Kuốc Kuốc (Danlambao) - Mở đầu năm mới, có vẻ bắt chước lối ngắn gọn và mạch lạc của chính khách Âu Mỹ, Tư Sang lên TV đọc thư chúc tết bà con cả nước, một bản văn trên dưới chỉ 520 chữ. Dân đen trải đời cộng sản ngạc nhiên “lạc xí quách”, trời đất ơi, quan chức cộng sản bắt chước ai ăn nói ngắn gọn, mạch lạc, không lê thê lết thếch, lệch thệt, lề thề... kiểu “bác ấy sống, sống nữa, sống mãi trong sự nghiệp cách mạng quang vinh vĩ đại của bác cháu ta”. Nói dài, nói dai, nói dại, nói tào lao là tật của người cộng sản vì ngoài bốn thứ ấy ra họ không biết nói gì. Lần đầu tiên một cán bự cộng sản diễn văn mà không nói đến “bác này, bác nọ”, không nói đến “CNXH”, “quá độ”... là điều hết sức mới. Lại nữa, chữ “đảng” chỉ được nhắc đến vỏn vẹn có một lần. Làm toán phần trăm, 1 trên 520 nhơn 1000, thì chưa tới 2 phần ngàn. Thiện tai, thiện tai...
Đời người cộng sản chỉ có hai điều không có đảng. Sáng mở mắt thức dậy đọc báo đảng, ăn sáng do đảng “chế độ”, xách cạp-dề đi làm cho đảng, ba hoa chích choè suốt 8 giờ vàng ngọc cũng vì đảng; tối về ăn nhậu xó nào cũng nhờ lộc đảng; tối về ôm vợ... phước lắm thay, cũng là đảng viên. Chỉ có khi được sinh ra là không phải từ hang pác-bó chảy ra và lúc xuống gặp Diêm Vương thì là đồ thiệt, không phải là người của đảng. Quẩn trí như Tố Hữu cũng chả dám tranh phần với Tạo Hóa, chỉ dám đẻ con, “khi chào đời con xùi bọt “xít-tà-lin”.
Diễn văn trước thềm năm mới là một động tác mà bất cứ lãnh đạo nào trên thế giới cũng đã, đang và sẽ làm. Phải phát biểu từ trái tim, từ tấm lòng thì mới khơi gợi được sự chia xẻ của mọi người, mọi lớp giữa giây khắc thiêng liêng của Trời Đất. Muốn nói dài, nói tào lao sẽ bị Ông Bà cắt lưỡi, có muốn cũng không được.
Đơn giản vậy thôi, Tư Sang có sáng lắm thì cũng... rứa thôi.
Nói sang phần “bác này, bác nọ”: 90 triệu con người Việt Nam đang nắm tay nhau bước sang năm 2014. Được như ngày hôm nay đầu tiên phải kể công Hai Bà Trưng Trắc Trưng Nhị, các Đại Tướng quân Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Nhắc đến già Rô, “bác này, bác nọ”, một kẻ làm xáo trộn lịch sử nước nhà gần một thế kỷ, một kẻ lai lịch vẫn còn trong vòng nghi vấn, không rõ gà hay cáo... trong giờ phút trọng đại này của muôn dân, có cho làm Tổng Bí Thư đảng cộng sản Trung Quốc, Tư Sang cũng chả dám. Sang chuyện “đảng”, chuyện của ngôi sao “sáng nhất trong muôn vì sao”. Ngôi sao ấy, tiếc thay, chỉ được chú Tư nhắc đến có một lần, mà có vẻ như “buộc lòng phải nhắc”. Ngôi sao ấy, trong giờ khắc linh thiêng này của dân tộc, “đang sáng”... “tự nhiên tối”, tối và cô đơn.
Cô đơn một cách lạnh lùng, tủi hỗ... cô đơn như tận cùng của nỗi cô đơn. Một bài diễn văn mị dân cò con của chú Tư chẳng đủ sức làm “tối” một ngôi sao. Theo phép biện chứng lòng thòng lẹo thẹo của Lú Đại gia thì “trên trời ai sáng bằng sao, nếu sao hết sáng thì ta... thắp đèn”. Nếu “đèn” đây là “hệ quả” biện chứng của sự kiện khách quan “sao hết sáng” thì kết quả tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng “thắp đèn”. Tiếc thay, vào giây khắc thiêng liêng này của lịch sử, sau gần một thế kỷ quan sát sự “sáng sao” của đảng, người ta chỉ có thể nhìn thấy khả năng “tắt đèn” kiểu Ngô Tất Tố hơn là khả năng “thắp đèn dầu A-la-đin” của đảng.
Âu cũng là số Trời, Tư Sang có ráng lắm thì cũng... rứa thôi.
Nhưng thư này là để gửi già Rô, kẻ còn nằm cong queo trong giá lạnh Ba Đình. Chắc chúc bác “Gong Hey Fat Choy” dễ hiểu hơn là “Chúc Mừng Năm Mới”? Tết năm nay là hơn 40 năm rồi “chúng nó” đông lạnh bác như người ta đông lạnh thịt heo.
Nghĩ cũng tội. Chẳng còn bao lâu nữa cũng chính lũ “chúng nó” ấy sẽ lấy mẫu da, mẫu tóc của lão để thử nghiệm DNA. Nếu cách đây 45 năm “chúng nó” chôn bác như lẽ thường tình của người Việt ta thì có lẽ muốn khám phá lão gia “made in China” hay “made in Chợ Lớn” chắc chắn cực kỳ khó khăn. Nhưng ý nguyện muốn “sống mãi” của bác đã làm hại bác. Các Cụ Hưng Đạo Vương, Lê Lợi, Quang Trung chả Bậc nào màng chuyện “trường thọ”, nhưng mỗi năm Tết đến con cháu Rồng Tiên đều dựng nêu, nấu bánh mời về chung vui với con cháu. Ấy là “sống mãi trong lòng dân tộc”. Tào lao như bác, muốn “sánh vai với Hưng Đạo Đại Vương”, có ý nguyện muốn “sống mãi”, xin thưa, ngày “sống mãi” ấy đã sắp tàn. Lẽ đời là vậy, “muốn ‘muôn năm’ sẽ được phần... năm mươi”; bác có muốn lắm thì cũng... rứa thôi!
Hẹn bác thư sau,