Lê Thắng (Danlambao) - Sau cuộc chiến Nam Bắc ở Hoa Kỳ, không ai kêu gọi hòa hợp hòa giải, nhưng mọi người đều bắt tay xây dựng đất nước họ. Sau cuộc thống nhất Đông - Tây Đức, không ai kêu gọi hòa hợp hòa giải nhưng mọi người đều bỏ qua những dị biệt vì đất nước.
Tại Việt Nam, cuộc chiến đã chấm dứt gần 40 năm, bài toán hòa hợp hòa giải vẫn chưa có đáp số, nhưng ngược lại, nó là đề tài dễ ngộ nhận và dễ gây dị ứng, đôi khi còn gây ra sự sợ hãi. Vì sao? Có phải vì người Việt hải ngoại còn mang mãi hận thù như vài ý kiến nào đó? Có phải vì thiếu sự cảm thông giữa người Việt trong và ngoài nước? Hiện nay, đất nước lâm nguy, vấn đề hòa hợp hòa giải là cần thiết nhưng hòa hợp hòa giải với ai? Hòa hợp hòa giải như thế nào?
Chúng ta hãy tìm hiểu tận gốc mới thấy được những khía cạnh của vấn đề.
Hòa hợp hòa giải từ một cạm bẫy
Trong ngôn ngữ Việt, nói đến hòa giải là nói đến sự đối thoại, sự dung hòa giữa các bên đang xung đột, tranh chấp. Tại miền Nam trước 1975, tòa án mang tên Tòa Hòa Giải rộng quyền giúp giải quyết thỏa đáng những tranh chấp.
Hòa hợp nói đến một sự chung sống thân thiện trong quan hệ gia đình hay xã hội.
Hòa hợp và hòa giải được dùng riêng rẽ tại miền Nam trước 1975, trong phạm vi khác nhau.
Tuy nhiên, hai từ ngữ này đã được ghép lại với nhau lần đầu tiên trong Hiệp Định Paris 1973 và đã trở thành động lực gây ra thảm cảnh của đất nước.
Về phương diện lịch sử, chữ “Hòa hợp hòa giải” được dùng để thay thế chữ “chính phủ liên hiệp” trong dự thảo hiệp định chuẩn bị ký vào cuối tháng 10/1972 mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cực lực phản đối. Tổng thống Thiệu phản đối không phải vì ông không muốn chấm dứt chiến tranh mà vì ông không muốn bán đứng miền Nam trong một cạm bẫy do chính phủ Hà Nội giăng ra như trong quá khứ người Cộng Sản đã làm với Việt Nam Quốc Dân Đảng tại miền Bắc và với các thành phần trí thức yêu nước tại miền Nam sau năm 1945.
Đối với Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQĐD), dù đang liên kết với Việt Minh để chống Pháp sau 1946, nhưng người Cộng Sản vừa đánh lén họ, vừa chỉ điểm cho Pháp đánh họ.
Tại miền Nam, sau khi chiếm được Sài Gòn từ tay quân Pháp, Hoàng Văn Giàu kêu gọi các thành phần trí thức cùng liên kết với nhau. Khi đồng đảng Giàu từ Côn Sơn về, họ ra tay triệt hạ các thành phần không Cộng Sản này.
Nguyễn Tường Tam Nhất Linh được chỉ định làm Bộ Trưởng Ngoại Giao trong Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến của Hồ Chí Minh, được cử làm trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Fontainbleu ở Đà Lạt năm 1946, nhưng ông không được quyền phát biểu. Ông đã cáo bệnh và đi lưu vong sang Trung Quốc.
Với kinh nghiệm lịch sử như thế, trong một bài diễn văn năm 1972, Tổng thống Thiệu đã nói: “Đồng bào có thể thơ ngây, tôi là Tổng thống, tôi không có quyền thơ ngây được”. Tuy nhiên, tổng thống Thiệu đành phải chấp nhận ký vào Hiệp định 27/1/1973 vì áp lực của Hoa Kỳ sau khi Hà Nội thay chữ Chính Phủ Liên Hiệp bằng chữ hòa hợp hòa giải.
Cũng cùng một kinh nghiệm, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã không chấp nhận cuộc tổng tuyển cử 1956 vì ở miền Bắc, cuộc bầu cử chắc chắn không tự do, không thể hiện ý dân miền Bắc trong khi đó, một số Cộng Sản được để lại nằm vùng tại miền Nam nhằm khuynh đảo cuộc tổng tuyển cử tại miền Nam.
Để thấy rõ hơn âm mưu nuốt miền Nam, chúng ta nên nhìn lại một vài điều khoản về hòa hợp hòa giải trong Hiệp Định Paris 1973:
Điều 9
Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và chính phủ Mỹ cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam dưới đây:
a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được các nước tôn trọng.
b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông quan tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.
c) Hai bên miền Nam Việt Nam cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ vững hòa bình ở miền Nam Việt Nam; giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực.
d) Mỹ tôn trọng quyền tự quyết của của nhân dân miền Nam Việt Nam; Mỹ không cam kết với bất cứ xu hướng chính trị nào ở miền Nam Việt Nam và không tìm cách áp đặt một Chính phủ thân Mỹ ở Sài Gòn.
e) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:
- Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xoá bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia.
- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
f) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập một cơ cấu chính phủ lấy tên là Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Sau khi Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc nhận chức, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt và làm hết sức mình để thực hiện việc này trong vòng ba tháng sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hòa bình, độc lập và dân chủ.
g) Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành các hiệp định ký kết giữa hai bên, duy trì ngừng bắn, giữ vững hòa bình, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói ở điều 9(b) và quy định thủ tục và thể thức tổng tuyển cử. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thương mà thỏa thuận.
Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phương theo như hai bên miền Nam Việt Nam thỏa thuận.
h) Vấn đề lực luợng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh. Trong số những vấn đề hai bên miền Nam Việt Nam thảo luận có vấn đề các biện pháp giảm số quân của các lực lượng vũ trang hai bên và phục viên số quân đã giảm.
i) Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tôn trọng những điều khoản quân sự của Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam quy định việc không tham gia bất cứ một liên minh quân sự hoặc khối quân sự nào, không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội, cố vấn quan sự, nhân viên quân sự trên đất mình. Miền Nam Việt Nam sẽ duy trì quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị và xã hội, nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị.
Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam.
Nhưng chúng ta thấy gì sau ngày ngưng bắn:
- Cộng sản gia tăng những hoạt động quân sự dành dân, chiếm đất,
- Miền Bắc đổ thêm quân và vũ khí vào Nam với sự trợ giúp ào ạt của Liên Sô và Trung Quốc trong khi tại miền Nam, Hoa Kỳ đã siết các viện trợ và ngưng cung cấp vũ khí ngay cả cung cấp theo phương thức “một đổi một” như điều 7 trong hiệp định:,
- Miền Bắc chỉ huy các kế họach tấn công thay vì tôn trọng sự tự quyết của người miền Nam.
- Miền Bắc không hề nghĩ đến hòa hợp hòa giải mà chỉ muốn nuốt miền Nam bằng vũ lực.
Chúng ta lại thấy gì sau ngày 30/4/1975:
- Các thương phế binh VNCH bị đuổi ra khỏi các quân y viện, dù có người vừa được giải phẫu hay chờ giải phẫu. Điều này là việc làm vô nhân đạo, vi phạm luật chiến tranh và không thể hiện tình dân tộc, không mang tình cao thượng của người chiến thắng.
- Các sĩ quan VNCH bị tập trung vào tù gọi là trại học tập cải tạo. Các sĩ quan cấp Tá, Tướng bị đưa ra miền Bắc và bị các em bé ném đá trên đường đi theo sự chỉ đạo và tuyên truyền của chính phủ Hà Nội.
- Một số sĩ quan VNCH bị tử hình công khai.
- Cô lập nghĩa trang quân đội Biên Hòa của VNCH.
- Gia đình và cá nhân những người lính VNCH bị ngược đãi. Con cháu họ bị đánh rớt trong các kỳ thi vì lý lịch cha ông. Thầy cô cứ tiếp tục chưởi cha ông chúng nó là ngụy ngay trong các lớp học, tạo sự chia rẽ trong lớp tuổi ấu thơ.
- Mạ lỵ VNCH và những người thuộc chế độ cũ.
- Đốt sách, triệt tiêu văn hóa phẩm dân tộc.
- Xuyên tạc lịch sử.
- V.v … v.v.
Chúng ta thấy gì gần đây:
- Dùng áp lực ngoại giao buộc các quốc gia Á Châu như Mã Lai đục bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân tại các nước này.
- Vung tay ra hải ngoại gây chia rẽ người Việt hải ngoại.
- Vẫn còn mạ lỵ người thua cuộc bằng mọi hình thức tuyên truyền.
Và gần đây nhất, tro cốt của cố Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam bị bắt buộc dời đi nơi khác chỉ vì một số cựu quân nhân VNCH truy điệu đức tính anh hung của ông.
Tất cả những gì họ làm trước và sau ngày 30/4/1975 đều ngược lại với những gì họ soạn thảo và ký tên trong hiệp định Paris 1973 và trái ngược hoàn toàn với những gì Le Duẫn đã tuyên bố sau ngày 30/4/75 về sự hòa hợp hòa giải dân tộc.
Làm sao để có hòa hợp hòa giải
Giữa những người dân trong nước:
Đối với dân trong nước, không kể đến dân đã từng sống trong vùng Cộng Sản chiếm đóng hay đã từng làm việc trong chế độ VNCH, không kể dân từ miền Bắc hay đân sống tại miền Nam, hầu như không cần thiết phải nói đến hòa giải vì tự họ, không có sự xung đột nào xảy ra trong cuộc sống. Họ thực sự hòa hợp với nhau trong cuộc sống hiện tại. Họ đều là nạn nhân của chế độ. Họ khốn khó như nhau. Họ phải đưa tiền hối lộ mỗi khi tới bệnh viện hay xin giấy tờ. Nhiều người trong họ, dù những thành phần hy sinh tuổi trẻ và cuộc sống cho đảng, họ cũng bị mất đất, mất ruộng hay mất nhà. Họ đã quên quá khứ để vật lộn với khó khăn hiện tại - giống nhau - như nhau.
Giữa người trong nước và người hải ngoại:
Người Việt hải ngoại đã từng tổ chức những lạc quyên, cứu trợ đồng bào trong nước khi có nguy khốn. Không có khoảng cách đáng kể nào giữa họ với nhau. Họ đã đến với nhau trong tình tự dân tộc. Người Việt hải ngoại không cưu mang hận thù mà ngược lại họ lo lắng và quan tâm đến đồng bào trong nước không được hưởng tự do, nhân quyền như họ đang được hưởng tại hải ngoại. Người Việt hải ngoại luôn quan tâm đến những đòi hỏi chính đáng của người đấu tranh trong nước: những đòi hỏi cho quyền làm người. Họ đều có chung nhịp thở của con cháu Tiên Rồng. Họ có chung nỗi băn khoăn, nỗi đau đớn khi nghe người Trung Quốc đâm tàu ngư dân Việt trên biển hay nghe đến những tấc đất của cha ông bị mất dần về tay người “bạn vàng” Trung Quốc. Tự họ, dù trong nước hay hải ngoại, dù sinh ra và sống tại miền Bắc hay miền Nam, dù đã từng ném đá các sĩ quan VNCH đi cải tạo hay chính những sĩ quan VNCH từng bị ném đá, họ đều không cần nói đến hòa giải nhưng thực sự đã hòa hợp với nhau. Tất cả mọi người đã quên quá khứ. Cái họ để ý tới là hiện tại và tương lai. Cái họ đang tranh đấu cũng chỉ cho hiện tại và tương lai.
Giữa người thắng cuộc và người thua cuộc:
Nói đến người thắng cuộc là nói đến giới cầm quyền đối lại với người thua cuộc là những người phục vụ trong chế độ VNCH. Giữa họ thực sự có một ngăn cách lớn cần đến hòa giải thực tâm, không phải thứ hòa giải giả hiệu cho sự tuyên truyền. Nếu chính quyền muốn mạnh thì cần đến tổng lực toàn dân từ trong nước đến hải ngoại.
Người thua cuộc đã từng chấp nhận sự thua thiệt khi xếp hàng đi vào tù mà nhà cầm quyền gọi là đi cải tạo 10 hoặc 15 ngày. Họ ra đi với ước mơ sau này đóng góp khả năng và sức lực xây dựng đất nước. Họ đã thể hiện tinh thần hòa hợp hòa giải. Nhưng tinh thần đó đã bị lợi dụng qua thời gian ở tù không bản án mà có người đã mất đến 10, 15 năm hay hơn nữa, hoặc có người phải trút hơi thở nơi rừng thiêng nước độc mà sự trả thù được gói trong viên kẹo hòa giải hòa hợp. Sự hòa hợp hòa giải biến họ thành công dân hạng hai trong xã hội với những thua thiệt và bị kỳ thị. Họ chỉ có quyền đạp xích lô, làm những nghề lao động tay chân thay vì sử dụng chất xám cho công cuộc xây dựng đất nước. Một số trong họ đành nuốt nước mắt làm người lưu vong hay chết giữa đại dương.
Như vậy, chìa khóa của sự hòa hợp hòa giải phải nằm trong tay những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay chứ không ai khác.
Sự mua chuộc một vài cá nhân để đi thăm Trường Sa, cho một số cá nhân về làm ăn hay câu một vài người như tướng Kỳ chỉ là sự diễn kịch, không phải là sư hòa giải đúng nghĩa.
Nếu nhà cầm quyền Việt Nam muốn hòa hợp hòa giải với người thua cuộc thì trước hết hòa hợp hòa giải với người dân trong nước, những người có quan điểm khác với chính phủ và đảng, hãy ngưng bắt bớ những người bất đồng chánh kiến, tôn trọng tự do và nhân quyền trong nước, ngưng dùng những ngôn từ cay đắng. mạ lỵ hay bất nhã đối với người thua cuộc và nhất là phải thể hiện đúng nghĩa tinh thần bất khuất của dân tộc trước cuộc xâm lăng của Trung Quốc hiện nay.
Toàn dân đã biết hết rồi. Toàn dân đã hiểu rồi ai mới thực sư là kẻ xâm lược: chính kẻ thù truyền kiếp Bác Phương. Những sự tuyên truyền như trước đây đã không còn có kết quả nữa. Hàng triệu triệu người đã mở mắt thực sự. Những nhu nhược của nhà cầm quyền được mệnh danh là “hèn với giặc, ác với dân” sẽ dẫn đến mất nước. Một khi mất nước thì nhà tan và đãng cũng chẳng còn. Tới lúc đó, một số lớn “quân đội nhân dân Việt Nam” sẽ bị giải thể để thay bằng “quân đội nhân dân Trung Hoa”, đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không còn lý do gì để tồn tại. Hai tiếng Việt Nam lúc ấy nghe lạc giọng như hai tiếng Tây Tạng hay Tân Cương mà thôi.
Hiện tại, người Trung Quốc còn dám hiếp đáp dân Việt trên đất Việt thì sau ngày mất nước, dân và quân đội Trung Quốc sẽ tràn sang hiếp đáp dân ta, hãm hiếp đàn bà, trẻ con trước mắt của những người đã từng là bạn “16 chữ vàng” với họ.
Toàn dân có sức mạnh vô song (power of people), đảng và nhà cầm quyền có thể quay về với toàn dân, hòa hợp hòa giải với toàn dân để lấy sức mạnh đó chống ngoại xâm. Sức mạnh toàn dân sẽ là bánh xe lịch sử, sẽ nghiền nát những kẻ đi ngược trào lưu của dân tộc như trường hợp Lê Chiêu Thống, như Triệu Ai Vương và Cù Thị.
Để chấm dứt, tôi xin ghi lại một đoạn của J. B. Nguyễn Hữu Vinh trong bài “Nghĩ về sự hòa giải sau cuộc chiến nhìn từ một nghĩa trang”:
Những ngôi mộ ở nghĩa trang này nằm san sát bên nhau thành hàng, thành lối ngay ngắn dưới những tán cây đại thụ hoặc những thảm cỏ xanh. Điều đặc biệt là ở đây, tất cả đều là những người đã hy sinh trong cuộc chiến mà không có bất cứ sự phân biệt nào bên ta, bên địch, bên chiến thắng hay bên bại trận.
Tôi cố tìm một hàng chữ nào đó, một biểu hiện nào đó khả dĩ có thể phân biệt được đâu là những ngôi mộ của bên bại trận hoặc bên thắng trận. Nhưng tuyệt nhiên không hề có. Người bạn cùng đi giải thích cho tôi rằng: Ở đây, tại nghĩa trang này không có khái niệm “Quân Ngụy” hay “Quân ta” mà tất cả là những người đã ngã xuống tại trận chiến này, Nước Mỹ tôn trọng họ như trong bài phát biểu của Tổng thống Lincoln khi cung hiến nghĩa trang này, rằng đây là “nơi yên nghỉ cuối cùng của những người đã hiến dâng mạng sống mình để Tổ quốc được sống”.
Câu chuyện của người bạn bên cạnh đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên đến kính phục. Một nước Mỹ hùng mạnh, một nước Mỹ xứng đáng được cả thế giới nể sợ không phải chỉ là bom nguyên tử, là vũ khí hiện đại hay sự giàu có, mà bắt đầu từ những xử sự của con người đối với con người.
Người bạn tôi kể lại câu chuyện rằng: Phần kết của trận chiến ở đây là khi tin đầu hàng của tướng Lee lan ra, tiếng súng của binh sĩ Miền Bắc vang lên để reo mừng chiến thắng. Ngay lập tức tướng Grant ra lệnh: “Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chiến tranh đã chấm dứt. Họ là đồng bào của chúng ta, chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ.” Và tiếng súng đã ngưng bặt.
Sau 4 năm nội chiến làm 620 ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người bị thương, các đô thị ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ bị tàn phá nặng nề. Theo điều kiện trong văn kiện đầu hàng, ngày 12/4 là ngày quân đội Miền Nam sẽ nộp súng ống và cờ xí cho quân đội Miền Bắc. Khi các binh sĩ Miền Nam đi theo đội ngũ tới địa điểm để giao súng ống và cờ xí, Đại tá Chamberlain đã ra lệnh binh sĩ của mình đứng nghiêm chào các chiến binh bại trận đang đi ngang qua để bày tỏ lòng kính trọng.
Viên tướng Gordon ghi lại: “Trong giây phút đó, không hề có một tiếng kèn hay tiếng trống, không một tiếng reo mừng, không một lời nói, không cả một tiếng thì thầm, không một cử động, nhưng là một sự tĩnh lặng khủng khiếp, mọi nhịp thở như ngừng lại và như thể họ đang nhìn những hồn tử sĩ đi qua”.
Đó là cách xử sự của người Mỹ thắng cuộc với người Mỹ thua cuộc.
Và Tổng thống Mỹ thời bấy giờ đã có bài diễn văn bất hủ kết thúc như sau: “Chính tại nơi đây, chúng ta quyết tâm để họ không chết vô nghĩa. Đất nước này, dưới tay Thiên Chúa sẽ có một nền tự do mới. Và một chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không phải chết rục trên đất này”.