Hồn treo cột buồm - Dân Làm Báo

Hồn treo cột buồm

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Tương lai Việt Nam sẽ ở trong tay của chỉ một trong hai loại người. Hoặc là trong tay của những công dân có trách nhiệm sẵn sàng dám hy sinh hoặc là trong tay những tên cướp sẵn sàng đi đêm với kẻ thù để bám vào quyền lực ít nhất cho đến hết nhiệm kỳ của mình hay của con cái-những tên cướp không bao giờ bận lòng trước vấn đề lương tâm và trách nhiệm.

Một kịch bản đáng sợ mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc mới biết đâu có thể đang âm thầm diễn ra trong bóng tối. Chính quyền CSVN có thể đi đêm, thỏa hiệp, thượng lượng trên lưng nhân dân Việt Nam để tiếp tục giữ quyền lực bằng mọi giá.

Việt Nam không thể nào là đối thủ của Trung Quốc trên biển. Một tờ báo lớn của Mỹ viết: "Việt Nam miễn cưỡng đánh nhau với Trung Quốc mà Việt Nam biết gần như chắc chắn sẽ thua." Và báo trích dẫn lời của giáo sư người Úc Carlye Thayer, một người rất am tường về tình hình Việt Nam, rằng: "Việt Nam không có các giải pháp quân sự. Quân đội Việt Nam rất ngại tham chiến... Việt Nam về mức độ nào đấy chỉ có thể trông cậy vào những giao thiệp giữa hai đảng với nhau." Ông nói thêm Hà Nội chẳng có thể làm được gì nhiều, họ phải chịu đựng vụ giàn khoan cho tới khi nào Trung Quốc đồng ý các cuộc họp cấp cao. (1)

Báo cũng cho biết về thương mại Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất nặng nếu Trung Quốc cắt đứt các mối quan hệ thương mại. Trong năm 2013 Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 37 tỉ đô la chiếm 28% tổng trị giá nhập cảng trong năm. Báo có lẽ không tính đến thương mại không chính thức qua con đường tiểu ngạch mà khá lớn. Như vậy, có thể nói không ngoa rằng kinh tế Việt Nam nằm trong tay Trung Quốc.

Hơn nữa, Trung Quốc khẳng định lập trường rất rõ ràng qua lời phát biểu của Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc tại Mỹ mới đây: "Chúng tôi quyết tâm vững chắc khẳng định chủ quyền, an ninh, và toàn vẹn lãnh thổ... Chúng tôi không từ bỏ tấc đất được thừa hưởng nào của tổ tiên." (2)

Đại đa số các ý kiến của báo chí và các chuyên gia nghiên cứu ở nước ngoài về Việt Nam đều thống nhất một điểm là Việt Nam không thể thắng Trung Quốc về phương diện quân sự lẫn kinh tế.

Chế độ cộng sản Việt Nam chỉ còn con đường ngoại giao quỳ gối với Trung Quốc vì họ không bao giờ tự nguyện từ bỏ quyền lực.

Con đường ngoại giao ấy bắt đầu nhộn nhịp. Trong cuộc họp báo quốc tế vào ngày 15-5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận rằng "nhận lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh CICA lần thứ tư" sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng Năm tại Thượng Hải. Chế độ cũng cử Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn sang Bắc kinh để trao đổi "thẳng thắn" với phía Trung Quốc.

Tại sao bà Doan không hủy chuyến đi để phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc?

Tại sao ông Sơn phải đến nhà thằng ăn cướp để thương lượng về đồ bị cướp của mình? Tại sao hai bên không gặp nhau ở nước thứ ba?

Tại sao Nguyễn Phú Trọng muốn sang Bắc Kinh triều kiến Tập Cận Bình? Họ xâm lược nước mình, mình không những không đánh trả mà còn sang gặp họ để năn nỉ hay thương lượng?

Trung Quốc không bao giờ nói chuyện suông với Việt Nam mà phải có cái gì đó lót tay mà sẽ mở đường cho Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam toàn diện hơn về sau này như lịch sử đã chứng minh qua vụ công hàm Phạm Văn Đồng và Hội nghị Thành Đô cùng với bao nhiêu vụ nhường đất đai, biển đảo và kinh tế mờ ám khác mà không bao giờ được tuyên bố công khai đầy đủ trước dân chúng. Một Thành Đô thứ hai có thể diễn ra sau lưng và trên lưng nhân dân Việt Nam. Hiện nay theo ông Thayer "khái niệm chiến lược chỉ đạo của Việt Nam là vừa hợp tác vừa đấu tranh." (3) Nhưng biết đâu sau khi vụ giàn khoan qua đi chiến lược ngầm của Việt Nam sau khi đã thông qua thương lượng với Trung Quốc là hợp tác ngày càng tăng còn đấu tranh ngày càng yếu và chiếu lệ để rồi cuối cùng thời kỳ Bắc Thuộc mới sẽ bắt đầu.

Tờ New York Times viết sau vụ bạo loạn ở Bình Dương: "Nhưng đến nay mọi nỗ lực ngoại giao của Việt Nam đã thất bại. Việt Nam đã cố gắng thương lượng song phương, nhưng cuộc họp bàn về việc cùng nhau chia sẻ các tài nguyên dường như không có nghĩa gì sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào mà không báo trước." (4) Như vậy trong các cuộc thương lượng Việt Nam có thể sẽ đề nghị Trung Quốc cùng nhau khai thác biển Đông.

Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn viết: "chủ nghĩa cộng sản là một loại chế độ hầu như không thể nào hiểu nổi mà không quan tâm đến sự phồn thịnh của quốc gia, hay quan tâm đến sức khỏe và phúc lợi của nhân dân mình. Dưới chế độ cộng sản quốc gia không bao giờ được chuẩn bị cho sự tồn tại kinh tế lâu dài và lành mạnh" (5)

Một minh họa cho lời nói trên của nhà văn Nga là câu nói của Đỗ Mười trong Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ sáu vào tháng Mười 1988. Ông đã nêu ra lý do Việt Nam không nên giàu có như các nước lân cận, cụ thể như bốn con rồng Châu Á vào thời đó-Thái Lan, Nam Hàn, Singapore và Đài Loan: "Chúng ta không nên so sánh nước mình với bốn con rồng này vì nếu Việt Nam thành rồng, chúng ta sẽ phải hạ thấp ngọn cờ Mác -xít Lê nin nít." (6). Một phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Phú Trọng còn mơ màng đến một xã hội chủ nghĩa lý tưởng cho trăm năm sau.

Trung Quốc từ rất lâu cũng mưu tính chuyện trăm năm là thôn tính Việt Nam bằng mọi cách. Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc các chương trình Châu Á -Thái Bình Dương ở viện nghiên cứu United States Institute of Peace nói: "Ở Trung Quốc không có gì xảy ra nhanh chóng. Bất kỳ động thái nào ta thấy đều đã được kế hoạch và chuẩn bị trong suốt nhiều năm trời, hay còn lâu hơn thế nữa. Vì vậy rõ ràng vấn đề tranh chấp trên biển rất quan trọng đối với Trung Quốc." (7)

Rừng Trung Quốc từ từ tiến về Việt Nam. Huang Jing, giám đốc Trung tâm về Châu Á và Toàn cầu hóa ở Khoa Chính sách Công cộng Lý Quang Diệu ở trường Đại học Quốc gia Singapore nhận xét rằng: "Người Trung Quốc mở mang bờ cõi giống như rừng vậy, rất chậm. Nhưng một khi họ đặt chân đến đâu, họ không bao giờ rời." (8) Cùng có chung ý tưởng này, tiến sĩ Mỹ Peter Navarro đã khẳng định trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Người Việt ở California, Hoa Kỳ rằng: "mỗi tấc đất biên cương, mỗi hải lý biển đảo nhường cho Trung Quốc là mất đi vĩnh viễn." (9)

Sự nghi ngờ là một vũ khí cần thiết người dân cần phải trang bị khi phải sống trong một chế độ độc tài toàn trị hoàn toàn không có sự minh bạch và trách nhiệm đối với nhân dân. Chế độ có thể đã và đang tìm cách đi đêm với Trung Quốc xâm lược để thoát ra khỏi bế tắc hiện nay. Họ sẵn sàng thương lượng với những điều kiện mà có thể gây tổn thất nhiều mặt cho Việt Nam về sau.

Hãy nhớ công hàm Phạm Văn Đồng ký vào năm 1958 nhưng Trung Quốc chờ đến năm 1974 mới chiếm Quần đảo Hoàng Sa khi họ thấy thời cơ đoạt đảo đã chín muồi. Từ đấy Hoàng Sa mất vĩnh viễn.

