Giặc đã vào nhà, lấy gì mà đánh? - Dân Làm Báo

Giặc đã vào nhà, lấy gì mà đánh?


Trung Cộng chỉ đang đi những bước tiếp trong mưu đồ bành trướng xâm lăng của họ.

Không có gì lạ. Biết như vậy, nhưng tin người lính kiểm ngư Việt Nam bị thương và máu dân Việt đã đổ trên Biển Đông vẫn đến như một tiếng sét ngang tai.

Nhà cầm quyền cộng sản trong thế thần phục đàn anh đã kéo cả dân tộc vào thế kẹt của họ, khi Trung Cộng lạnh lùng khinh bỉ dẫm lên cái vương miện 16 chữ vàng 4 tốt mà họ trân trọng đội lên đầu bấy lâu, để ra mặt giết người, cướp nốt những gì Trung Cộng chưa lừa lọc, mua rẻ, lén lút xâm lấn được của Việt Nam.

Giặc đã không những vào nhà mà giết con mình rồi. Dân tộc Việt còn gì trong tay để đánh đuổi chúng?

Chúng ta còn súng đạn, chúng ta còn những lực lượng quân sự?
Chúng ta còn tài năng ngọai giao?
Chúng ta còn thế đứng chính trị?
Chúng ta còn đồng minh?

Điều chắc chắn là Trung Cộng đã tự đặt ra những câu hỏi này về chúng ta từ lâu và đã không bất động mấy chục năm vừa qua trong việc soi mòn mọi khả năng chống đỡ của Việt Nam.

Trung Cộng đã họp hành ký kết biết bao chục, trăm lần với những lãnh tụ đảng Cộng sản mà cũng là những người liên tiếp cầm quyền tại Việt Nam từ 69 năm nay. Thử hỏi đã nắm hoàn toàn nền kinh tế Việt Nam trong tay, đã đặt biết bao trung tâm lớn nhỏ để dân của họ sinh sống rải rác khắp Việt Nam tại những khu vực họ đã mua, thuê, âm thầm chiếm đóng, mà người Việt không có quyền bén mảng tới, họ đang hưởng bao lợi nhuận, tha hồ sai xử không bị chống đối, việc gì nay lại phải lộ ra mặt kẻ cướp ở Biển Đông? 

Còn có gì dễ dàng hơn khi tiếp tục vờ cho Việt Nam hợp tác như mọi "hợp tác về thương mại, khai thác rừng mỏ....." khác? Bao năm nay nhà cầm quyền Việt Nam cấm dân biểu tình, không dám chính thức kết đồng minh với Nhật, với Philippines, với Mỹ, chẳng phải vì họ chỉ mong chờ có bấy nhiêu sao?

Nếu không phải là Trung Cộng cạn tàu ráo máng vì đã chắc chắn nắm dao đằng chuôi? Về thực trạng cũng như về luật pháp quốc tế?

Trung Cộng biết là Việt Nam trong tình thế hiện nay không còn đường nào để "binh" nữa cả. Và cũng để cho đàn em Cộng sản VN một cái tát nẩy lửa cho chừa tội không chịu học bài học rõ ràng khi họ cắt cáp tầu Bình Minh: vẫn còn tìm cách, một mặt nịnh bợ chữ Vàng chữ Tốt, nhưng cù cưa không tuân thủ những điều đã ký kết bán, mà manh tâm đem quốc tế ra doạ để đòi kiếm chác ăn thêm.

Nếu nhà cầm quyền cộng sản VN không bị cột chặt bởi những thỏa thuận đã bán như đất, rừng, mỏ, quyền lợi của Việt Nam, thì những câu tuyên bố còn chút liêm sỉ dân tộc của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuần qua, cả cái chính phủ này đã phải nói và nhất là LÀM từ nhiều năm trước. 

Không phải chỉ có văn bản tán thành chủ quyền và hải phận của Trung Quốc liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa!

Nếu chỉ có nó thì chắc từ lâu các ông lớn đã cãi là 1958 Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam Cộng Hoà, một quốc gia độc lập và có chủ quyền, như bây giờ họ đang làm. Vì đâu phải bây giờ họ mới biết điều này?

Nhưng không phải chỉ có thế.

Tháng giêng năm nay (ngày 18/01/2014), sau 6 tháng chủ tịch nước Trương Tấn Sang mang bản sao bức thư của ông Hồ chí Minh gởi Tổng thống Harry Truman khi xưa mong mỏi "hợp tác đầy đủ" với Hoa Kỳ cho Tổng thống Obama, họ lại vội vàng trịnh trọng khánh thành đền thờ ông Lê Duẩn để không "ai" có thể quên Việt Nam đã đánh Mỹ cho Liên Xô và cho Trung Quốc. Mong đợi bịt mắt ai?

Lãnh đạo một quốc gia mà nói ngang nói dọc, giở những trò ấu trĩ, thì chờ đợi quốc tế coi mình là loại người gì, đối xử với mình ra sao?

Trung Cộng tỏ ngay thái độ khinh khi và ra tay: ngày 1/05/2014 họ cắm dàn khoan HD-981 tại Biển Đông thách thức.

Trước sự tỉnh dậy của dân Việt, và cũng vì chuyện mất Biển Đông rành rành trước mắt quốc tế không thể nào ém nhẹm nói quanh co như chuyện bán đất, bán rừng từ mấy chục năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam ra ngón cuối cùng là để ông Thủ tướng đi tuyên bố. Cương quyết... tuyên bố.

Thế giới đánh giá nguyện vọng và sức lực đạt tới nguyện vọng đó của dân tộc Việt Nam như thế nào?

Trung Cộng có vẻ đánh giá đạo đức và khả năng dân tộc Việt qua con người những cấp lãnh đạo đất nước, nên họ yên bụng là thời điểm đã tới để thôn tính cho xong. Không phải thôn tính đây là xua quân vào chiếm thành chiếm tỉnh, xóa tên Việt Nam khỏi bản đồ. Họ đã có rồi, có sẵn chân tay, họ sẽ chỉ lấy vài vùng họ muốn, rồi cho Việt Nam có tiếng là được tự trị. Từ tình trạng tự trị không chính thức hiện nay, cái mà dân Việt tưởng là độc lập, sẽ bước qua tự trị chính thức.

Nga cũng đánh giá đạo đức và khả năng dân tộc Việt Nam qua chính những người "bạn thân" của họ: những cấp lãnh đạo của Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên Nga đã thông minh đạt được tình trạng tốt nhất cho mình: Mặc dù đã cùng sát cánh với Trung Quốc để thành lập "Tổ chức Hợp tác Thượng Hải" (Shangai Cooperation Organisation SCO), mà một trong những mục đích chính, theo truyền thông tây phương, là để đối trọng với NATO và Hoa Kỳ, Nga vẫn mang đến cho nhà cầm quyền và dân VN niềm tin họ sẽ sát cánh bảo vệ nền độc lập của Việt Nam. Nga đã bán vũ khí tân tiến nhất cho Trung Cộng mà vẫn đem lại sự vui mừng biết ơn của Việt Nam khi Việt Nam đổ hàng chục tỷ Mỹ kim đánh đổi lấy những loại vũ khí kém hơn (và chưa nắm vững cách xử dụng cũng như bảo trì). (*)

Chẳng biết có đúng như một chuyên gia đã lưu ý, hệ thống tàu ngầm, vũ khí... mua của Nga không thể tương ứng với hệ thống của Mỹ nếu một mai "bỗng nhiên" Việt Nam cần sát cánh với những nước dùng hệ thống Mỹ để chống lại Trung Cộng .

Tờ "Nhân dân nhật báo", cơ quan của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc khi tường thuật về SCO năm 2006 đã viết: "tín hiệu đáng chú ý nhất được đưa ra bởi Hội nghị thượng đỉnh là các nước thành viên SCO có khả năng và trách nhiệm để bảo vệ an ninh của khu vực Trung Á, và các nước phương Tây nên rời khỏi Trung Á".

Vậy bây giờ, năm 2014, nếu Mỹ và Âu Châu xen vào việc Trung Cộng bành trướng tại Biển Đông, thì không biết Nga từ Cam Ranh và Ninh Thuận sẽ làm gì? Nga có giữ vị thế đối trọng với Trung Cộng như Việt Nam mong muốn, hay bây giờ đã ngã ngũ trên bàn cờ quốc tế là Nga và Trung Cộng đang có giải pháp tốt đẹp cho cả đôi bên: họ chia phần với nhau?

Mỹ, Âu Châu và các nước dân chủ tại Á Châu, cũng vì lợi ích của chính họ, có thể mong muốn ngoài chính phủ VN có một lực lượng dân tộc nào khả dĩ có tầm vóc để họ "nói chuyện", vì thủ tướng Nguyễn tấn Dũng mới đây vẫn trả lời trong một cuộc phỏng vấn của Hãng tin AP (Mỹ) và Reuters (Anh): "Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác. Đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam. Chúng tôi đã công khai về điều này rất nhiều lần với thế giới."

Thế nhưng không những trong nước không có một sức mạnh đối lập nào với nhà cầm quyền độc đảng độc tài đương thời, mà ở hải ngoại sau 39 năm chống đối cũng chưa thấy một chính phủ lâm thời hay một nhóm đảng nào thực sự hoạt động và được một số người đáng kể ủng hộ. Vậy, thí dụ có muốn chăng nữa, thì Việt Nam còn có ai để Mỹ tin tưởng, chịu làm đồng minh, bàn tính chiến sách chiến lược và sát cánh chống Trung Cộng? 

Chúng ta có còn một dân tộc đoàn kết, một dân trí đủ cao để đối phó với thực trạng đất nước?

Nhắc tới ông thủ tướng Nguyễn tấn Dũng thì phải nghĩ tới hiện tượng phản xạ có điều kiện nơi người Việt Nam.

Phản xạ có điều kiện là một hiện tượng mà Ivan Pavlov, người đoạt giải Nobel sinh lý và y khoa năm 1904 đã quan sát khi làm thí nghiệm với những con chó của mình.

So sánh với những con chó mới sinh hay không được ông ta huấn luyện, Ivan Pavlov thấy chỉ những con chó do mình huấn luyện, uốn nắn lâu dài, mới tiết dịch vị (dịch trong dạ dày) khi phát hiện các tín hiệu báo sự xuất hiện của thức ăn.

Thức ăn là điều mà mọi sinh vật cần để tồn tại, không có ăn là chấm dứt, là chết. Nên xử dụng sức mạnh của thức ăn cho phép ông Pavlov chứng minh dễ dàng là một sự huấn luyện lâu dài sẽ đẩy sinh vật bị huấn luyện vào một trạng thái tùy thuộc sâu tới nỗi trở thành phản xạ. Không còn cần có thức ăn thật, chỉ có vài hình ảnh hay tiếng động quen thuộc là đủ gây trạng thái tin tưởng có thức ăn. 

Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng là người trung thành và luôn luôn cố gắng hoàn thành vai trò đảng CS giao cho ông. Năm 2012 ông đã xác định rõ ràng trước quốc hội "Gần suốt cuộc đời theo Đảng, tôi không chạy, xin hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao". Đảng cũng đã luôn luôn sáng suốt nhìn thấy những bực bõ, chờ đợi của dân chúng, và Thủ tướng Dũng là người của những tuyên bố đúng thời đúng chỗ.

Năm 2006, ông tuyên bố kiên quyết và quyết liệt chống tham những. Nếu không chống được tham nhũng ông sẽ từ chức ngay. Và để chống tham nhũng ông đã thay mặt đảng đưa ra những sách lược Bauxite, Điện hạt Nhân, Vinashin, Vinaline.

Bây giờ, thay mặt đảng, để đáp ứng sự giận dữ đang trào dâng vì máu dân Việt đã đổ tại Biển Đông, không còn cách nào để tiếp tục màn kịch "dĩ hoà vi qúi" mất dần núi, rừng , đất, biển, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có lời tuyên bố hùng dũng không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy hữu nghị viển vông!

Ông Phạm văn Đồng đã chết, nên việc đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy hữu nghị viển vông của ông Đồng bây giờ bị đảng Cộng sản chối bỏ, gạt phắt. Nhưng những người ký những hữu nghị viển vông khác còn sống sờ sờ, Trung Cộng sẽ lần lượt lôi ra, xử thế ra sao bây giờ?

Việt Nam Cộng Hoà có thể cứu nguy để ra khỏi cái phản phúc ngày xưa, nhưng muốn gỡ kịp hoạ rước voi về giày mả tổ ngày nay thì có lẽ ngay cả giải thể đảng Cộng sản tức khắc sợ cũng không đủ để giải quyết vấn đề.

Vấn đề sâu hơn nhiều lắm.

Cơ nguy bị Hán hoá mà không chống cự không phải từ những lời tuyên bố "thùng lon rỗng" của Thủ tướng Dũng, chính cái phản xạ có điều kiện nơi người dân Việt mới trói chân trói tay chúng ta, đặt chúng ta lên bàn mổ chờ ngày bị thọc tiết. 

Chỉ cần chuyên viên tuyên bố Nguyễn Tấn Dũng rung chuông, dùng đúng tín hiệu, là người dân Việt "hồ hởi phấn khởi" (thật chẳng còn chữ nào tả đúng hơn nữa) để lại nhắm mắt tin tưởng, hy vọng, mà không cần nhìn lại, không cần suy nghĩ. Cũng những con người ấy, cũng cái đảng ấy, đã đưa dân tộc đến vực thẩm ngày hôm nay, cớ gì họ bỗng chốc có khả năng đổi khác? Họ đã hứa những gì và họ đã làm được những gì?

"Trạng thái tùy thuộc" sâu đến nỗi đã thành phản xạ. 

Cứ nhìn những cuộc biểu tình Cờ Đỏ tại hải ngoại là nơi nhà cầm quyền Việt Nam không thể cấm đoán. Ấy vậy mà chỉ nghe một câu "khẳng định chắc nịch" là hàng ngàn người đổ ra đường, thay vì biểu dương cho Trung Cộng thấy nhà cầm quyền Việt Nam có bất tài bất lực đi chăng nữa dân tộc Việt sẽ không hèn nhát, thì họ lại nhắn tin cho Trung Cộng, chúng tôi quyết đứng sau lưng chính phủ chúng tôi.

Đứng sau lưng làm gì? Để 25 ngày sau khi Trung Cộng đã ngang nhiên đâm tàu kiểm ngư Việt Nam và cướp chủ quyền Biển Đông mới hùng dũng "xem xét nhiều biện pháp phòng vệ khác nhau, bao gồm các hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế." 

Có chính phủ nào trong vùng Đông nam Á đối diện với mưu đồ bành trướng của Trung Cộng suốt bao năm nay mà ngồi chờ bị đánh rồi mới xem xét những biện pháp phòng vệ không?

Vậy mà nghe được. Vậy mà tôn sùng. Vậy mà phục tùng.

Cũng như thái độ không cần lo, để nhà nước lo, chính là do sự tích cực uốn nắn dân mất hết mọi khả năng suy nghĩ, của nhà nước cộng sản 69 năm qua. 

Làm sao còn đủ sắc bén để nhận diện được 3X, 4S hay T Lú thì cũng chỉ là Đảng? 

Đoàn kết dân tộc là sự kêu gọi thường trực từ nhiều cửa miệng, chính vì ai cũng biết đó là điều Việt Nam cần và Việt Nam không có.

Dân trong nước không được đi biểu tình nên không biểu lộ được ý muốn của họ. Chỉ có thể phỏng đoán là nếu nhà cầm quyền hãi sợ và trấn áp không nương tay thì đa số dân chắc là không theo họ. Nhưng không theo thì muốn và có khả năng làm gì? Một thiểu số trí thức bất đồng ý kiến với chính sách của nhà cầm quyền thì một mặt e ngại một cuộc tranh chấp trong tình hình đất nước đang bị ngoại xâm nhưng một mặt khác họ chỉ nhìn sự thất bại ngày hôm nay là do cái mà họ gọi là sự tha hóa của con người cộng sản. Nghĩa là con người cộng sản khi xưa là tốt là hay. Họ không nhận cái mà họ gọi là tinh thần cách mạng cao cả khi xưa của họ chỉ lả một giấc mơ lý tưởng đặt nhầm chỗ.

Lý thuyết và thực hành đã xa nhau vạn dậm.

Đó là hàng rào ngăn cản sự đoàn kết của mọi thành phần dân tộc trong cuộc chiến chống Trung Cộng.

Vì còn một thiểu số khác, thiểu số của những người Việt đi tỵ nạn, cộng sản đang thành công tại hải ngoại và nhất là đang sống quen tại những quốc gia có dân chủ, thì lẽ dĩ nhiên không bao giờ đồng ý đứng dưới trướng của một nhà cầm quyền độc đảng độc tài cộng sản, dù họ có đang nóng lòng và muốn đóng góp tranh đấu cho dân tộc. Gương của những đảng phái bị ông Hồ chí Minh khi xưa thanh toán, sự biến mất của lực lượng bình phong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ngay sau khi miền Nam bị thôn tính, là những bằng chứng hiển nhiên cho thấy họ có lý.

Cay đắng bao nhiêu thì cũng phải nhận thức sự thất bại của dân tộc Việt trong vấn đề đoàn kết. Cả một dân tộc đằng đẵng 39 năm đã không tách được Dân tộc khỏi đảng Cộng sản, tách vấn đề đoàn kết Dân tộc ra khỏi cái đoàn kết với đảng Cộng sản, thì dĩ nhiên đã không thể có một biểu tượng Tổ quốc chung, như một lá Cờ Tổ Quốc, để tất cả những người Việt có cơ hội đứng với nhau và khẳng định: Không có ý thức hệ ngọai lai nào có thể chia rẽ và ngăn cản những người con của Mẹ Việt Nam cùng chung sức chống giặc ngọai xâm bảo vệ Tổ Quốc 



_____________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo