BBC: Công an VN "né" dự cà phê nhân quyền?
Cơ quan công an và an ninh Việt Nam đã không cử người tham dự chính thức một cuộc gặp gỡ 'Cà phê Nhân quyền' do Mạng lưới Blogger Việt Nam tổ chức và công khai ngỏ lời mời, tuy buổi thảo luận vẫn diễn ra ở Tp HCM, theo đại diện Ban tổ chức.
Hôm 01/3/2014, blogger Nguyễn Hoàng Vi nói với BBC mặc dù được mời nhưng Phòng Bảo vệ Chính trị 6 (hay PA67) và Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) đã không hồi đáp và cử đại diện tới sự cuộc gặp mặt của các bloggers mặc dù một số người mặc thường phục được coi là an ninh đã hiện diện trong một quán cà phê Starbucks ở Quận Nhất Tp HCM.
Blogger này cho hay có hai nhà báo Bắc Âu là các khách ngoại quốc đã tham dự cuộc thảo luận vốn quy tụ sự có mặt của nhiều bloggers bị cấm xuất cảnh, trong đó có các ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên và Tiến sỹ kinh tế, blogger Phạm Chí Dũng.
Blogger Hoàng Vi nói với BBC từ Sài Gòn: "Cuộc trao đổi diễn ra với sự vắng mặt của đại diện của phía PA67 và A72, tức là bên phía An ninh Bảo vệ Chính trị và bên phía Cục Quản lý xuất nhập cảnh,
"Tuy nhiên, buổi gặp mặt vẫn diễn ra và các bloggers vẫn trao đổi về quyền tự do đi lại và về những cái mà họ bị cấm xuất cảnh theo điều về an ninh quốc gia như vậy là đúng hay sai, và phân tích trên pháp lý là sai những điểm nào,
"Và sau đó mọi người đưa ra giải pháp để đòi lại quyền tự do đi lại cho những người đã bị cấm xuất cảnh."
Hôm thứ Bảy, blogger Nguyễn Hoàng Vi cũng cho BBC hay đã có một mức độ nhất định các nhân viên mà cô cho là thuộc cơ quan an ninh, tuyên giáo và Đoàn thanh niên cộng sản của Thành phố hiện diện để theo dõi cuộc gặp mặt cà phê nhân quyền.
Cô nói với BBC: "Phía an ninh thấy xuất hiện rất nhiều, từ phía lực lượng an ninh cũng như là Ban Tuyên giáo và Thành Đoàn Thành phố và lực lượng của họ chắc cũng phải tới 50 người."
"Họ cho người theo dõi và quay phim, khi có sự xuất hiện của phóng viên nước ngoài chụp hình và ghi lại phóng sự của ngày hôm nay thì họ đã nói chuyện với phía quản lý quán cà phê Starbucks là lại làm việc với chúng tôi và không cho phép chúng tôi chụp hình và quay phim tiếp tục ở trong quán nữa."
'Chỉ là bước đầu'
Cũng hôm 01/3, blogger Mẹ Nấm (tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), người từ Nha Trang tới Sài Gòn tham dự điều hành cuộc tọa đàm "cà phê nhân quyền" cho BBC hay sự kiện chỉ là một trong các sự kiện về vận động, đấu tranh cho nhân quyền mà Mạng lưới Blogger Việt Nam sẽ thực hiện.
Blogger Mẹ Nấm nói: "Cà phê nhân quyền hôm nay là bước đầu, mà chúng tôi dự định sẽ tổ chức một chuỗi cà phê thảo luận về các quyền con người đang bị vi phạm và tình trạng vi phạm nhân quyền,
"Cũng như sẽ đưa ra các thảo luận, các giải pháp và các đề đạt cũng như kiến nghị hay yêu cầu gì đó, tùy tình huống đối với nhà nước."
Nhân dịp này, blogger Mẹ Nấm cũng cho hay về tình hình hoạt động của Mạng lưới Blogger Việt Nam, từ góc độ được cho là những thách thức mà tổ chức xã hội nhân sự này đương đầu từ khi thành lập gần đây.
"Cái trở ngại lớn nhất là một số thành viên mạng lưới bloggers đã bị cấm xuất cảnh, và các thành viên đi tham dự phiên UPR (Kiểm định Phổ quát Định kỳ về Nhân quyền) như là anh Bùi Tuấn Lâm trở về cũng bị cấm xuất cảnh và cũng bị tịch thu hộ chiếu,
"Thì đó là những trở ngại lớn nhất có thể thấy, một số thành viên khác bị quấy phá và bị đe dọa, hành hung, nhưng việc đó so với những việc chung của tất cả các anh chị khác thì tôi nghĩ nó chỉ kể thêm một phần nào đó tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thôi."
Về vấn đề Mạng lưới phải đương đầu với các cuộc "bút chiến" hay công kích của lực lượng dư luận viên của Chính quyền, blogger Mẹ Nấm nhận xét:
"Tôi nhận thấy rằng lý luận của các dư luận viên thường đánh phá cá nhân, tích là bới móc đời tư, không tranh luận vào luận điểm, cá nhân tôi, tôi luôn mở trang Facebook cho các bạn dư luận viên vào, nhưng có những nguyên tắc mình phải tuân thủ đó là mình phải tuân thủ lẫn nhau, nói lý lẽ chứ không mạt sát, không khích bác,
"Và như trong các cuộc tranh luận như vậy thì các dư luận viên đều tự động biến mất, bởi vì cái lý lẽ mà họ sử dụng thì thường để khích bác cá nhân, và nó chỉ có một lối lý luận chung là tất cả những người đấu tranh cho dân chủ là 'vì tiền', 'vì quyền lợi',
"Thì tôi nghĩ rằng cái lý luận này, sau khi được đối thoại công khai trong tinh thần dân chủ và tôn trọng lẫn nhau từ phía các bloggers thì các dư luận viên đuối lý và biến mất."
'Sẽ không dừng lại'
Các ý kiến tại cuộc gặp mặt đã thống nhất sẽ 'đấu tranh tới cùng' để bảo vệ quyền tự do đi lại của công dân. |
Hôm thứ Bảy, tại sự kiện cà phê nhân quyền ở Sài Gòn, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người bị cấm xuất cảnh đi Mỹ lần gần nhất, được đại diện Ban tổ chức trích lời nói đã nêu quan điểm như sau:
"Theo luật, người cấm xuất cảnh là Bộ trưởng Bộ Công an, và đến giờ phút này tất cả các biên bản và thông báo nhận được rất mơ hồ là không biết ai là người cấm xuất cảnh...,
"Đó là một hình thức mập mờ, và nhiệm vụ của những người bị cấm xuất cảnh là phải đoàn kết, làm rõ vấn đề này để có thêm bằng chứng pháp lý," ông Chênh được dẫn lời nói.
Về phần mình, Tiến sỹ kinh tế, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, người bị cấm xuất cảnh tới Thụy Sỹ trong dịp diễn ra cuộc Kiểm định Phổ quát Định kỳ về Nhân quyền 2014, cũng đã nêu quan điểm tại cuộc tọa đàm dân sự, ý kiến của ông được đại diện Ban tổ chức, blogger Mẹ Nấm tóm lược nói:
"Anh Phạm Chí Dũng ủng hộ việc khởi kiện ra tòa và đưa tình trạng nhân quyền và việc cấm xuất cảnh này ra với quốc tế bằng các hình thức khởi kiện...
"Và để cải thiện tình thì phải chấm dứt ngay tình trạng này, và nếu không chấm dứt, thì buộc các bloggers phải có những hành động cụ thể hơn là khởi kiện, hoặc đưa vụ này bằng nhiều cách mà chúng tôi đang nghiên cứu."
Khi được hỏi, còn có ý kiến nào đáng chú ý nào khác được đưa ra trong cuộc mạn đàm nhân quyền, blogger Mẹ Nấm nói:
"Cái ý kiến theo tôi đáng chú ý nhất là sự đồng lòng của các bloggers có mặt là chúng tôi sẽ không dừng lại mà chúng tôi sẽ tiếp tục làm nhiều hình thức, nhiều biện pháp để đòi cho bằng được quyền tự do đi lại của mình, thì tất cả thống nhất với nhau như vậy," blogger và nhà hoạt động từ Nha Trang nói với BBC.
*
RFA: Cà phê nhân quyền
Mặc Lâm (RFA) - Vào lúc 9 giờ sáng ngày hôm nay, thứ Bảy 1 tháng 3 năm 2014 đúng như đã thông báo trước đó của mạng lưới blogger Việt Nam, khoảng 30 người từng bị công an xuất nhập cảnh Việt Nam cấm không cho xuất cảnh trước đây đã tập trung tại cà phê Starbucks gần khách sạn New World nằm ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh để bàn luận các biện pháp nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại của công dân đã quy định trong hiến pháp.
Buổi thảo luận được thông báo công khai và lần đầu tiên chính thức mời đại diện An ninh thành phố (PA 67) và Cục quản lý xuất nhập cảnh (PA72) nhưng cả hai đơn vị này đều không có mặt.
Blogger Huỳnh Công Thuận, một thành viên thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam và cũng là người bị cấm xuất cảnh một cách vô cớ trước đây cho biết:
“Buổi thảo luận này là bàn về quyền đi lại của công dân. Trong này rất nhiều người bị cấm xuất cảnh mà không thông báo hay cho biết trước cho tới khi đến phi trường thì mới bị chặn vừa mất tiền vừa bị chặn. Gần như không có nơi nào trả lời hết. Chúng tôi có mời cán bộ công an, an ninh để trả lời cho chúng tôi. Chúng tôi đưa giấy mời trực tiếp mời tay vào ngày hôm qua chứ không phải mời trên mạng. Chúng tôi gửi hai giấy mời chính thức tận tay Phòng Xuất nhập cảnh thành phố Hồ Chí Minh nhưng các anh ấy không đến nên chúng tôi dành hai ghế trống đàng hoàng nhưng không ai ngồi.”
Theo anh Thuận thì buổi thảo luận hôm nay đã được thông báo rộng rãi cho mọi người và nhóm cũng mời hai phóng viên ngoại quốc tham gia nhằm chia sẻ thông tin của nhóm:
Các Blogger và các phóng viên nước ngoài tại cà phê Starbucks gần khách sạn New World, TPHCM trong buổi thảo luận các biện pháp nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại của công dân đã quy định trong hiến pháp vào sáng ngày 1/3/2014. Courtesy MBVN.
“Trong đó có hai phóng viên là người ngoại quốc một người là Phần Lan còn người kia là Thụy Điển tới tham gia buổi họp. Anh em thì đa số ở Sài Gòn có Mẹ Nấm là ở Nha Trang vô thôi. Anh em Sài gòn có mặt gần hết chúng tôi tổng cộng khoảng 30 người, an ninh cũng cỡ đó ngồi vòng vòng chung quanh theo dõi chúng tôi.”
Theo tiết lộ của blogger Huỳnh Công Thuận thì ngoài việc ra một bản thông báo về cuộc thảo luận, sẽ đưa đơn khiếu nại lên cấp chính phủ và nghiên cứu để đi đến việc kiện Việt Nam trước tòa án quốc tế vì đã vi phạm quyền tự do đi lại của công dân:
“Đang kiếm đường để kiện ra tòa án quốc tế. Phải nhờ phóng viên nước ngoài hay người am tường pháp luật người ta làm việc này chứ còn ở đây chúng tôi khiếu nại liên tục nhưng cứ đá qua đá lại vòng qua vòng lại nó không ra gì hết. Rõ ràng là có sai phạm và chúng tôi yêu cầu công an tuân thủ pháp luật do chính nhà cầm quyền này đưa ra.”
Có thể nói những người blogger Việt Nam đã chọn được một nơi rất tốt để tập trung đông người mà không bị đàn áp khi bàn luận một vấn đề mà nhà cầm quyền không bao giờ chấp nhận:
“Tại vì đây là một quán cà phê thuộc hàng top ten của Sài Gòn nên rất khó dùng vũ lực như ngoài đường ngoài xá lắm.”
Tập trung tại một quán cà phê nổi tiếng ở trung tâm thành phố được xem là sự sáng tạo của những blogger Việt Nam để thoát ra vòng kềm tỏa của công an Việt Nam.