Theo thầy Đinh Đăng Định về quê - Dân Làm Báo

Theo thầy Đinh Đăng Định về quê


Mana Khanh, VRNs (18.03.2014) – Đăk Nông – Sáng ngày 16.03.2014 theo ý nguyện của Thầy Đinh Đăng Định, gia đình đã quyết định đưa Thầy về quê nhà ở Đăk Nông để Thầy sống nốt những ngày tháng cuối đời với xóm làng và căn nhà gỗ thân yêu, để Thầy được vợ con chăm sóc, yêu thương.

Con hẻm dài chừng 200m dẫn tới phòng trọ nơi thầy ở, gần bệnh viện Ung Bươu trên đường Nguyễn Văn Đậu quận Bình Thạnh. Giữa con hẻm là một quán cóc bán trà đá, mọi người ngồi đó nói chuyện rất rôm rả, nhưng khi chúng tôi [ba thành viên của VRNs] vừa tới gần thì họ bắt đầu thay đổi trạng thái cơ thể, tất cả đều im lặng và họ nhìn chúng tôi với một ánh mắt không bình thường. Chúng tôi nhận ra đây là mấy anh an ninh đang làm nhiệm vụ rình rập người dân. Khi chúng tôi đi sâu vào phía cuối hẻm nơi Thầy Đinh Đăng Định đang ở trọ, một anh chạy theo chúng tôi.

Anh chủ nhà trọ hình như đã biết tình hình. Anh nói với chúng tôi: “các anh cứ vô nhà đi, để tôi đóng cửa”. Liền sau đó, bé Thảo, con gái lớn của Thầy Đinh Đăng Định ra đón chúng tôi và dẫn ba anh em vào phòng Thầy.

Khi vừa bước vào phòng, chúng tôi thấy Thầy vẫn nằm trên giường. Cô Dinh – người phụ nữ, một nửa cuộc đời của Thầy – đang ngồi nắn tay chân cho Thầy. Chiếc giường bên cạnh có bé An, con gái thứ hai của Thầy và ba em sinh viên bạn học của bé An, chắc cả đêm thức lo cho Bố và có thể bé sắp phải chia tay để bố về với vùng quê nơi bố sinh sống, còn các em phải tới trường học. Mắt bé An ươm ướm đỏ còn ba em sinh viên kia thì khuôn mặt đầy u buồn, vì các em cùng đồng cảm với bạn của mình khi sắp phải chia tay người Bố thân thương.

Tôi khẽ cúi đầu chào Thầy và Cô. Thầy chỉ chúng tôi ngồi xuống chiếc giường bên cạnh. Tôi hỏi Thầy: “Thầy ơi đêm qua thầy có ngủ được không? Thầy chưa kịp trả lời thì Cô trả lời giúp Thầy: “Đêm qua Anh không ngủ được nhiều”. Sau đó mọi người muốn xua tan không khí, một anh trong nhóm hỏi Cô: “những đồ dùng này tụi con chuyển xuống xe trước nhé?” Thế là mỗi người một túi đồ chuyển ra cửa phòng trọ chờ xe cấp cứu đến.

Thầy không còn sức để tự đi được, hai anh tiến tới định cùng dìu Thầy đi, nhưng một anh khi vừa khoác vào người Thầy anh cảm thấy Thầy nhẹ quá anh liền bế Thầy một cách nhẹ nhàng ra xe.

Chuyến xe khởi hành lúc 7h20 phút, từ một phòng trọ trên đường Nguyễn Văn Đậu. Trước lúc xe lăn bánh, bé An khóc rất nhiều. Em vừa nói vừa khóc: “Bố về Bố giữ sức khỏe nhé, con yêu Bố và nhớ Bố nhiều lắm”. Nghe những lời từ bé An nói với Thầy, tôi cũng rưng rưng nước mắt.

Cùng trên đường về nhà Thầy buổi sáng nay còn có ba người bạn của Thầy đi trên một xe khác. Chiếc xe cấp cứu cứ dần dần xa Sàigòn. Con đường từ Sàigòn tới hết đất Bình Dương rất tốt, nhưng khi vào đất của tỉnh Bình Phước thì đường bắt đầu xấu đi.

Tình trạng sức khỏe của Thầy không ổn. Thầy rất mệt, trên xe Thầy nôn ra rất nhiều, thứ Thầy nôn ra có mầu nâu đen, về cuối đoạn đường, Thầy kêu khó chịu nhiều lần, mỗi lần như vậy Thầy lại nôn nhiều hơn và cùng với những chất nhầy đó có cả máu đỏ tươi. Chiếc xe cấp cứu phải dừng lại dọc đường hai lần để Thầy nghỉ ngơi. Càng tiến về tỉnh Đăk Nông đường càng xấu đi, chiếc xe cấp cứu được ưu tiên mà hình như chỉ chạy được 5 km/h. Mọi người trên xe than phiền về con đường xấu này. Thầy rất mệt nhưng vẫn cố nói những tiếng nhẹ: ”Đường này là do xe chở bauxite tàn phá. Con đường này chỉ cho phép xe 20 tới 30 tấn chạy mà chúng nó chở bauxite lên cả 100 tấn thì đường nào chịu nổi”.

Thầy vẫn còn nhiều trăn trở về các dự án bauxite mà chính Thầy và các trí thức ở khắp cả nước đã lên tiếng cảnh báo trước về hậu quả của việc khai thác bauxite này. Một dự án không có lợi mà toàn có hại.

Cuối cùng chiếc xe cũng bò được về tới Đăk Nông sau 5h đi đường. Bé Thảo, con gái lớn của Thầy nói tài xế dừng lại: “đây nhà em đây rồi”. Căn nhà bằng gỗ hoàn toàn, nhà ghi số 214 đường Nơ Trang Long, khối 4 trị trấn Kiến Đức, huyện Đăk R’Lấp, Tỉnh Đắk Nông.


Căn nhà ván của thầy Đinh Đăng Định, tù nhân lương tâm, đang bị ung thư giai đoạn cuối – Anh Đức Hiệp

Mọi người đưa Thầy vào nhà, tôi quan sát bốn xung quanh chỉ được ghép bằng những tấm gỗ, còn bên trên được lợp bằng những lá tôn. Trong nhà Thầy có một chiếc tivi từ thời xa xưa lắm rồi, và hai chiếc giường, một chiếc quạt máy, một tấm bảng dạy học. Ngoài ra không có gì đáng giá. Từ trong nhà có thể nhìn ra ngoài thông qua những khe hở của những tấm gỗ đã cũ và mục. Ngôi nhà đã lâu không có người ở chỉ có duy nhất một chú mèo trắng, khi thấy Thầy về chú mèo mừng rỡ vì đã nhiều ngày không được ai chăm sóc và đã lâu không được gặp chủ. Chú mèo quấn vào người Thầy.

Thầy giáo bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định, 51 tuổi, bị kết án 6 năm tù theo điều 88 bộ luật hình sự, vào tháng 8 năm 2012, vì Thầy đã công khai lên tiếng phản đối các dự án bauxite ở Tây Nguyên, và kêu gọi đa nguyên đa đảng cho Việt Nam. Ngày 21.11.2012 Tòa án Phúc Thẩm phán quyết y án 6 năm tù theo bản án Sơ Thẩm cho nhà giáo Đinh Đăng Định.

Trong thời gian ở trại giam Thầy giáo Đinh Đăng Định đã nhiều lần bị biệt giam. Thầy cho biết, khi ở biệt giam họ cho tôi ăn và uống những thứ nước nặng mùi nước tiểu. Với kiến thức của một giáo viên dạy hóa học, thầy cảm thấy rõ có chất sunphát trong đó. Một thời gian sau, thầy phát bệnh ung thư.

Tháng 9.2013, đang thụ án 6 năm tù ở trại giam An Phước, thuộc tỉnh Bình Dương, Thầy giáo Đinh Đăng Định phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện 30 tháng 4 ở Sài Gòn. Trong những ngày điều trị bệnh tại bệnh viện này, mặc dù tình hình sức khỏe của Thầy rất yếu và nguy kịch, nhưng ngày 8.11.2013 Thầy vẫn bị đưa về lại trại giam. Do trong trại giam không chăm sóc và cung cấp thuốc chữa trị cho bệnh tình của Thầy, đã làm cho bệnh tình của Thầy thêm trầm trọng.

Đầu tháng 10.2013, gia đình đã nhiều lần làm đơn đề nghị nhà cầm quyền miễn hình phạt tù cho Thầy Định Đăng Định, đang ở trong tình trạng bệnh tật rất hiểm nghèo, nhưng đơn đề nghị của gia đình không được nhà cầm quyền chấp thuận.

Ngày 15.02.2014 khi bệnh tình của Thầy Đinh Đăng Đình đã không còn có thể chữa trị được nữa, nhà cầm quyền mới hoãn thi hành án cho Thầy. Thầy Định đang bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Y tá đi cùng xe cấp cứu truyền nước cho Thầy nhưng phải mất rất lâu mới thực hiện được, anh y tá nói: “Ven của chú khó lấy quá, có những cái nổi lên nhưng đã cứng hết rồi, còn những cái khác gần như nó lặn hết rồi”. Một hồi lâu sau mới lấy được ven để tiếp nước và đạm cho Thầy.


Khi tôi hỏi: “Thầy có vui khi về nhà không?” Thầy trả lời: “Vui lắm! Có mệt nhưng rất là vui vì được về với ngôi nhà của mình, về với xóm làng”. Chung với niềm vui của Thầy, bé Thảo cũng nói lên suy nghĩ của mình: “Bố em bệnh nặng rồi, nhưng dù chỉ còn 10% hay 1% em vẫn hy vọng và luôn mong muốn có một phép mầu đến với Bố em”.

Khi Thầy về tới nhà có hai người phụ nữ lạ chạy qua thăm Thầy. Tôi hỏi chị: “Chị là hàng xóm hay người nhà của Thầy? Một chị trả lời: “Hàng xóm, thấy anh lâu quá không về, hôm nay thấy xe cấp cứu đưa anh về tôi chạy qua hỏi thăm”.

Ngôi nhà đã lâu không có người ở, mọi thứ gần như đã bị bỏ hoang, ở một góc bếp những viên than đen cũng bạc mầu và chiếc kiềng đun nấu màng nhện bám đầy. Nhà thầy vẫn đun bằng bếp củi. Cuốc sống của thầy trước đây vẫn rất vất vả, nhưng tấm lòng yêu nước, trăn trở về quê hương và yêu nghề dạy học thì vẫn đầy ắp.


Sau khi mọi sự đã tạm ổn, thầy đã yên vị trong chiếc giường quen cũ của nhà, chúng tôi phải ra về. Khi ra về mà lòng chúng tôi vẫn luôn nghĩ về Thầy, nghĩ về câu nói của Thầy: “Yêu nước không phải là độc quyền, quyền yêu nước không phải chỉ có nhà nước và mấy ông lãnh đạo, mà quyền yêu nước là của toàn dân”.

Mana Khanh, VRNs


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo