RFA - Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được dời lại cho đến năm 2020 để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một phiên họp của chính phủ vào ngày hôm nay.
Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình tại tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố HCM khoảng 200km. Nhà máy đầu tiên được biết sẽ do các công ty Nga đảm trách, còn nhà máy thứ hai do các cty Nhật xây dựng.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. RFA |
Dự án này bị giới trí thức Việt Nam trong và ngoài nước phản đối vì cho rằng Việt Nam chưa có đủ trình độ để quản lý kỹ thuật nguyên tử, Việt Nam cũng không có nguồn nguyên liệu hạt nhân. Một lý do khác là việc dành đất cho hai nhà máy này sẽ xóa số một cộng đồng người thiểu số đặc sắc tại miền Trung Việt nam là cộng đồng Chăm.
Nhưng lý do lớn nhất được những người phản đối đưa ra là sự an toàn hạt nhân. Sự lo ngại này càng tăng hơn nữa sau khi tại nạn hạt nhân xảy ra tại Fukushima bên Nhật Bản hồi năm 2011.
*
Việt Nam hoãn xây nhà máy hạt nhân đầu tiên
Thanh Phương (RFI) - Theo báo chí trong nước hôm nay, 16/01/2014, Việt Nam sẽ đình hoãn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đến năm 2020 thay vì năm nay như kế hoạch ban đầu. Việt Nam đã dự trù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, với sự trợ giúp của tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom. Ninh Thuận 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (DR) |
Nhưng tờ Tuổi Trẻ trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc họp ngày hôm qua nói rằng phải đình hoãn dự án nói trên cho đến năm 2020, nhằm bảo đảm "an toàn nhất, hiệu quả nhất" cho dự án.
Để đáp ứng nhu cầu về khí đốt sẽ tăng lên do việc đình hoãn dự án nhà máy hạt nhân, ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập đoàn dầu khí Nhà nước Petrovietnam ( PVN ) bảo đảm đủ khí đốt để cung cấp cho cụm nhà máy điện 5.000MW thay thế cho nhà máy điện nguyên tử 4.000MW bị đình hoãn. Nhưng bản tin nói trên không nói rõ là Petrovietnam sẽ tìm nguồn khí đốt đó ở đâu.
Tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra sau khi vào tuần trước, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Yukiya Amano đã hứa sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy hạt nhân Ninh Thuận 1. Ông Amano khuyên Hà Nội không nên vội vã tiến đến năng lượng nguyên tử và trước hết phải bảo đảm có đủ khả năng để vận hành nhà máy hạt nhân.
Ngoài Ninh Thuận 1, chính phủ Việt Nam đã chọn các tập đoàn Nhật để xây dựng một nhà máy điện nguyên tử thứ hai cũng tại tỉnh Ninh Thuận, với hai lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ những năm 2023-2024.
Theo thẩm định của Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhu cầu điện năng của Việt Nam có thể tăng thêm 14% mỗi năm cho đến 2015 và sau đó sẽ tăng 11% cho đến 2020. Trước nhu cầu tăng mạnh như thế, Việt Nam buộc phải phát triển các nguồn năng lượng mới, bởi vì sản xuất điện từ than và đập thủy điện nay đã đến mức giới hạn.
Việt Nam đã dự định sẽ xây tổng cộng 7 nhà máy điện nguyên tử từ đây đến 2030, nhưng tai nạn hạt nhân Fukushima 2011 đã gây thêm quan ngại về tính chất an toàn của công nghệ năng lượng nguyên tử.
*
Thủ tướng: 'Có thể hoãn nhà máy điện hạt nhân tới 2020'
Bích Ngọc (BaoDatViet) - “Nếu Thủ tướng nói nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công thì đây quả là một tin rất đáng mừng. Chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng nhân lực và mọi mặt”.
GS Cao Chi, nghiên cứu viên cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã chia sẻ với Đất Việt như vậy khi nghe tin về việc có thể sẽ hoãn khởi công nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đến năm 2020 thay vì theo kế hoạch là năm 2014.
Người dân thôn Vĩnh Trường đang xem bảng quy hoạch nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1
Trước đó, ngày 15/1, tại lễ tổng kết của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “PVN phải đảm bảo khí để làm cụm nhà máy điện 5.000MW thay thế cho 4.000MW điện nguyên tử, bởi nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công (theo kế hoạch là năm 2014). Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm”.
Ngay lập tức thông tin này được giới chuyên gia về ĐHN vui mừng đón nhận.
GS Cao Chi chia sẻ, riêng đối với cá nhân ông đây quả là một tin rất đáng mừng.
“Vậy là chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị những gì còn khiếm khuyết. Hiện nay nhân lực cho ĐHN vẫn còn yếu kém lắm. Nếu chậm lại ta sẽ có thời gian để chu đáo hơn trong công tác chuẩn bị nhân lực, có thời gian đào tạo thêm, chắc chắn thì mới làm”, GS Cao Chi phấn khởi.
Cùng chung quan điểm này, TS Lê Văn Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam cũng chia sẻ, trước đó bản thân ông và các cán bộ có trách nhiệm đối với dự án nhà máy ĐHN từng có kiến nghị lên cấp trên xem xét không nhất thiết phải khởi công đúng thời điểm Quốc hội đã đề ra. Lý do là vì với dự án này cần thận trọng về mọi mặt nên nếu có thời gian chuẩn bị chu đáo sẽ tốt hơn.
Trước đó, từng thể hiện quan điểm về việc phát triển ĐHN, năm 2011, GS Phạm Duy Hiển kiến nghị: Nên lùi thời điểm làm ĐHN 10 năm.
“Trong điều kiện Việt Nam chưa có bất cứ lợi thế nào để làm ĐHN, nên lùi thời điểm bắt đầu xây dựng nhà máy ĐHN 10 năm để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng về công nghiệp”, GS Phạm Duy Hiển nói.
Khi đó GS Phạm Duy Hiển đề nghị: “Ta không nên từ bỏ hoàn toàn ĐHN như nước Đức. Nhưng ta không nên ưu tiên ĐHN bằng cách định kế hoạch 2020 vận hành tổ máy đầu tiên, sau đó xây một lèo 16 lò phản ứng trong 10 năm. Nên tạm lùi thời hạn 2020 lại ít nhất là 10 năm”.
Ông gợi ý, trong thời gian đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về nhân lực. Chừng nào chưa có ít nhất 100 chuyên gia thứ thiệt và một hệ thống điều hành tốt trong ngành hạt nhân để họ phát huy năng lực của mình thì chưa nghĩ đến chuyện bắt đầu. Chưa kể các điều kiện khác đều phải đạt đến khối lượng tới hạn về tài chính, hạ tầng công nghiệp đủ sức tiêu hóa được công nghệ ĐHN, và nhất là niềm tin của công chúng, yếu tố số một bảo đảm sự thành công.
*
Năm 2020, có thể chưa sản xuất điện nguyên tử
Văn Nam - (TBKTSG Online) - Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW. Tuy nhiên theo một phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 16-1 qua thì việc khởi công nhà máy điện nguyên từ đầu tiên của Việt Nam có thể hoãn đến năm 2020.
Ngày 16-1, báo Tuổi Trẻ trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ tổng kết năm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) ngày 15-1 rằng: "Việc khởi công xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận có thể sẽ hoãn đến năm 2020 mới thực hiện. Làm điện nguyên tử phải đảm bảo an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm”.
Theo quyết định 906/2010/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân. Giai đoạn đầu, từ nay đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc phê duyệt dự án đầu tư, địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị chuyên gia kỹ thuật nòng cốt để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW, tổ máy 2 vận hành vào năm 2021. Đồng thời, khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo. Kế hoạch là đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện).
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (17-1) về những nguyên nhân dẫn đến việc có thể hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận đến năm 2020 (thay vì năm 2014), ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam cho rằng khả năng chính có thể là do phương án tài chính cho dự án vẫn chưa ngã ngũ, còn đang được bàn thảo giữa Việt Nam và các nước cho vay. Dự án nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 vay vốn của Nga và điện nguyên tử Ninh Thuận 2 vay vốn của Nhật Bản.
Theo ông Ngãi được biết, các bên liên quan vẫn còn đang bàn thảo việc xác định công nghệ, thiết bị, loại lò phản ứng..., từ đó tính ra giá trị tổng dự toán để làm cơ sở xác định vốn vay và phương án tài chính cho dự án.
Ông Ngãi cho rằng, đối với hai dự án điện nguyên tử Ninh Thuận thì yếu tố quan trọng hàng đầu là lựa chọn công nghệ nào tuyệt đối an toàn, hàm lượng chất phóng xạ thoát ra bên ngoài không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.
Xét về tính cấp thiết của điện nguyên tử, ông Ngãi nhận định thêm từ nay đến năm 2020 sẽ có một số dự án điện quan trọng có thể đủ cấp điện cho miền Nam gồm nhiệt điện Long Phú 1, Long Phú 2, Sông Hậu, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4... với công suất tăng thêm gần 10.000 MW và xem như miền Nam từ nay đến năm 2020 đảm bảo đủ điện, thậm chí còn dư 20% nguồn dự phòng.
Như vậy từ nay đến 2020 không quá lo ngại nguồn cung điện cho miền Nam, do đó chưa nhất thiết phải cần đến điện nguyên tử.
Vào ngày 10-1 vừa qua, ông Yukiya Amano, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA) đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận về các vấn đề liên quan đến đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân sau khi có chuyến thị sát trực tiếp địa điểm vùng quy hoạch xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận.
Tại buổi làm việc này, đại diện Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, hiện nay mới có báo cáo khả thi dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang thẩm tra để năm nay bắt đầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng dự án hạ tầng thi công gồm đường vào nhà máy, hệ thống cấp điện nước, văn phòng ban quản lý tại công trường hiện nay đang tổ chức thẩm tra thiết kế, lựa chọn nhà thầu để khởi công vào cuối năm 2014.
Bên cạnh đó, dự án đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân này đã được phê duyệt và đang được đào tạo, bao gồm nhân lực cho khối quản lý dự án, tư vấn và khối vận hành, dự kiến mỗi nhà máy cần khoảng 1.100 người.
Thông tin được ông Yukiya Amano đưa ra tại chuyến làm việc ở Ninh Thuận cách đây một tuần, IAEA sẽ sát cánh cùng Việt Nam, cam kết hỗ trợ, đưa ra các khuyến nghị để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thành công, an toàn và bền vững.