Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) - cơ hội cho những nhà hoạt động Việt Nam? - Dân Làm Báo

Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) - cơ hội cho những nhà hoạt động Việt Nam?

Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (MLVN) - UPR là một cơ chế quan trọng của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới, là quá trình đặc biệt liên quan đến việc rà soát định kỳ các hồ sơ nhân quyền của 193 quốc gia là thành viên của LHQ. 

UPR cũng là cơ hội để tất cả các quốc gia thể hiện sự cải thiện về tình hình nhân quyền ở nước mình.

Tháng 5 năm 2009, lần đầu tiên tham gia UPR, Việt Nam nhận được 123 kiến nghị từ 60 quốc gia. Và ở phiên UPR lần 2 vào tháng Hai năm 2014, có 106 đại biểu từ các nước khác nhau đã có ý kiến và 227 kiến nghị đã được ra.

Các đề xuất này sẽ được Việt Nam xem xét và trả lời vào phiên họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền vào tháng Sáu năm 2014 tới đây.

Một trong những lợi ích quan trọng nhất của cơ chế UPR cho đến nay là tạo ra diễn đàn rộng rãi cho tất cả các bên liên quan có thể thảo luận với nhau, xác định những ưu điểm và những khoảng trống trong hệ thống bảo vệ quyền con người để xác định các giải pháp làm thế nào để vượt qua thách thức. 

Vì thế, hội thảo “Tiến trình kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR): Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế” đã được phái đoàn Liên minh Châu Âu, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Úc và Canada (đại diện cho Na Uy, Thuỵ Sĩ và New Zealand) phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/05/2014 vừa qua. 

Có hơn 70 khách mời tham dự hội thảo gồm có các cơ quan chính phủ Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, truyền thông và các chuyên gia nhân quyền độc lập và các tổ chức dân sự trong đó có đại diện của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền, VOICE. 

Và rất tiếc là hôm hội thảo diễn ra tại văn phòng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội, tôi không thấy sự có mặt của đại diện cơ quan chính phủ, đại diện bộ ngoại giao nào. 

Phần phát biểu gồm có diễn văn của đại sứ Úc - ông Hugh Borrowman, Dr. Franz Jessen của Liên minh Âu Châu, Đại sứ Thụy Sỹ - ông Andrej Motyl cũng là đại diện cho G4 (Thuỵ Sĩ, Tân Tây Lan, Canada và Na Uy), bà Claire A. Pierangelo - trưởng phái đoàn hoạt động của sứ quán Hoa Kỳ. 

Đại diện của UNDP, Chương trình Pháp quyền và Tiếp cận công lý và đại diện có phần chia sẻ về chức năng và các tiêu chuẩn của các quá trình UPR và UNHRC cùng việc áp dụng tại Việt Nam. 

Đại diện của Mạng lưới xã hội dân sự được nhà nước thừa nhận (GENCOMNET, GPAI, CIFPEN) có phần chia sẻ về sự tham gia của mạng lưới xã hội dân sự vào quá trình UPR và những vấn đề liên quan tiếp theo đến khuyến nghị. 

Tham gia ở phần hỏi đáp này, cá nhân tôi, đại diện cho Mạng lưới Blogger Việt Nam đã đưa ra nhận xét về việc quá trình thực hiện quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, đặc biệt là với các blogger, nhiều người đã bị cấm xuất cảnh khi muốn tham gia vào phiên UPR diễn ra hồi tháng 2 tại Geneva. 

Tôi cũng đã trình bày với cử tọa rằng: “Một sự thật khác cần phải thấy là cánh cửa tự do ngôn luận ở VN phụ thuộc vào định nghĩa nhân quyền của nhà nước.”

“Nhân quyền đôi khi là một khái niệm nhạy cảm”, có người đã chia sẻ như vậy sau phiên chia sẻ của tôi. 

Một câu hỏi theo tôi là nghiêm túc đã được đặt ra trong hội thảo là làm sao để theo dõi và lập báo cáo thật chặt chẽ về việc thực hiện các kiến nghị, đặc biệt là những kiến nghị gây tranh cãi như bãi bỏ án tử hình, quyền tự do ngôn luận... Và đây cũng thực sự là công việc nghiêm túc cho các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam để vận dụng thật tốt cơ chế UPR trong việc bảo vệ quyền con người. 

Trong dịp này, đại diện các tổ chức XHDS độc lập của VN đã trao cho ban tổ chức thư ngỏ chung của 15 tổ chức dân sự độc lập VN đề nghị 10 chủ đề để các quốc gia thành viên giám sát đặc biệt nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong bốn năm cho các lãnh vực: 

1- Môi trường xã hội dân sự an toàn và thuận lợi (CH Séc, Canada, Tây Ban Nha);

2- Thư mời mở cho tất cả các cơ chế đặc biệt của Liên Hợp Quốc thăm viếng (Áo, Hy Lạp, Uruquay);

3- Quyền được xét xử công bằng, hỗ trợ pháp lý & đối xử bình đẳng (Thụy Sĩ, Đan Mạch, Canada); 

4- Cải cách liên quan đến án tử hình (Ý, Vương quốc Anh, Brazil);

5- Cải cách Bộ Luật Hình sự và các điều khoản an ninh quốc gia như Điều 79, 88 và 258 (Hoa Kỳ, Na Uy, Pháp);

6- Bảo vệ những nhà hoạt động nhân quyền (Đức, New Zealand, Hungary);

7- Thông qua và thi hành Công ước Chống Tra tấn (Pháp, Ba Lan, Hoa Kỳ);

8- Tự do Ngôn luận và Tự do Internet (Thụy Điển, Na Uy, Nhật);

9- Tự do Hội họp theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (Hàn Quốc, Úc, Đức);

10- Tự do Tôn giáo theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (Ý, Bỉ, Chile).

Blogger Paulo Thành Nguyễn và Mẹ Nấm

Chị Trần Thị Nga - Đại diện cho HPNNQ


Blogger Mẹ Nấm phát biểu

Trao thư ngỏ chung để chuyển đến các thành viên quốc gia giám sát UPR



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo