Niềm hứng khởi cuối đời của mình đang bay bỗng giữa trời bỗng... “xì hơi”! - Dân Làm Báo

Niềm hứng khởi cuối đời của mình đang bay bỗng giữa trời bỗng... “xì hơi”!

Nhạc sĩ Tô Hải - Thú thiệt là: Đã cả một tuần cân lên, đặt xuống, cuối cùng mình đã rắp tâm làm một chuyện hiếm thấy trên đời của một lão già “thiều quang chín chục đã gần 90”!, Đó là “âm mưu” làm một chuyện bước ra sân khấu “văn nghệ không cộng sản” với niềm tin sẽ thành công ở cái thời “Giá trị hỗn mang, dở- hay đảo ngược” này! 

Niềm hứng khởi này có được từ khi đọc thông báo do nhà văn Phạm Đình Trọng viết trên facebook là: ngày 14/2/2014, tại Sài-Gòn, một số các nhà văn khả kính, thậm chí bạn bè thân thiết, cùng chí hướng với mình chủ trương thành lập một Văn Đoàn Tự Do... Thế là mình bỗng như trẻ lại:

1-Phen này mấy thằng “quan văn nghệ” hạng bét ở cái đất Xè-Gòn này sẽ tức tối rồi phát tăng xông lên mà chết!... (dù đều là loại đàn em, học trò của mình khi mình là hội viên sáng lập ra mấy cái hội mà chúng nó đang bám lấy để tồn tại bám vào cái vú bao cấp ngày càng được bơm đầy của đảng chúng nó)

2- Mình đã nhờ bà xã đi chụp lại tất cả những gì đã là văn học, là dịch thuật của mình đã xuất bản trong và nước ngoài để chúng nó thấy rằng:

- Cả cái Ban chấp hành của chúng nó chưa chắc đã có được những đầu sách (toàn nhờ vào nhà xuất bản “nhà nước” là chính!) đã xuất bản bằng năng lực của chính mình, đề tên tác giả, dịch giả bằng những cái tên cháu đích tôn của mình Tô Hải Anh, (*) các bài báo, tiểu luận tham luận về văn học nghệ thuật của mình dưới cái trên Kính Viễn Vọng, TH, Hải Anh... đã mang đến một giải thưởng về báo chí... Bên cạnh những truyện dịch (về văn học) như: “Bug Jargual, người nô lệ da đen”, của V. Hugo, “Tên Mẽo” của R. Borniche, “Trả giá cho một đêm vui” của J. H. Chase, “Khúc ca tang lễ cho một người Dzigan” của Ch. Exbrayat, “Kẻ giấu mặt” của M. Adams v.v... và v.v... và những sách dịch (về chuyên môn) dành cho Đại Học Âm Nhạc (như “Những vấn đề về phối dàn nhạc” của M. Goléminoff)...

Mình đã cho chụp hình tất cả các bìa sách trên đây mà mình vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay cùng là các thứ “thẻ hội viên” của đủ thứ Hội... với các thứ chữ ký của các vị trưởng thượng Nguyễn xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Huy Du, Dương Ngọc Đúc, Trọng Khôi... và... hơn 700 bài báo đã được đóng thành sách...

Tất cả chỉ để mong được có một chỗ đứng chung với các nhà văn “tự do” mà mình ngưỡng mộ trước hết ở tinh thần “không chịu sự lãnh đạo” của bất cứ một cái đảng chính trị nào, nhất là những kẻ dẫn đường chỉ lối lại là những kẻ coi văn nghệ chỉ là một thứ... "vũ khí đấu tranh giai cấp” chuyên làm công cụ phục vụ cho ý đồ của một số người!

Và mình nóng lòng chờ để một ngày nào đó (chắc gần đến đây thôi) khi “về cõi”, vợ mình sẽ đăng “cáo phó có trả tiền”:

Tô-Hải, nguyên nhạc sỹ, nguyên Hội Viên Hội... A, B, C đã bị Hội Âm Nhạc thành phố mang tên Cụ khai trừ không tuyên bố, 

Nay là Hội Viên của Văn Đoàn Tự Do... đã từ trần ngày...

Ít nhất cái thành phố với cả đống Hội này, Hội nọ ngang với Trung Ương, bọn quan nhãi nhép cũng phải... tức hộc máu mồm vì muốn giết hẳn cái danh vị nghệ sĩ của mình mà không được...

Và mình đã sẵn sàng...

Nào ngờ... sau 20 chờ đợi, sáng nay 4/3/2014 khi lên mạng thấy cái đầu để to đùng "Tuyên bố thành lập Văn Đoàn độc lập Việt Nam" trên các trang Anh Ba sàm, Bô-Xít, thì mình mừng rơn lao đầu vào đọc, đọc đi, đọc lại, đọc cả bản tiếng Anh (xem có đến nỗi tệ như bản dịch đĩa hát chào mừng 1. 000 năm Thăng Long của cái Hội táp nham âm nhạc Xè-Gòn không!?) và theo dõi 61 cái tên “lừng danh” (một thời) để rồi... thất vọng tràn trề với chính mình, và tự phê mình theo đường lối TW 4 là:

Một lần nữa mình đã tự đánh giá mình... sai bét khi tự thấy qua bản tuyên bố thành lập Văn Đoàn này còn lâu họ mới có thể kết nạp “cái lão nhà văn-dịch- thật” như mình được!

Vì y ta:

1- Văn phong bỗ bã, thẳng ruột ngựa, thiếu “tế nhị”, thiếu “chiến thuật chiến lược”... “thiếu khéo léo trong đấu tranh” nên dễ gây... đối kháng với Đảng-Nhà Nước, rất nguy hiểm cho tập thể!

2- Có quá trình viết lách thiếu khôn khéo, đánh thẳng vào những tổ chức, phản biện cả những người đồng chí hướng nhưng chọn phương pháp đấu tranh khác mình, y rõ ràng đã mắc bệnh “thoái hóa”, “tự diễn biến” thậm chí “phản động” quá cỡ thợ mộc để có thể đứng chung hàng ngũ của những người làm văn học tự do nhưng rất biết chính trị, ngoại giao... có sách lược chiến thuật đấu tranh lâu dài biện chứng và khoa học! (*)

Cứ đọc thử lời mở đầu rất chi là... “lịch sự” này mà coi văn phong đúng là không dính gì đến văn phong mình cả:

... Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc...

Các nhà văn trù bị cho cái Văn Đoàn Tự Do mới thành lập mang lại cho mình niềm hứng khởi cuối đời.

Những tưởng rằng các nhà... “trù bị Văn Đoàn” này sẽ lên án cả một quá trình nửa thế kỷ diệt tan mọi tác phẩm và con người của một thời Hoàng Kim của Văn học nghệ thuật Việt Nam (1930 đến 1945) bằng tội ác đốt sách, bỏ tù những ai theo đường lối văn nghệ của Tự Lực Văn Đoàn, của những Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... để đến nỗi bây giờ, dưới sự lãnh đạo của đoảng chỉ còn lại một “mớ táp nham không có một xu giá trị nghệ thuật” mà ngay một nhà văn giải thưởng Hồ Chí Minh như Nguyễn Khải cũng phải viết ra những lời bộc trực cay đắng: “Giải thưởng HCM là một tấm bia sang trọng cắm lên nấm mồ của một sự nghiệp văn học đã đến hồi kết thúc”

Nhưng không!

Sau cái mở đầu có vẻ có trách nhiệm đó thì các vị trù bị lại làm đúng nghị quyết 4 để... tự kiểm điểm trước tiên như sau:

... Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình. Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo... (???)

Đọc mãi và tìm mỏi mắt vẫn:

- không có một chữ nào lên án ai? đường lối nào, nghị quyết nào đã “chuyên chính vô sản” tư tưởng tình cảm con người, 

- không có một chữ nào nêu tên ai đã chỉ đạo cả ăn, ở, yêu, ghét, theo đúng lập trường đảng bảo là phải yêu, phải ghét, 

- không có một chữ nào nêu tên ai đã cầm tù không án nhà văn, cấm nhà văn cầm bút, cấm phổ biến tác phẩm,...


và ai, cho đến nay vẫn đã thà chết chứ không bỏ quyền lãnh đạo toàn diện cái mặt trận tư tưởng này! Một chữ cũng không (!?)

Nghĩa là rất “có võ”, tránh hết mọi động chạm đến những bộ máy chuyên chính văn nghệ, những cá nhân vua, quan, thượng thư... đã cấm chỉ báo chí, cấm xuất bản tự do, đã bỏ tù những ai viết sai đường lối của bất cứ một anh chị, cha căng, chú kiếc nào đó được giao chăn dắt lữ “trí thức khó bảo nhất” trong xã hội bầy đàn này!

Những câu phê phán về nguyên nhân của một nền văn học đang đi xuống hố chỉ là:

...Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng. Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn...

RỒI HẾT!

Thế là, cuối cùng mình đành tự nhận thấy: Đây vẫn không phải là cái tổ chức mà mình có thể trông chờ gì lúc cuối đời vì cái tính chất:

- Quá sang trọng trong chữ nghĩa của nó.

- Vẫn mập mờ trong đường lối.

- Vẫn nửa vời trong tranh đấu cho một nền văn học không cộng sản hay nói trắng ra rằng cái tổ chức này nó chẳng hề “phi cộng sản hóa” nền văn học mà chỉ là cùng nhau tồn tại mà thôi!

Bằng chứng: ông Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Văn Học Hà Nội, một thành viên trong Ban Trù Bị của Văn Đoàn Tự Do, đã trả lời BBC ngay 3/3/2013 rằng thì là:

"Văn đoàn Độc lập không có ý định 'đối lập' với các tổ chức, hiệp hội đang tồn tại ở Việt Nam như Hội nhà văn Việt Nam, Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật, tuy nhiên ông Nguyên cho rằng sẽ có một độ cạnh tranh nhất định..., 
... Chứ không phải mục đích là lập ra hội này để đối lập với hội kia, để cạnh tranh, thì điều đó, bản thân sự thành lập cũng đã có cái khác rồi..."

Nói trắng ra là ai vào Văn Đoàn này vẫn có thể sống và... ăn lương của các Hội-Nhà-Nước được! Viết theo yêu cầu của ông Hữu Thỉnh, theo “gu” anh Thế Huynh và viết đưa cho nhà xuất bản “Giấy Vụn” Bùi Chát xuất bản chui thì cứ... Tự Do!

Đọc qua danh sách 61 người đứng tên đầu tiên, mình đã thấy ít nhất 2/3 quá tuổi sờ-ven, một số “thà chết vẫn giữ nguyên vẹn thẻ Đảng”... Rồi đối chiếu với bản thân thì thấy: Mình không thể nào là một nhà văn “tự do nửa mùa”, “bất đắc dĩ” hoặc “suy thoái nửa vời” ở những ngày cuối đời được!

Mang danh hội viên sáng lập ra mấy thứ hội (còn sót lại đúng có 2 người là Ng. V. Tý và T-H) mà cuối cùng bị "Hội Âm (Bạc) Nhạc" khai trừ không kèn không trống, cho nên mới mong mỏi vào Văn Đoàn Tự Do để khỏi bơ vơ chẳng ở trong Hội nào khi... "về cõi"... thế nhưng rồi vẫn không thành!

Cho nên, mình đành rút lui và nhân thể gửi lại các bạn trẻ mới làm quen với blog của mình một trong nhiều bài viết của mình lên án cái tổ chức Hội Hè Văn nghệ, văn nghẽo của Đảng từ nhiều năm qua để các bạn thấy:

Sự rút lui không xin vô Văn Đoàn Tự Do của mình là... biết mình, biết ta chứ chẳng có động cơ, động quan quái gì ở cái thời thế đã-không-ủng-hộ-mình này cả!

Mình cũng xin lỗi các bạn thân mình về sự “cứng đầu” không thể (và không dám) cùng chung một “véc-tơ phát triển” với các vị “đấu tranh có bài bản”, “khoa học”, “biện chứng” “lịch sự”, “khéo léo” trong tranh đấu, “dùng vũ khí của nó để đánh nó”... một lần nữa bởi theo mình:

KHÔNG CÓ ĐẤT SỐNG CHO BẤT CỨ MỘT THỨ CHÂN THIỆN MỸ ĐÍCH THỰC NÀO KHI CÁI ĐIỀU 4 TRONG HIẾN PHÁP VẪN NGỰ TRỊ TRÊN CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁI ĐẦU CỦA MỘT SỐ NGƯỜI COI VĂN NGHỆ SỸ LÀ NHỮNG LOẠI NGƯỜI PHỨC TẠP CẦN PHẢI CHĂN DẮT KHÔNG LƠ LÀ!

(*) Một trong những bài viết của mình về các Hội văn nghệ rất thiếu khôn ngoan từ cách đây 4 năm: Tuần ký số 42: CHẤM GIẢI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HÀNG NĂM? VIỆC LÀM… LIỀU CỦA NHỮNG KẺ… HÚP LỬA

- Mời bạn đọc thêm: TÁI CƠ CẤU THIẾT CHẾ VĂN NGHỆ: NHIỆM VỤ KHẢ THI - bài của Lại Nguyên Ân - Tham luận tại hội thảo “Tiếp cận khoa học-thực tiễn đối với Cương lĩnh của Đảng về phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam” do trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, 25/02/2014.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo