Cầu Nhật Tân - Từ hàng ngàn năm, các hoàng đế Trung Quốc đã tự coi họ là thiên tử, là con trời, coi vạn vật dưới mặt đất là của họ. Các dân tộc khác đều là di dịch và phải bị chinh phục. Đến thời Mao vẫn kế thừa truyền thống này, tư tưởng “súng đẻ ra chính quyền” được những phần tử cực đoan trong Đảng Cộng sản TQ nhiệt liệt hưởng ứng, trong đó có Đặng Tiểu Bình. Sau đó, Đặng hoàn thiện học thuyết này bằng “Bốn Hiện đại hóa” trong đó hiện đại hóa quân sự là quan trọng hàng đầu nhằm hiện thực hóa giấc mơ bành trướng của các hoàng đế Trung Quốc. Sau 4 thế hệ lãnh đạo, ĐCS Trung Quốc tại Đại hội 18, chứng kiến sự lên ngôi của một người luôn tôn thờ Đặng, tôn thờ học thuyết “súng đẻ ra chính quyền”, người đó là Tập Cận Bình.
Tập tiếp cận và chịu ảnh hưởng những tư tưởng của Đặng Tiểu Bình hồi làm cán bộ Văn phòng Quân ủy Trung ương (1979 – 1983), giai đoạn đỉnh cao của chiến tranh xâm lược Việt Nam. Lúc này Đặng trực tiếp chỉ đạo Quân ủy hàng ngày. Còn nhớ, Đặng ấp ủ giấc mơ bành trướng đã lâu. Ngay khi được Chu Ân Lai cứu thoát khỏi bàn tay của lũ bốn tên trong Cách mạng văn hóa, ngày 5/1/1974 Đặng được gọi về Trung ương làm Phó Tổng tham mưu trưởng thì ngày 19/1/1974 chính Đặng đã chỉ huy chiến dịch đánh chiếm Hoàng Sa bằng quân sự. Sự táo tợn này khiến ông hoàng Mao cũng phải thốt lên “anh làm, tôi thấy yên tâm’. Tư tưởng bành trướng dùng quân sự được Đặng sau này phát triển lên thành Hiện đại hóa quân sự. Chính việc xâm lược Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa cũng do một tay Đặng toan tính và thực hiện khi còn giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương (lúc này Đặng thôi Tổng Bí thư nhưng vẫn giữ chức Bí thư Quân ủy Trung ương).
Đến thế hệ lãnh đạo thứ 5, Trung Quốc nổi lên là nền kinh tế thứ 2 thế giới. Tập Cận Bình có đủ thời cơ và lực lượng để thực hiện tiếp giấc mơ của các hoàng đế Trung Quốc để lại. Thắng thế tại Đại hội Đảng CS lần thứ 18 (sau khi hạ được phe cánh của Bạc Hy Lai), Tập trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương đã biến cơ quan này thành pháo hạm bất khả xâm phạm, tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay mình nhằm tiếp tục thực hiện những tham vọng bành trướng, bắt cả nước Trung Quốc phải theo và phục vụ mọi phiêu lưu mà pháo hạm hiếu chiến này vẽ ra. Cần lưu ý, ở Trung Quốc, tướng lĩnh quân đội có quyền lực hơn các bộ trưởng và đại biểu quốc hội. Chức vụ cao cấp quan trọng nhất của Trung Quốc không phải là Chủ tịch nước, hoặc Tổng bí thư hay Thủ tướng Quốc vụ viện mà là Bí thư Quân ủy Trung ương. Trên đã nói, Đặng Tiểu Bình thôi Tổng Bí thư nhưng vẫn nắm Bí thư quân ủy. Giang Trạch Dân cũng noi gương Đặng: thôi Tổng Bí thư nhưng vẫn nắm Bí thư Quân ủy.
Trước Đại hội 18, họ Tập xử Bạc Hy Lai, thanh toán các phe phái cản trở trong quân đội. Tập dùng Ban Kiểm tra Trung ương để bắt Từ Tài Hậu (nguyên Phó Bí thư quân Ủy Trung ương). Lệnh bắt khẩn cấp tướng Từ Tài Hậu được thực hiện ngay trong ngày Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp đầu tiên Nhóm cải cách quân đội. Thực chất đây là đòn đánh rằn mặt những người còn có tư tưởng không theo Tập.
Tại đại hội 18, Tập thâu tóm thường trực Bộ Chính trị, chỉ định các nhân vật thân tín vào chức vụ Phó Chủ tịch và ủy viên Quân ủy Trung ương. Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc quyết định không bầu chức vụ Phó Chủ tịch quân ủy và các ủy viên, thay vào đó giao Thường vụ Bộ Chính trị chỉ định theo danh sách do Tập đề xuất. Trước đó, Tập đã thu nhặt nhiều tướng lĩnh diều hâu từ những quân chủng và quân khu, rất hãnh tiến và đang muốn về Trung ương. Tại Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc, Quân ủy Trung Quốc có hai Phó Bí thư mới: Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng. Thủ tướng Quốc vụ viện (thường là Phó Bí thư quân ủy tại các Đại hội trước), đến ĐH này bị gạt ra ngoài.
Quân ủy Trung ương khóa 18.
Bí thư: Tập Cận Bình
Phó Bí thư: Phạm Trường Long (Fan Changlong), Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang)
Ủy viên: Thường Vạn Toàn – Chang Wanquan (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), Phòng Phong Huy – Fang Fenghui (Tổng tham mưu Trưởng), Trương Dương – Zhang Yang (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Triệu Khắc Thạch – Zhao Keshi (Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Trương Hựu Hiệp – Zhang Youxia (Tổng cục Trang bị), Ngô Thắng Lợi – Wu Shengli (Tư lệnh Hải quân, Mã Hiểu Thiên – Ma Xiaotian (Tư lệnh Không quân) Ngụy Phương Hòa – Wei Fenghe (Tư lệnh Tên lửa chiến lược). Họ Tập trở thành thống lĩnh tối cao các lực lượng vũ trang Trung Quốc với quyền lực tuyệt đối và có toàn quyền huy động, sử dụng nguồn lực vô tận từ nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Pháo hạm Quân ủy do Tập thống lĩnh tự bàn bạc và quyết định mọi vấn đề về quân sự và quốc phòng của Trung Quốc mà không cần tham vấn ý kiến của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội hoặc Chính hiệp. Quyền hành tập trung vào tay quân ủy dưới thời Tập còn hơn nhiều lần quyền hành mà Mao giao cho bè lũ 4 tên thời Đại cách mạng Văn hóa Vô sản.
Phạm Trường Long, trước kia làm Tham mưu trưởng quân khu Thẩm Dương sau lên Tư lệnh quân khu Tế Nam. Hứa Kỳ Lượng từng làm Phó tư lệnh Quân chủng không quân sau bị đưa xuống Tư lệnh quân khu Thẩm Dương. Gần đại hội 18 thì được Tập gồng gánh lên trở lại Tư lệnh Không quân và tại ĐH 18 được đưa vào Phó Bí thư quân ủy (trên cả Thường Vạn Toàn – Bộ trưởng Bộ QP). Hai nhân vật này được coi là trung thành tuyệt đối và nhất nhất phụng sự họ Tập thực hiện giấc mơ thu hồi quyền kiểm soát ở khu vực Nam Hải với học thuyết đường 9 đoạn (gồm toàn bộ Biển Đông của Việt Nam) mà họ vừa kịp nâng lên tầm lợi ích cốt lõi – mang tầm vóc quan trọng đối với Trung Quốc ngang Tây Tạng và Đài Loan.
Với tham vọng bành trướng và quyền lực tập trung cao, với nguồn lực dồi dào, Quân ủy Trung ương đã tăng ngay chi phí quốc phòng thêm 12% ngay trong năm 2013 và dự tính sẽ tăng đều từ 10-15% hàng năm nhằm theo đuổi những hoạt động vũ trang mang tính chiến lược mà trên thế giới hiện chỉ Hoa Kỳ mới có đủ tiềm lực thực hiện: đóng thêm 3 tàu sân bay, phát triển mới tên lửa đạn đạo vượt đại châu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, phát triển vũ khí thông minh, phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa, phát triển các loại máy bay tiêm kích, cường kích, do thám tàng hình, không người lái, đầu tư chiến tranh điện tử, chiến tranh không gian, nghiên cứu phát triển thêm các loại vũ khí chiến thuật … Tăng cường khả năng của hải quân: tích hợp bộ binh, không quân, tên lửa vào trong lực lượng hải quân, tiến hành cải cách chế độ chỉ huy, thông tin để có thể ra quyết định nhanh và tức thì.
Tại các cấp cao: quân ủy đến các quân chủng, binh chủng, quân khu, họ Tập chủ trương coi nhẹ chế độ chính ủy nhằm thoát ly sự lãnh đạo của Đảng CS Trung Quốc đối với quân đội. Hoạt động này gần giống sự soán quyền thời Lâm Bưu làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tuy nhiên, việc tập quyền và hình thành một Bộ tư lệnh điều hành chiến tranh với quyền hành tuyệt đối, thoát ly mọi cơ chế kiểm soát nhằm dễ dàng thực hiện mưu đồ bành trướng thì mang đậm dấu ấn bộ máy chiến tranh của Hitler thời y mới lên nắm quyền đầu những năm 1930 tại Đức.
Qua những diễn biến trên, kết hợp với việc củng cố liên minh với Nga gần đây (về quân sự, kinh tế, chính trị), có sự hậu thuẫn của Nga, chắc chắn, thời gian tới Trung Quốc sẽ gia tăng sử dụng các chiến thuật và sách lược leo thang quân sự tại Biển Đông nhằm phục vụ chiến lược của họ là chiếm gọn biển Đông (đường 9 đoạn) và loại trừ mọi ảnh hưởng của Hoa Kỳ cũng như Phương Tây, áp đặt ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước quanh khu vực, sau đó tận dụng vật lực (thậm chí cưỡng ép nhân lực) tại khu vực này phục vụ chiến lược bành trướng ra các khu vực xa hơn. Việc gây sự tại đảo Scarborough hay cắm giàn khoan 981 tại khu vực Hoàng Sa vừa qua chỉ là một vài bước dạo đầu mà họ Tập tiến hành.