S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Giữa những đêm khuya nơi xứ lạ – đôi lúc – tôi vẫn nghe có tiếng kêu thất thanh, hay hốt hoảng vọng đến từ đất nước của mình. Lần này, may quá, chỉ là tiếng la làng (hơi) đùa cợt của một nhà văn, ông Nguyễn Quang Lập:
Không ổn rồi anh Tư ơi!
... mình quá ngạc nhiên khi Chép sử Việt "bật mí": Thông báo số 319-TB/TW ngày 1/4/2010 Kết luận của Ban Bí thư do đồng chí Trương Tấn Sang ký về việc tổ chức “Ngày âm nhạc Việt Nam”. Trong Thông báo có đoạn:
...Đồng ý lấy ngày 03 tháng 9 hàng năm, ngày Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài ca “Kết đoàn” tại công viên Bách Thảo, Hà Nội (1960) là Ngày âm nhạc Việt Nam…
Thế này không ổn đâu anh Tư ơi!
Tại sao lấy ngày Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài hát của Tàu làm "Ngày âm nhạc Việt Nam"? Chúng ta có thể mượn nhạc Tàu làm bài hát của ta. Có thể lấy ngày Bác chỉ huy dân chúng hát bài Kết đoàn làm ngày Toàn quốc đoàn kết chứ không thể lấy ngày phổ biến nhạc Tàu làm "Ngày âm nhạc Việt Nam", nó vừa sai vừa lố anh Tư à.
Anh Tư ơi nghĩ lại đi!
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Ảnh: PL TPHCM Online
Nhìn vần trán ngắn của bác Sang, dù không phải là thầy tướng, tôi cũng đoán được ông không phải là người (vốn) hay suy nghĩ. Nghĩ đi đã không mấy khi, còn mong chi đến chuyện “anh Tư nghĩ lại.” Thôi thì cứ lấy đại cái ngày mà Đảng và Nhà Nước ra nghị định, nghị quyết hay sắc lệnh (gì đó) cho giăng loa khắp miền Bắc – hồi giữa thế kỷ trước – làm ngày “Âm Nhạc Việt Nam” cho nó xong đi. Nhạc của ta (chủ yếu) phát từ loa ra, chớ còn chỗ nào khác nữa?
Nghe lại thử xem: Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững. Mà sắt với gan còn kém bền vững. Chúng ta thề phá tan quân thù, thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động. Ta đập tan hoang... Coi: sắt thép, hung hăng, hùng hục, hùng hổ... tới cỡ đó thì có cái gì thích hợp hơn – ngoài hệ thống loa phường?
Ở một mức độ khác, dù nghe ít sắt máu và nhẹ nhàng hơn (chút xíu) âm nhạc cách mạng cũng chỉ chuyên chở một thứ tình cảm rất không bình thường và có lẽ cũng chỉ thích hợp với hệ thống loa phường thôi – theo như ghi nhận của nhạc sĩ Lê Dinh:
Chỉ một mình nhạc sĩ Thuận Yến thôi mà cũng có đến 26 bài ca ngợi bác Hồ. Ngoài ra còn có những Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Vân An, Trần Hoàn, Lưu Cầu,Trọng Loan, Phong Nhã, Huy Thục, Lê Lôi, Chu Minh v.v… Nội cái áo của bác và đôi dép của bác thôi mà cũng có đến 5 bài hát nói về áo và dép này.
Đó là chưa kể đến râu tóc, vớ giầy, chăn chiếu, hay thắt lưng ... của Bác. Những vật dụng cá nhân này mà xồng xộc mang vào phòng riêng của dân chúng coi sao cho tiện, mấy cha? Thôi cứ để ngoài phường đi, cho nó đỡ kỳ.
Những chiếc loa bị hỏng và dây điện bị người dân "liều mình" cắt đứt.
Sức chịu đựng của con người, cũng như của hệ thống loa phường – tất nhiên – đều có hạn. Bởi vậy, gần đây có hiện tượng dân Hà Nội “liều mình”cắt dây điện nối loa và (cùng lúc) họ đâm ra say mê nhạc ... sến – theo như lời phàn nàn của giáo sư âm nhạc Đặng Hữu Phúc:
“Hồi cuối tháng 8 vừa qua, show diễn hát theo yêu cầu của họ ở Nhà Hát Lớn giá 1 triệu rưỡi đến 1 triệu 7 cho 1 vé. Biểu diễn hàng nửa tháng trời mà vẫn kín chỗ, không có vé mà mua. Mà hình như họ ăn khách Thủ đô đến ngỡ ngàng, vượt cả sự tưởng tượng của chính họ, nên họ lại đã quảng cáo biểu diễn tiếp tại Nhà hát lớn sau Đại lễ 1000 năm. Như vậy, ‘sự kiện âm nhạc’ nổi bật trong thời gian trước thềm Đại lễ lại là những đêm nhạc ‘Sến’ của Hương Lan, Tuấn Vũ (!!!) ...Vậy văn hóa Hà nội đang xuống cấp so với chính ta?” (“Khi Đặng Thái Sơn không thể ‘địch’ lại Hương Lan, Tuấn Vũ” – Tuần Việt Nam 04/10/2010).
Tôi không hiểu sao ông Đặng Hữu Phúc lại lôi Đặng Thái Sơn vào một trận chiến “giả” với Hương Lan và Tuấn Vũ như vậy. Ba nhân vật này không có chuyện gì để phải đối “địch” với nhau hết trơn hết trọi. Họ cũng chả liên quan chi đến việc dân Hà Nội ùn ùn kéo nhau đi nghe nhạc sến. Đây, chả qua, chỉ là tình cảm tự nhiên (hay nói theo ngôn ngữ “đương đại” là “tự phát”) của con người thôi.
Không lẽ suốt ngày cứ bâng khuâng “nhớ đôi dép đơn sơ đôi dép bác Hồ,” suốt đêm cứ chợp mắt lại mơ thấy “râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ,” và suốt đời lúc nào cũng chỉ có mỗi một ước mong duy nhất là được dịp “dâng lên cho Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời” sao?
Hát hò kiểu đó hoài, ớn chết mẹ luôn, ai mà chịu nổi? Lâu lâu cũng phải cho con người ta có vài Giọt Lệ Đài Trang, mấy cánh Hoa Sứ Nhà Nàng, hay một cái Lâu Đài Tình Ái ... cho nó đỡ ớn (chè đậu) chớ – đúng không?
Đi nghe Hương Lan và Tuấn Vũ hát thử một đêm, giữa lòng Hà Nội, cũng tựa như được đi ăn một bữa phở chui vào thời bao cấp. Dù “nhạc sến” không “chất lượng” gì cho lắm chăng nữa, nó vẫn có thể khiến cho thiên hạ bùi ngùi, xuýt xoa hay hít hà chỉ vì họ đã (lỡ) phải ăn quá nhiều những tô phở quốc doanh – không người lái – thế thôi!
Đó là cảm nhận chung của một số người dân Việt. Đối với số khác (không nhỏ) thì nhạc sến hay nhạc vàng còn là những chuẩn điểm thời gian của những tháng ngày xa xưa cũ. Lúc mà họ còn trẻ trung, còn một cuộc sống (tương đối) an lành, và đời còn có những chiều Thu Vàng khi hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương, những Đêm Thu vườn khuya trăng chiếu hoa đứng yên như mắt buồn, hay những trưa Hạ Trắng chân em bước nhẹ trời buồn gió cao...
Và có lẽ vì thế nên Khánh Ly vẫn có thể “ru hồn” thính giả Việt Nam – theo như tin loan của báo Dân Trí, số ra vào ngày hôm 10 tháng 5 năm 2014:
“Sau 60 năm chờ đợi, cuối cùng ngày về của Khánh Ly đã tới. Trong không gian âm nhạc sâu lắng và những ca khúc nhạc Trịnh, Khánh Ly đã có cơ hội dãi bày tiếng lòng của mình.”
Nhìn lại mới thấy cả Khánh Ly lẫnTrịnh Công Sơn không chỉ có tài mà còn có... thời nữa kìa. Họ không những đã hay mà còn... hên (dữ) lắm! Cuối thập niên sáu mươi, đúng lúc họ vừa xuất hiện thì mấy cái máy Akai cồng kềnh cũng theo chân nguời Mỹ tràn vào nước Việt. Chính cuộn băng to đùng này đã mang họ đến với thính giả khắp mọi nơi, ở miền Nam.
Qua cuối thập niên bẩy mươi, khi dân chúng và cán bộ miền Bắc ào ạt vào Nam thì những cái cassette xinh sắn lại lặng lẽ mang sáng tác của Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly đi theo chiều ngược – từ Nam ra Bắc. Không bao lâu, họ đã chinh phục được luôn không ít thính giả của nửa phần quê hương còn lại.
Từ đây, trai gái bên kia vỹ tuyến bắt đầu chào hỏi hay trò chuyện với nhau theo cách khác: Nơi em về trời xanh không em? Thay vì: Đang công tác ở đâu thế? Đã phấn đấu vào Đoàn chưa?
Bởi vậy,vẫn theo báo Dân Trí:
“Sân khấu chứa hơn 4000 người của Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội) tối qua chật kín người. Không chỉ người hâm mộ ở Hà Nội mà ở rất nhiều tỉnh thành của cả nước, họ đã vượt hàng trăm km đến đây để được gặp lại thần tượng và được phiêu bồng cùng những tình khúc của Trịnh. Với nhiều người, Khánh Ly không chỉ một nghệ sỹ mà còn gắn với họ như một phần kí ức của đời mình.”
Phạm Duy cũng thế. Những sáng tác của ông cũng là “một phần ký ức” của biết bao người. Và đó cũng là lý do tại sao nhạc của ông đã được hân hoan đón nhận tại quê nhà, nơi ông đã cương quyết bỏ đi và (rồi) nhất định phải quay về, bất chấp bao nhiêu điều tiếng.
Ca sĩ Khánh Ly. Ảnh: Dân Trí
Những “điều tiếng” quanh ngày về của Phạm duy, cũng như của Khánh Ly, khiến tôi chợt nhớ đến nhà văn Gabriel Marquez – người được tặng giải văn chương Nobel năm 1982 – vừa mới qua đời vào ngày 17 tháng 4 năm 2014 vừa qua.
Cuộc đời của nhân vật này, theo ký giả Hồng Nguyên Hoàng:
“...nếu tóm gọn, có lẽ nổi bật hai thứ: tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn và người bạn… Fidel Castro. Tác phẩm ấy đã đem đến cho ông sự kính trọng của mọi người trên thế giới về văn tài. Ngược lại, tình bạn ấy đã khiến nhiều người trên thế giới… khinh bỉ ông. Thậm chí, một người từng là bạn của ông, cũng từng được giải thưởng Nobel về văn chương, là Mario Vargas Llosa người Peru, đã gọi ông là một “con điếm cao cấp” của Fidel Castro. Nhà độc tài Cuba thì gọi ông là ‘bạn tri kỷ’ và nói rằng luôn được đọc bản thảo trước khi những tác phẩm của ông xuất bản...
Cả Phạm Duy lẫn Trịnh Công Sơn đều không được “cao cấp” như Gabriel Marquez (và họ cũng không được cấp lãnh đạo nào của nhà nước Việt Nam coi là “tri kỷ” cả) nói gì đến cỡ Khánh Ly.