Hãy nhớ hội nghị bí mật Thành Đô năm 1990 là lý do chính cho việc mở toang cửa cho Trung Quốc tràn vào nhiều tỉnh thành trên Việt Nam, vụ khai thác bô xít, sự biến mất trên bản đồ đất đai, biển đảo của Việt Nam và vụ giàn khoan khủng tiến vào vùng biển chủ quyền truyền thống của Việt Nam.

Tại sao lịch sử chống ngoại xâm Trung Quốc đã từ rất lâu rồi không được đưa vào sách giáo khoa hay chỉ được giảng dạy một cách rất hời hợt?

Một trong những lý do là Chu Ân Lai đã cấm Việt Nam dạy về lịch sử chống ngoại xâm Trung Quốc. Vào ngày 23 tháng Tám năm 1966, Chu Ân Lai đã phê bình Hoàng Tùng và Phạm Văn Đồng về việc dạy sử qua đoạn đối thoại sau:

"Chu Ân Lai: Thế còn chuyện mới đây báo chí Việt Nam đã đăng nhiều tài liệu về các cuộc xâm lăng Việt Nam của các triều đại phong kiến Trung Quốc?

Hoàng Tùng: Không có những tài liệu như thế trên báo. Tuy nhiên, một vài viện đang nghiên cứu về chủ đề lịch sử ấy.

Chu Ân Lai: Nhưng các đồng chí ngiên cứu vấn đề này trong lúc các đồng chí đang đánh Mỹ. Ám chỉ gì ở đây?" (10)

Quan hệ hơn nữa thế kỷ qua giữa hai chế độ cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ của kẻ cướp và đồng lõa. Thỏa hiệp hay thương lượng chỉ là mỹ từ của sự đầu hàng từ từ về phía Việt Nam và thắng lợi kiểu vết dầu loang về phía Trung Quốc. 

Nhà văn Ayn Rand viết như sau:

"Không thể nào có sự thỏa hiệp giữa người chủ tài sản và tên trộm; đưa cho tên trộm dù chỉ một cái muỗng của mình thôi là không phải thỏa hiệp, mà là sự đầu hàng hoàn toàn, tức thừa nhận quyền của tên trộm đối với tài sản của mình. Giá trị nào hay sự nhượng bộ nào tên trộm trao đổi lại? Và một khi nguyên tắc nhượng bộ đơn phương được chấp nhận là cơ sở của mối quan hệ giữa hai bên, chỉ là vấn đề thời gian trước khi tên trộm sẽ chiếm đoạt tất cả những gì còn lại."

Hay như lời của cố tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy: "Chúng ta không thể nào thương lượng với những kẻ nói rằng " Cái của tôi là của tôi, còn cái của anh có thể thương lượng".

Thác Bản Giốc bị cắt đôi, ải Nam Quan không còn nữa, biển đảo dần dần biến mất vì chính sự thỏa hiệp hay thương lượng kiểu trên.

Tương lai Việt Nam sẽ ở trong tay của chỉ một trong hai loại người. Hoặc là trong tay của những công dân có trách nhiệm sẵn sàng dám hy sinh hoặc là trong tay những tên cướp sẵn sàng đi đêm với kẻ thù để bám vào quyền lực ít nhất cho đến hết nhiệm kỳ của mình hay của con cái - những tên cướp không bao giờ bận lòng trước vấn đề lương tâm và trách nhiệm.



____________________________

Chú thích:

(1) Trefor Moss and Vu Trong Khanh, As Anger Over Chinese Rig Rises, Hanoi Has Few Otion, Wall Street Journal, May 14, 2014.
(2) Radio Chinese International, China Cannot Afford to Lose An Inch of Its Territory, 2014-05-16
(3) Chris Buckley, Chau Doan, and Thomas Fuller, China Targeted by Vietnamese in Fiery Riots, New York Times, May 14, 2014
(4) Như chú thích (3)
(5) Alexander Solzhenitsyn, Samizdat Bulletin, No, 120, pages 9 and 10
(6) Bài viết Lương tâm và Trung thành, Đặc san Truyền Thống Kháng Chiến, tháng 12 năm 1988, trang 9
(7) & (8) Jeff Himmelman, A Game of Shark and Minnow, New York Times, Oct. 27, 2013
(9) Hà Giang, 'Nhường Trung Quốc mỗi tấc đất, là mất đi vĩnh viễn', Người Việt, 8 tháng 5 2014
(10) Wilson Center, Discussion between Zhou Enlai, Pham Van Dong and Hoang Tung
digitalarchive.wilsoncenter.org/document/113072


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo