỹ trên đường Thống Nhất, và đài phát thanh Sài Gòn. Nhưng không thể đi ngược lại vì tiếng súng đuổi sau lưng càng lúc càng nặng, chúng tôi tiếp tục chạy lẹ về bến Bạch Đằng. Khi đến Nhà Rồng thì dường như không còn thấy bóng dáng quân CSVN nữa, và tiếng súng cũng nhỏ dần. Từ đó chúng tôi tiếp tục chạy trên đường Trịnh Minh Thế (Nguyễn Tất Thành), qua khỏi quận Tư, qua cầu Tân Thuận để về quận Nhà Bè (quận 7).

Lúc này vừa quá hai giờ sáng ngày mùng Hai Tết, Sài Gòn đang bị CSVN tấn công! 

Tiếng súng dường như hoàn toàn áp đảo tiếng pháo. Chúng tôi đã bước vào nhà trong cơn phập phồng, vừa hoàn hồn nhưng hoảng sợ, và biết lịnh ngưng bắn hai bên ký kết vẫn còn hiệu lực trong đầu chúng tôi! Từ hai giờ sáng chúng tôi ngồi trong nhà mở ra-đi-dzô theo dõi tin tức (chỉ nghe ra-đi-dzô thôi, hồi đó TV là hàng độc, không có tiền mua, vậy mà nghe bộ đội miền Bắc nói ngoài đó TV chạy đầy đường, ớn!) Tin Sài Gòn bị CSVN tấn công được loan đi từ đài phát thanh ngay trong đêm mùng Hai Tết. Từ đó chúng tôi làm đêm không ngủ, mở ra-đi-dzô nghe ngóng và nhìn về bầu trời Sài Gòn. Trời càng về sáng tiếng súng nổ càng nổi lên nhiều nơi, nhưng hầu hết phát xuất từ trung tâm thành phố và những nơi đông dân cư thuộc về phía bắc và tây bắc Sài Gòn. Nơi chúng tôi ở thuộc địa phận quận Nhà Bè tức nam Sài Gòn, đồng không hiu quạnh nên không thấy CSVN chiếu cố, hên!

Trong đêm mùng Hai Tết lệnh báo động được ban hành, cấm người dân ra đường, chính quyền phục hồi lịnh giới nghiêm. Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu tuyên bố hủy bỏ lịnh ngưng bắn, kêu gọi quân nhân mọi binh chủng trở về đơn vị, đề cao cảnh giác và sẳn sàng “ăn thua đủ” với quân CSVN trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Và cũng ngay trong đêm mùng Hai Tết quân đội VNCH (Việt Nam Cộng Hòa) đã phản công mãnh liệt lại quân CSVN. Sáng ngày mùng Hai Tết người ta được biết quân CSVN tấn công dinh Độc Lập, đài phát thanh Sài Gòn, phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, và tòa đại sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất. Nhưng quân CSVN không chiếm giữ được nơi nào quá mười lăm phút! Qua những ngày sau, những nơi như Bà Quẹo, ngã ba Chú Ía, ngã tư Hàng Xanh, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, Thủ Đức, vân vân… là những nơi CSVN đụng độ ác liệt với các lực lượng Địa Phương Quân, Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến của quân lực VNCH. 

CSVN với ý đồ cướp đài phát thanh kêu gọi người dân nổi dậy ra đường cướp chính quyền, họ chỉ mũi dùi và xâm nhập vào các khu đông dân cư. Nhưng CSVN đi đến đâu người dân đều hoảng sợ chạy trốn đến đó! 

Cuối cùng quân lính CSVN bị cô lập và bị tiêu diệt từng nhóm trong từng con hẻm ngoằn ngoèo chi chít giữa thành phố hơn hai triệu dân. 

Sài Gòn chắc chắn không phải là cánh rừng, đường sá, hẻm, ngõ ngách chen lẫn giữa những căn nhà cao tầng nếu không rõ đường đi chắc chắn sẽ bị lạc, và đó chính là điểm chiến lược mà người cầm đầu đám quân CSVN chắc không bao giờ nghĩ đến! Nhưng cú tát nước vào mặt chính là ý nghĩ sai lầm cho rằng họ sẽ kêu gọi được sự hậu thuẫn của mọi người dân Sài Gòn nổi dậy tràn ra đường cướp chính quyền. Chuyện này hoàn toàn trái ngược nên quân lính CSVN từ miền Bắc xa xôi vào ngơ ngáo, lạc đường lạc sá giữa thành phố Sài Gòn chi chít lối đi. Dưới sự phản công quyết liệt của quân dân miền Nam họ trốn chui trốn nhũi trong những khu phố đông dân cư. Và sự thực đã phơi bày, trong ba ngày Tết quân lính CSVN hoàn toàn thua và bị tiêu diệt, đẩy lui, và bị đuổi ra khỏi thành phố Sài Gòn như những con chó ghẻ. Ngoài ra trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân quân CSVN cũng tấn công những thành phố lớn khác như Cần Thơ, Ban Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng, vân vân và vân vân … khắp nơi trên lãnh thổ miền Nam tự do. Đặc biệt tại cố đô Huế quân CSVN chiếm giữ lâu dài nhất, và nơi đây đã xảy ra những cuộc CSVN tàn sát dân lành vô nhân đạo nhất trong cuộc chiến quốc-cộng. Chứng tích của những hầm hố chôn tập thể hàng ngàn người dân vô tội có cả ông già, bà già, đàn bà con nít bị CSVN đập chết bằng cuốc xẻng được ghi chép và ghi hình khắp nơi. Một “Giải Khăn Sô Cho Huế” của Nhả Ca và “Hát Trên Những Xác Người” của tên nhạc sĩ “Thích Cộng Sản” đã nói lên hết tội lỗi của CSVN. Ngày nay với một cái nhấp chuột người ta có thể đọc và nhìn thấy tất cả những tội ác trên một cách công khai và trung thực, chính quyền Cộng Sản không còn bưng bít được nữa!

Năm Mậu Thân 1968 người dân miền Nam Việt Nam không có Tết!

Thật là trớ trêu và lường gạt khi tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản bắc Việt đã đề nghị lịnh ngưng bắn cho toàn dân Việt Nam cúng bái ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết, để rồi chính những con người vô thần đó đã nuốt sống lịnh ngưng bắn của chính họ, và tấn công giết chết, chôn sống hằng hà sa số những người dân vô tội trong những giờ linh thiêng của đất nước. Người ta có thể phê bình và chê trách cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bất cứ vấn đề gì, nhưng, mọi người ai ai cũng đồng ý câu nói bất hũ của ông: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.”

Mùng Một Tết - Giáp Ngọ 2014



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo